Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Đình công, Pháp kém hấp dẫn hơn ?

Đăng ngày:

Một loạt các cuộc đình công kéo dài, từ nhân viên ngành xe lửa đến tập đoàn hàng không Air France, từ sinh viên ở nhiều trường đại học đến nhân viên dọn rác tại một số các thành phố lớn, làm tiêu tan nỗ lực của chính phủ thu hút giới đầu tư vào Pháp ? Tăng trưởng mới vừa được phục hồi liệu có bị đe dọa ? RFI đặt câu hỏi với chuyên gia kinh tế thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp, OFCE, Eric Heyer.

Ngày biểu tình đầu tiên của nhân viên đường sắt tại Pháp, 03/04/2018.
Ngày biểu tình đầu tiên của nhân viên đường sắt tại Pháp, 03/04/2018. Reuters
Quảng cáo

Từ khi tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền tháng 5/2017 hình ảnh của nước Pháp đã được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo một thăm dò dư luận do viện Ipsos thực hiện vào tháng 12/2017, 60 % các doanh nhân được hỏi xem Pháp là một địa điểm hấp dẫn, chủ yếu nhờ vào một loạt các công trình cải tổ đã được tiến hành dưới những năm tháng của tổng thống Hollande và đã được người kế nhiệm là Emmanuel Macron đẩy mạnh hơn nữa. 95 % đánh giá tích cực các dự án cải tổ của Pháp từ luật lao động đến chương trình đào tạo nhân sự hay chính sách đầu tư phát triển công nghệ mũi nhọn …

Paris đã ghi được một bàn thắng quan trọng so với Frankfurt trong cuộc chạy đua để trở thành trung tâm tài chính mới của châu Âu sau Brexit. Quyết tâm của Pháp cùng với Đức đem lại một làn gió mới cho con tàu châu Âu cũng đang làm dấy lên nhiều hy vọng.

Tháng Giêng 2018, một ngày trước Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos khai mạc, Paris trải thảm đỏ tại cung điện Versailles, đón 140 thượng khách gồm các lãnh đạo của những tập đoàn lớn nhất thế giới, từ hãng nước ngọt Coca Cola, lãnh đạo của Facebook, Google hay Alibaba, Toyota … để thuyết phục họ đầu tư vào xứ sở của ông Vua Mặt Trời.

Trên lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Pháp bước lên tuyến đầu. Tháng 12/2017, ngay sau thượng đỉnh quốc tế về khí hậu ở Bonn kết thúc, Paris đã tổ chức hội nghị One Planet Summit – Vì Một Hành Tinh, mời 50 nguyên thủ quốc gia, 130 phái đoàn cấp bộ trưởng, gần 4.000 đại diện của các tổ chức dân sự với rất nhiều gương mặt nổi bậu hàng đầu, như nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates hay ông trùm của ngành truyền thông Mỹ chủ hãng thông tấm Bloomberg đến trung tâm nghệ thuật La Seine Musicale để tiếp tục huy động vốn đầu tư vào các dự án xanh, sau khi Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris.

Về du lịch, 2017 khởi sắc trở lại sau loạt khủng bố 2015. Pháp vẫn là địa điểm hấp dẫn nhất thế giới, là nơi 89 triệu du khách đã dừng chân và Paris đang đặt ra mục tiêu 100 triệu vào ngưỡng 2020. Chưa kể là Pháp được chọn tổ chức Olympic 2024.

Trong gần một năm qua, các dự án cải tổ của chính phủ Pháp tuy có vấp phải một số chống đối, nhưng các cuộc biểu tình thường thưa thớt người tham gia. Thế nhưng, bước vào mùa xuân năm nay, chính phủ không còn được như thuyền buồm xuôi gió.

Đường phố biểu dương lực lượng trong cuộc đình công hôm 22/03/2018 của giới công nhân viên chức Nhà nước, nhưng vào giờ chót, một số nhân viên của Công ty Xe lửa Quốc gia Pháp SNCF nhập cuộc như là "khúc dạo đầu" mở màn cho phong trào đình công kéo dài trong ba tháng, kể từ ngày 03/04/2018 cho tới cuối tháng 6/2018, trước ngày nước Pháp bắt đầu đi nghỉ hè.

