Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Paris Saint-Germain phiên bản Qatar và 7 năm vỡ mộng châu Âu

Đăng ngày:

Thất bại tối thứ Ba 06/03/2018 của câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint-Germain trước Real Madrid, đồng thời bị loại sớm khỏi sân cỏ lớn châu Âu Champions League từ vòng 1/8, đã vượt ra ngoài khuôn khổ thất vọng thể thao, liên quan đến chiến lược « quyền lực mềm » bằng thể thao của tiểu vương quốc dầu mỏ Qatar.

Ê-kíp Real Madrid mừng bàn thắng trước câu lạc bộ PSG hôm 06/03/2018.
Ê-kíp Real Madrid mừng bàn thắng trước câu lạc bộ PSG hôm 06/03/2018. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Thất bại sớm của một đại diện làng bóng Pháp Ligue 1 ở sân chơi lớn nhất châu Âu Champions League lẽ ra là chuyện bình thường, nhưng với câu lạc bộ Paris Sain-Germain thì mọi chuyện trở nên rất ồn ào.

Những ngày qua các tờ báo thể thao ở Pháp và Tây Ban Nha đã không tiếc lời chỉ trích câu lạc bộ đứng đầu làng bóng đá Pháp, với dàn sao sáng nhất của làng bóng tròn thế giới. Sẽ là dễ hiểu khi biết rằng thất bại của PSG đánh dấu nỗi thất vọng của các ông chủ dầu mỏ Qatar, sau 7 năm trời không tiếc tiền của đổ vào nuôi tham vọng lớn nhưng chưa hề thành.

Từ khi bỏ tiền mua lại câu lạc bộ Pháp năm 2011, Qatar Sport Investiment ( QSI) đã rót vào Paris Saint-Germain hơn một tỉ euro, với mục tiêu PSG phải là đội bóng hàng đầu châu Âu.

Sau nhiều thất bại liên tiếp không thể trở thành 8 đội bóng hàng đầu châu Âu, mùa bóng này đáng ra phải thành công với PSG khi mà từ đầu mùa giải, ông chủ Qatar đã bỏ ra 402 triệu euro để đưa về hai danh thủ người Brazil Neymar và ngôi sao đang lên của Pháp, Mbappé. Mục tiêu là PSG phải vào tới bán kết của C1 mùa giải năm nay.

Kết quả lại thảm bại như đã thấy, PSG không thể vượt qua được Real Madrid để có mặt trong tốp 8 câu lạc bộ hàng đầu châu lục, chưa kể đến trận lượt đi thua 3-1. Trong đội hình của PSG từ khi về tay các ông chủ dầu mỏ, không bao giờ thiếu các ngôi sao sáng nhất làng bóng tròn thế giới. Ngay cả huấn luyện viên Auni Amery khi về với câu lạc bộ Pháp năm 2016 cũng là nhà cầm quân đầy thành tích ở làng bóng Tây Ban Nha. Nhưng, Paris Saint Germain phiên bản Qatar sau 7 năm được đầu tư tiền tỉ vẫn chỉ là một đội bóng xoàng của châu Âu.

Trả lời phỏng vấn RFI, ông Arnaud Hermant, phóng viên tờ báo thể thao Equipe của Pháp, một chuyên gia về PSG lý giải thất bại của câu lạc bộ:

Sau những gì diễn ra ở mùa giải trước, mặc dù đã đổ tiền triệu euro, mặc dù có Neymar, Mbappé nhưng PSG đến giờ vẫn bị coi là câu lạc bộ nhỏ. Tôi có cảm giác, PSG chỉ lo chuyện quảng cáo. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà xung quanh đâu đâu cũng thấy tiếp thị quảng cáo.

Paris Saint Germain tiếp thị quảng bá cho những thứ họ có, nhưng người ta không có được cái cốt lõi. Cái cốt lõi ở đây là trên sân cỏ, bóng đá là phải có chiến thắng trên sân cỏ. Người ta không thể thắng bằng những khẩu hiệu hay bằng những cổ động viên cuồng nhiệt đốt pháo sáng trên khán đài.

Thất bại về mặt chuyên môn thể thao của câu lạc bộ sẽ kéo theo những thua thiệt rất lớn về mặt tài chính. PSG trước mắt mất ngay 5 triệu euro tiền thưởng khi không vào được tứ kết. Thêm nữa là các khoản thu từ tiếp thị, bản quyền truyền hình được UEFA rót cho. Nhưng xa hơn nữa đó là hình ảnh tiêu cực của câu lạc bộ.

PSG vẫn luôn tìm cách để làm sao gia tăng các nguồn thu từ các nhà tài trợ, tiếp thị. Để làm được thế họ phải cần có những cầu thủ lớn, những ngôi sao và trên hết là kết quả. Kết quả ở Pháp thì PSG đã có rồi, nhưng Pháp chỉ là một thị trường rất nhỏ so với tham vọng tầm cỡ thế giới, vì thế họ phải cần nổi bật ở châu Âu. Giờ thì ở sân chơi châu Âu, PSG bị tụt hậu từ hai mùa bóng qua. Nhiệm vụ cuốn hút các đối tác mới của PSG hay để tiếp tục các hợp đồng sắp hết hạn sẽ trở nên phức tạp.

