Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Giúp các chủ trẻ thành công : Thách thức hàng đầu của nền nông nghiệp Pháp

Đăng ngày:

Nông nghiệp Pháp đứng trước cuộc chuyển đổi thế hệ lớn. Trong vòng ba năm tới, ước tính sẽ có 40% chủ nông trang về hưu (1). Hỗ trợ những người chủ trẻ dấn thân, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế khốc liệt và thiên tai gia tăng do biến đổi khí hậu, là thách thức hàng đầu của nền nông nghiệp Pháp. Trợ giúp về vốn khởi nghiệp và đặc biệt là đào tạo là hai trong số các yếu tố quyết định thành công.

Một cảnh đồng quê nước Pháp.
Một cảnh đồng quê nước Pháp. Ảnh chụp màn hình
Quảng cáo

Trong những năm gần đây, truyền thông nói nhiều đến các khủng hoảng trong ngành nông nghiệp Pháp, từ việc cạnh tranh về giá, thời tiết xấu khiến nhiều lĩnh vực điêu đứng (sữa, lúa mì, thịt bò…). Thu nhập được đánh giá là quá thấp đối với một bộ phận đông đảo người làm nghề nông, khiến nhà nông nghiệp Pháp phụ thuộc nhiều vào các chính sách trợ giá, đặc biệt là chính sách PAC của Liên Hiệp Châu Âu.

Nghịch lý Pháp

Tuy nhiên, có một nghịch lý là nông nghiệp Pháp vẫn tiếp tục là cường quốc nhất nhì châu Âu về sản xuất, cả về số lượng và chất lượng. Sản phẩm nông nghiệp Pháp nhìn chung vẫn được đánh giá rất cao trên thị trường trong nước và trên thế giới, đặc biệt về độ an toàn, hương vị thơm ngon, dinh dưỡng cao, với hàng loạt chứng chỉ thực phẩm, đồ uống được Nhà nước Pháp, Liên Hiệp Châu Âu hay các định chế có uy tín chứng nhận. Ví dụ như nhãn AB của bộ Nông Nghiệp Pháp cho sản phẩm BIO - thực phẩm sạch, Label Rouge - sản phẩm chất lượng cao (của Viện INAO), AOC, AOP, IGP cho các đặc sản địa phương, STG cho các sản phẩm truyền thống của châu Âu, hay Bleu-Blanc-Cœur - nhãn mác khá nổi tiếng của một hiệp hội dân sự liên ngành gồm các nhà nông, nhà khoa học, người tiêu thụ, giới y bác sĩ,...

Bữa ăn đồng quê
Bữa ăn đồng quê Ảnh : Pxhere

Trong một cuộc thăm dò dư luận trước khai mạc Triển Lãm Nông Nghiệp Paris, đại đa số người Pháp (88%) có quan điểm tích cực về người làm nông, lao động hết sức vất vả, nhưng chỉ nhận được thu nhập trung bình xấp xỉ mức SMIC (tức mức lương tối thiểu). Tuyệt đại đa số (95%) đánh giá họ là « những người có ích cho đất nước » (2).

Vì sao nông nghiệp Pháp nhìn chung vẫn tiếp tục trụ hạng, dù hoàn cảnh gian nan ? Một trong các bí quyết hàng đầu, đó là sự hỗ trợ thích đáng về tài chính ban đầu và đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ở cấp toàn quốc, cũng như cấp địa phương.

Đào tạo cá nhân hóa

Tại Triển Lãm Nông Nghiệp quốc gia lần thứ 55 (24/02-04/03/2018), cửa ô Versailles, nam Paris, RFI Việt ngữ tìm gặp nghiệp đoàn Nhà Nông Trẻ (Jeunes Agriculteurs), với khoảng 50.000 đoàn viên. Anh Quellec Loic, 32 tuổi, thuộc ban điều hành nghiệp đoàn, cũng là một chủ nông trang tỉnh miền nam Alpes de Haute Provence, nhận lời giới thiệu về hệ thống trợ giúp những người trẻ quyết định lập nghiệp ở nông thôn.

