Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Cuộc nổi dậy của sinh viên Mai 68 : Mùa xuân của khẩu hiệu

Đăng ngày:

Tháng 05 năm 1968, sinh viên Pháp sôi sục xuống đường chống chính phủ, chống chế độ phụ quyền, cảnh sát và truyền thông … mong muốn một sự thay đổi trong các mối quan hệ xã hội. Những người biểu tình đã soạn ra những dòng khẩu hiệu vang vọng qua nhiều năm tháng cho đến khi trở thành những châm ngôn bất hủ, tạo nên một huyền thoại lịch sử Mai 68 cho nước Pháp.

Ảnh chụp minh họa bài viết trên Libération.
Ảnh chụp minh họa bài viết trên Libération. DR
Quảng cáo

« Sous les pavés, la plage », « Il est interdit d'interdire », « La chienlit, c'est lui », « Cours camarade, le vieux-monde est derrière toi », « CRS = SS »… Tạm dịch là Sau trận mưa đá là bãi biển tự do, Cấm không được Cấm, Mớ hỗn độn là ông ấy, Chạy đi bạn ơi ! Thế giới-già cỗi ở ngay sau lưng bạn đấy ! hay Cảnh sát chống bạo động là những kẻ phát xít …

Khẩu hiệu bung nở như hoa mùa xuân

Đó chỉ là những phần nhỏ trong số hàng nghìn khẩu hiệu và bích chương chống chính phủ đã được những người phản đối sáng tạo ra trong suốt thời gian biểu tình từ tháng 5 cho đến tháng 6 năm 1968. Những dòng chữ và những tấm bích chương đó giờ vẫn còn được lưu giữ tại trường đào tạo Nghệ Thuật và Hội Họa của Paris.

Ông Michel de Certeau ngay từ tháng 6 năm 1968 đã phải thốt lên rằng « Lời nói tuôn trào như thể người ta ào ào đi chiếm ngục Bastille năm 1789 ». Một sự so sánh nghe có vẻ hơi khập khiểng, nhưng quả thật những câu khắc nguệch ngoạc, thông điệp của sự nổi dậy đã nở rộ trên khắp các tường của trường đại học, nhà xưởng hay các cửa hàng vào mùa xuân năm 1968.

« Ecrivez partout » (các bạn hãy viết khắp nơi đi !) người ta còn nhớ câu mệnh lệnh đó ghi trên tường trường đại học Sorbonne, tọa lạc ở khu phố cổ Latinh (Quartier Latin), biểu tượng của làn sóng phản đối sinh viên năm 1968. Nhà báo Julien Besançon ngay từ tháng Sáu năm đó đã thu thập những câu khắc giầu trí tưởng tượng đó và in thành một tập sách nhỏ mầu đỏ với hàng tựa ví von : « Les murs ont la parole » (Những bức tường cũng có tiếng nói).

Vô danh nhưng hữu ý

Những khẩu hiệu ngắn gọn, xúc tích, giầu hình ảnh nhưng cũng có gì đó chút thi ca. Ông Yvan Amar, một người am tường về ngôn ngữ học và là phóng viên chuyên trách mục La Danse des Mots của đài RFI, nhận xét:

« Một trong điểm thú vị chính là sự sáng tạo khẩu ngữ. Thậm chí là trong cả kiểu viết. Tôi nhớ là có một khẩu hiệu đã gây ấn tượng mạnh cho tôi và cho đến giờ vẫn là một trong những khẩu hiệu quan trọng. Khẩu hiệu đó ghi như sau : ‘'Cours camarade ! Le vieux-monde est derrière toi' (Tạm dịch là ‘Chạy đi bạn ơi ! Thế giới-già cỗi ở ngay sau lưng bạn đấy !’.)

Đó là một câu viết rất hay đấy. Bởi vì, tôi nhớ là trong cụm từ ‘vieux – monde’ (thế giới – già cỗi) lại có một dấu nối giữa từ ‘vieux’ (già) và ‘monde’ (thế giới).

Cứ như là cái thế giới già nua, như đúng nghĩa của nó và cần phải thoát ra khỏi thế giới đó. Và động từ courir (chạy), nghị lực của cuộc đua. Trong cái điều mà có cái gì đó ở sau lưng họ và rằng điều này đã cũ kỹ, già nua, tất cả điều đó, chỉ bằng một câu nói, gộp trong cả một câu thức tuyệt vời. Và cứ thế mà người ta chạy thôi… ».

Philippe Artieres, nhà sử học và là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia CNRS của Pháp lưu ý là vào thời kỳ đó, vẽ bậy trên các bức tường ở Paris đã bị xem là phạm luật. Cảnh sát giám sát chặt chẽ việc viết vẽ bậy ở nơi công cộng. Những dòng khẩu hiệu lúc ấy thường được viết bằng phấn hay sơn vẽ, đôi khi bằng bình sơn xịt.

Hóm hỉnh song hành cùng thi ca

Điểm đặc biệt của phong trào sinh viên năm đó là quy tụ nhiều nhóm sinh viên có những luồng tư tưởng khác nhau, theo chủ nghĩa Mao, Trostkit, vô chính phủ, hay tự do.... Khẩu hiệu của những nhóm biểu tình vì vậy cũng đa dạng về sắc thái, dồi dào ý tưởng.

