Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nhôm thép : Mỹ mở mặt trận tấn công đồng minh châu Âu

Đăng ngày:

Kể từ ngày 01/06/2018 thép và nhôm của châu Âu bán sang thị trường Mỹ bị đánh thuế theo thứ tự là 25 % và 10 %. Thiệt hại nhỏ cho các nhà sản xuất châu Âu nhưng đòn tấn công thương mại nhắm vào một đồng minh truyền thống là Liên Hiệp Châu Âu đem lại những hậu quả khó lường, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược.

Các sản phẩm kim loại được trữ tại Wolfe and Swickard Machine Company Inc. ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2018.
Các sản phẩm kim loại được trữ tại Wolfe and Swickard Machine Company Inc. ở tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, ngày 10/04/2018. REUTERS/Timothy Aeppel
Quảng cáo

Nguy hiểm trước mắt là kịch bản "chiến tranh thương mại leo thang" với những đòn ăn miếng trả miếng làm phương hại tới tăng trưởng của cả đôi bên và toàn cầu. Nhìn rộng ra hơn, đánh châu Âu và nhiều đồng minh thân thiết khác như Canada, hay Mêhicô và Nhật Bản..., Hoa Kỳ bị cô lập trên bàn cờ thương mại và vô hình chung chính quyền Trump phá vỡ gọng kềm trừng phạt nước Nga.

Rạn nứt giữa Washington với các đồng minh chiến lược ở cả vành đai Thái Bình Dương và Đại Tây Dương vì mậu dịch cũng là một tin vui với Trung Quốc, cho dù trước mắt, Bắc Kinh cũng là nạn nhân của chích sách America First.

Quyết định "sai lệch"

Sau khi đã bắt chẹt được Hàn Quốc phải nhượng bộ trên hồ sơ nhôm và thép, chính quyền Trump "không phân biệt đối xử" với từ Trung Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, từ Canada đến Mêhicô. Sau hơn hai tháng đe dọa, Nhà Trắng thẳng tay áp thuế nhôm và thép bán sang thị trường Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu và Canada và cả Mêhicô lập tức kiện Mỹ ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Bruxelles tố cáo Washington áp dụng chính sách bảo hộ, một quyết định "bất hợp pháp và sai lệch", như ghi nhận của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Giải thích trên đài RFI Pháp ngữ chuyên gia kinh tế Sébastien Jean thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Và Thông Tin Quốc Tế CEPII, Paris, giải thích về tính toán mà ông gọi là sai lệch về mặt kinh tế đó :

"Chính sách thương mại của Donald Trump thiếu hợp lý. Tổng thống Hoa Kỳ xem thâm hụt mậu dịch là một thất bại về kinh tế. Đó là cách nhìn vừa thô thiển vừa sai lệch. Thêm vào đó Trump lại còn tùy cơ ứng biến theo từng trường hợp cá biệt của mối đối tác thương mại, tùy từng mặt hàng ... Chính sách mậu dịch của Hoa Kỳ do vậy không dựa trên một cơ sở nào.

Riêng trong trường hợp liên quan tới nhôm và thép, ông Trump theo đuổi mục đích chính trị nội bộ. Ông muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ với giới công nhân trong ngành luyện kim, số này đã ồ ạt bỏ phiếu cho ông hồi năm 2016. Tính toán đó được đưa ra vài tháng trước khi Hoa Kỳ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ".

Theo thẩm định của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, tính cả về nhôm lẫn thép, một năm Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu chưa đầy 6 tỉ euro sang thị trường Mỹ, tương đương với 1,7 % xuất khẩu của Liên Âu sang Hoa Kỳ.

Tổng kim ngạch trao đổi hai chiều giữa hai bờ Đại Tây Dương năm 2017 lên tới 631 tỉ euro. Cán cân thương mại nghiêng về phía Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Lục Địa Già, đứng trước cả Trung Quốc

Riêng đối với các tập đoàn luyện kim châu Âu, biện pháp áp thuế do chính quyền Trump ban hành là một vố đau. Ông Charles de Lusignan, phát ngôn viên hiệp hội thép châu Âu Eurofer giải thích :

"Đương nhiên là lệnh áp thuế của Mỹ tác động đến hoạt động xuất khẩu thép của châu Âu sang Mỹ. Hàng năm Liên Hiệp Châu Âu xuất khẩu hơn 5 tỉ euro sang Hoa Kỳ. Thêm vào đó là lo ngại ngành luyện kim bị chao đảo, nhất là khi biết rằng lĩnh vực công nghiệp này vừa phục hồi chừng ba năm nay sau khủng hoảng".

Đánh nhầm mục tiêu ?

Tuy nhiên tác động đối với mỗi thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu khác nhau. Trên hồ sơ nhôm và thép, Đức và Ý bị ảnh hưởng nặng hơn Pháp, bởi Berlin và Roma bán nhiều nhôm, thép cho Mỹ hơn Paris.

Điều khiến Liên Hiệp Châu Âu khó hiểu ở đây là mục tiêu mà chính quyền Mỹ nhắm tới là nhôm, thép của Trung Quốc. Bắc Kinh bị cáo buộc trợ giá, tạo nên tình huống sản xuất dư thừa, cạnh tranh bất bình đẳng. Trên hồ sơ này, Washington đang có được đồng minh quan trọng là Bruxelles. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Junker cho rằng tổng thống Trump "nhầm đối thủ" và vượt ra ngoài khuôn khổ đã được Tổ Chức Thương Mại Thế Giới quy định. Cũng ông Junker cho rằng, chính sách thương mại của Nhà Trắng buộc Liên Âu đáp trả bằng cách đánh thuế các mặt hàng của Mỹ được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng. Danh sách này bao gồm từ quần Jean Levi's đến rượu whisky hay xe máy Harley Davidson. Tổng trị giá hàng Mỹ bị châu Âu "phạt" ước tính lên tới 3 tỉ euro.