Quellec Loic: « Hiện nay, để được hưởng các trợ giúp, theo tiêu chuẩn châu Âu, ứng viên phải dưới 40 tuổi, nhưng đồng thời phải có bằng cấp 4 tại Pháp, có nghĩa là tương đương trung học chuyên nghiệp về nghề nông (BAC hay tú tài chuyên nghiệp). Một khi đã có bằng cấp 4, để được hưởng các trợ giúp, ứng viên cần tham gia vào chương trình PPP (Plan de professionnalisation personnalisé - Kế hoạch đào tạo nghề cá nhân hóa).

Trong khuôn khổ này, ứng viên trẻ cùng với người tư vấn, kiểm điểm lại các lĩnh vực mà người ta nắm vững, nhưng đặc biệt là những lĩnh vực mà họ có nhiều bất cập, trong lĩnh vực kỹ thuật, hay quản lý, kế toán. Sau buổi làm việc với nhà tư vấn, người chủ trẻ tương lai lập ra một kế hoạch đào tạo ».

Theo nghiệp đoàn Nhà Nông Trẻ, chương trình đào tạo nghề cá nhân hóa, giúp nhà nông trẻ xây dựng và thực hiện dự án - được áp dụng từ năm 2009 đến nay - nhìn chung là thành công, với hơn 95% chủ trẻ tiếp tục hoạt động sau 5 năm đầu tiên (3). Người phụ trách nghiệp đoàn Nhà Nông Trẻ Pháp giới thiệu cụ thể về nội dung chính của lộ trình đào tạo này :

Quellec Loic : « Trong lộ trình đào tạo, có một khóa thực tập tập thể bắt buộc đối với nhiều ứng viên muốn nhận được trợ giúp (vốn khởi nghiệp DJA từ 8.000 đến 30.000 euro tùy theo từng vùng. Số tiền này coi như thuộc về chủ nông trang trẻ, nếu kinh doanh đạt mục tiêu, ngược lại sẽ phải bồi hoàn - người viết). Mục tiêu của khóa thực tập 21 giờ này là giúp ứng viên tiếp xúc với tất cả các đối tác sẽ tham gia hỗ trợ vào thời điểm thành lập cơ sở nông nghiệp mới, cũng như trong suốt thời gian làm nghề. Mục tiêu là giúp cho các đối tác có dịp trình bày, để ứng viên trẻ có được một cái nhìn toàn thể về toàn bộ môi trường nghề nghiệp của mình ».

Vai trò hàng đầu của quản lý

Anh Quellec Loic nhấn mạnh đến tính toàn diện của việc đào tạo một chủ nông trại, giúp cho nhà nông tương lai « có khả năng thích nghi với mọi thách thức » :

01:01

Anh Quellec Loic (Alpes de Haute Provence)

Quellec Loic : « Tại Pháp, nếu chỉ có con cái người làm nông kế tục nghề của cha mẹ mình sẽ không đủ lực lượng để đáp ứng được thách thức chuyển đổi thế hệ. Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra là thu hút những người vốn nằm ngoài môi trường này…. Những người này chưa hẳn đã được đào tạo về nghề nông. Như vậy, chúng tôi phải đảm đương trách nhiệm đào tạo. Để làm được điều này, có nhiều đào tạo tương đối ngắn, từ một năm đến vài ngày (…).

Áp phích Triển lãm Nông Nghiệp Paris, 2018
Áp phích Triển lãm Nông Nghiệp Paris, 2018 Ảnh chụp màn hình

Đào tạo của chúng tôi bao gồm nhiều lĩnh vực, từ hoạt động sản xuất thuộc các ngành, từ trồng trọt đến chăn nuôi…, bên cạnh đó là đào tạo hỗ trợ rất chuyên nghiệp về quản lý, kế toán quản trị, báo cáo tài chính, và nhất là các đào tạo hỗ trợ việc ra quyết định. Bởi một khi trở thành chủ doanh nghiệp, người ta phải đưa ra các quyết định hàng ngày. Một số quyết định không có nhiều ảnh hưởng, một số khác có những hệ quả rất lớn về dài hạn đối với doanh nghiệp, và về khả năng phát triển trong tương lai. Các đào tạo như vậy bao trùm mọi mặt của đời sống doanh nghiệp, từ sản xuất đến quản lý, từ bán hàng đến chế biến… ».

