Vào nội dung chính
PHÁP - SYRIA - QUÂN SỰ

Can thiệp vào Syria : Giải pháp quân sự nào cho Paris ?

Hoa Kỳ và Pháp cam kết sẽ có hành động « đáp trả mạnh mẽ » nhắm vào chế độ Damas, bị nghi ngờ dùng chất hóa học tấn công phe nổi dậy. Trong trường hợp quyết định can thiệp quân sự vào Syria, nước Pháp sẽ có những giải pháp quân sự nào ? Libération số ra ngày 10/04/2018 giải thích.

Chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp.
Chiến đấu cơ Rafale của không quân Pháp. AFP PHOTO / ECPAD
Quảng cáo

Theo nhật báo, trong trường hợp này, Paris rất có thể sẽ sử dụng các căn cứ không quân của mình trong khu vực. Tuy nhiên, Pháp cũng thể phớt lờ vai trò chủ chốt của Mỹ và Nga trong khu vực, như nhận định của chuyên gia Corentin Brustlein, thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp.

Nguy cơ Hoa Kỳ và Pháp cùng phối hợp trả đũa quân sự trước các nghi ngờ Damas tấn công vũ khí hóa học là cao. Paris lần này có thể không lo ngại đồng minh Mỹ quay lưng như vào năm 2013, dưới thời tổng thống Barack Obama. Vấn đề hiện nay chính là sự hiện diện ngày càng nhiều của Nga tại Syria.

Ông Corentin Brustlein nhận định : « Lính Nga ngày càng đông tại Syria, họ đã triển khai các hệ thống phòng không ngày càng kiên cố, như S-300 và S-400 (phiên bản hoàn thiện nhất của hệ thống tên lửa tầm xa). Những hệ thống này có thể bao phủ cả một vùng rộng lớn vượt ra khỏi cả biên giới Syria ».

Còn nhớ lại vụ chiến đấu cơ F-16 của Israel bị bắn hạ vào ngày 10/02/2018 sau khi đã không kích một căn cứ quân sự của Syria. Nếu cuộc điều tra của quân đội kết luận là « lỗi kỹ thuật » của viên phi công, được cho là ưu tiên hoàn thành nhiệm vụ hơn là phòng vệ, nhiều nghi vấn vẫn còn hiện hữu về nguồn gốc chính xác các tên lửa là của Nga hay là Syria ?

Trong đợt không kích mới được cho là do Israel thực hiện trong đêm Chủ Nhật 08/04 rạng sáng thứ Hai 09/04 vào cùng một cơ sở quân sự, 5 trong số 8 tên lửa đã bị chặn, theo như thông báo của bộ Quốc Phòng Nga.

Tuy nhiên, theo ông Corentin Brustlein, vẫn còn một điểm chính cần làm sáng tỏ : « Những hệ thống phòng không Nga và Syria có tạo thành một bộ có liên kết và kết nối hay không. Còn nếu những hệ thống này tách rời ra, đúng là có nhiều giải pháp để tấn công chúng ».

Nhiều kịch bản đang được Paris nhắm đến. Giải pháp thứ nhất có vẻ khả thi nhất là điều chiến đấu cơ Rafale có trang bị tên lửa hành trình Scalp. Tầm bắn trên 250 km cho phép các phi công nằm ngoài vùng phòng không của Syria.

Trong trường hợp này, tiêm kích của Pháp có thể cất cánh từ hai căn cứ quân sự trong khu vực : Jordani và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Hai nơi này đã từng được Paris sử dụng trong cuộc chiến chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo. Tuy nhiên, Paris cũng cần đến sự chấp thuận của các nước có liên quan.

Chọn lựa thứ hai là Rafale có thể cất cánh từ nước Pháp. Do chiếc hàng không mẫu hạm Charles-de-Gaulle đang trong giai đoạn tu sửa ở Toulon, nên việc tiếp liệu cho Rafale phải được thực hiện nhiều lần. Điều này đòi hỏi một sự phối hợp hành động phức tạp hơn và tốn nhiều thời gian hơn, nhất là trong trường hợp Pháp đơn phương hành động.

Nhìn từ góc độ tác chiến, một tấn công Mỹ - Pháp có lẽ sẽ làm cho nhiệm vụ của phía Pháp đơn giản hơn và làm tăng cơ hội đánh trúng mục tiêu nhiều hơn. Ông Corentin Brustlein giải thích :

« Tầu ngầm của Mỹ có thể bắn tên lửa hành trình, có tầm bắn xa hơn tên lửa Scalp của Pháp. Những tên lửa này có thể được các chiến đấu cơ điện tử hỗ trợ nhằm làm nhiễu hệ thống ra-đa, dù rằng không chắc là công nghệ đó có thể vận hành được với loại S-400 ».

Vẫn theo ông Corentin Brustlein, gia tăng cường độ bắn tên lửa cũng cho phép « quấy nhiễu » hệ thống phòng không, giúp tên lửa có thể đi vào lãnh thổ dễ dàng.

Tuy nhiên, ông Corentin Brustlein lưu ý về phản ứng không rõ ràng của Nga, trong trường hợp Pháp - Mỹ phối hợp tấn công. Liberation nhắc lại trong vụ oanh kích của Mỹ năm 2017, Matxcơva đã được báo kịp thời để di tản số quân được triển khai tại chỗ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.