Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : 170 năm sắc lệnh bãi nô

Đăng ngày:

Ngày 27/04/1848, cách nay tròn 170 năm, chính phủ Pháp, dưới nền Đệ Nhị Cộng Hòa, đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ tại Pháp và các thuộc địa của nước này, « chấm dứt nghịch lý » về sự tồn tại chế độ nô lệ vô nhân đạo tại một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có tuyên ngôn nhân quyền.

Ngôi mộ của Victor Schoelcher tại Paris. Ông là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bãi bỏ chế độ nô lệ ở Pháp.
Ngôi mộ của Victor Schoelcher tại Paris. Ông là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bãi bỏ chế độ nô lệ ở Pháp. JOEL SAGET / AFP
Quảng cáo

Thực ra, năm 1848 không phải là lần đầu tiên chính quyền Pháp ban hành sắc lệnh bãi nô. Trong giai đoạn Cách Mạng Tư Sản Pháp, dựa trên ý tưởng của các dân biểu Dufray và Danton, chính quyền Cách Mạng vào năm 1794 lần đầu tiên ban hành quy định cấm buôn người và bãi bỏ chế độ nô lệ tại Pháp và thuộc địa. Nhưng chỉ sau 8 năm giải phóng nô lệ, tới năm 1802, hoàng đế Napoléon Bonaparte lại khôi phục chế độ nô lệ. Trong suốt gần 50 năm sau đó, nhờ có nhiều chiến dịch chống nạn buôn người, nhiều phong trào đòi bãi nô, dân chúng Pháp dần thống nhất ủng hộ việc giải phóng nô lệ.

Một trong những người đấu tranh mạnh mẽ nhất để bãi bỏ chế độ nô lệ là Victor Schoelcher. Vào năm 1848, trên cương vị chủ tịch Ủy ban chống chế độ nô lệ tại thuộc địa Pháp, Victor Schoelcher, khi đó là thứ trưởng Hải Quân phụ trách thuộc địa Pháp, đã đề xuất và soạn thảo sắc lệnh bãi nô, « đặt dấu chấm hết » cho chế độ kinh tế - xã hội kéo dài suốt hơn 3 thế kỷ mà ông gọi là « tội ác chống nhân loại ».

Sắc lệnh bãi nô 1848 đưa nước Pháp thành một trong những nước đi đầu thế giới về xóa bỏ chế độ nô lệ, chỉ sau Anh Quốc - quốc gia thông qua sắc lệnh bãi nô năm 1833. Các nước sử dụng nhiều nô lệ khác như Mỹ, Brazil, Cuba … ban hành lệnh bãi nô muộn hơn Pháp đến nhiều thập niên.

Dưới thời Đệ Nhị Chế Đế Pháp, Victor Schoelcher bị Hoàng đế Napoléon III lưu đày sang Luân Đôn trong vòng 19 năm. Trở về Paris năm 1870, ông được phong hàm đại tá phụ trách pháo binh của Vệ Binh Quốc Gia trong cuộc chiến Pháp-Phổ. Được bầu làm dân biểu đại diện cho các thuộc địa Pháp, Victor Schoelcher trở thành thượng nghị sĩ « không thể bãi miễn » vào năm 1875.

Thượng nghị sĩ Schoelcher qua đời vào đúng ngày Giáng Sinh 25/12/1893 tại thị trấn Houilles, vùng Yvelines, ngoại ô Paris. Ông yên nghỉ tại nghĩa trang Père Lachaise. Vào năm 1938, nhóm « Tưởng nhớ Victor Schoelcher » đề xuất lên bộ trưởng Thuộc địa, Gaston Monnerville, đưa thi hài Schoelcher về điện Panthéon, vốn là nơi tôn vinh các vĩ nhân Pháp. Bộ trưởng Gaston Monnerville đã đồng ý ngay lập tức. Nhưng sau đó, do Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra khiến tro cốt của Victor Schoelcher không được chuyển về điện Panthéon. Việc này chỉ được tiến hành vào ngày 20/05/1949, với sự hiện diện của tổng thống Pháp Vincent Auriol.

