Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Khi Pháp trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho "nhầm" người

Đăng ngày:

Tổng thống Syria Bachar Al Assad được tổng thống Pháp Jacques Chirac trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh tháng 06/2001, khi đó ông được cho là niềm hy vọng làm thay đổi Syria. Mười bẩy năm sau, tổng thống Emmanuel Macron quyết định tiến hành thủ tục tước danh hiệu này.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac (P) trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho tổng thống Syria Bachar Al Assad (T) tại điện Elysée, năm 2001. Ảnh chụp màn hình từ filiu.blog.lemonde.fr
Tổng thống Pháp Jacques Chirac (P) trao huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh cho tổng thống Syria Bachar Al Assad (T) tại điện Elysée, năm 2001. Ảnh chụp màn hình từ filiu.blog.lemonde.fr RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Ngày 19/04/2018, bốn ngày sau thông báo từ phía Pháp, tổng thống Syria đã trả lại Pháp huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, thông qua sứ quán Rumani ở Damas, vì « ông thấy không còn vinh dự đeo huân chương do một chế độ nô lệ của Hoa Kỳ và yểm trợ khủng bố trao tặng », theo thông cáo của phủ tổng thống Syria.

Trước đó, tại Pháp, một bản kiến nghị tước huân chương Băc Đẩu Bội Tinh của Bachar Al Assad đã được gửi lên tổng thống Macron. Giải thích với đài France 3 (16/04/2018), giáo sư Jean-Pierre Filiu, đại học Sciences Po (Khoa học Chính trị), một trong những người ký tên kiến nghị, cho rằng sau bẩy năm nội chiến Syria, tổng thống Syria trở thành một nhà độc tài, sát hại thường dân và không còn xứng được mang danh hiệu cao quý nhất của Pháp :

« Trước hết phải nhắc đến danh dự của nước Pháp. Người ta không thể hình dung ra được là một tên đao phủ, một kẻ chuyên chế, bạo chúa mà nước Pháp phải huy động lực lượng quân sự đến tấn công cách đây vài ngày, lại vẫn có thể tiếp tục mang biểu tượng Bắc Đẩu Bội Tinh, dù chỉ mang ý nghĩa biểu tượng ».

Nhìn từ nước ngoài,huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh rất được trân trọng và là một vinh dự. Tuy nhiên, dường như điện Elysée đã nhiều lần trao Bắc Đẩu Bội Tinh cho nhầm người, theo kênh France 2 (17/04/2018), như cho ba nhà độc tài, Benito Mussolini của Ý, tướng Franco của Tây Ban Nha và nhà lãnh đạo Nicolae Ceausescu của Rumani.

Ngoài ra, phải kể đến cựu tổng thống Ben Ali cầm quyền tại Tunisia trong suốt 24 năm và bị truất quyền trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Chính tổng thống François Mitterrand là người trao huân chương danh giá của Pháp cho nhà lãnh đạo này vào năm 1989. Sau người cha Omar Bongo, đến lượt con trai Ali Bongo 9 năm cầm quyền tại Gabon cũng được tổng thống Nicolas Sarkozy trao danh hiệu này vào năm 2010.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng được tổng thống Jacques Chirac tặng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh vào năm 2006 và chỉ có truyền hình Nga đưa tin sự kiện. Còn tổ chức Phóng viên Không biên giới tại Pháp cho đó là « điều lăng nhục đối với những người đấu tranh tại Nga vì tự do báo chí và dân chủ cho nước họ ».

Seoul « khó thở » vì ô nhiễm không khí

Không chỉ Bắc Kinh thường có báo động đỏ về mức độ ô nhiễm môi trường, Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, cũng đang phải đối mặt với không khí độc đến mức nhiều trường học phải dựng « phòng thể thao ảo » để thay thế hoạt động ngoài trời.

