Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Câu lạc bộ PSG gặp khó khăn ở châu Âu, quay sang châu Á

Đăng ngày:

Bị loại sớm khỏi đấu trường châu Âu, Paris Saint Germain vẫn tiếp tục là thế lực thống trị làng bóng Pháp. Nhưng đội bóng giàu có thành Paris đang phải đối mặt với một trận đấu khác ngoài sân cỏ.

Cầu thủ Neymar, ngôi sao của đội bóng PSG. Ảnh ngày 10/01/2018.
Cầu thủ Neymar, ngôi sao của đội bóng PSG. Ảnh ngày 10/01/2018. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

PSG có thể bị Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA phạt vì không tôn trọng luật chơi tài chính chung (Fair-play financier) sau các vụ chuyển nhượng quá cỡ mùa bóng này.

Hôm 20/04/2018, nhiều lãnh đạo của câu lạc bộ trong đó có các phó tổng giám đốc đã phải thân chinh đến trụ sở của UEFA tại Nyon, Thụy Sĩ để giải trình với định chế quản lý bóng đá châu Âu về chuyện chi tiêu của câu lạc bộ. Họ đã ra về sau khoảng 2 giờ làm việc với bộ phận kiểm soát tài chính. Theo phát ngôn viên của UEFA, quyết định liên quan đế PSG sẽ được công bố vào đầu tháng 6.

Câu lạc bộ Paris, trong tay các ông chủ Qatar giàu có, từ tháng 9 năm ngoái đã nằm trong tầm ngắm của một cuộc điều tra chính thức do cơ quan phụ trách theo dõi luật tài chính của bóng đá châu Âu khởi xướng.

Luật chơi về tài chính Fair-play financier đã được triển khai áp dụng từ đầu những năm 2010 nhằm buộc các câu lạc bộ bóng đá tham gia các giải hạng nhất quốc gia và giải châu Âu không được phép tiêu nhiều hơn những gì họ thu cũng như không được phép để thâm hụt ngân sách trên 30 triệu euro trong 3 mùa bóng.

Vậy nhưng Paris Saint Germain trong mùa hè trước đã thực hiện thương vụ chuyển nhượng khổng lồ, chi ra hơn 400 triệu euro để kéo về ngôi sao Brazil Neymar với giá 222 triệu euro và tiền đạo người Pháp Kylian Mbappé với giá trên 180 triệu euro. Để bảo đảm thực hiện các thương vụ kỷ lục này, các chuyên gia tài chính của PSG đã cố gắng tìm cách lách luật bằng các thao tác khéo léo tránh khỏi phạm vi của vụ chuyển nhượng đơn thuần.

Như Neymar được ứng tiền để phá hợp đồng với Barça sau đó đầu quân cho PSG theo hợp đồng ký mới. Còn Mbappé được mượn của Monaco sẽ thanh toán sau.

Tất nhiên các nhà giám sát chi tiêu của UEFA không bao giờ tin đó không phải là các vụ chuyển nhượng thực sự.

Ngoài ra các chuyên gia tài chính của UEFA nhận thấy các hợp đồng PSG ký với các đối tác thì vẫn cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Thí dụ đó là những hợp đồng ký với các công ty, các tổ chức có quan hệ gần gũi với các cổ đông, như chính phủ Qatar, công ty viễn thông Qatar, Ooredoo, hay Ngân Hàng Quốc gia Qatar (QNB)… những thương hiệu ta vẫn thấy xuất hiện trên áo thi đấu của các cầu thủ PSG.

Theo báo Financial Times, UEFA đang mở điều tra về nhiều công ty và tổ chức của Qatar để thẩm định lại các hợp đồng đã ký với PSG.

Các hợp đồng như vậy bị nghi ngờ là cách để đổ tiền cho PSG nhằm cân đối với các thu chi của câu lạc bộ.

Trong khi chờ đợi kết luận của định chế quản lý bóng đá châu Âu, có thể nói đây là hiện tượng tái phạm. Năm 2014 PSG đã bị phạt vì các hợp đồng với cơ quan du lịch Qatar bị UEFA kết luận quá cao so với giá trị thực tế.

Ngoài khía cạnh tài chính, hệ quả về thể thao đối với câu lạc bộ Paris có thể còn rất nặng. Chuyên gia kinh tế Pierre Riondeau, giáo sư Trường Quản trị Thể thao (Sport Management School) giải thích : « án phạt có thể dẫn tới việc PSG bị loại khỏi các giải đấu châu Âu trong một hoặc vài ba mùa bóng. Đó sẽ là tai họa không chỉ ở vấn đề tài chính của đội bóng thủ đô Paris mà còn là tai họa cho chính sách ngoại giao thể thao, chính sách truyền thông của Qatar, quốc gia đang cố gắng biến PSG thành một thương hiệu quốc tế nổi tiếng khắp thế giới. Không được tham dự giải Champions League sẽ là một mất mát mang tính biểu tượng cũng như về truyền thống cực kỳ lớn » với Paris Saint Germain.

