Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - CHÂU

Pháp–Nga: Đánh giá quá cao sức mạnh của Matxcơva là sai lầm

Ý lún sâu trong khủng hoảng chính trị sau khi tân thủ tướng từ chức là tâm điểm thời sự quốc tế của nhiều báo Pháp hôm nay. Nhiều khả năng cử tri Ý phải bầu Quốc Hội sớm, với viễn cảnh các đảng dân túy giành thêm nhiều phiếu bầu. Khủng hoảng chính trị Ý đe dọa tương lai khu vực đồng euro. Trước hết xin giới thiệu chủ đề quan hệ Pháp–Nga đang trong giai đoạn tái định hướng, với bài phân tích của Les Echos về những điều mà Paris cần chú ý để không rơi vào « chiếc bẫy » của Matxcơva.

Tổng thống Pháp Macron (thứ hai từ bên trái) và tổng thống Nga Putin (g) tại Saint Petersbourg, ngày 24/05/2018.
Tổng thống Pháp Macron (thứ hai từ bên trái) và tổng thống Nga Putin (g) tại Saint Petersbourg, ngày 24/05/2018. Sputnik/Mikhail Klimentyev/Kremlin via REUTERS
Quảng cáo

Pháp và Nga tìm cách cải thiện quan hệ với chuyến công du của Emmanuel Macron tới Saint Petersbourg, chuyến đi đầu tiên tổng thống Pháp đến Nga kể từ khi ông nhậm chức. Theo Les Echos, nhiều bất đồng ngoại giao song phương « vẫn còn nguyên » sau cuộc gặp tổng thống Nga Putin, tuy nhiên « hợp tác kinh tế đã được khởi động lại ». Trong chuyến công du của tổng thống Pháp, khoảng 50 doanh nghiệp Pháp đã ký kết hợp đồng làm ăn với Nga (Bài « Kết quả nửa vời của một cuộc thượng đỉnh »).

Bài nhận định của nhà địa chính trị học Dominique Moisi (cố vấn đặc biệt của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp - IFRI), trên Les Echos, với nhan đề « Macron–Putin: Cánh cửa rất hẹp », lưu ý : « Nguy cơ đánh giá thấp nước Nga đã không còn như trước đây », đặc biệt kể từ khi Matxcơva giành được « các thắng lợi ngoại giao và quân sự », ít nhất là trong thời điểm trước mắt tại Syria, để chống lưng cho chế độ độc tài Bachar al-Assad chống lại chính nhân dân mình. Bối cảnh chính trị quốc tế cũng đang thay đổi mạnh mẽ, với nước Mỹ của chính quyền Trump đang gây khó khăn cho con đường tìm kiếm hòa bình tại khu vực Trung Cận Đông, thay vì là một chỗ dựa. Trong bối cảnh này, Paris cần điều chỉnh quan hệ với nước Nga Putin thế nào ?

Pháp và Mỹ vẫn chia sẻ các giá trị chung

Vấn đề chủ yếu đối với tổng thống Pháp, theo Dominique Moisi, là cần có được một « thái độ đúng đắn » với chính quyền Putin, để vừa « bảo vệ được các lợi ích » của nước Pháp, mà không « hy sinh các giá trị nền tảng ». Nhà địa chính trị học Pháp nhấn mạnh đến « nguy cơ đánh giá quá cao sức mạnh của Matxcơva » trong chính giới Pháp. Theo ông, đây cũng là « một sai lầm ». Trên thực tế, nền kinh tế Nga vẫn luôn trong tình trạng bấp bênh, « các căng thẳng chính trị, xã hội » trong nước - bất chấp thành công trong bầu cử của ông Putin – một ngày nào đó sẽ trỗi dậy.

Ông Dominique Moisi khẳng định : điều căn bản là, cho dù « tính cách khó lường đoán » của tổng thống Mỹ cũng như « các quyết định độc đoán » của ông Donald Trump về ngoại giao và thương mại, thì Mỹ và Pháp « vẫn tiếp tục chia sẻ với nhau những giá trị chung ». Trong khi đó, Pháp và Nga bất đồng trên một loạt hồ sơ lớn, từ Ukraina đến Syria. Đối với Matxcơva, tình yêu Dân Tộc, nếu không muốn nói là khát vọng « vinh quang của đế chế Nga » mạnh hơn tình yêu Tự Do.

Hợp tác với Nga nhưng cần cảnh giác

Trong bối cảnh đó, chính phủ Pháp cần hết sức tỉnh táo. Phải thừa nhận rằng các hồ sơ lớn, từ thỏa thuận hạt nhân Iran, đến Ukraina và Syria, không thể giải quyết được nếu không có nước Nga. Cần phải chuẩn bị trước thất bại của Mỹ trong kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine. Paris phải sẵn sàng hợp tác với Matxcơva để hậu thuẫn cho các đàm phán. Tuy nhiên, không thể để Matxcơva lấn tới trong hàng loạt các vấn đề khác, như Ukraina, hay cuộc chiến tin học của Nga chống lại châu Âu, hậu thuẫn cho các lực lượng dân túy châu Âu, hay các hành động tội ác khác như vụ mưu sát cựu điệp viên Skripal. Phải cảnh giác và cứng rắn với Matxcơva, nhưng đồng thời cần hành động « cẩn trọng ».