Xáo trộn cụ thể

Vậy ai đình công, họ đòi hỏi những gì ? Kinh tế Pháp có bị thiệt hại từ những đợt bãi công này hay không ?

Trên bộ, hệ thống xe lửa bị tê liệt, ít ra là cứ 2 ngày trên 5 và kéo dài trong vòng 13 tuần lễ. Lý do đình công là để "bảo vệ một dịch vụ công cộng, chống lại tiến trình mở cửa cho cạnh tranh" và nhất là để bảo vệ những đặc quyền của nhân viên hỏa xa, chẳng hạn như quy chế hưu bổng.

Trên không, tập đoàn Air France, thông báo đình công, nhưng chỉ đơn thuần là để đòi tăng lương. Nhân viên công ty điện lực Nhà nước EDF bãi công cũng vì chống dự án nước Pháp mở cửa cho cạnh tranh. Rác thải tại nhiều thành phố lớn như Paris và các vùng phụ cận hay Marseille trong những ngày tới sẽ ùn lên vì một phần nhân viên đòi được công nhận họ làm những công việc nhọc nhằn và được quyền về hưu sớm.

Trong lĩnh vực giáo dục, sinh viên chiếm đóng hoặc biểu tình tại 13 trường đại học ở các thành phố lớn từ Lille đến Montpellier, từ Nantes đến Strasbourg phản đối biện pháp tuyển chọn sinh viên vào đại học.

Lo ngại thiệt hại tài chính

Các cuộc biểu tình, bãi công hay chiếm đóng trường học nói trên tạo ra hình ảnh của một nước Pháp đang phần nào bị tê liệt. Ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng đang lo ngại. Chủ tịch nghiệp đoàn các công ty lữ hành, Jean Pierre Mas, chờ đợi là lượng khách muốn tham quan nước Pháp sẽ sụt giảm : "Những ai chưa giữ vé thì sẽ hủy chương trình để đi tham quan một nước khác".

Hiệp hội các khách sạn dự trù số phòng cho thuê trong tháng Tư giảm 10 %, thất thu 150 triệu euro. Giám đốc cơ quan tư vấn về du lịch Protourisme, Didier Arino còn bi quan hơn khi cho rằng các cuộc đình công liên tiếp kể từ hôm nay cho đến những ngày trước mùa hè, gây thiệt hại ước tính từ 500 triệu tới 1 tỷ euro cho tất cả các ngành nghề sống nhờ du khách.

Thực hư về tác động của đợt đình công lần này đối với tăng trưởng kinh tế Pháp ra sao ? Chuyên gia kinh tế Eric Heyer, phó giám đốc Đài Quan Sát Về Tình Hình Kinh Tế Pháp – OFCE trả lời :

Eric Heyer : Đây chỉ là hiệu ứng phụ. Quả là mỗi cuộc đình công đều gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế, nhưng tác động đối với tăng trưởng chỉ giới hạn mà thôi. Thường thì trong một quý, tăng trưởng bị ảnh hưởng – nhất là lần này, nhân viên hãng hỏa xa đòi đình công kéo dài trong ba tháng, nhưng chỉ bước sang quý sau, là mọi việc đâu lại vào đấy. Thí dụ hồi năm 1995, khi phong trào đình công kéo dài trong hai tháng liên tiếp (từ tháng 10 đến tháng 12), tăng trưởng có bị giảm trong quý tư 1995 nhưng sau đó đã tăng lên trở lại. Thành thử tôi không nghĩ rằng các đợt đình công, dù có kéo dài, làm giảm tỷ lệ tăng trưởng.