Trình độ cao dễ chọn hướng đúng

Khác với người phụ trách nghiệp đoàn Nhà Nông Trẻ, nhà đã ba đời làm nghề nông, anh Antoine Foret, 37 tuổi, quyết định lập nghiệp trong nghề nông với tư cách tân binh. Sau tám năm kể từ khi khởi nghiệp, nông trại nuôi heo, bò và trồng lúa mì theo tiêu chuẩn BIO (thực phẩm sạch) của Antoine Foret ở tỉnh Sarth, vùng Pays de la Loire, đã trở nên nổi tiếng. Năm 2017, anh được bầu làm chủ tịch Hiệp hội sản xuất thịt lợn sạch Bio Direct, tập hợp 100 nhà sản xuất Pháp, với tổng sản lượng chiếm khoảng 40% thịt lợn BIO trên toàn quốc (4).

Hai trong các bí quyết thành công của Antoine Foret là trồng lúa mì, để chủ động 50% nguồn nguyên liệu ngay tại chỗ cho chăn nuôi, và bán trực tiếp một phần sản phẩm đến tận tay người sử dụng. Nhà nông trẻ Antoine Foret khẳng định đào tạo chính là yếu tố quyết định :

00:52

Anh Antoine Foret (Sarth)

Antoine Foret : « Đối với tôi, hiện tại phải có BAC+2 (tức tú tài +2) là trình độ tối thiểu mới thì mới có đủ tầm nhìn để làm chủ một cơ sở nông nghiệp, từ khâu sản xuất, đến quản lý. Bởi vì thông thường các nhà nông có xu hướng đề cao thời gian làm việc trên đồng ruộng, và có phần coi nhẹ công việc quản lý. Mà hiện tại, có tới 50% kết quả phụ thuộc vào việc quản lý nguyên liệu và các chi phí…. Càng có trình độ cao hơn, người ta càng có xu hướng đẩy các suy nghĩ xa hơn để hướng đến hiệu quả. Bên cạnh đó, có hàng loạt các khóa đào tạo ngắn hạn, về đủ các lĩnh vực, từ bò thịt, bò sữa, đến nuôi heo…, để giúp người trẻ học hỏi các bài học thành công và thất bại. Phải nói là chúng tôi được hỗ trợ rất tốt » (5).

Chia sẻ với người đi sau

Bà Nathalie de Poix, chủ tịch Hiệp hội sản xuất tảo nước lợ, hơn 80 tuổi, làm việc tại tỉnh ven biển miền tây nam Charente Maritime, nhấn mạnh hơn đến sự trao đổi kinh nghiệm trực tiếp giữa các nhà sản xuất, và việc người đi trước hỗ trợ người đi sau. Tảo nước lợ (một nghề mới ra đời tại Pháp), tuy số lượng ít, nhưng được coi là sản phẩm rất giàu dinh dưỡng, bắt đầu được dùng nhiều làm nguồn « thực phẩm bổ trợ ».

Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018 : Hướng dẫn học sinh làm quen với nghề nông.
Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018 : Hướng dẫn học sinh làm quen với nghề nông. RFI/Trọng Thành

Nathalie de Poix : « Chúng tôi có khoảng 100 nhà sản xuất, làm việc riêng rẽ tại các cơ sở của mình, nhưng chúng tôi thường xuyên có nhiều trao đổi về kỹ thuật và hiểu biết cụ thể. Đây cũng là cách để chúng tôi cùng nhau tiến lên nhanh hơn. Ngành sản xuất tảo nước lợ còn rất mới. Hiện tại, có khoảng 100 dự án mới muốn đầu tư vào lĩnh vực này (trong số đó một nửa là của giới trẻ). Dựa trên tinh thần trao đổi sẵn có, những người cũ chúng tôi đề xuất với các bạn trẻ các chương trình đào tạo. Chúng tôi rất hài lòng là có thêm nhiều người mới, vì nhu cầu của xã hội đang gia tăng ».

