Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỆN ẢNH

Tình cuối, tình đầu và tác phẩm bí hiểm nhất của Liên Hoan Cannes

Ngày 11 tháng 5 năm 2018 là ngày lễ hội của điện ảnh Pháp tại Cannes. Hai bộ phim Pháp "Plaire, Aimer et Courir Vite" và "Le Livre d’Image" trình làng khán giả. Phim của Christophe Honoré trở lại với thời kỳ « tình yêu thời HIV ». Còn tác phẩm của Jean Luc Godard thực sự là một thách thức với khán giả.

Đoàn làm phim "Plaire, aimer et courir vite" tại cuộc tranh tài Liên Hoan Cannes, Pháp, ngày 10/05/2018.
Đoàn làm phim "Plaire, aimer et courir vite" tại cuộc tranh tài Liên Hoan Cannes, Pháp, ngày 10/05/2018. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

Một năm sau khi trao Giải Thưởng Lớn cho bộ phim 120 Nhịp Đập Mỗi Phút của Robin Campillo, Liên Hoan Cannes 2018 lại dành chỗ đứng cho một tác phẩm với chủ đề tình yêu thời đại HIV : Plaire, Aimer et Courir Vite – tạm dịch là Làm Hài Lòng, Yêu và Chạy Cho Nhanh. Thực sự có thể nói một cách đơn giản là Chistophe Honoré đã đưa lên màn ảnh lớn chuyện « tình cuối, tình đầu ».

Với Jacques, nhà văn mới ngoài ba mươi, bị nhiễm siêu vi HIV gặp và yêu chàng sinh viên trẻ, là mối tình cuối cùng. Còn với Arthur, Jacques là mối tình đầu. Cậu sinh viên từ tỉnh lẻ lên kinh đô ánh sáng lập nghiệp đang tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, và đang định hướng giới tính… Tựa phim như một chương trình hành động, bởi với Jacques, thời gian còn lại chẳng là bao …

Cùng khai thác chung một chủ đề, nhưng phim của Campillo nói lên sự phẫn nộ của những người đồng tính bị nhiễm HIV. Ống kính của Honoré xoáy vào quan hệ dịu dàng và mong manh giữa Jacques và người tình trẻ, xoáy vào sự ham muốn và tình yêu.

Christophe Honoré sinh năm 1970, lớn lên cùng với những năm tháng khi HIV bắt đầu hoành hành. Plaire, Aimer et Courir Vite là bộ phim thứ 11 ông thực hiện. Năm 2002 Christophe Honoré được mời đến Liên Hoan Cannes lần đầu ở hạng mục Un Certain Regard. Từ đó, ông không ngừng sáng tác : nào là viết tiểu thuyết, soạn kịch và cả kịch bản cho phim … Tác phẩm Les Chansons d’Amour của ông được đề cử tranh Cành Cọ Vàng năm 2007. Bốn năm sau, Honoré có trọng trách trình làng một bộ phim đế khép lại lễ hội điện ảnh Cannes 2011.

Bộ phim bí hiểm nhất của Cannes 2018

Cùng ngày Le Livre d’Image - Cuốn sách ảnh của đạo diễn Pháp sống tại Thụy Sĩ, Jean Luc Godard ra mắt khán giả Cannes. Có quá nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra trong buổi họp báo ngày 12/05. Chỉ biết rằng đây là một bộ phim tài liệu với rất nhiều hình ảnh, thực có, hư có, để Godard nói về « thế giới Ả Rập vào thời điểm 2017 ». Nhưng trong tựa phim, tác giả đã cố ý để chữ hình ảnh ở số ít. Cả một cuốn sách chỉ có một hình ảnh không thôi hay sao ? Lời giới thiệu bộ phim cũng bí ẩn không kém với vỏn vẹn một dòng : « Chỉ có sự im lặng, chỉ có một ca khúc cách mạng, một câu chuyện với năm chương, như bàn tay năm ngón ». Teaser của Le Livre d’Image như vừa khiêu khích, vừa thôi thúc trí tò mò và vừa đánh đố người xem, khi tác giả chỉ trưng ra có phần generic … Vài giờ trước khi phim của Godard ra mắt ban giám khảo, không ai biết là tác giả sẽ có mặt ở Cannes hay không.

Chỉ biết rằng ấn bản 2018 của Liên Hoan Cannes đã dành một chỗ đứng riêng biệt vinh danh một trong những cột trụ của trào lưu Sóng Mới, Jean Luc Godard : phim của ông "Pierrot le Fou" được chọn làm áp phích của mùa festival năm nay. Tác phẩm này là sợi chỉ đỏ trong buổi lễ khai mạc hôm đầu tuần. Nhưng Cannes đã bao lần lỡ hẹn với Godard. Biết bao tác phẩm lớn nhất của Godard trong thời kỳ hoàng kim 1960-1968 đã bị bỏ lỡ.

"A bout de souffle" từng đoạt giải thưởng Gấu Bạc Berlin năm 1960 dành cho đạo diễn xuất sắc nhất ; tác phẩm "Pierrot le Fou" được mời dự Liên Hoan Venise, nhưng với Cannes thì vẫn quá xa vời. Hay như Le Mépris, Alphaville, La Chinoise … đều không được Cannes quan tâm. Mãi đến năm 1970 mới được ban tổ chức vớt vát, mời ông tham dự ở hạng mục Hai Tuần Lễ Dành Cho Các Nhà Làm Phim. Ngay cả khi Godard không còn phải chứng minh điều gì về những đóng góp của ông cho điện ảnh, thì Cannes mới mời ông tham dự liên hoan ở hạng mục dành cho « những tài năng có triển vọng ». Phải đợi cho đến năm 1980 trở đi, Jean Luc Godard mới được mời tranh tài ở nhiều hạng mục khác nhau trong 10 lần sau đó. Nhưng dường như quá trễ.

Cannes không thể thiếu Godard nhưng tác giả của "A bout de souffle" thì không cần thảm đỏ của liên hoan này để hiện hữu. Bằng chứng là năm nay đã 87 tuổi, phim của ông vẫn là một sự kiện và vẫn bắt giới yêu điện ảnh phải chăm chú đón chờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.