Theo thông tín viên RFI Frédéric Ojardias tại Seoul, đó thường là một căn phòng rộng, được trang bị rất nhiều camera chiếu hình ảnh lên tường. Thay vì sút bóng vào các chướng ngại vật thật, học sinh trường tiểu học Banghak ở Seoul sút vào các mục tiêu được chiếu trên tường :

« Ý tưởng này được đưa ra nhằm thay thế hoạt động thể thao ngoài trời khi lượng hạt bụi nhỏ có quá nhiều trong không khí và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Theo bộ Thể Thao Hàn Quốc, những thiết bị này đã được thử nghiệm tại 10 trường và cho đến cuối năm nay, 178 trường sẽ được trang bị như vậy với tổng chi phí là 5 triệu euro.

Ngày 18/04/2018, Sở Giáo dục Seoul hứa lắp máy lọc không khí ở mỗi nhà trẻ, trường cấp hai và cấp ba ở thủ đô từ nay đến năm 2020. Lời hứa này cũng cho thấy rõ lo lắng của người dân vì tình trạng ô nhiễm đạt đỉnh từ nhiều tuần nay. Ô nhiễm không khí trở thành vấn đề trọng tâm trong kỳ bầu cử thành phố vào tháng Sáu tới đây ».

Người dân Seoul giờ phải sống chung với ô nhiễm. Mỗi buổi sáng, các bậc phụ huynh kiểm tra mức độ ô nhiễm để quyết định cho con chơi ngoài trời hay không. Khẩu trang bịt mặt không còn gì là xa lạ trên đường phố Seoul và « bán chạy như tôm tươi » cùng với máy lọc khí. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này ? Thông tín viên Frédéric Ojardias giải thích :

« Các phân tử gây ung thư chủ yếu là do các nhà máy nhiệt điện và xe hơi phát thải. Một phần của tình trạng ô nhiễm này còn do các khu công nghiệp ở Trung Quốc và thổi sang Hàn Quốc khi gió đổi chiều.

Nhưng chính Hàn Quốc cũng phát thải một phần lớn hạt bụi nhỏ gây ô nhiễm. Chính phủ bị chỉ trích rất nhiều vì dự án xây ít nhất chín nhà máy nhiệt điện mới. Nhiều nhà quan sát phẫn nộ, không ngần ngại so sánh « tình trạng ô nhiễm còn nghiêm trọng hơn cả mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên », theo xã luận của nhật báo Joongang, đồng thời lên án chính phủ trốn tránh việc tìm ra giải pháp triệt để về vấn đề này.

Ý tưởng lập các phòng thể thao ảo và máy lọc không khí trong trường học thực ra chỉ là một giải pháp tạm thời vì các thiết bị này ngốn điện và như vậy lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề ! »

Hà Lan muốn từ bỏ hình ảnh « Thiên đường cần sa »

Phải chăng Hà Lan đang muốn từ bỏ danh hiệu « thiên đường hút cỏ » ? Sau nhiều thập kỷ khoan dung, Hà Lan dần xem lại quyết định cho phép tiêu thụ ma túy nhẹ. Trường hợp mới nhất là thành phố La Haye (The Hague), nơi có trụ sở của chính phủ, đã quyết định cấm tiêu thụ các loại chất gây nghiện ở nhiều khu phố.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet giải thích :

« Kể từ giờ là chính thức, tòa thị chính La Haye đã quyết định áp dụng lệnh cấm hút cần sa ở 13 khu phố, gần như chiếm một nửa diện tích thành phố. Trong danh sách những nơi có liên quan theo nghị định của thị chính có khu trung tâm Binnehof, nơi có trụ sở chính phủ, Thượng Viện và Hà Viện, tiếp theo là khu vực quanh nhà ga trung tâm và một số nơi công cộng như Zuiderpark.

Ngoài cấm hút cần sa, trước đó, uống rượu tại nơi công cộng cũng đã bị cấm ở những khu vực này. Nguyên nhân dẫn đến nghị định trên là những lời phàn nàn của người dân vì khói cần sa và tiếng ồn vào ban đêm ».

