Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp : Sinh viên chiếm trường, phản đối “lựa chọn đầu vào đại học”

Đăng ngày:

Trường bị chiếm đóng, tiết học bị hủy, kiểm tra giữa kỳ bị hoãn, những dòng chữ ngoằn ngoèo trên tường, từ hành lang cho đến giảng đường, bàn ghế chất đống ngoài sân làm rào chắn... Đây là cách mà nhiều sinh viên của khoảng 15 trường đại học Pháp trút bất bình và phẫn nộ từ đầu cuối 03/2018 để phản đối Luật Định hướng đào tạo và Thành công của Sinh viên (Loi relative à l’orientation et la réussite des étudiants, ORE).

Sinh viên Pháp biểu tình phản đối cải cách đại học của chính phủ trước cổng đại học Sorbonne, Paris, ngày 10/04/2018.
Sinh viên Pháp biểu tình phản đối cải cách đại học của chính phủ trước cổng đại học Sorbonne, Paris, ngày 10/04/2018. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Theo thẩm định ngày 23/04/2018 của bộ Giáo dục Đại học Pháp, tổng tài sản bị thiệt hại lên đến hơn 1 triệu euro. Đại học Paul-Valéry ở Montpellier, đại học Paris 1, chi nhánh Tolbiac, quận 13 Paris, hai vùng « kháng chiến biểu tượng » của phong trào, bị thiệt hại từ 200.000-300.000 euro.

« Ai cũng có quyền được học đại học » là một trong những mục tiêu chính mà các sinh viên bãi khóa bảo vệ, như phát biểu của Agrève Agathe, sinh viên trường Paris 1 - Tolbiac khi trả lời RFI :

« Với tôi, phong trào này không chỉ nhằm phản đối luật về xét tuyển đại học, mà còn là nơi tập hợp để quy tụ mọi cuộc đấu tranh. Việc phong tỏa một khu vực nào đó cho phép thấy rõ hơn những yêu cầu, không chỉ của mỗi giới sinh viên, mà còn của các lĩnh vực công đang lâm nguy.

Vì thế, điều thúc đẩy tôi đến đây, đó là góp phần vào phong trào tập hợp, vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính chính trị. Đây chính là điểm khiến Tolbiac trở thành nơi thú vị để tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe trước việc giới chính trị có vẻ rất kiên quyết trong việc áp dụng chương trình tự do kiểu mới.

Đây cũng là nơi để chúng tôi chuẩn bị bảo vệ quyền lợi của mình, không hẳn chỉ là quyền lợi của sinh viên như tôi, mà còn của những người khác đang sống trong tình trạng bấp bênh ».

Xét tuyển hay tự do vào đại học ?

Vậy tại sao luật Định hướng đào tạo và Thành công của sinh viên (ORE), được Nghị Viện thông qua ngày 15/02/2018, lại bị phản đối ? Trước hết, phải nói là luật mới đã xóa bỏ một quy định bị chỉ trích gay gắt trong mùa tuyển sinh 2017-2018, đó là rút thăm vào các trường đại học và các ngành được chuộng nhất.

Tiếp theo, mọi hồ sơ đăng ký, chọn ngành đại học năm đầu tiên, được thực hiện trên cổng thông tin Parcoursup. Trong trường hợp thiếu chỗ, trường sẽ ưu tiên những ứng viên đáp ứng đầy đủ điều kiện « mong đợi », dựa trên điểm số của học sinh hay danh tiếng của trường cấp 3. Nguyện vọng, động lực của học sinh thường chỉ được xem xét khi cần cân nhắc giữa một số hồ sơ.

Với nhiều người, đây chính là cách chọn đầu vào đại học, một cách lựa chọn mà chính phủ « khôn khéo tránh nêu tên », theo nhận định của giáo sư Claude Garcia, trên trang blog của Le Monde.

Trái với Pháp, Việt Nam áp dụng xét tuyển đại học từ lâu tại và hiện được tiến hành theo nhiều cách : tổ chức thi đại học ; dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ; sử dụng kết quả từ học bạ ; tuyển thẳng học sinh đoạt giải cấp quốc gia và quốc tế ; tuyển thẳng học sinh trường chuyên, trường năng khiếu...

Ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh, giải thích với RFI tiếng Việt về phương pháp xét tuyển này :

« Thông qua kỳ thi tuyển, những bạn nào có điểm số cao thì sẽ được nhận vào. Điều đó là bình thường và đúng với sự sàng lọc để chọn một ngành học mà nhiều người thích và nhiều người lựa chọn.

Những bạn biết được năng lực của mình có thể vào được trường đó hay không thì các bạn đó sẽ đăng ký. Tức là phải lượng vào sức mình, các bạn sẽ đăng ký vào những trường phù hợp. Ví dụ, nói về công nghệ, kỹ thuật chẳng hạn, thông thường một số học sinh giỏi sẽ chọn vào đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, đại học Bách Khoa Hà Nội. Hoặc các ngành về khoa học-công nghệ, họ sẽ vào Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tức là những trường mà họ biết rằng điểm số của họ cao và họ có nhiều cơ hội để thực hiện được khát vọng, ước mơ của mình khi là sinh viên, họ có nhiều cơ hội để khẳng định được mình ».