Qu tưởng nh nn nhân ca chếđộ nô l

Ngày 10/05/2001, Thượng viện Pháp thông qua « lut Taubira » thừa nhận buôn người và chế độ nô lệ là « tội ác chống nhân loại ». Pháp trở thành quốc gia đầu tiên công nhận chế độ nô lệ là tội ác chống lại loài người. Từ năm 2001, cứ vào ngày 10/05 hàng năm, các tổng thống Pháp đều kỷ niệm việc xóa bỏ chế độ bãi nô tại vườn hoa Luxembourg.

Năm nay, tổng thống Emmanuel Macron lại chọn đúng ngày 27/04, ngày công bố lệnh xóa bỏ chế độ nô lệ năm 1848 làm ngày tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ. Lễ kỷ niệm diễn ra tại điện Panthéon, nơi tôn vinh các vĩ nhân Pháp và cũng là nơi đặt tro cốt Victor Schoelcher, nhà soạn thảo sắc lệnh 1848, cũng như nhiều nhà tranh đấu chống chế độ nô lệ như Nicolas de Condorcet, cha Grégoire và Félix Eboué …

Nhân dịp này, tổng thống Pháp Emmannuel Macron đã thông báo « Quỹ tưởng nhớ nô lệ » sẽ chính thức đi vào hoạt động từ nay tới cuối năm 2018. Quỹ sẽ do cựu thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault điều hành. Ngày 10/05/2016, nhân lễ kỷ niệm ngày chế độ nô lệ chính thức bị hủy bỏ và cũng là để đánh dấu tròn 15 năm sau khi Pháp chính thức thừa nhận chế độ nô lệ là « một tội ác chống nhân loại », tổng thống François Hollande đã thông báo ý tưởng thành lập « Quỹ tưởng nhớ nô lệ ».

Một năm sau đó, vào ngày 10/05/2017, chỉ ba ngày sau khi ông Macron đắc cử tổng thống Pháp, tổng thống mãn nhiệm François Hollande mong muốn ông Macron tiếp tục truyền tải thông điệp tưởng niệm các nạn nhân của chế độ nô lệ xưa kia.

Gần một năm sau khi lên nắm quyền, tổng thống Emmanuel Macron đã cụ thể hóa quyết định của người tiền nhiệm. Tổ chức tưởng nhớ chế độ nô lệ sẽ đặt trụ sở tại khách sạn Marine, quận 8 Paris, nơi sắc lệnh bãi nô lệ được chính phủ Pháp công bố chính thức vào ngày 27/04/1848. Tổ chức tưởng nhớ các nạn nhân của chế độ nô lệ sẽ được nhà nước Pháp cung cấp nhân lực, tài chính và phương tiện khoa học kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án ở các nước thuộc địa cũ.

Nô l thi hin đại

Trong khi chính quyền Pháp tổ chức kỷ niệm 170 năm ban bố sắc lệnh giải phóng nô lệ tại các thuộc địa, đây là dịp để báo chí Pháp đề cập tới nạn « nô lệ thời hiện đại ». RFI dành ngày ngày 27/04/2018 cho đề tài về nô lệ, với nhiều chương trình có khách mời là các chuyên gia xã hội, bác sĩ tâm lý và cả các nạn nhân đã từng bị bóc lột như các nô lệ.

Ủy ban chống nô lệ thời hiện đại được thành lập năm 1994 với sứ mệnh hỗ trợ các nạn nhân của nạn sử dụng nô lệ thời hiện đại tại Pháp và góp phần chống tệ nạn này trên thế giới nói chung. Trả lời phỏng vấn của RFI, bà Sylvie O’Dy, phó chủ tịch Ủy ban chống nạn nô lệ thời hiện đại, tác giả cuốn sách « Những nô lệ tại Pháp » (NXB Albin Michel), cho biết nô lệ thời hiện đại tồn tại ngay cả ở thủ đô Paris, nhưng thực trạng này không được nhiều người biết tới :