Thế hệ mới « những người Nga thân Pháp »

Vẫn về quan hệ Pháp- Nga, Les Echos có « bài điều tra », giới thiệu với độc giả về thế hệ người Nga mới gắn bó với văn hóa Pháp, xã hội Pháp. Từ Alexei Venediktov, tổng biên tập tờ báo độc lập nổi tiếng « Tiếng vọng Matxcơva » đến ông Dimitri Peskov, người phát ngôn của tổng thống Nga Putin, đến thượng nghị sĩ Alexei Pouchkov nổi tiếng với các phát biểu « chống phương Tây »… Tất cả đều có một điểm chung là nói tiếng Pháp, hiểu biết văn hóa Pháp, và mong muốn siết chặt quan hệ song phương.

Les Echos điểm lại nhiều hoạt động gần đây làm xích gần hai xã hội dân sự Pháp và Nga, như « đối thoại Trianon », sáng kiến của hai nguyên thủ Pháp-Nga, sau thượng đỉnh tại Versailles năm ngoái. Trong bối cảnh căng thẳng chính trị, với các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, sau vụ Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimée, nhiều người hi vọng « văn hóa là phương tiện tốt nhất » để xây dựng quan hệ giữa hai nước.

Ý : Khủng hoảng chính trị « chưa từng có »

Trở lại với tình hình chính trị Ý, Le Figaro có bài « Ý lún sâu vào khủng hoảng chính trị chưa từng có ». Trước các áp lực của hai đảng dân túy Năm Sao và Liên Đoàn Phương Bắc, để đưa Paolo Savona - một chính trị gia chống đồng euro – vào chức bộ trưởng Kinh Tế, tổng thống Ý đã kiến quyết bác bỏ. Nỗ lực lập chính phủ liên hiệp, sau gần 100 ngày đàm phán, đứng trước ngõ cụt. Tân thủ tướng buộc phải từ chức. Tổng thống Ý đã phó thác cho một kinh tế gia sứ mạng thành lập chính phủ « phi chính trị », để điều hành đất nước trong thời gian chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn vào mùa thu tới.

Les Echos có bài nhận định về Paolo Savona, chính trị gia 81 tuổi, người bị coi là đã làm « đổ vỡ dự án thành lập chính phủ ». Ông Paolo Savona nổi tiếng với tuyên bố coi đồng euro như là « một nhà tù » do nước Đức tạo ra.

Cũng về chính trị Ý, Libération có bài mô tả những nỗ lực trong hậu trường nhằm đạt một thỏa hiệp. Một trong các kịch bản được đưa ra là tách bộ Kinh Tế hùng mạnh ra làm hai, với một bộ chuyên phụ trách các đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu, dự kiến sẽ không giao cho ứng cử viên bài châu Âu Pablo Savona. Tuy nhiên, mọi nỗ lực đều thất bại.

Trả lời Libération, cựu thủ tướng Ý Massimo d’Alema cảnh báo là, nếu bầu cử trước thời hạn, hai đảng dân túy có thể sẽ giành được đến 80% phiếu bầu.

Seoul « làm sống dậy » thượng đỉnh Kim-Trump

Cuộc thượng đỉnh dự kiến giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, với nhiều diễn biến bất ngờ, là chủ đề của Les Echos, với bài « Seoul làm sống lại đối thoại Kim–Trump ».

Theo Les Echos, Hàn Quốc dường như đã đóng vai trò quyết định trong việc làm sống dậy dự án thượng đỉnh, vốn bị tổng thống Mỹ đột ngột đóng lại vào ngày thứ Năm, 24/05. Lãnh đạo hai miền Nam Bắc Triều Tiên đã có cuộc hội kiến trong tại Bàn Môn Điếm, lần thứ hai trong chưa đầy một tháng.

Tối thứ Bảy 26/05, ông Donald Trump gửi đi thông điệp, cho biết mọi việc tiếp tục « tốt đẹp », kế hoạch gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên ngày 12/06, tại Singapore không thay đổi. Theo Les Echos, tổng thống Mỹ giờ đây tin tưởng sẽ có được « một thỏa thuận gây ấn tượng » với Kim Jong Un. Vấn đề là, cho đến nay lập trường giữa hai bên về vấn đề « phi hạt nhân hóa » là hết sức khác biệt. Nếu như tổng thống Hàn Quốc vui mừng vì Donald Trump thay đổi thái độ, ông Moon Jae In không che giấu nỗi lo là các đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ « phức tạp » và « kéo dài ».

Pháp – Đức đạt thỏa thuận đầu tiên về « Liên minh ngân hàng »

Trở lại với châu Âu, thỏa thuận đầu tiên của Pháp và Đức về dự án « Liên minh ngân hàng » được báo kinh tế Les Echos nhiệt liệt đón mừng.