Thiếu chuẩn bị cơ sở đón thế hệ sinh viên « Baby boom »

Mùa khai giảng 2017, ngành đào tạo đại học Pháp đối mặt với cú sốc dân số thế hệ « Baby boom 2000 » mà theo trung tâm Terra Nova, sẽ còn kéo dài đến năm 2025. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao, trong năm tuyển sinh 2017, bộ Đại Học Pháp áp dụng biện pháp « rút thăm » may rủi, gây bất bình. Chính phủ Pháp cũng bị chỉ trích đã không chuẩn bị để ứng phó với hiện tượng tăng dân số dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng đại học vì các trường đại học là nơi « thu hút phần lớn số lượng sinh viên tăng mỗi năm », theo thẩm định của Terra Nova.

Thực tế này cho thấy có một tấm bằng đại học luôn là cánh cửa dẫn đến nhiều cơ hội trong tương lai và điều này đúng cả ở Pháp lẫn ở Việt Nam. Ông Phạm Tấn Hạ giải thích ý nghĩa của việc trở thành cử nhân ở Việt Nam :

« Quan niệm của người Việt Nam là bao giờ cũng vậy, họ vẫn muốn cho con học đại học. Tại vì nó cũng xuất phát từ nền tảng một xã hội nhìn chung trọng bằng cấp tương đối nhiều. Ví dụ ra xã hội nhìn nhận như vậy, gia đình nhìn nhận như vậy, thì bắt buộc họ cũng phải cho con đi học như vậy.

Có nghĩa là hầu như các gia đình có điều kiện, bất kỳ từ nông thôn đến thành thị, ba mẹ bao giờ cũng mong con mình sẽ vào học trường đại học. Có thể họ nghĩ rằng sau này ra trường, con mình sẽ làm không đúng nghề, nhưng mà họ vẫn mong muốn rằng con mình có một tấm bằng đại học. Có một bằng đại học, đó là kỹ sư, đó là cử nhân, đó là bác sĩ… thì người dân vẫn đi theo một quan điểm như vậy. Mình nghĩ rằng đó là do nếp nghĩ, do quan niệm ».

Trở thành cử nhân bằng mọi giá ?

Một số trường đại học Pháp vẫn cố hết sức mở rộng cửa đón sinh viên vào năm thứ nhất vì họ hiểu rằng kết quả kỳ thi cuối năm sẽ là công cụ lựa chọn vào các ngành « hot ». Những sinh viên không đủ điểm sẽ chuyển sang ngành học khác hoặc sang các trường « xếp hạng 2 ».

Pháp và Việt Nam có chung một thực tế là khá nhiều tân cử nhân chấp nhận làm trái ngành trái nghề hoặc không tìm được việc làm ổn định ngay sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc ra trường rồi làm việc không đúng chuyên môn có còn bị xem nặng hay không ? Ông Phạm Tấn Hạ giải thích :

« Ở Việt Nam, một số bạn ra trường cũng rơi vào trường hợp thất nghiệp hoặc làm những công việc không đúng chuyên môn. Nhưng thực sự, quan điểm của tôi lại khác. Ví dụ ở trường của tôi thuộc về nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, thực sự là để ra trường làm được đúng ngành đào tạo thì cũng hơi khó bởi vì khả năng liên thông, khả năng dịch chuyển giữa khối Nhân văn nhiều hơn so với khối Kỹ thuật.

Như vậy, họ cũng có thể có một nền tảng kiến thức được đào tạo từ trường và họ có thể dịch chuyển và thích nghi với công việc họ đang làm. Cho nên, nếu nói rằng sinh viên làm không đúng nghề cũng khó, bởi vì do có sự liên thông trong đào tạo, sự dịch chuyển nghề nghiệp và khả năng để họ vươn tới những nghề khác cũng rất là rộng. Khi nhìn ra vấn đề, thì mình mới thấy họ làm như vậy cũng đúng với những gì họ được đào tạo tại trường, chứ không hẳn họ làm trái với ngành nghề đào tạo ».

Trở lại với phong trào bãi khóa tại Pháp, các kỳ kiểm tra giữa kỳ và sắp tới là thi kỳ hai năm học 2017-2018 đã bị hoãn lại, với một số trường là « vô thời hạn », một số trường phải tổ chức ở những địa điểm khác hoặc làm bài kiểm tra trực tuyến.

Sinh biểu tình của một số trường còn yêu cầu không cần thi nhưng vẫn được điểm tối thiểu là 10/20 ở Toulouse, thậm chí là điểm tối đa 20/20 ở Nanterre. Tuy nhiên, « sẽ không có kỳ kiểm tra ăn sẵn » như lời cảnh báo cứng rắn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, « Họ phải hiểu được một điều, đó là nếu muốn qua được kỳ thi cuối năm, tốt hơn hết là họ nên ôn tập ». Ngày càng có nhiều sinh viên không bãi khóa cũng lên tiếng phản đối và yêu cầu tôn trọng « quyền được đi học », như khẩu hiệu mà các sinh viên biểu tình vẫn bảo vệ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.