« Đây là một hiện tượng rất khó thống kê. Khi chúng tôi thành lập Ủy ban, chúng tôi nghĩ rằng sẽ chỉ có 3-4 trường hợp một năm. Thế mà kể từ năm 1998, chúng tôi đã phát hiện ra hơn 200 vụ. Nhưng đúng là các nạn nhân bị nhốt kín trong nhà, họ không có giấy tờ, họ không tồn tại trước pháp luật. Chúng tôi nói với nhau rằng có lẽ phải có đến vài ngàn trường hợp như vậy ngay tại vùng Paris. Nhưng chúng tôi không có con số chính xác, vì họ không tồn tại trong mắt cảnh sát, trước pháp luật hay trong mắt những người khác. »

Bà Céline Monceau, phụ trách pháp lý của Ủy ban đấu tranh chống nô lệ thời hiện đại, giải thích về 5 tiêu chí để xác định liệu một người có bị đối xử như nô lệ hay không :

« Đầu tiên là việc tịch thu giấy tờ tùy thân. Không có giấy tờ, nạn nhân không thể đòi các quyền lợi cho mình. Điều thứ hai là việc bắt ép họ làm quá nhiều việc, 15-18 giờ/ngày. Thứ ba là không trả công cho họ, hoặc trả ở mức rất thấp. Thứ tư là việc ép họ sống biệt lập về văn hóa, không cho họ giao tiếp với người thân. Và tiêu chí thứ năm là bắt họ sống và làm việc trong điều kiện tồi tệ không phù hợp với nhân phẩm. »

Theo bà Sylvie O’Dy, 95% nạn nhân là phụ nữ. Đa phần tới từ các nước nghèo ở Bắc Phi hay Trung Phi, một số tới từ các nước châu Á như Sri Lanka, Ấn Độ, Philippines …. Họ tới Pháp với hy vọng có điều kiện sống tốt hơn, kiếm thêm được tiền gửi về cho gia đình. Nhưng họ không bao giờ có thể ngờ ngay tại nước Pháp, họ sẽ phải chịu cảnh sống « như trong ngục tù », cả về thể xác và tinh thần. Phó chủ tịch Ủy ban chống nạn nô lệ thời hiện đại giải thích :

« Họ bị giam cầm trong một hệ thống, vì họ tới Pháp mà không biết gì về đất nước này. Nhìn chung là họ không nói được tiếng Pháp, họ không biết họ có những quyền tối thiểu nào. Khi họ đặt chân tới Pháp, các ông chủ bà chủ của họ tịch thu giấy tờ, hộ chiếu. Họ không còn danh tính. Các ông bà chủ dọa họ : « Cô mà trốn đi, cảnh sát sẽ bắt cô và tống giam cô vào tù ». Rồi thì : « Cô chỉ là một con chó, cô là nô lệ, cô chẳng là cái gì cả ! » Họ rất bất hạnh, họ bị bỏ đói, bị đối xử tàn tệ, bị đánh đập, thậm chí họ còn bị cưỡng hiếp. »

Không hiếm trường hợp sau khi một vụ việc được phanh phui, những người dân trong khu phố đều « ngã ngửa người » khi biết có một nô lệ sống ngay trong căn nhà bên cạnh nhà mình. Điều đáng ngạc nhiên hơn là hiện tượng sử dụng nô lệ không chỉ tồn tại trong giới các nhà ngoại giao nước ngoài vốn được quyền miễn tố trước pháp luật sở tại, mà ở mọi tầng lớp xã hội của Pháp, từ giới nhà giàu cho tới những người có mức sống bình dân, tiểu thương cho tới người hưu trí, không chỉ ở các vùng xa xôi hẻo lánh của nước Pháp mà ở ngay cả Paris, trái tim của đất nước đầu tiên có tuyên ngôn nhân quyền, một trong những nước đầu tiên xóa bỏ chế độ nô lệ, quốc gia đầu tiên công nhận chế độ nô lệ là « tội ác chống nhân loại ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.