Vào nội dung chính
PHÁP - NHIẾP ẢNH

Triển lãm ảnh chụp Paris của Willy Ronis

‘‘Paris Ronis’’ là tựa đề tập sách nhiếp ảnh do nhà xuất bản Flammarion phát hành vào mùa xuân 2018. Dày khoảng 130 trang, quyển sách tập hợp các bức ảnh chụp nổi tiếng nhất của Willy Ronis. Tuy không hẹn, nhưng trung tâm văn hóa Pavillon Carré de Baudouin ở Paris quận 20 cũng tổ chức một cuộc triển lãm với nhan đề Paris trong mắt nhà nhiếp ảnh Ronis.

Ảnh chụp Willy Ronis được trưng bày trên hai tầng Pavillon Carré de Baudouin.
Ảnh chụp Willy Ronis được trưng bày trên hai tầng Pavillon Carré de Baudouin. RFI / Tuấn Thảo
Quảng cáo

Cuộc triển lãm hoàn toàn miễn phí diễn ra trong vòng 5 tháng cho tới 29/09/2018. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày được thành lập, Trung tâm Pavillon Carré de Baudouin (tọa lạc trên đường Ménilmontant) đã trưng bày gần 200 tác phẩm, trích từ bộ sưu tập của chính tác giả bao gồm hàng ngàn tấm ảnh, trong đó có nhiều bức ảnh chụp ở quận 20, những góc phố mà sinh thời Willy Ronis (1910-2009) thường lui tới. Bức ảnh xưa nhất từng được chụp vào năm 1926, gần đây hơn là vào năm 2001.

Các tác phẩm trưng bày ở đây khá đa dạng bao gồm cả ảnh chân dung, ảnh chụp phong cảnh, sinh hoạt đường phố và đời sống ở thủ đô Paris. Một góc nhỏ được dành cho bộ ảnh chụp ở vùng Provence (ngôi làng Gordes) nơi mà gia đình ông Ronis từng mua một căn nhà dành cho những kỳ đi nghỉ hè, nơi ông từng thực hiện các bức ảnh chụp nổi tiếng về phụ nữ khỏa thân. Các bức ảnh này được trưng bày trong một gian phòng riêng biệt. Bộ ảnh sưu tập của Willy Ronis được làm giàu thêm nhờ các đoạn phim video tài liệu mà tác giả đã thực hiện lúc ông còn sống, kể từ năm 1986 trở đi.

Còn quyển sách ‘‘Paris Ronis’’ của Flammarion tuy nội dung không phong phú dồi dào, nhưng đã phần nào bổ túc thêm cho cuộc triển lãm. Quyển sách bao gồm các bức chân dung của nhiều nhân vật nổi tiếng, hình ảnh của một Paris qua những gương mặt tiêu biểu chẳng hạn như các nhà văn Boris Vian hay Jean Paul Sartre, ca sĩ Juliette Gréco, dù muốn hay không tên tuổi của họ vẫn gắn liền với góc phố Saint Germain des Prés.

Trong lời mở đầu, quyển sách có ghi chép câu nói của tác giả : theo đó ông không cần thù lao hậu hĩnh mà chỉ cần (một chút tiền cho) mỗi ngày hai bữa ăn, chỉ cần có đầy đủ dụng cụ để chụp hình (máy ảnh và phim) thì chừng đó thôi cũng đủ làm cho ông cảm thấy rất hạnh phúc trong đời. Câu nói ấy cho thấy trong mắt của ông Ronis, nhiếp ảnh không đơn thuần là một công việc, mà còn là một niềm đam mê, động lực thôi thúc sáng tạo, thắp sáng niềm tin nơi cuộc sống.

Quyển sách ‘‘Paris Ronis’’ trong cách đăng các bức ảnh chọn lọc từ năm 1946 cho tới giữa những năm 1980, phản ánh cuộc sống của người dân Paris ngay sau những năm tháng chiến tranh kinh hoàng cho tới giai đoạn ‘‘tân trang’’, thời trung tâm Paris thay đổi diện mạo với nhiều công trình xây cất tại khu phố Les Halles, và sự trỗi dậy của ‘‘nhà máy lọc dầu’’ Beaubourg, Kim tự tháp thủy tinh giữa lòng cung điện Louvre.

Tuy chỉ cách nhau có nửa thế kỷ mà thôi, nhưng những tấm ảnh của Ronis lưu lại vết tích của một Paris của thời trước, thời của những bến xe lửa ở Gare du Nord (nhà ga phương Bắc) ngun ngút khói trắng do xe lửa còn chạy bằng hơi nước (vào đầu những năm 1950), một chiếc xe gỗ do ngựa kéo chầm chậm trong phiên chợ buổi sáng còn ngái ngủ trong sương mù. Các đêm khiêu vũ bình dân ngoài trời vào những dịp lễ hội…

Thế nhưng, những hình ảnh đẹp nhất của Willy Ronis là khi ông chụp những đôi tình nhân, đang quấn quýt bên nhau, họ thủ thỉ thì thầm những lời nói âu yếm bên tai trên cột tháp Bastille, trước mắt họ là phong cảnh lộng lẫy của Paris như thể đang quỳ dưới chân của đôi tình nhân ngự trị toàn thế giới. Một cặp uyên ương bên nhau trên du thuyền Bateaux-Mouches đang ngắm phong cảnh tháp Eiffel và chiếc cầu (BirHakeim). Họ không cần phải hôn nhau say đắm, nhưng trong tư thế của người đàn ông ngã mình tựa lưng vào vòng tay của người vợ, một niềm hạnh phúc an lành vô bờ toát lên từ cái khung cảnh nhẹ nhàng ấy.

Có một điều rất lạ là hầu hết các bức ảnh của Willy Ronis đều là ảnh trắng đen, nhưng lại truyền đạt chuyển tải tới người xem muôn sắc màu rung động, bao cung bậc cảm xúc. Có lẽ cũng vì trong đời, gia đình ông (gốc Do Thái) đã hứng chịu nhiều mất mát thiệt thòi, nhưng những nỗi đau khổ ấy thay vì làm suy sụp tinh thần, lại càng làm cho ông thêm yêu đời.

Ảnh chụp của Willy Ronis hầu như lúc nào cũng có một cách nhìn trìu mến, một ánh mắt ‘‘nhân hậu’’. Tình yêu làm cho nét mặt thêm sáng ngời, nụ cười nở trên khóe mắt, suốt đời Willy Ronis như thể muốn thu vào ống kính những khoảnh khắc ấy, để nắm bắt vầng hào quang sáng ngời, lung linh hạnh phúc tuyệt vời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.