Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Liên Hoan Cannes : Thất vọng với « phát súng » đầu tiên

Bộ phim đầu tiên trong hạng mục tranh giải chính thức của Liên Hoan Điện Ảnh Cannes 2018 đã gây thất vọng, trong khi đó, hạng mục La Quinzaine des Réalisateurs ( Hai tuần dành cho các nhà làm phim ) đánh dấu 50 năm thi hành sứ mạng khám phá những tài năng mới, khai mở những chân trời mới. Tường trình của đặc phái viên Thanh Hà từ Liên hoan Cannes.

Thành phần diễn viên phim «Everybody knows». Ảnh 08/05/2018.
Thành phần diễn viên phim «Everybody knows». Ảnh 08/05/2018. REUTERS/Jean-Paul Pelissier
Quảng cáo

06:51

Thanh Hà, Cannes, 09/05/2018.

Everybody Knows của đạo diễn Iran Asghar Farhadi bị chê nhiều hơn khen

Mọi người đã chờ đợi rất nhiều ở xuất chiếu đầu tiên tối 08/05/2018, một ngày trước khi Everybody Knows được công chiếu trên toàn nước Pháp.

Tại Liên hoan Cannes lần thứ 71, ban tổ chức đã phá lệ, hủy toàn bộ các buổi chiếu phim cho báo chí trước khi tác phẩm này ra mắt ban giám khảo. Và phải đợi đến sau lễ khai mạc, tất cả mọi người ở đây mới được xem cùng một lúc bộ phim thứ nhì mà đạo diễn Iran Farhadi quay toàn bộ ở nước ngoài và bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của ông.

Everybody Knows mở ra với hình ảnh một gác chuông nhà thờ, bụi phủ kín, những con chim bồ câu đập cánh tung bay. Hình ảnh đó gợi lên cảnh trong phim Vertigo đã đi vào huyền thoại của Alfred Hitchcock. Kế tới là một đôi tay đeo găng, cắt những bài báo cũ nói về vụ một đứa bé gái bị bắt cóc.

Farhadi ngay từ đầu tạo một bầu không khí hồi hộp, nặng nề, trong lúc mà nhân vật chính là Laura, từ Achentina hân hoan dẫn hai con trở về Tây Ban Nha, về đúng ngôi làng nơi cô sinh ra. Em gái Laura chuẩn bị làm lễ cưới. Laura hạnh phúc gặp lại ông bố già, chị ruột và em gái và cả Paco, người tình cũ.

Vào đúng ngày cưới em gái của Laura, con gái cô là Irene bị bắt cóc. Hung thủ đòi 300.000 euro tiền chuộc. Một món tiền quá lớn đối với những người sống ở làng quê... Tai họa này phơi bày ra một sự thật tưởng chừng được giấu kín, nhưng kỳ tình tất cả mọi dân cư trong ngôi làng nhỏ bé này đều biết.

Cũng từ vụ Irene bị bắt cóc, nẩy sinh những mối nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau giữa anh em, bạn bè và làm lung lay cả tình nghĩa keo sơn vợ chồng … Everybody Knows không đơn thuần là một bộ phim trinh thám.

Dù vậy bộ phim này bị chê nhiều hơn khen vì nhiều điểm. Thứ nhất, đạo diễn Farhadi đã chọn giải pháp dễ dãi với hình ảnh của một ngôi làng ở Tây Ban Nha, với những thửa ruộng nho và nỗi nhọc nhằn của giới tiểu nông. Đó là những hình ảnh đẹp như một tấm bưu thiếp, nhưng không nói lên được điều gì trên phương diện nghệ thuật.

Thứ hai là kịch bản và cách dựng phim của Asghar Farhadi như đi theo một đường thẳng đến mức gây nhàm chán. Là một phim trinh thám, nhưng cái « Điều mà mọi người cùng biết » lại rất dễ đoán và thậm chí người xem còn đoán trước được những gì sẽ xảy ra.

