Vào nội dung chính
PHÁP - LIBYA

Nghi án nhận tiền Libya : Cựu TT Sarkozy trong gọng kềm tư pháp

Được đặc cách cho về nhà tối hôm qua, sau một ngày bị thẩm vấn, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã phải trở lại sở cảnh sát vào hôm nay 21/03/2018 để tiếp tục bị xét hỏi về những cáo buộc nhận tiền của cố lãnh đạo độc tài Kadhafi tại Lybia để vận động tranh cử tổng thống Pháp vào năm 2007. Vụ tai tiếng này đã bùng lên từ cuối năm 2011, một cuộc điều tra đã được mở ra sau đó, và việc ông Sarkozy bị câu lưu để thẩm vấn cho thấy là gọng kềm tư pháp đang siết chặt quanh cựu tổng thống Pháp.

Trụ sở Cơ quan chống tham nhũng và các sai phạm tài chính và thuế khóa. Ảnh chụp ngày 21/03/2018.
Trụ sở Cơ quan chống tham nhũng và các sai phạm tài chính và thuế khóa. Ảnh chụp ngày 21/03/2018. GEOFFROY VAN DER HASSELT / AFP
Quảng cáo

Đối với giới quan sát chính trị, quan hệ giữa cựu tổng thống Pháp Sarkozy với cố lãnh đạo Libya Kadhafi thật phức tạp. Cuối năm 2007, sự kiện ông Sarkozy, lúc đó đã lên làm tổng thống Pháp, long trọng đón tiếp Muammar Kadhafi công du chính thức đã khiến mọi người sửng sốt, vì vào thời điểm đó Libya bị cộng đồng quốc tế cô lập.

Giúp Kadhafi giảm nhẹ sự cô lập, nhưng sau đó ít lâu, ông Sarkozy lại trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây cứng rắn nhất trong chiến dịch tấn công trừng phạt chế độ Kadhafi, với hệ quả là Libya bị nội chiến tàn phá, chế độ Tripoli sụp đổ, và bản thân Kadhafi bị phiến quân sát hại.

Chính trong bối cảnh đó mà ông Sarkozy bị cho là đã nhận tiền từ chính phủ Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007. Những lời tố cáo đầu tiên do chính con trai của Kadhafi, Saif al-Islam đưa ra vào năm 2011, khi nội chiến Libya lên đỉnh điểm.

Trả lời đài truyền hình Euronews tại Pháp, con trai của cố lãnh đạo Libya đã không ngần ngại đòi tổng thống Pháp Sarkozy « phải trả lại số tiền mà ông ta lấy của Libya để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông ta ». Nhân vật này khẳng định « Chúng tôi đã tài trợ cho ông ta và chúng tôi có tất cả các chi tiết và sẵn sàng tiết lộ tất cả mọi thứ ».

Lời tố cáo đó không mấy được chú ý cho đến khi trang mạng thông tin Pháp Mediapart nhập cuộc vào năm 2012, công bố kết quả điều tra của họ về nghi án này, theo đó một doanh nhân người Pháp gốc Liban Ziad Takieddine thú nhận đã chuyển 5 triệu euro của cựu lãnh đạo tình báo chế độ Kadhafi, Abdullah Senussi, cho người điều hành chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy là ông Claude Guéant.

Theo Mediapart, hai ông Kadhafi và Sarkozy đã sắp xếp chi tiết về việc chuyển 50 triệu euro, nhân dịp ông Sarkozy tới Tripoli ngay từ tháng 10 năm 2005. Lúc đó ông Sarkozy còn là bộ trưởng Nội Vụ.

Đến năm 2013, nước Pháp chính thức mở cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên, và đến tháng 9 năm 2017, cơ quan chống tham nhũng Pháp OCLCIFF đã chuyển cho các thẩm phán một báo cáo nêu bật việc ban vận động của ông Sarkozy đã dùng tiền mặt để chi trả mà không khai báo. Ông Eric Woerth, cựu thủ quỹ của ban vận động, đã thừa nhận vụ việc, nhưng giải thích rằng đó là các khoản đóng góp vô danh.

Dẫu sao thì chiến dịch vận động của ông Sarkozy bị tình nghi là đã vi phạm luật lệ Pháp, đặc biệt là nhận tài trợ bất hợp pháp. Bản thân cựu tổng thống Sarkozy bị nghi ngờ là đã nhận tiền của lãnh đạo Libya, điều mà ông Sarkozy luôn luôn phủ nhận.

Liên quan đến vụ này còn có Alexandre Djouhri, một cựu trợ lý của ông Sarkozy, bị nghi là chuyển tiền từ Libya về Pháp. Nhân vật này đã bị bắt ở Luân Đôn vào tháng Giêng và đang chờ bị dẫn độ về Pháp để trả lời về tội danh rửa tiền trong khuôn khổ vụ án.

Bị dính líu vào vụ này còn có ba cận thần của ông Sarkozy, Claude Guéant, cựu bộ trưởng Nội Vụ và chánh văn phòng phủ tổng thống Pháp, Brice Hortefeux, cựu bộ trưởng Nội Vụ và Lãnh Thổ Hải Ngoại, và Eric Woerth, cựu bộ trưởng Ngân Sách.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.