Bên cạnh đó còn có thể là những án phạt như cấm tuyển dụng cầu thủ mới. Nếu việc này diễn ra thì đó sẽ là thành công của các ông lớn trong làng bóng châu Âu như Bayern Munich, Real Madrid hay Barcelona. Các câu lạc bộ này lâu nay vẫn không thể chấp nhận sự xuất hiện của những kẻ « mới giầu » như PSG. Mối ganh tị này đổ vào đầu Paris Saint Germain nhiều hơn là với Manchester City, câu lạc bộ của làng bóng Anh, cũng nằm trong tay các ông chủ dầu mỏ nhưng của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Các ông lớn của làng bóng châu Âu muốn hạn chế đà bành trướng và ảnh hưởng của Qatar trên các sân cỏ châu Âu.

Hướng về châu Á, Trung Quốc mục tiêu hàng đầu

Để trở thành một thế lực lớn của bóng đá mà không mang tiếng là mới giàu, Paris Saint Germain đang thực thi chiến lược đi tìm ánh sáng ở phương trời mới. Sau nhiều chuyến lưu đấu mùa hè ở Mỹ, sắp tới Paris hướng sang châu Á với nhiều trận đấu tại Trung Quốc và Singapore.

Chiến lược chinh phục Trung Quốc đã bắt đầu với việc khai trương rầm rộ một khu giải trí, bán hàng riêng của PSG trong siêu thị tại Thượng Hải hôm thứ Sáu 20/04/2018. Phóng sự của đài truyền hình France 24 tại Thượng Hải:

Các fan cuồng nhiệt đầy phấn khích, cả một rừng ống kính … đó là không khí của ngày Paris Saint Germain mở cuộc chinh phục Trung Quốc.

Tại Thượng Hải, có cả một không gian 100% dành riêng cho nhà vô địch bóng đá Pháp. Một người hâm mộ tại chỗ cho biết :

« Tôi rất vui có được nơi như thế này. Có cửa hiệu, có cả sân để chơi bóng và ngày có trận đấu của PSG chúng tôi có thể đến đây ăn tối và xem ».

5 sân bóng mini, một cửa hàng chính thức, không gian của Paris Saint Germain chiếm gần 2000 m2 trong một trung tâm thương mại giữa Thượng Hải. Đó cũng là cơ sở đầu tiên của câu lạc bộ tại Trung Quốc.

Cựu cầu thủ của PSG người Brazil, Maxwell cũng có mặt tại Thượng Hải để chỉ đạo chiến dịch quyến rũ công chúng Trung Quốc.

« Chúng tôi rất vui khi có mặt tại đây để được tiếp cận người hâm mộ, cổ động viên ở Trung Quốc ».

Phát triển sự hiện diện tại châu Á mà chủ yếu là cắm chân vào thị trường bóng đá Trung Quốc. Đó chính là mục tiêu số một của Paris Saint Germain trên phạm vị quốc tế. Cách đây một tháng, câu lạc bộ Pháp đã ký một hợp đồng đối tác lịch sử trị giá 20 triệu euro với một công ty tiếp thị lớn của Trung Quốc.

Julien Simon – Giám đốc công nghệ thể thao của Desport :

« Chúng tôi tập trung làm việc rất nhiều vào khía cạnh hình ảnh. Chúng tôi sẽ phát triển thực sự thị trường Trung Quốc và để công chúng làm quen hình ảnh của PSG và triết lý phát triển của họ ».

Lý do là Paris Saint Germain đang chậm chân trong các cuộc cạnh tranh chính với bóng đá châu Âu. Các câu lạc bộ Anh hay Tây Ban Nha đều đã hiện diện ở Trung Quốc từ lâu nay. Nhưng theo lãnh đạo câu lạc bộ thành Paris, sẽ không có gì khó khăn để xóa đi khoảng cách này.

Ông Sébatien Wasels – Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của PSG cho biết :

« Chúng tôi là câu lạc bộ duy nhất có tên Paris trong phù hiệu của mình với biểu tượng tháp Eiffel. Paris luôn có sức cuốn hút rất mạnh người Trung Quốc. Các đội khác có đi trước chúng tôi một chút nhưng chúng tôi sẽ làm việc cật lực và tiến nhanh để bắt kịp ».

Tháng 8 tới PSG sẽ tới Trung Quốc để thi đấu tranh siêu Cúp nước Pháp. Đó sẽ là dịp để kiểm chứng tình yêu của người hâm mộ Trung Quốc với câu lạc bộ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.