Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Những nghệ nhân giữ gìn di sản tri thức ở Thư Viện Quốc Gia Pháp - BnF

Đăng ngày:

Ở Pháp, nếu có một nơi được ví như ngôi đền lưu giữ kho tàng tri thức văn hóa của Pháp, đó chính là Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France, BnF).

Ảnh minh họa : Một cảnh tại Thư Viện Quốc Gia Pháp . Ảnh ngày 30/11/2016.
Ảnh minh họa : Một cảnh tại Thư Viện Quốc Gia Pháp . Ảnh ngày 30/11/2016. FRANCOIS GUILLOT / AFP
Quảng cáo

Năm 2018 đánh dấu kỷ niêm 30 năm ra đời và 20 năm mở cửa chính thức của công trình Thư Viện Quốc Gia Pháp, còn được quen gọi Thư Viện Quốc Gia François Mitterrand, một trong những thư viện lớn nhất thế giới. Nhân dịp này, RFI giới thiệu công việc bảo tồn và gìn giữ kho tàng trí tuệ lớn nhất nước Pháp.

Ngày Quốc khánh 14/07/1988, như đã thành truyền thống, tổng thống Pháp François Mitterrand phát biểu trên truyền hình với người dân. Ngày hôm đó, ông có một thông báo quan trọng, quyết định cho « quy hoạch và xây dựng một thư viện lớn nhất, hiện đại nhất thế giới… sẽ bao trùm mọi lĩnh vực trí thức, phục vụ tất cả mọi người, sử dụng những công nghệ hiện đại nhất về truyền tải dữ liệu, có thể tra cứu từ xa và liên kết với các thư viện khác của châu Âu ».

Thông báo của tổng thống Mitterrand đã gây bất ngờ cho công chúng cũng như giới chuyên môn, cũng đánh dấu sự ra đời của dự án bảo tồn di sản tri thức đồ sộ nhất của Pháp nằm bên bờ sông Seine, quận 13 của thủ đô Paris : Thư Viện Quốc Gia Pháp.

Một năm sau thông báo trên, tháng 08/1989, thiết kế của kiến trúc sư Dominique Perrault được tổng thống François Mitterrand chính thức phê duyệt sau một cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng của một ban giám khảo quốc tế.

Phải mất 10 năm xây dựng và hoàn thiện, ngày 08/10/1998, dự án khổng lồ Thư Viện Quốc Gia François Mitterrand chính thức mở cửa cho công chúng.

Đó là bốn tòa tháp kính sừng sững cao 22 tầng, mô phỏng hình 4 cuốn sách mở giữa trời. Tổng diện tích sử dụng của công trình là 200.000 m2 với hàng chục km hành lang, giá sách, phòng đọc, tầng hầm.

Bên trong tổ kiến trúc độc đáo đó là cả một thế giới tĩnh lặng, dành phục vụ các nhà nghiên cứu hay những độc giả thuần túy. Cùng lúc thư viện có thể tiếp đón hơn 2.000 người đến đọc và tra cứu. Phục vụ cho họ, có cả một kho tàng gồm 14 triệu ấn phẩm, hàng triệu văn thư viết tay, bản vẽ, phác thảo hay cả các áp phích quảng cáo.

Hoạt động đầu tiên của một ngày làm việc ở Thư Viện Quốc Gia Pháp bắt đầu ở tầng hầm sâu nhất. Từ sáng sớm tinh mơ, thư viện tiếp nhận tất cả các ấn phẩm xuất bản, phát hành trên khắp nước Pháp. Từ các nhật báo, tuần báo, sách, truyện, văn kiện chính thức, công báo của chính phủ cho đến những công văn của các làng xã nhỏ hay áp phích… tất cả đều được gửi về Thư Viện Quốc Gia, việc làm đó được luật pháp bắt buộc và gọi là nộp lưu chiểu.

Mỗi năm, Thư Viện Quốc Gia bổ sung thêm vào kho di sản có từ 5 thế kỷ qua, 400.000 ấn phẩm định kỳ, 60.000 đầu sách. Đó là những tư liệu thực sự quý giá đối với các nhà nghiên cứu, nhà sử học.

Việc lưu trữ đã được giảm tải phần nào khi từ năm 2006, luật của Pháp cho phép nộp lưu chiểu trên internet. Nhưng các ấn phẩm đặc biệt quý hiếm vẫn phải nộp bằng nguyên bản.

Cũng cần nói thêm là hệ thống thư viện Pháp đã được vua Louis 11 cho ra đời từ thế kỷ XV. Việc nộp lưu chiểu đã được vua François Đệ Nhất quy định bắt buộc từ đầu thế kỷ XVI. Nhờ ông mà kho tàng di sản tri thức văn hóa Pháp được tích tụ, lưu giữ, truyền từ đời này sang đời khác cho đến giờ.

Phần trung tâm của lâu đài trí thức BnF không phải là những phòng đọc hay hành lang sách chạy dài hun hút mà là bộ phận bảo quản và phục chế. Ở đây có hơn 250.000 tác phẩm cổ quý hiếm được đặt dưới sự theo dõi, chăm sóc tỉ mỉ thường trực của những nhân viên phục chế, họ là những nghệ nhân thực sự.