00:39

Bà Nathalie de Poix (Charente-Maritime)

Giảng dạy chuyển mạnh sang hướng « bền vững »

Cũng tại Triển lãm Nông Nghiệp Paris, chúng tôi gặp được Frédérique Elbé, nữ chủ tịch Liên đoàn các cơ sở giảng dạy công lập địa phương và đào tạo nghề nông (APREFA), cũng là hiệu trưởng một trường trung học Nông Nghiệp ở Chartres, thủ phủ tỉnh Eure-et-Loire. Bà cho biết tình hình giảng dậy nông nghiệp nói chung tại Pháp là mang tính toàn diện, nhưng đặc biệt từ ít năm gần đây, có xu hướng chuyển mạnh sang định hướng sản xuất bền vững :

Frédérique Elbé : « Điều cần biết là trong các cơ sở đào tạo nông nghiệp công lập tại Pháp, đặc biệt đối với các bạn trẻ muốn làm việc trong nghề nông, cụ thể là đối với những người theo học chương trình trung học chuyên nghiệp về nghề nông CGEA - tức ngành quản trị kinh doanh nông nghiệp -, chúng tôi có nghĩa vụ phải giới thiệu với họ toàn bộ hệ thống trồng trọt. Cụ thể là về hệ thống thâm canh quy ước truyền thống, hệ thống sản phẩm BIO (hay sản phẩm được coi là tôn trọng triệt để môi trường sinh thái tự nhiên - người viết), và thứ ba là hướng đến một nền nông nghiệp bền vững (agriculture intégrée) (được nhiều người coi là con đường mang tính trung dung)…. Sau đó, chính người chủ tương lai sẽ quyết định chọn phương thức canh tác nào.

01:20

Bà Frédérique Elbé (Chartres)

(…) Hiện tại, từ hai ba năm trở lại đây, có sự chú ý đặc biệt đến tiếp cận ‘‘nông học/agronomique’’, bởi bộ chủ quản của chúng tôi, bộ Nông Nghiệp, khởi sự một chương trình giảng dạy có chủ trương khuyến khích ‘‘sản xuất một cách khác – produire autrement’’. Có nghĩa là làm thể nào để có thể sản xuất vừa với chất lượng cao, vừa nhiều, vừa đồng thời tôn trọng môi trường đất đai xung quanh chúng ta, tức các công nghệ hỗ trợ nông nghiệp bền vững.

Áp phích quảng bá cho chiến lược "sản xuất một cách khác/produire autrement" của chính phủ Pháp.
Áp phích quảng bá cho chiến lược "sản xuất một cách khác/produire autrement" của chính phủ Pháp. Ảnh chụp màn hình

Về hướng tiếp cận nông nghiệp bền vững, bên cạnh việc giảng dậy về phương thức sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, ngay trong chính các cơ sở đào tạo, chúng tôi thiết lập các điểm thử nghiệm, để giúp Phòng Nông Nghiệp ở địa phương và các nhà nông có được các hình mẫu. Bởi tự bản thân họ có thể không có điều kiện làm, hoặc không dám làm.

Với tiếp cận bền vững, chúng tôi thử nghiệm việc luân canh đất, chẳng hạn giữa hai vụ lúa mì, chúng tôi trồng thêm một loại cây khác, để làm cho đất đai màu mỡ hơn một cách tự nhiên, mà không cần phải bón phân hóa học ».

