Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Paris hậu Đệ Nhị Thế Chiến : Cách mạng nhà ở và tiện nghi sinh hoạt

Đăng ngày:

Trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến, tỉ lệ sinh nở gia tăng mạnh trong nhiều năm, việc phá hủy các khu nhà cũ nát, lượng người nhập cư và ngoại tỉnh đổ về Paris góp phần vào công cuộc tái thiết thành phố cũng dẫn đến một vấn đề nan giải là quỹ nhà ở vốn đã hạn hẹp, xuống cấp lại càng trở nên khan hiếm trầm trọng. Thậm chí hàng ngàn người ở Paris phải sống trong cảnh « màn trời, chiếu đất ».

Cha Pierre, người đã khởi động chiến dịch đoàn kết toàn quốc xây dựng nhà ở tình nghĩa cho người nghèo. Ảnh chụp năm 1954.
Cha Pierre, người đã khởi động chiến dịch đoàn kết toàn quốc xây dựng nhà ở tình nghĩa cho người nghèo. Ảnh chụp năm 1954. UPI / AFP
Quảng cáo

Năm 1949, linh mục Pierre thành lập Phong trào Emmaüs để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là người vô gia cư. Năm 1954, Paris trải qua một mùa đông lạnh giá khác thường, khắc nghiệt nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến, nhiệt độ ở Paris xuống dưới -15oC, nhiều con sông, ao hồ đóng băng, nhiều người vô gia cư chết cóng ngoài trời.

Vào đêm 30/01, rạng sáng 01/02, một phụ nữ đã chết vì lạnh trên đại lộ Sébastopol, Paris ít giờ sau khi bị đuổi khỏi nơi ở trọ. Sáng hôm đó, một nhà báo đã gợi ý linh mục Pierre đưa lời kêu gọi về tình đoàn kết, tương trợ. Lời kêu gọi của cha Pierre được phát trên sóng phát thanh Radio-Luxembourg, mở đầu bằng câu ngắn gọn « Các bạn của tôi, xin hãy cứu giúp … ». Theo cha Pierre, có hơn 2.000 người vô gia cư đang co ro ngoài đường vì giá rét và đói khát.

« Lời kêu gọi của cha Pierre »

Xin hãy nghe tôi : Trong ba giờ, hai khu cứu trợ khẩn cấp đã được dựng lên : một khu ở chân điện Panthéon, phố Sainte Geneviève, khu còn lại ở Courbevoie. Nhưng cả hai đều đã quá tải. Cần phải dựng những khu cứu trợ như vậy ở khắp nơi. Ngay vào tối hôm nay, tại mọi thành phố của nước Pháp, trong mọi khu phố của Paris, cần phải treo các tấm biển dưới ánh đèn sáng, ở cửa vào những nơi có chăn đắp, có trải rơm, có súp, nơi người ta đọc được cái tên : « Trung tâm cứu trợ tình nghĩa », và những chữ đơn giản như sau : « Hỡi những người đang chịu đựng khó khăn, cho dù bạn là ai, hãy vào đây, nằm ngủ, ăn uống và lấy lại hy vọng. Ở đây, bạn được yêu thương ! »

Theo dự báo thời tiết, lạnh giá khắc nghiệt còn kéo dài cả tháng. Vì mùa đông còn kéo dài, các khu cứu trợ còn phải được duy trì để cứu giúp những người trong cảnh khốn cùng, cha Pierre kêu gọi người dân Pháp phát huy lòng trắc ẩn, tình yêu thương, với hy vọng nỗi đau thương mang lại « tâm hồn chung cho nước Pháp » :

« Mỗi người chúng ta đều có thể cứu giúp những người vô gia cư. Vào tối nay, và muộn nhất là tới ngày mai, chúng tôi cần 5.000 cái chăn, 300 lều bạt cỡ lớn, 200 lò sưởi. Hãy khẩn trương mang tới khách sạn Rochester, số 92, phố Boétie. Hãy cử người tình nguyện và xe tải tới thu nhận đồ, tối nay vào lúc 23 giờ, trước khu lều ở đại lộ Sainte Geneviève. Nhờ có các bạn, không một người nào, không một em nhỏ nào đêm nay còn phải ngủ vạ vật trên hè phố Paris. Cám ơn các bạn ! »

"Lời kêu gọi của cha Pierre" đã nhận được sự ủng hộ tích cực ngoài sức tưởng tượng của dân chúng, các dân biểu và giới truyền thông. Nhiều người tình nguyện tham gia công tác cứu trợ, số tiền quyên góp thu được cao khổng lồ với vô vàn vật dụng sinh hoạt cần thiết. Lời kêu gọi của cha Pierre không chỉ đánh thức lòng nhân ái của cộng đồng, mà còn thúc đẩy giới chính trị, lãnh đạo tìm kiếm giải pháp khắc phục nạn thiếu nhà ở nghiêm trọng tại thủ đô Paris thời hậu Đệ Nhị Thế Chiến.

Ba tuần sau, Quốc Hội Pháp đã thông qua ngân sách 10 tỷ franc để xây dựng 12.000 căn hộ cho người nghèo thuê với giá thấp. Hai năm sau đó, vào năm 1956, Quốc Hội Pháp lại thông qua luật cấm đuổi người thuê ra khỏi nhà trong mùa đông. Luật này đến nay vẫn còn hiệu lực. Sau này, trong suốt nhiều năm, cha Pierre luôn được bình chọn là nhân vật được dân Pháp yêu quý nhất.