Tối thứ Sáu tuần trước, bộ trưởng Tài Chính Pháp và Đức tổ chức cuộc họp báo tại Bruxelles, để thông báo về kết quả đàm phán kéo dài từ hơn một năm nay, về các quy định chi phối ngành ngân hàng. Theo đó, một quỹ dự phòng rủi ro, mang tên « MREL », do các ngân hàng hùn vốn, được thành lập để hỗ trợ các ngân hàng nào gặp khó khăn, thay vì phải nhờ đến tiền công quỹ.

Theo Les Echos, thỏa thuận nói trên là một thành công « mang tính biểu tượng », đối với nỗ lực hợp tác Pháp-Đức, nhằm củng cố khu vực đồng euro, bởi đây là một thỏa thuận đầu tiên mang tính cụ thể giữa Paris và Berlin, kể từ khi chính phủ liên hiệp của bà Merkel được thành lập. Tuy nhiên, báo kinh tế Pháp cũng dự đoán, để đạt được một lộ trình cho khu vực đồng euro, dự kiến vào tháng 6, Pháp và Đức sẽ phải nỗ lực rất nhiều, đặc biệt trong việc thuyết phục được « các nước phía nam » tìm được đồng thuận với các nước có lập trường cứng rắn, mà tiêu biểu là Hà Lan.

Tổng thống Pháp : « Chân trời xã hội trở nên quang đãng hơn »

Thời sự trong nước là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. « Chân trời xã hội trở nên quang đãng hơn » với tổng thống Pháp sau cuộc biểu tình thưa thớt hôm thứ Bảy là tựa lớn của Les Echos. Đối với chính phủ Pháp, cuộc khủng hoảng của ngành đường sắt SNCF đã kết thúc. Vững tin vào sự ủng hộ của xã hội, tổng thống Macron dường như đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn cải cách tiếp theo.

Báo thiên tả Libération thì chú ý đến cuộc tranh cử cấp thành phố tại Pháp bắt đầu khởi sự, mục tiêu chính của đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) là thủ đô Paris, hiện đang dưới sự lãnh đạo của bà Hidalgo, đảng Xã Hội.

Libération dự báo cuộc đấu không dễ dàng, bởi đô trưởng Paris hiện nay là một chính trị gia có quan điểm độc lập, không phụ thuộc vào bộ máy của đảng Xã Hội. Bà đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng được một bộ phận đông đảo dân chúng Paris hưởng ứng, đặc biệt với các nỗ lực bảo vệ môi trường.

Pháp: Mua xổ số đóng góp trùng tu di sản

Xổ số để phục hồi các di sản văn hóa tại Pháp là chủ đề lớn trang nhất Le Figaro. Cuộc quay xổ số dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/09 tới, ít ngày trước Ngày Di Sản Châu Âu, được hy vọng sẽ mang lại khoảng 15 triệu euro. Số tiền này sẽ được dùng để trùng tu 270 « kiệt tác văn hóa » tiêu biểu ở khắp mọi miền nước Pháp, trong đó có 18 công trình được coi là mang tính biểu tượng. Trả lời phỏng vấn Le Figaro, bộ trưởng Văn Hóa Pháp cho biết, sổ xố trùng tu là một đóng góp quan trọng, bên cạnh các đầu tư Nhà nước, cho khoảng 6.000 công trình hàng năm.

Nhân dịp công bố 18 công trình tiêu biểu sắp được trùng tu, Le Figaro có bài xã luận nhan đề « Của báu của mọi người », nhắc nhở ý nghĩa sâu xa của các di sản, từ lâu đài, nhà nguyện đến các công trình nghệ thuật, nhà ở của danh nhân…. Dù « nổi tiếng » hay « ít được biết đến », tất cả đều như có linh hồn, bởi mọi người Pháp ai mà chẳng có một công trình kiến trúc trong tâm hồn, nuôi dưỡng trí tưởng tượng thời thơ ấu.

Triển lãm Venise : Kiến trúc hướng về không gian mở

Cũng về văn hóa kiến trúc, Le Monde chú ý đến Triển lãm Kiến trúc Venise lần thứ 16, với chủ đề chính là sự bao dung và chủ nghĩa nhân văn. Các biểu ngữ mang chữ « Freespace/Không gian mở » màu đỏ trắng - biểu tượng của Triển lãm, do hai nữ nghệ sĩ Ireland đề xuất – phấp phới khắp thành phố.

Từ 40 năm nay, hai nghệ sĩ Yvonne Farrell và Shelley McNamara đã đầu tư sáng tạo một loại hình kiến trúc mới, dành nhiều sự chú ý cho không gian và ánh sáng, hơn là các hình khối của công trình. « Không gian mở » như một lời mời gọi lòng khoan dung và nhân tính trong mỗi con người, như một gợi ý của giới nghệ sĩ với xã hội Ý, đang bị xu hướng co cụm, khép mình chi phối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.