Để áp dụng chặt chẽ lệnh cấm, trong hai tuần đầu, cảnh sát chỉ nhắc nhở người vi phạm. Tờ rơi được phân phát ở các tiệm cà phê (coffee shop), nơi vẫn được phép bán và tiêu thụ cần sa, và tại các khách sạn trong thành phố. Sau đó, cảnh sát sẽ kiểm tra thường xuyên hơn. Người bị bắt quả tang vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt khá nặng. Đây là một quyết định cắt đứt với chính sách khoan dung từ hơn 40 năm qua tại Hà Lan :

« Chính sách khoan hồng (gedoogbeleid) được ban hành năm 1976. Nhưng phải nhắc lại là mục đích chính thức là hạn chế việc tiêu thụ các loại ma túy nhẹ. Dù chính phủ Hà Lan đánh thuế bán cần sa, nhưng điều kiện hoạt động được quy định rất chặt chẽ, ví dụ cấm bán hơn 5 gam « cỏ » cho cùng một người trong một ngày.

Cuối cùng, lệnh cấm một phần này thực ra không hẳn là mới và phù hợp với xu hướng chung của chính quyền là giảm bớt số « coffee shop » trên đất nước : hiện có 573 tiệm, ít hơn 300 tiệm so với cách đây 20 năm. Để ngăn tình trạng du lịch ma túy, Hà Lan đã cấm bán cần sa cho những người không thường trú tại đây và lệnh này được áp dụng ở các tỉnh biên giới với Bỉ.

Nhiều thành phố như Rosendaël hoặc Bergen-op-Zoom cũng đã đóng cửa tất cả các các « coffee shop ». Ở La Haye cũng như Rotterdam, hiện cũng có nhiều khu vực không cần sa xung quanh các trường học. Người ta cũng thấy nhiều biển cấm hút cần sa và uống rượu tại nhiều con phố ở Amsterdam ».

Áo : Dữ liệu cá nhân nằm trong tầm ngắm

Đời tư của người dân Áo sử dụng Facebook có nguy cơ bị « xoi mói » thêm lần nữa vì một dự thảo luật cho phép truy cập dữ liệu cá nhân được chính phủ đưa ra thảo luận ngày 16/04/2018 tại Nghị Viện. Nếu được thông qua, luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Tuy nhiên, rất nhiều hiệp hội bảo vệ dữ liệu tỏ ra lo lắng và chỉ trích mạnh mẽ vì luật mới sẽ cho phép các cơ quan nghiên cứu truy cập thông tin của người dân, dù là vô danh, được lưu trong hệ thống tin học, như dữ liệu về hồ sơ y tế của họ gồm báo cáo điều trị hoặc đơn thuốc.

Thông tín viên RFI Isaure Hiace giải thích từ Vienna :

« Một số tổ chức phi chính phủ cho rằng khó bảo đảm được hoàn toàn tính vô danh khi thu thập được một khối lượng lớn dữ liệu. Nói rõ hơn, dữ liệu càng nhiều thì càng dễ tiếp cận được một cá nhân thật. Tuy nhiên, những lời chỉ trích tập trung nhiều nhất vào câu hỏi : Ai sẽ được quyền truy cập những dữ liệu này ?

Dự thảo luật xác định một phạm vi rất rộng các tổ chức nghiên cứu có thể được sử dụng những dữ liệu này : từ các trường đại học đến các ban nghiên cứu của các tập đoàn công nghiệp. Tất cả lại không có cùng lợi ích. Trên Twitter, các hiệp hội đã báo động đến người dùng internet. Đúng là nếu không có những hiệp hội này, dự thảo luật này sẽ không được chú ý ».

Dự thảo luật trên lại được đưa ra thảo luận tại Áo vào đúng lúc Facebook đang đối đầu với tai tiếng dữ liệu của vài triệu người sử dụng bị khai thác bất hợp pháp.

« Đúng vậy. Chính vì thế, người dân Áo lại càng nghi ngờ về việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Và điều này cũng giải thích tại sao dự thảo luật của chính phủ không được ủng hộ. Hội luật gia Max Schrems nổi tiếng thế giới của Áo, trên Twitter, cho rằng dự thảo luật trên không phù hợp với pháp chế châu Âu. Còn đảng tự do NEOS chỉ trích « dự luật mơ hồ và thiếu rõ ràng ». Thậm chí, ngay cả Hiệp Hội Bác sĩ Áo cũng lên tiếng phản đối dự luật. Tiếng nói cuối cùng giờ thuộc vào các nghị sĩ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.