Vào nội dung chính
SYRIA - NGA - PHƯƠNG TÂY

Syria: Nga đối mặt với trục Mỹ-Anh-Pháp sau vụ Đông Ghouta

Trong khi quân đội Syria chiếm lại toàn bộ ngoại ô thủ đô Damas với sự yểm trợ của Nga, Iran và « vũ khí hóa học », nước Pháp có thể phối hợp với Mỹ và Anh tấn công chế độ Bachar al Assad. Nhưng với nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga, và hệ quả vượt tầm kiểm soát của cả các bên, liệu trục Mỹ-Anh Pháp có tái diễn kịch bản 2013 khi Barack Obama vào giờ chót thoái lui ?

Xe quân sự cắm cờ Nga đang tiến vào trại Wafideen ở Damas, Syria (Ảnh chụp ngày 12/04/2018)
Xe quân sự cắm cờ Nga đang tiến vào trại Wafideen ở Damas, Syria (Ảnh chụp ngày 12/04/2018) REUTERS
Quảng cáo

Cho dù Nga và Syria cực lực phủ nhận những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, ngày 07/04 vừa qua, để chiếm nốt vị trí cuối cùng của phe nổi dậy ở Đông Ghouta, bất chấp một nghị quyết hưu chiến do chính Nga biểu quyết, Tây phương dường như đang chuẩn bị không kích chế độ bị xem là « thảm sát dân không gớm tay » trong suốt 7 năm nội chiến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra hăng hái nhất: « Nga coi chừng, tên lửa thông minh sẽ ào tới ». Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố đe dọa: « Tấn công sẽ diễn ra trong vài ngày tới ». Hai vị tổng thống Mỹ, Pháp gần như là điện đàm trao đổi mỗi ngày. Tại Luân Đôn, trong bối cảnh căng thẳng với Nga sau vụ mưu sát cha con cựu điệp viên Nga Serguei Skripal, thủ tướng Theresa May triệu tập nội các thảo luận về khả năng oanh kích Syria.

Một trục Mỹ-Anh-Pháp dường như đang hình thành để phối hợp hành động. Tại Hoa Kỳ, nhiều tiếng nói thúc giục tổng thống Donald Trump ra tay. Washington Post nhấn mạnh: Ngày 09/04, tổng thống Trump thông báo sẽ có quyết định quan trọng trong « 24 giờ hay 48 giờ » tới. Trong khi đó, đài CNN cổ vũ: « Được Pháp ủng hộ, Donald Trump không có lý do để không can thiệp ». Đài CNN muốn ám chỉ kịch bản 2013, khi tổng thống Obama, vào giờ chót, bất ngờ loan báo quyết định không trả đũa một vụ tấn công bằng khí độc do quân đội Syria thực hiện, và hủy bỏ một thỏa thuận với tổng thống Pháp François Holland. Báo chuyên đề Foreign Policy còn đi xa hơn: Tổng thống Macron phải hành động dù có hay không có Mỹ để « giữ lời hứa chống vũ khí hóa học và tăng cường uy tín của nước Pháp trong khu vực».

Tuy nhiên, bốn ngày sau những tuyên bố bốc lửa của tổng thống Donald Trump, nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình có biến chuyển: Tổng thống Trump cải chính những tuyên bố ngày 09/04, và cho rằng ông chưa quyết định gì cả.

Tại Syria, quân đội Damas, đồng minh Iran và Hezbollah Liban trong những ngày qua tổ chức sơ tán, bỏ vị trí cũ, cất giấu vũ khí hạng nặng, tên lửa, đại bác. Quân đội Nga cũng tái bố trí và cho phép các đơn vị Syria đóng chung , gây khó khăn cho Tây phương trong việc chọn lựa mục tiêu.

Tại Hội Đồng Bảo An, sau những trận đấu khẩu, thách thức như sắp giao chiến đến nơi, Mỹ và Nga được kêu gọi hạ nhiệt. Theo AFP, Thụy Điển đề xuất một dự thảo nghị quyết thanh tra vũ khí hóa học của Syria, lần cuối cùng và dứt khoát.

Tổng thống Trump cũng lắng nghe các cố vấn và tham khảo đồng minh. Trừ Pháp, trong số các đồng minh của Mỹ, không một nước quan trọng nào hào hứng. Ngay Luân Đôn, kịch bản 2013 manh nha tái diễn: Thủ tướng Anh tỏ ra thận trọng muốn có « một sự phối hợp quốc tế trên một vấn đề gây chia rẽ trong công luận Anh ». Berlin của Angela Merkel cũng tuyê bố nước đôi: Đức hết lòng tham chiến nếu có ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc. Nước Ý thì hoàn toàn chống lại chuyện oanh kích Syria. Tại Pháp, đối lập cánh hữu đề nghị phải đưa vấn đề can thiệp, lý do, bằng chứng và hệ quả, ra thảo luận công khai tại Quốc Hội.

Giới phân tích chưa có thể kết luận sớm là Trump, Macron, May sẽ rơi vào kịch bản 2013 của Obama, Hollande và Cameron. Viễn ảnh Tây phương ra tay vào lúc không ai ngờ vẫn còn. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thình lình hủy bỏ chuyến công hai nước Trung Âu vào hôm nay vì « tình hình quốc tế ».

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu và tránh xung đột trực tiếp với Nga, Tây phương phải giải đáp được phương trình nát óc sau đây: Làm thế nào để quân bình giữa cuộc trả đũa chỉ mang tính biểu tượng vào năm 2017, khi Donald Trump ra lệnh phóng 59 hỏa tiễn vào một phi trường quân sự của Syria và lần này, với một hỏa lực có sức thuyết phục hơn, mà không bị hiểu lầm là muốn lật đổ chế độ chính trị và không gây xung đột với Nga và Iran. Đó là phân tích của Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp ở Syria, nay là chuyên gia của viện nghiên cứu chiến lược Montaigne.

Một ý kiến cảnh báo thứ hai, không kém phần cốt lõi, của chuyên gia quốc phòng Pháp, nữ đại tá Caroline Galacteros, viện Geopragma: Vì sao chúng ta hành động? Trừng phạt Syria, Iran hay Nga hay cả ba?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.