Vào nội dung chính
TƯ PHÁP - DI SẢN

Quyền thừa kế Johnny Hallyday: Luật Mỹ hay luật Pháp sẽ thắng thế ?

Ngày mồng 9 tháng 12 năm ngoái, nhân buổi lễ tang và tưởng niệm đại danh ca Pháp Johnny Hallyday, qua đời vì bệnh ung thư phổi, hàng triệu người đã được chứng kiến cảnh một gia đình Hallyday tương đối hòa thuận, với một bên là người vợ góa của cố ca sĩ Laeticia Hallyday và hai cô con gái nuôi còn nhỏ của họ, Jade và Joy, và bên kia là hai người con của Johnny, với hai người vợ trước, David Halliday, con trai của Sylvie Vartan, và Laura Smet, con gái của Nathalie Baye...

Laeticia Hallyday, Laura Smet (G) và David Hallyday. Ảnh chụp lúc tang lễ của ca sĩ ngày 9/12/2017.
Laeticia Hallyday, Laura Smet (G) và David Hallyday. Ảnh chụp lúc tang lễ của ca sĩ ngày 9/12/2017. Fuente: Reuters.
Quảng cáo

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, sóng gió đã nổi lên trong gia tộc của Johnny, khi người ta biết được nội dung chúc thư sau cùng của cố ca sĩ, đã để lại toàn bộ tài sản của mình cho người vợ góa Laeticia, trong lúc hai người con ruột đã lớn là David và Laura thì không được bất kỳ cái gì, bị truất quyền thừa kế mà không hề được báo trước.

Và chuyện phải đến đã đến : Ngày 12 tháng Hai vừa qua, Laura Smet đã công khai loan báo việc nhờ luật sư kiện trước tòa án Pháp để đòi được chia quyền thừa kế gia sản của cha mình và phản bác bản di chúc mà Johnny Hallyday đã viết vào năm 2014. David Hallyday sẽ tham gia vụ kiện cùng với em mình.

Theo bản di chúc, sau khi Johnny Hallyday chết đi, toàn bộ tài sản vật chất cũng như tác quyền của ông sẽ về tay người vợ góa Laeticia căn cứ vào luật bang California, nơi cố ca sĩ thường trú. Bản di chúc cũng viết thêm là nếu chẳng may Laeticia qua đời trước ông, thì tất cả sản nghiệp của Jean-Philippe Smet (tên khai sinh của Johnny) sẽ được chuyển đồng đều cho hai cô con gái nuôi Jade và Joy. Chính điều khoản này đã loại trừ Laura Smet và David Hallyday ra khỏi danh sách người được hưởng thừa kế.

Theo các luật sư của Laura, các quy định trong bản chúc thư của Johnny Hallyday « rõ ràng là đã trái với luật lệ tại Pháp » vì lẽ ở Pháp, trên nguyên tắc, không ai có thể truất quyền thừa kế của con mình. Nguyên tắc đó tuy nhiên lại không tồn tại trong luật của tiểu bang California.

Nơi thường trú của Johnny sẽ mang tính quyết định

Đối với giới quan sát, một cuộc chiến pháp lý như vậy đã mở màn, và có khả năng kéo dài nhiều năm trước khi tòa án ra được phán quyết chung cuộc, với điểm then chốt là xác định xem Johnny Hallyday là thường trú ở đâu vì nơi đó sẽ quyết định việc áp dụng luật lệ về thừa kế : Luật California, có lợi cho Laeticia hay là luật Pháp, có lợi cho Laura và David.

Trong một bài viết công bố hôm 22/02/2018 vừa qua trong tập hồ sơ đặc biệt về di sản thừa kế của Johnny Hallyday, tuần báo Pháp L’Express đã nêu bật những lập luận và án lệ mà hai phe có thể đưa ra để bảo vệ cho yêu cầu của mình.

Trong vụ này, ưu thế như có phần thiên về bà mẹ kế Laeticia. Trong những năm 2000, Johnny Hallyday đã chính thức dọn đến nơi cư trú mới ở Los Angelès, tiểu bang California, nơi ông sống cùng với Laeticia và hai cô con gái Jade và Joy. Ông chỉ trở về Pháp khi lâm bệnh nặng để được chữa trị, trước khi qua đời ngày mùng 6 tháng 12 năm 2017 tại tư gia ở thị trấn Marnes-la-Coquette, gần Paris.

Laeticia hoàn toàn có thể dựa trên việc Johnny đã chọn California làm nơi thường trú để phản bác lập luận của Laura và David, vốn cho rằng cha của họ vẫn thường trú tại Pháp. Trên vấn đề này, luật sư của bà mẹ kế có thể dựa vào hai án lệ mới đây của Tòa Phá Án Paris vào tháng 9 năm 2017 trong hai vụ kiện tương tự.

Án lệ Maurice Jarre và Michel Colombier có lợi cho Laeticia

Trước hết là vụ hai người con vợ trước của nhà soạn nhạc trứ danh Maurice Jarre, tác giả của những bản nhạc phim nổi tiếng như phim « Bác sĩ Jivago » chẳng hạn, đã kiện bà mẹ kế để đòi phần thừa kế mà Maurice Jarre, sau khi qua đời năm 2009, đã để lại toàn bộ cho bà.