Khi thì giọng điệu khiêu khích, nổi loạn chẳng hạn như ví cảnh sát chống bạo động CRS (Compagnies Republicaines de Securité) là những kẻ phát xít với khẩu hiệu « CRS = SS », được lấy lại từ cuộc biểu tình năm 1948 ; hay « La chienlit, c’est lui » (Mớ hỗn loạn chính là ông ấy ! » nhằm đáp lại từ « chienlit » được tướng De Gaulle sử dụng trong một phiên họp Hội Đồng Bộ Trưởng ngày 19/05/1968 : « La Reforme oui, la chienlit non ! » (Cải cách thì được, hỗn loạn thì không !)

Lúc thì có ý nghĩa thời cuộc, mang tư tưởng hoan lạc « Jouissez sans entraves » (Hãy tận hưởng mà không xiềng xích ! », nhưng cũng có khi mang hơi hướm siêu thực của Beaudelaire, Rimbaud… : « La Société est une fleur carnivore » (Xã hội là một nhành hoa ăn thịt).

Nhưng có lẽ khẩu hiệu trở nên nổi tiếng nhất vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay chính là « Il est interdit d'interdire ». Nhưng « Cấm không được cấm » ở đây không hẳn là một lời chỉ trích nhắm vào sự chuyên chế hay một cử chỉ chối bỏ tuyệt đối trật tự xã hội.

Sử gia Ludivine Bantigny trên báo Le Monde (16/03/2018) cho rằng: « Đó còn là một sự đòi hỏi suy ngẫm nhiều hơn về các phương pháp giảng dạy tích cực cho phép mỗi người trong tổng thể - nhất là đối với học sinh – được tích hợp sự hiểu biết, ít thụ động hơn và tham gia vào cách nhận xét về cách truyền đạt kiến thức. Việc chỉ trích các lãnh đạo trong trường đại học hay tại bệnh viện không ngăn cản các sinh viên tôn trọng giáo sư của mình ».

Sử gia Philippe Artière lưu ý « phần đông phong trào Mai 68 mang tư tưởng cải cách chứ không hẳn là cách mạng ». Cũng vì thế mà các câu khẩu hiệu luôn tràn đầy sự hóm hỉnh. Trên tường nhà hát Odéon lúc bấy giờ người ta có thấy dòng chữ : « Cấm tiểu tiện trong hành lang bằng không phương tiện sẽ bị tịch thu ».

Khẩu hiệu Mai 68 : Kho tàng quý giá ?

Một trong những nét đặc trưng của các khẩu hiệu Mai 68, đó là những khẩu hiệu vô danh tính, do đó ai cũng thể tự nhận mình là tác giả. Vẫn theo ông Yvan Amar, điều làm nên thành công cho các khẩu hiệu đó là cách thức dùng cho biết tiếp :

« Thường đó là một lệnh, một mệnh lệnh. Nhưng đó là một mệnh lệnh đối với người đã đưa ra cũng như là người đọc. Có nghĩa là khi họ nói họ thường dùng ở ngôi thứ nhất « fermons la télé, ouvrons les yeux » (chúng ta tắt tivi nhé, chúng ta mở mắt ra nào) chứ không có nói là « fermez la télé, ouvrez les yeux » (các bạn/quý vị tắt tivi đi, các bạn/quý vị mở mắt ra đi !), điều chúng ta hay làm.

Nhưng ở đây thì ngược lại, chúng ta cùng hội cùng thuyền và điều đó đã giải thích sự thành công, chẳng hạn của giai điệu bản nhạc nổi tiếng là quốc ca La Marseillaise. Bà hát này được bắt đầu bằng ‘allons enfants de la patrie’ (Hỡi những người con của tổ quốc chúng ta hãy cùng tiến bước).

Giả như bài hát được mở đầu bằng ‘allez enfants de la patrie’ (Hỡi những người con của tổ quốc, hãy tiến bước ) thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ làm được cả ».

Những tác nhân của làn sóng xã hội năm đó cũng đã nhanh chóng ý thức được giá trị của những câu khắc đó. Các sinh viên khi ấy còn ghi trên tường rằng : « Chúng ta hãy đốt cháy Sorbonne. Nhưng trước hết hãy cứu lấy những dòng chữ vẽ, đó là một kho báu không nên để mất ».

Ông Eric de Chassey, sử gia về nghệ thuật đương đại nhìn lại sự kiện này với những nhận xét như sau :

« Ở đây mang một ý tưởng là có thể tạo ra một thế giới theo như ý muốn. Ý tôi muốn nói là đó là một sự nghịch lý bởi vì ngày nay tôi có cảm giác người ta thường trong một tình thế không mạnh dạn nghĩ đến một thế giới, điều này không tồn tại nữa. Mặt khác, chưa bao giờ ý tưởng mỗi người tự sáng tạo ra cuộc sống riêng của mình lại hiện diện mạnh mẽ như hiện nay. Do đó, trí tưởng tượng về quyền lực ngày này chủ yếu là khẩu hiệu của người sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp chứ không phải của nhà cách mạng. ».

Nửa thế kỷ trôi qua nhưng những câu nói, những dòng chữ của năm 68 đó giờ như tái hiện rõ nét, vẫn mang tính thời sự trong bối cảnh nước Pháp năm 2018 đang sùng sục những làn sóng xã hội phản đối các chương trình cải cách của chính phủ tổng thống Macron.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.