Theo nữ chủ tịch Liên đoàn giảng dạy và đào tạo nghề nông APREFA, mục tiêu của các thử nghiệm « không phải là để thử nghiệm, mà để cho thấy ngay sự khác biệt về kết quả », để nhà nông có cơ hội so sánh, về chất lượng sản phẩm, sản lượng và công sức bỏ ra, cũng như về chất lượng đất đai, giữa ba loại hình canh tác : Bio, thâm canh truyền thống và phương thức bền vững dựa trên các nghiên cứu nông học mới.

***

Trở lại với bối cảnh kinh tế nông nghiệp rất nhiều bất lợi hiện nay, các cơ chế hỗ trợ và đào tạo từng giúp nông nghiệp Pháp trụ hạng cũng cần được thích nghi với tình hình mới. « Đào tạo là trụ cột số một để các cơ sở nông nghiệp có được sức mạnh dẻo dai » là niềm tin của vị lãnh đạo nghiệp đoàn Nhà Nông Trẻ Quellec Loic.

Trong kế hoạch năm tỉ euro của tổng thống Pháp dự kiến dành để thúc đẩy nông nghiệp, có một tỉ sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nhà nông trẻ, với các dự án sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm Pháp, giảm thuốc trừ sâu, phân hóa học chứa nhiều chất độc, bảo vệ tốt hơn sức khỏe của người sản xuất, vật nuôi, tiết kiệm năng lượng, phát triển khí mêtan tại nông thôn…, tóm lại hỗ trợ cho xu hướng phát triển bền vững. Dự án đầu tư hỗ trợ các chủ nông nghiệp trẻ của chính phủ Pháp ắt hẳn cũng sẽ phải được đi kèm với các đào tạo tương ứng (6).

----

  1. Hiện tại, cứ ba chủ nông nghiệp về hưu, thì chỉ có hai người mới kế tục.
  2. Theo thăm dò dư luận của IFOP, 82% thừa nhận ngành nông nghiệp đang trải qua « khủng hoảng nghiêm trọng ». 47% cho rằng nhà nông « tôn trọng môi trường », 57% « tôn trọng sức khỏe của người Pháp » : các con số có phần sụt giảm so với những năm 2000.
  3. Việc kém hiểu biết về nghề nông, cộng với khả năng được cho vay dễ dãi, cũng là một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến việc nhiều chủ trẻ phá sản (« Facilités bancaires et désillusions pour les jeunes agriculteurs installés », Terre.net.fr, 16/02/2018).
  4. Mục tiêu của chính phủ Pháp là nâng tổng diện tích nông nghiệp BIO lên 15% vào năm 2022 (kế hoạch Ambition BIO), 50% thực phẩm dùng trong các bếp ăn tập thể là BIO, nguồn gốc tại chỗ, hay bảo đảm các tiêu chí về sinh thái. Hiện tại đồ BIO sản xuất trong nước không đủ, Pháp phải nhập thêm khoảng một tỉ euro.
  5. Riêng về nuôi heo theo phương thức BIO, Antoine Foret cho biết trước đây « không có đào tạo riêng, nhưng có các kỹ thuật viên hỗ trợ các nhà nông ngay tại nông trang của mình. Giúp cho họ nắm được rõ các kỹ thuật sản xuất BIO – hay thực phẩm sạch, về các tiêu chuẩn mới, các phương pháp mới. Bởi sản xuất BIO và canh tác theo quy ước truyền thống vốn rất khác nhau ». Theo anh, tại trường cũ nơi anh theo học, giờ đã có giảng dạy về canh tác BIO.
  6. Giới nhà nông nhìn chung cũng chờ đợi chính phủ có các quyết sách đúng, đặc biệt giúp các nhà sản xuất hợp sức để sản phẩm nông nghiệp « được trả đúng giá » (chống nạn dìm giá từ phía nhiều công ty trung gian), người làm nông có thể tự lực sống được mà không cần trợ cấp, các vùng khó khăn được hỗ trợ thích đáng, có chế độ bảo hiểm thiên tai, rủi ro phù hợp, chống lại các cạnh tranh hoang dã từ bên ngoài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.