Trở lại với tình trạng nhà ở tại Paris, bên cạnh tình trạng vô gia cư, nhiều hộ gia đình khác sống trong điều kiện tồi tệ. Theo thống kê, 160.000 người phải sống chung với cả gia đình trong một phòng trọ không có thiết bị vệ sinh. Hơn 240.000 gia đình trong cả tỉnh Seine (nay là Paris) có nhu cầu chuyển tới ở trong một căn hộ đảm bảo điều kiện sống hơn.

Ở phía đông và các khu ngoại ô cũ, người dân có cuộc sống khiêm tốn hơn, giải quyết nhu cầu nhà ở cho cư dân là một thách thức lớn cho chính quyền. Việc phá hủy các công sự ở ngoại vi Paris vào những năm 1920 khiến khu vực quân sự « không được phép xây nhà ở » trở thành khu vực sống tạm bợ qua ngày của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hàng ngàn gia đình, trong có chủ yếu là người nhập cư phải « chui rúc » trong những « khu ổ chuột » ở ngoại ô, những chiếc xe tải đã han gỉ hay trong các lều tạm. Họ trồng rau trong khoảng đất trống bao quanh để có cái ăn qua ngày. Những nghĩa địa xe bus thành nơi chen chúc của những gia đình nghèo khó, trong đó có rất nhiều trẻ em.

Đường lối « phi công nghiệp hóa Paris » dẫn đến việc đóng cửa hầu hết các nhà máy, xí nghiệp nằm trong nội đô, thay vào đó là các xưởng nghề thủ công và các cửa hàng buôn bán nhỏ. Các khu nhà xưởng bỏ trống, chưa được tái quy hoạch tại các quận 19-20 ven ngoại ô cũng trở thành nơi ở của các cư dân nghèo.

Từ năm 1952, kế hoạch đô thị hóa phát triển theo hai cách khác nhau : hoặc cải tạo các tòa nhà cũ, hoặc xây dựng mới hoàn toàn các khu nhà, làm biến đổi 100% bộ mặt nhiều khu phố. Tại khu phố lịch sử Marais, nhiều khách sạn cổ trở thành kho hàng hay xưởng nghề thủ công, phần nhiều tòa nhà cũ không được sửa sang chăm chút xuống cấp mạnh mẽ và đối mặt với nguy cơ bị phá dỡ.

Năm 1969, bộ trưởng Văn Hóa André Malraux muốn bảo tồn các tòa nhà mà ông gọi là « di sản lịch sử của thủ đô ». Khu phố Marais được xếp hạng, bảo tồn và « không thể bị phá dỡ ». Rất nhanh chóng, tầng lớp trung lưu và nhiều nghệ sĩ có tiếng tăm đến sinh sống.

Ở khu trung tâm và mạn tây Paris, những người giàu có, nhất là các công chức cao cấp và những người xuất thân từ tầng lớp quý tộc, tư sản vẫn sống trong các khu phố đẹp đẽ, sang trọng do nam tước, tỉnh trưởng Paris Haussmann quy hoạch dưới thời hoàng đế Napoléon III và trong giai đoạn quy hoạch kế tiếp.

Vào giữa những năm 1960, tại khu phố Couronnes, 2.188 căn hộ tồi tàn đã được phá dỡ để xây 1.754 căn hộ mới. Như vậy là có nhiều nhà mới, rộng rãi, hiện đại hơn nhưng số căn hộ lại giảm, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều khu vực, chẳng hạn ở Belleville vào năm 1975, khiến giới công nhân không thể tiếp tục thuê nhà trong nội thành mà phải dịch chuyển dần ra các khu đô thị mới ở ngoại ô.

Trong những năm 1930, hàng loạt tòa nhà giá rẻ xây bằng gạch đỏ mọc lên bao quanh Paris ở khu vực vành đai, thì tới những năm 1960, HLM - tạm dịch là « nhà cho thuê với giá thấp » - lại là một phép nhiệm màu để giải quyết nhu cầu nhà ở của những người có thu nhập khiêm tốn.

Trong thập niên 60 -70, mỗi tòa nhà thường có một người, đa phần là phụ nữ, trông coi tòa nhà, nhận thư từ bưu phẩm từ người đưa thư, giao cho các hộ gia đình và phụ trách quét dọn vệ sinh. Họ cũng là người làm nhiệm vụ nhắc nhở, đòi tiền thuê nhà của các hộ gia đình thanh toán tiền muộn. Chính vì thế, họ vừa là người rất gần gũi với cư dân, nhưng cũng thường bị nhiều người tránh né.

Tiện nghi sinh hoạt

Cùng với sự ra đời của các tòa nhà mới, tiện nghi bên trong các căn hộ cũng đạt bước tiến mới và dẫn tới một cuộc cách mạng về thói quen sinh hoạt của người dân Paris.

Các cửa hàng bán than và những người thợ khuân than củi nặng nề trèo lên cầu thang bộ cao phục vụ các gia đình sưởi ấm vào mùa đông giá rét dần biến mất. Lò sưởi đốt bằng than riêng trong từng hộ gia đình được thay thế bằng hệ thống sưởi ấm chung cho cả khu nhà. Thang máy cũng được lắp đặt trong các tòa nhà cao tầng.

Lavabo, nước nóng - lạnh, bồn tắm … là những thứ không thể thiếu trong các ngôi nhà, căn hộ mới. Đã qua rồi cái thời người Paris mang dầu gội, xà phòng đi tắm gội 1 lần/tuần ở nhà tắm công cộng. Người dân dần có thói quen tắm rửa hàng ngày và tại nhà. Cảnh tượng nhà vệ sinh chung cho cả tầng ướt bẩn nhớp nháp, nước chảy dọc hành lang, tong tỏng xuống cầu thang cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.