Sau cùng giới yêu điện ảnh chờ đợi rất nhiều ở cô đào Penélope Cruz, nhưng rốt cuộc trong mỗi cảnh quay, Penélope đều diễn một cách cường điệu, thua xa những lần cô cộng tác với đạo diễn Tây Ban Nha, Pedro Almodovar.

Vớt vát lại cả bộ phim, có được hai nam tài tử là Javier Bardem thủ vai Paco và Ricardo Darin đóng vai Alejandro, anh chồng nghiện rượu và bị phá sản của Laura. Cả hai cùng thể hiện một cách tài tình vẻ mệt mỏi, chán chường và nỗi tuyệt vọng của những người đàn ông cảm thấy mình bất lực.

Un Certain Regard- Nhãn Quan Độc Đáo

Un Certain Regard năm nay tròn 40 tuổi. Được lập ra năm 1978, giải thưởng này nhằm giới thiệu và khuyến khích những bộ phim có một sắc thái riêng biệt, ngoài dòng « main stream », những tác phẩm tạo nên « một tiếng nói riêng biệt », góp phần cho điện ảnh thế giới thêm phong phú, như đạo diễn gạo cội Martin Scorsese từng tuyên bố.

Tối nay, chủ tịch ban ban giám khảo Un Certain Regard là nam diễn viên mang hai quốc tịch Porto Rico và Tây Ban Nha, Benicio del Toro sẽ trao một giải thưởng đặc biệt Carrosse d’Or vinh danh 50 năm sự nghiệp của Scorsese.

Tuy nhiên, bộ phim được chọn khai mạc Un Certain Regard năm nay mang tên Donbass, một thành phố ở miền đông Ukraina triền miên đối mặt với hận thù. Tác giả là đạo diễn người Ukraina, Sergei Loznitsa, giải thích vì sao ông thực hiện bộ phim này : « Khi người ta gọi chiến tranh là hòa bình, khi người ta gọi tuyên truyền là sự thật, khi người ta gọi hận thù là tình yêu, thì đây là lúc sự sống bị đẩy vào cõi chết ».

Đó là tất cả những gì thôi thúc nhà làm phim Sergei Loznitsa làm phim về thảm cảnh đang diễn ra trên một phần đất nước Ukraina. Cùng với Donbass, có tổng cộng 20 bộ phim tranh giải. Trong số này có phim của Syria, Achentina, Kazakhstan, Ấn Độ, hay Kenya.

La Quinzaine des Réalisateurs và sứ mạng đi tìm những tài năng mới

Vào lúc Pháp đang bước vào mùa kỷ niệm 50 năm phong trào xã hội Mai 68, thì đây cũng là sinh nhật lần thứ 50 của chương trình La Quinzaine des Réalisateurs ( Hai Tuần Lễ Dành Cho Các Nhà Làm Phim ).

Hạng mục này được xem là « không gian tự do nhất » của Liên Hoan Cannes, và tinh thần đó nẩy sinh vào thời điểm cuối thập niên 1960, khi mà đường phố từ Praha đến Mehico và đương nhiên là Paris đang sôi sục. Đó cũng là thời điểm một làn gió mới đã thổi tới đến màn ảnh lớn từ ở Brazil đến Ý, từ Tiệp Khắc đến Thụy Điển hay Achentina, khi mà các nhà làm phim nhìn những vấn đề chính trị hay xã hội dưới một góc độ mới.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, ý tưởng ban đầu của ban tổ chức vẫn là « chia sẻ những khám phá về các tài năng còn chưa được biết đến, mở ra những chân trời mới và đa dạng ».

Năm nay La Quinzaine đã xem qua 1669 phim ngắn, và 1609 phim dài để cuối cùng chọn ra 20 tác phẩm được trình làng lên ban giám khảo trong vòng kể từ hôm nay. Ở hạng mục này, châu Mỹ Latinh chiếm thế áp đảo với Les Oiseaux de passage của hai đạo diễn Colombia Ciro Guerra và Cristina Gallego hay bộ phim Achentina El motoarrebatador (The Snatch Thief) của Agustin Toscano.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.