Sébastien Jean, trung tâm nghiên cứu CEPII nói tới kịch bản "chiến tranh leo thang" :

"Bản chất của các biện pháp trả đũa là không ai biết khi nào sẽ dừng lại. Chỉ biết rằng các đòn ăn miếng trả miếng đẩy thương mại toàn cầu vào một vòng xoáy nguy hiểm. Trả đũa có nghĩa là tấn công vào những điểm nhậy cảm của đối phương. Mà những điểm nhậy cảm đó thường là những lĩnh vực đang hoạt động rất tốt. Sau nhôm thép, Mỹ đang tính tới việc tấn công vào công nghệ xe hơi của châu Âu. Các ngành như công nghiệp thực phẩm và thậm chí là cả hàng hạng sang có thể là những mục tiêu kế tiếp".

Chia để trị

Trả lời trên đài truyền hình France 24 nhà sử học François Durpaire, đại học Cergy Pontoise cho rằng tổng thống Trump tung đòn đánh vào Liên Âu với hy vọng chia để trị hòng giành được một thắng lợi quan trọng với cử tri Mỹ 5 tháng trước bầu cử giữa nhiệm kỳ, Midterm :

"Điều đáng chú ý ở đây là Donald Trump đánh cược trên sự yếu kém của Liên Hiệp Châu Âu. Chúng ta bước vào giai đoạn gọi là "đánh qua, đánh lại". Bruxelles trả đũa, áp thuế vào những mặt hàng Mỹ sản xuất tại những bang mà người dân đã ồ ạt bỏ phiếu ủng hộ ông Trump. Nhưng ở Nhà Trắng, Donald Trump chờ đợi là các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu bị chia rẽ, các biện pháp trả đũa nhắm vào Hoa Kỳ sẽ không đi tới đâu. Như vậy Trump chứng minh với cử tri rằng ông trong thế mạnh. Ông mới là người bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Điều này rất quan trọng, khi biết rằng Hoa Kỳ sắp bầu cử giữa nhiệm kỳ trong một vài tháng nữa".

Pierre Verluise, giám đốc tạp chí trên mạng chuyên về địa chính trịDiploweb.com của Pháp giải thích thêm về nước cờ đầy rủi ro mà chủ nhân Nhà Trắng vừa đi khi tấn công vào các đồng minh truyền thống ở bên này bờ Đại Tây Dương :

"Điều đó hoàn toàn phù hợp với cái nhìn của Donald Trump về Liên Hiệp Châu Âu. Nhìn từ bên ngoài, thì đúng là Liên Âu đang bị chia rẽ. Anh Quốc có trọng lượng tương đương với 14 % GDP của toàn khối thì chuẩn bị ra đi. Dân số của châu Âu đang trên đà lão hóa. Châu Âu ngày càng bị suy yếu trên bàn cờ quốc tế".

Trung Quốc và Nga hưởng lợi

Tuy nhiên trước mắt, dường như Liên Hiệp Châu Âu tạm vượt lên trên những bất đồng nội bộ giữa 28 nước thành viên và từ chối đàm phán tay đôi với Mỹ. Có điều nguy cơ "leo thang" trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và Liên Âu là có thực, khi biết rằng Donald Trump đã ra lệnh mở điều tra về xe hơi của châu Âu xuất khẩu sang Mỹ. Trong lĩnh vực này, một lần nữa Đức lại là nạn nhân gánh chịu hậu quả nặng nhất. Theo thẩm định của viện nghiên cứu kinh tế Đức Ifo, nếu xe hơi châu Âu bị đánh thuế 25 %, người tiêu dùng ở Mỹ phải trả giá đắt thêm 5 tỉ euro khi tậu xe của Đức. Hai hãng xe Pháp là Renault và Peugeot cũng đang trong tâm bão.

Bên cạnh những tính toán thua thiệt ở mức độ vài tỉ đô la giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu trong hai lĩnh vực thép và nhôm, cuộc đọ sức giữa Bruxells và Washington tác động cả đến vế an ninh.

Vẫn chuyên gia về địa chính trị Pierre Verluise, giám đốc tạp chí Diploweb.com, cho rằng Bruxelles trong thế tiến thoái lưỡng nan, vì "bên cạnh vế kinh tế và thương mại còn phải tính đến những nước cờ chiến lược".

Có 22 trong số 28 thành viên của Liên Âu còn là thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO. Nhà Trắng dùng lá bài thương mại để mặc cả vì biết chắc rằng đại gia đình châu Âu ấy không dám "rời Mỹ". Chuyên gia Verluise gián tiếp nêu lên câu hỏi Mỹ có còn xem Liên Hiệp Châu Âu là "đồng minh truyền thống hay không" ?

Trước mắt, chính sách thương mại của tổng thống Trump đang khiến Trung Quốc mừng thầm. Đành rằng Bắc Kinh cũng trong tầm ngắm của chính quyền Washington nhưng tổng thống Trump đang "phá vỡ liên minh phương Tây chống Trung Quốc", tối thiểu là trên hồ sơ nhôm, thép. Thứ hai nữa là kiểu mặc cả con buôn của đương kim tổng thống Hoa Kỳ khiến những đồng minh của Mỹ càng thêm thưa thớt. Sau cùng, hai chuyến công du nước Nga của thủ tướng Đức và tổng thống Pháp gần đây cùng nhằm mục đích lôi kéo Matxcơva trở lại với châu Âu. Những hợp đồng của Pháp ký với các đối tác Nga nhân diễn đàn kinh tế Saint Petersbourg phần nào thể hiện điều đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.