Sẽ rất khó khăn cho Paris Saint-Germain tìm được các khoản thu mà họ đang cần, đôi khi rất là lớn. Chẳng hạn như Emirates, hãng hàng không của Dubai đang là nhà tài trợ áo thi đấu hiện chi cho PSG khoảng 25 triệu euro mỗi mùa bóng, trong khi PSG đang thương lượng để nâng khoản tài trợ này lên 80 triệu. Giờ thì không có ai lại chi 80 triệu euro cho một câu lạc bộ tầm thường ở Champions League như Paris Saint Germain.

Đó là những vấn đề trong khi mà PSG đang phải lo xoay sở đủ chuyện như việc chuyển nhượng, trả tiền lương cho Neymar, tiền cho câu lạc bộ hoạt động…

Thất bại của Qatar bên ngoài sân cỏ

Tiền có lẽ không là vấn đề lớn với các ông chủ dầu mỏ, nhưng thất bại của đội bóng đã vượt ngoài khuôn khổ chuyên môn thể thao thuần túy, có thể có tác động đến chiến lược « quyền lực mềm » thể thao của vương quốc bé nhỏ và giàu có ở vùng Vịnh.

Khi Qatar chọn PSG, họ muốn biến câu lạc bộ trở thành một đối thủ cạnh tranh lớn ở châu Âu, nhất là với câu lạc bộ nhà giàu của làng bóng Anh Manchester City, đội bóng từ năm 2008 thuộc sở hữu của một ông chủ khác của vùng Vịnh, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất,

Qatar và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cuộc cạnh tranh đã vượt qua ngoài giới hạn của thể thao và mở rộng quy mô lớn hơn nhiều từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, hồi tháng 6 vừa qua dẫn đến cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.

Trong lúc đang phải tìm cách điều đình với các nước láng giềng về cuộc khủng hoảng lớn, Doha hy vọng Paris Saint-Germain sẽ mang về một chiến thắng biểu tượng trên mặt trận thể thao. Bằng chứng là Quốc vương Qatar, Tamim ben Hamad al-Thani và cha ông, Hamad ben Khalifa al-Thani, đã thân chinh đến tận sân Parc des Princes để xem trận gặp Real Madrid vừa qua.

Paris Saint-Germain thất trận, người Qatar còn thua thêm trận với Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Câu lạc bộ Manchester City đàng hoàng bước vào vòng tứ kết Champions League và hoàn toàn có quyền nuôi hy vọng giành danh hiệu vô địch giải đấu châu Âu mùa này.

Sau PSG, Qatar vẫn tiếp tục trò chơi “quyền lực mềm” thể thao

Sau thất bại của PSG hôm thứ Ba vừa qua, một câu hỏi được dư luận thể thao đặt ra là liệu Doha có còn kiên nhẫn chờ thêm thời gian hay là sẽ quay lưng lại với câu lạc bộ thủ đô Pháp, đến lúc này đã có thể coi như một thương vụ đầu tư thua lỗ?

Dường như việc đầu tư dài hạn của Qatar vào PSG không bị đặt thành vấn đề. Theo AFP, một nguồn tin thân cận với câu lạc bộ ở Doha khẳng định rằng « dự án không dừng lại », nhất là bởi vì đầu tư đã quá lớn và dự án vẫn phải tiếp tục.

Quả thực khó có thể tưởng tượng được quỹ đầu tư QSI lại có thể rút lui sau khi đổ cả tiền tỉ vào đây. Paris Saint-Germain lúc này đành tự an ủi cày xới nốt những danh hiệu quốc gia. Còn tham vọng châu Âu thì lại phải chờ thêm mùa bóng mới.

Với người Qatar, họ vẫn còn nguồn thu khác ngoài Paris Saint-Germain. Kênh truyền hình thể thao BeIn Sport, một chi nhánh của Al-Jazeera Sport tại Pháp, vẫn tiếp tục truyền các trận Cúp C1 và vương quốc dầu mỏ này vẫn theo đuổi chiến lược lâu dài thâu tóm quyền tổ chức các sự kiện thể thao lớn.

Sau khi đã đón tiếp giải Vô địch Bóng ném thế giới 2015, giải đua xe đạp trong nhà 2016, Doha sẽ là nơi tổ chức các giải Vô địch Điền kinh Thế giới vào năm 2019 trước khi bước vào sự kiến lớn nhất lịch sử của họ : Giải Vô địch Bóng đá thế giới 2022.

Qatar vẫn sẽ là một « quốc gia ứng cử viên » của các sự kiện thể thao - từ ngữ của hoàng thân Saoud bin Abdulrahman al-Thani tổng thư ký Ủy ban Olympic Quốc gia Qatar.

Qatar đã đánh tiếng xa gần có thể lên hồ sơ xin đăng cai Thế vận hội mùa hè 2032. Theo giới quan sát, 7 năm với Paris Saint Germain vẫn được coi là một thành công trong chiến lược « quyền lực mềm thể thao » của Qatar.

Paris Saint- Germain chưa thành công ở tầm châu lục, nhưng Qatar vẫn liên tục được nhắc đến qua những thương vụ mua sắm sao đình đám, từ David Beckham, Zlatan Ibrahimovic cho đến Neymar…Hơn nữa, số tiền đổ vào tham vọng châu Âu của PSG dù là cả tỉ euro mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với công việc chuẩn bị cho Cúp Thế giới 2022. Qatar còn nhiều quân bài cho kế hoạch ngoại giao thể thao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.