Bà Geneviève Guilleminot, phó giám đốc bộ phận Bảo quản Sách hiếm, cho biết :

« Chúng tôi không chỉ phải kiểm tra thường xuyên tác phẩm vẫn còn ở đó, không bị mất mà chúng tôi còn phải kiểm tra tình trạng của sách, ghi vào danh mục tình trạng sách và các công việc phục chế lớn phải làm ».

Danh sách đó mỗi ngày lại dài thêm đối với những người thợ đóng sách và các chuyện gia phục chế làm việc ở tầng hầm của tòa tháp số 2 của thư viện. Bà Béatrice Schrecker, thợ đóng sách :

« Ta thấy rõ là sách rất bụi và được bảo quản không tốt. Cần phải gỡ tất cả các cuốn sách ra để có thể làm sạch bụi, dán lại, sửa chữa. Sau đó, chúng ta phải đóng lại các trang sách ».

Ở bên bàn trước mặt bà, một nhân viên phục chế khác đang nhận một tác phẩm từ thế kỷ XVI. Ông Patrice Ract, phụ trách xưởng phục chế :

« Cuốn sách được bộ phận bảo tồn gửi đến trong tình trạng hư hỏng nặng vì được cất giữ trong điều kiện có thể ẩm thấp đến mức hiện tại côn trùng đã bắt đầu ăn các trang giấy ».

Ở Thư Viện Quốc Gia Pháp, có hơn 200 chuyên gia phục chế như thế. Họ là những nghệ nhân thực sự, hàng ngày vẫn cần mẫn làm nên những điều kỳ diệu từ những việc làm tưởng như đơn điệu : sửa chữa, gia cố, hàn gắn các tác phẩm bị hư hỏng để đem chúng ra tra cứu hay trưng bày.

Bà Isabelle Rollet, phụ trách bộ phận Phục chế :

« Công việc phục chế không phải là làm mới. Phục chế là phải tôn trọng nguyên dạng của đồ vật, tác phẩm, kết hợp được nguyên gốc và khả năng tồn tại của nó với thời gian. Nhưng chúng tôi cũng có những đồ vật gần như là những đồ bảo tàng, những đồ độc nhất cần phải lưu giữ ».

Chẳng hạn như bản thảo viết tay Những người khốn khổ của Victor Hugo, phải mất một năm phục chế. Khi được đưa đến xưởng phục chế, tác phẩm nổi tiếng này đã bị hư hỏng nặng do Victor Hugo đã dùng một loại mực đặc biệt do ông tự pha để viết. Cùng với thời gian, các phản ứng hóa học đã làm mực biến chất, có nguy cơ chữ bay mất. Nhân viên phục chế phải dụng một loại giấy cực mỏng và một loại keo đặc biệt để dán, giữ lại từng con chữ chứa đựng cả linh hồn và lịch sử tác phẩm của đại văn hào.

Bên cạnh khu phục chế từng trang sách, từng dòng chữ như vậy, có một bộ phận khác của BnF khá đặc biệt. Cũng nằm trong các công việc bảo tồn, nhưng lại là tháo ra rồi ráp lại các tác phẩm. Nhiệm vụ của họ là để chuẩn bị các tác phẩm cổ quý hiếm vào dữ liệu số hóa. Ông Jacques Sicre, phụ trách bộ phận :

« Đây là tác phẩm bản thảo cổ được bộ phận bảo tồn yêu cầu chuẩn bị số hóa để công chúng có thể tiếp cận rộng rãi được. Chúng tôi phải gỡ gáy cuốn sách cổ, lấy ra từng trang để có thể scanner một cách chuẩn xác ».

Khi đã được lưu vào dữ liệu số hóa, tác phẩm được đưa trở lại xưởng đóng để trả lại nguyên trạng. Ngay cả khi sách đã được quét scanner đưa lên mạng, tác phẩm vẫn phải được giữ nguyên trạng để có thể tra cứu hay trưng bày.

Từ năm 2008, Thư Viện Quốc Gia Pháp đã bắt đầu thực hiện số hóa sách với tốc độ gần 100.000 tác phẩm mỗi năm. Giờ đây, BnF đã xây dựng được một trong những thư viện mạng lớn nhất thế giới, trang Gallica, ở đó, độc giả ở bất kỳ đâu có thể truy cập miễn phí đủ các loại tài liệu đáp ứng nhu cầu cho mỗi đối tượng.

Mặc dù vậy, phục chế, bảo tồn ở Thư Viện Quốc Gia Pháp vẫn là một nghề làm cho những cuốn sách sống mãi với thời gian. Ở nơi lưu giữ di sản tri thức Pháp, mỗi cuốn sách đều có lịch sử riêng và thêm vào đó một chút lịch sử của những người thợ, những nghệ nhân bảo tồn di sản.

Nhiều thế hệ các nhà phục chế đã kế tiếp nhau làm công việc chăm sóc cho các cuốn sách như vậy. Họ là những người giữ gìn kho báu quốc gia. Mỗi ngày họ làm công việc kháng cự lại thời gian, để mang lại cho những cuốn sách một cuộc sống gần như vĩnh cửu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.