Nguy cơ hoãn các dự án cải tổ cần thiết

Điều gây thất vọng ở đây là các phong trào của đường phố có nguy cơ buộc chính phủ phải hoãn lại một loạt các dự luật cải tổ đang được tiến hành, mà chính những dự luật đó lại được giới doanh nhân quốc tế rất mong đợi :

Eric Heyer : Rủi ro chính là các cuộc biểu tình liên tiếp này có thể làm chựng lại nhịp độ cải tổ của Pháp, trong lúc mà chúng ta đang cần phải cải tổ và đó mới là cái giả phải trả. Chính phủ trong gần một năm qua đã mở ra nhiều dự án cải tổ mà phần lớn trong số này chưa được thực hiện tới nơi tới chốn. Thí dụ như là cải tổ hệ thống trợ cấp thất nghiệp, cải tổ về tiến trình đào tạo nhân sự, cải tổ hệ thống lương hưu … Nếu áp lực của đường phố quá mạnh, tôi không chắc là chính phủ có thể dồn dập thông qua các dự luật ở nhịp độ như đã đề ra. Chẳng hạn như là nhẽ ra đàm phán với các đối tác để cải tổ hệ thống hưu bổng ở Pháp đã phải được tiến hành từ tháng 2 vừa qua, nhưng tới nay vẫn chưa có thêm tiến triển. Chính phủ đợi cho qua đợt đình công này, rồi mới tính tiếp. Chính sự chậm trễ này sẽ là một gánh nặng …

Quá sớm để đòi lên lương ?

Trong trường hợp của Công ty Xe lửa Quốc gia SNCF, nhân viên đình công để bảo vệ một dịch vụ công cộng, thì ngược lại với hãng hàng không Air France, nhân viên và nhất là các phi công bãi công chỉ để đòi lên lương, ông nghĩ sao về đòi hỏi đó ?

Eric Heyer : Khó để trả lời câu hỏi này khi không có chi tiết về các cuộc đàm phán trong nội bộ tập đoàn hàng không Air France. Nhìn chung thì hãng này khi bị thua lỗ, đã yêu cầu nhân viên chia sẻ gánh nặng, không tăng lương cho nhân viên và thậm chí còn sa thải bớt. Do vậy, sau một thời gian thắt lưng buộc bụng, Air France có lãi trở lại, đòi hỏi của nhân viên phải được chia sẻ lợi nhuận là điều chính đáng thôi. Tuy nhiên, liệu có quá sớm để nhân viên Air France đòi được chia phần hay không ?

Cá nhân tôi cho rằng việc phi công của hãng hàng không này đòi tăng lương 11 % là quá đáng. Còn với SNCF, công ty này đang làm ăn thua lỗ rất nặng và đang bị cạnh tranh. Thành thử sớm muộn gì cũng phải xét lại mô hình hoạt động của SNCF … Chính phủ chưa đưa ra những quyết định sau cùng, nhưng dường như là nước Pháp sẽ từng bước mở cửa SNCF tư hữu hóa tập đoàn này và có thể là Nhà nước sẽ không động chạm đến những ưu đãi của nhân viên hỏa xa, chế độ hưu bổng của giới này gần như là được giữ nguyên trạng.

Xin một câu hỏi chót : các cuộc đình công lần này liệu có làm hủy hoại những nỗ lực của Paris để cải thiện hình ảnh của nước Pháp, để Pháp trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nhân nước ngoài ?

Eric Heyer : Không một ai có lợi mỗi khi có xung khắc giữa giới chủ và nhân viên, làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế. Từ người phải đi tàu, đi xe cho tới bản thân những người lao động bãi công đều bị thiệt thòi. Các cuộc đình công liên tiếp cũng không tốt chút nào cho hình ảnh của nước Pháp, cho sức hấp dẫn của Pháp trong lúc mà chính phủ đang nỗ lực thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế đến Pháp làm ăn. Có điều, đình công là một quyền cơ bản của người lao động và quyền đó phải được tôn trọng.

Vấn đề còn lại là phải giải quyết để các hoạt động kinh tế không bị xáo trộn quá nhiều. Điều ấy thuộc về trách nhiệm của chủ nhân mỗi tập đoàn, phải dàn xếp với bên công đoàn, với nhân viên để cuộc đọ sức không kéo dài quá đáng, tránh để ảnh hưởng tới khách hàng của SNCF hay tập đoàn hàng không Air France.

Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Eric Heyer, phó giám đốc OFCE.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.