Vào nội dung chính
PHÁP - SYRIA - LHQ

Syria: Sau răn đe, Pháp muốn thúc đẩy đàm phán ngoại giao tại LHQ

Chỉ một ngày sau trận oanh kích phối hợp với Anh và Mỹ sáng 14/04/2018, Pháp muốn nối lại con đường ngoại giao để « đi đến khả năng giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng Syria », theo phát biểu trên đài truyền hình TF1 ngày 15/04/2018 của ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian.

Hội Đồng Bảo An họp ngày 14/08/2018, bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga lên án vụ tấn công Syria.
Hội Đồng Bảo An họp ngày 14/08/2018, bác bỏ dự thảo nghị quyết của Nga lên án vụ tấn công Syria. REUTERS/Eduardo Munoz
Quảng cáo

Thứ Hai 16/04, Pháp sẽ đề xuất một dự thảo nghị quyết mới tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích từ New York :

« Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc François Delattre, trong một phiên họp khẩn của Hội Đồng Bảo An ngày 14/04 sau loạt tấn công, khẳng định rằng một văn kiện đang được soạn thảo.

Lập trường của Paris khá rõ ràng : Đó là chứng tỏ rằng loạt oanh kích không phải là cuộc tấn công quân sự ở Syria mà là một dấu hiệu cứng rắn, nhưng sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự tái đầu tư trên phương diện chính trị.

Đây cũng là một thông điệp khá trực tiếp cho Washington, một bên tham gia đợt oanh kích. Hoa Kỳ đã không ngại đưa ra những lời đe dọa mới, khẳng định sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu còn xảy ra những vụ tấn công hóa học mới. Thế nhưng, cũng chính Washington cách đây vài tuần cho biết muốn rút khỏi chiến trường Syria.

Vì vậy, Paris sẽ cố thử thêm vận may của mình để trở lại bàn cờ ngoại giao tại Syria với việc lần đầu tiên đề xuất một dự thảo nghị quyết đề cập đến ba chủ đề chính của cuộc khủng hoảng Syria : chính trị, nhân đạo và hóa học ».

Macron muốn tham vấn với Erdogan về hòa bình tại Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trở thành một nhân vật quan trọng trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong cuộc điện đàm ngày 15/04/2018 với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn « tăng cường tham vấn » với ông Erdogan trong những ngày tới để tìm ra « một giải pháp chính trị cho Syria ».

Trước đó, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nói chuyện điện thoại với ông Erdogan. Theo điện Kremlin ngày 15/04, hai bên nhất trí gia tăng nỗ lực song phương để giải quyết cuộc xung đột ở Syria bằng con đường chính trị.

Ngay sau cuộc tấn công của ba nước Anh, Pháp, Mỹ, nhắm vào ba khu vực có liên quan đến vũ khí hóa học của Syria, Nga đã trình lên Hội Đồng Bảo Anh một dự thảo nghị quyết, chỉ gồm 5 khổ, lên án loạt tấn công của phương Tây, song dự thảo đã bị bác bỏ do không nhận đủ 9 phiếu ủng hộ.

Trong khi đó, đại diện của 29 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong phiên họp chiều 14/04 đã ủng hộ hoàn toàn hành động của ba nước Anh, Pháp, Mỹ. Đối với tổng thư ký Jens Stiltenberg, Nga phải « thể hiện trách nhiệm » và thúc đẩy Damas tham gia tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria tại Geneve dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.