Vụ thứ hai liên quan đến nhạc sĩ Michel Colombier, người chuyên hòa âm cho các bản nhạc của Serge Gainsbourg hoặc Madonna, qua đời năm 2004. Bằng di chúc, Michel Colombier cũng để lại tài sản cho người vợ sau cùng của mình, và sau khi bà này mất đi, sản nghiệp về tay 2 cô con gái mà hai người có được với nhau. Bốn người con của các bà vợ trước đã đệ đơn đòi được chia một phần thừa kế.

Cả hai người Maurice Jarre và Michel Colombier đều cư ngụ và qua đời tại California, và quyết định vấn đề thừa kế dựa trên luật lệ của tiểu bang Mỹ. Trong cả hai trường hợp này, tòa án cao nhất tại Pháp đều bác đơn kiện và xác nhận tính chất hợp lệ của việc áp dụng luật Mỹ dựa trên hai căn cứ :

Cả Maurice Jarre lẫn Michel Colombier đều cư ngụ và xây dựng cuộc sống của họ ở California trong một thời gian dài, Maurice Jarre từ năm 1965, kết hôn cũng ở Mỹ, trong lúc Michel Colombier thì thường trú ở California trong gần ba mươi năm, nơi cả ba đứa con cuối cùng đều được sinh ra, với hầu như toàn bộ sản nghiệp đều nằm ở Hoa Kỳ.

Mặt khác, Tòa Phá Án tại Pháp cũng cho rằng trong cả hai trường hợp, những người con đòi được phân chia thừa kế đều không phải là đang ở « trong tình trạng kinh tế bấp bênh hoặc nghèo khó ».

Johnny Hallyday chưa hề sinh sống lâu dài tại Mỹ

Đối với David Hallyday và Laura Smet, vấn đề là làm sao chứng minh được trước một tòa án Pháp rằng cha của họ không hề thường trú từ lâu và trong một thời gian dài tại Los Angeles.

Nếu Maurice Jarre và Michel Colombier đều đã định cư ở California vài thập kỷ trước khi qua đời, thì Johnny Hallyday chỉ mới đến California từ năm 2013, và cũng đã sống một phần thời gian của mình tại Pháp, Thụy Sĩ hoặc Saint-Barthélemy (Quần đảo Antilles thuộc Pháp), nơi ông được chôn cất sau khi được cả nước tưởng niệm tại Paris.

Đối với các luật sư của Laura Smet, án lệ Maurice Jarre sẽ không thể áp dụng trong trường hợp Johnny Hallyday. Trả lời hãng tin Pháp AFP, luật sư Pierre-Olivier Sur giải thích : « Trước khi chết, Maurice Jarre đã rời Pháp qua Mỹ định cư và cắt đứt mọi quan hệ với Pháp », trong khi đó thì Johnny Hallyday vẫn « có một nơi cư trú ở Pháp, đã hát ở Pháp cho đến ngày qua đời, cũng ở Pháp, với một tang lễ quốc dân do chính tổng thống Pháp Macron chủ trì ».

Và nếu tòa án xác định rằng nơi cư trú thực thụ của Johnny Hallyday là Pháp, thì luật của Pháp sẽ được áp dụng, và như vậy là tài sản của cố ca sĩ phải được chia cho tất cả những người con, trong đó có Laura và David.

Khả năng Laeticia bị kiện trước tòa án dân sự Mỹ

Một điểm khác mà David và Laura có thể làm là kiện Laeticia ra trước một tòa án Mỹ.

Theo giáo sư đại học kiêm luật sư Frédéric Bichon thì Laura và David cũng có thể kiện bà mẹ kế ra trước một tòa án dân sự Mỹ về tội « lạm dụng ảnh hưởng quá mức », tội danh mà ở Pháp gọi là « thâu tóm di sản thừa kế ».

Trên vấn đề Laeticia bị nghi là đã thao túng cuộc sống của Johnny Hallyday, L’Express đã nêu bật một số chi tiết như việc cố ca sĩ đã quá tin tưởng người cha của Laeticia là André Boudou, một con người tham lam, từng bị tòa án Pháp kết án. Johnny đã nhiều lần làm theo lời khuyên thường là rất tồi của cha vợ. Johnny cũng để cho Laeticia lao vào các kiểu cách làm ăn đáng ngờ, lập ra những công ty khác nhau, và giao quyền quản lý cho bà của Laeticia là Elyette Boudou.

Ngay cả trong vấn đề thừa kế, trong những bản di chúc viết trước, Johnny Hallyday đã từng ghi tên những đứa con vào danh sách người được hưởng thừa kế, điều đã biến mất trong bản di chúc sau cùng viết năm 2014, một quyết định mà chính Johnny đã công khai thừa nhận một cách rất tỉnh táo khi cho rằng ông đã cho hai người đủ rồi.

Di sản thừa kế mà Johnny Hallyday để lại được ước lượng khoảng 100 triệu euro, bao gồm các bất động sản ở rải rác một số nơi, các thu nhập đến từ bản quyền nghệ sĩ, bộ sưu tập xe hơi và xe mô tô rất đáng giá. Bên cạnh đó còn có những khoản nợ to lớn, lên đến cả chục triệu euro, vì Johnny nổi tiếng là người tiêu xài hoang phí. Một trong những khoản nợ đáng chú ý tiền nợ thuế, mà theo báo Canard Enchainé lên đến 9 triệu euro.

Tóm lại, theo tất cả các nhà quan sát, một cuộc chiến tranh tư pháp sẽ tất yếu xẩy ra, và kéo dài trong nhiều năm, với hệ quả là quyền hưởng thừa kế bị tạm thời đình chỉ, không có lợi cho bên nào, và điều đó sẽ thúc đẩy các bên thỏa hiệp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.