Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - IRAN - HẠT NHÂN

Pháp, Đức, Anh ủng hộ ‘‘thỏa thuận mới’’ về hạt nhân Iran

Trước viễn cảnh Washington liên tục đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, ba cường quốc Pháp, Đức, Anh tái khẳng định đây là con đường tốt nhất để ngăn chặn tham vọng vũ khí nguyên tử của Teheran, đồng thời đề xuất một hiệp định mới để đáp ứng các lo ngại của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Anh Theresa May (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel (P) tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, ngày 22/03/2018.
Thủ tướng Anh Theresa May (G), tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và thủ tướng Đức Angela Merkel (P) tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, ngày 22/03/2018. REUTERS/Francois Lenoir
Quảng cáo

Ngày hôm qua, Chủ Nhật 29/04/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May đã có cuộc điện đàm về nhiều hồ sơ quốc tế lớn, trong đó hạt nhân Iran là một chủ đề trọng tâm. AFP, dẫn lại thông cáo của Phủ tổng thống Pháp, nhấn mạnh là thỏa thuận hiện nay với Iran, vốn chỉ đạt được sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao, cần phải được duy trì.

Theo điện Elysée, nhóm E3 (tức Pháp, Đức và Anh) đang có « một nỗ lực kép » trong vấn đề này, cùng với Hoa Kỳ. Đó là một mặt, tiếp tục thuyết phục Hoa Kỳ ở lại trong thỏa thuận hiện có, mặt khác, cần « chuẩn bị ngay từ bây giờ », « một thỏa thuận khung rộng hơn, bao gồm cả giai đoạn 2025 (tức sau khi thỏa thuận 2015 hết hiệu lực), cũng như các lo ngại của Hoa Kỳ và Liên Âu về chương trình đạn đạo của Iran và các xung đột ở Trung Đông ».

Cho đến nay, quan điểm của chính quyền Trump là sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran kể từ ngày 12/05 tới, nếu thỏa thuận này không được sửa đổi, theo hướng cứng rắn hơn với Teheran.

Iran kiên quyết không đàm phán lại

Về phía Iran, sau cuộc điện đàm với tổng thống Pháp, ngày hôm qua, tổng thống Iran Hassan Rohani tái khẳng định Teheran kiên quyết không chấp nhận đàm phán lại thỏa thuận 2015. Thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình từ Teheran :

« Teheran « dứt khoát không thương lượng về thỏa thuận hạt nhân hay bất cứ chủ đề nào khác được đưa ra mượn cớ thỏa thuận này », tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố như trên trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron. Nguyên thủ Iran nói thêm là sau năm 2025, Iran « không chấp nhận bất cứ một ràng buộc nào bên ngoài những cam kết đã có » thể theo luật pháp quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có quan điểm phản đối dữ dội thỏa thuận hạt nhân, được ký kết giữa Teheran và các cường quốc hồi tháng 7/2015, vào ngày 12/05 tới, sẽ phải thông báo có quyết định rút khỏi thỏa thuận này hay không. Rút khỏi thỏa thuận có nghĩa là Washington tái áp dụng các trừng phạt đơn phương với Iran, tạm thời đình chỉ từ khi thỏa thuận có hiệu lực.

Hồi tuần trước, trong chuyến công du Hoa Kỳ cấp Nhà nước, tổng thống Macron đã đưa ra một loạt đề nghị với đồng nhiệm Mỹ nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân. Emmanuel Macron đề xuất một thỏa thuận mới, để gia tăng các ràng buộc đối với chương trình hạt nhân Iran, sau cái mốc 2025, nhưng đồng thời cũng đối với cả chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Teheran và vai trò của Iran, bị lên án là « gây bất ổn » trong khu vực.

Về phần mình, trong những ngày gần đây, chính quyền Iran bác bỏ mọi đàm phán mới về các vấn đề này và mọi giới hạn trong tương lai đối với chương trình hạt nhân ».

Tân lãnh đạo ngoại giao Mỹ lên án Iran « tham vọng thống trị Trung Đông »

Tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến công du Trung Đông, hôm qua, 29/04, cho biết đã có một số tiến bộ trong đàm phán với các đối tác châu Âu về thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng khẳng định là « còn nhiều việc phải làm ». Trọng tâm của chuyến công du Trung Đông của ông Mike Pompeo lần này là tái khẳng định sự hậu thuẫn của Washington đối với hai đồng minh trụ cột Israel và Ả Rập Xê Út, hai đối thủ khu vực của Iran. Tại Tel Aviv, lãnh đạo ngoại giao Mỹ lên án « tham vọng thống trị Trung Đông » của Iran.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.