Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Pháp : Một "bố già" bị xét xử chỉ vì ra sách về vụ trộm tiền cách nay 40 năm

Đăng ngày:

Chuyện tưởng chỉ có trong điện ảnh Hollywood. Tòa án Marseille miền nam nước Pháp, hôm thứ Hai, 12/02/2018 mở phiên xét xử một « bố già » 74 tuổi, quản lý một tiểu đế chế bất động sản, nhà hàng, vũ trường tại Marseille.

Ông Jacques Cassandri, « bố già » 74 tuổi ở Marseille.
Ông Jacques Cassandri, « bố già » 74 tuổi ở Marseille. AFP
Quảng cáo

Vụ việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như người bị đưa ra xét xử, Jacques Cassandri không ra quyển sách « Sự thật về vụ trộm tại Nice », một vụ trộm tiền nổi tiếng tại chi nhánh ngân hàng Société Générale ở Nice xảy ra cách nay hơn 40 năm.

Trong vòng hai ngày 16 và 17/07/1976, một số tiền lớn 46 triệu francs, tương đương với 29 triệu euro hiện nay đã không cánh mà bay. « Vụ trộm thế kỷ » theo như cách gọi của báo chí Pháp lúc bấy giờ đã gây xôn xao dư luận không chỉ vì số tiền bị trộm mà vì cả phương thức đánh trộm mà băng « nhân viên dọn ống cống » đã sử dụng.

Khi quyết định cầm bút, J. Cassandri muốn tái lập một sự thật. Ông miêu tả tường tận làm cách nào ông và đồng bọn đào được đoạn đường hầm dài 8 mét để tiếp cận với phòng để két tiền của ngân hàng Société Générale qua ngả các đường ống cống của thành phố.

J. Cassandri khẳng định lại đầu não của vụ trộm chính là ông và « Le Gros », bạn của ông. J. Cassandri còn tự nhận chính ông là người để lại tin nhắn nổi tiếng lúc bấy giờ : « Không vũ khí, không bạo lực và không thù hằn », được ghi bằng phấn trắng trên tường.

Với những tình tiết mới này, J. Cassandri đã đẩy Albert Spaggiari, lúc bấy giờ được ví như là tay trộm siêu đẳng xuống hàng thứ yếu, chỉ là người cung cấp thiết bị vật tư. Tư pháp của Pháp thời bấy giờ nghĩ rằng đã có thể khép lại « vụ trộm thế kỷ » với việc bắt giữ « tên trộm lịch lãm » Albert Spaggiari vào tháng 10/1976.

Thế nhưng, vài tháng sau đó, Albert Spaggiari đã đào thoát. Năm 1979, tòa án Marseille tuyên án tù chung thân vắng mặt và chết vào năm 1989 trên đường trốn chạy.

« Tình nghĩa giang hồ » hay « Lòng đố kỵ » ?

Tập sách do nhà nhà xuất bản Les Petits matins phát hành dưới bút danh là Amigo(Le vérité sur le casse de Nice). Tuy nhiên, theo báo chí Pháp, do cảnh sát vốn đã nghi ngờ về cuộc sống xa hoa nhưng không lý giải được của bố già cũng như là của người thân trong gia đình, chủ sở hữu của nhiều mảnh đất, căn hộ, hộp đêm, trang sức, đồ gỗ…, nên các nhà điều tra đã nhanh chóng lần ra tên thật của tác giả.

Sau nhiều lần phủ nhận không liên can đến vụ án, đến năm 2011, trong một lần bị câu lưu, J. Cassandri đã thú nhận là ông một trong số « những người đào hầm » năm đó :

« Tôi là một trong số tác giả chính trong vụ trộm này nhưng tôi muốn giữ im lặng về những gì liên quan đến người khác. Tôi nghĩ là phần tôi, tôi có khoảng 2 triệu franc. Tôi đã tiêu hết một cách chóng vánh ».

Đành rằng vụ án đã được xếp lại, những tình tiết trong tập sách không thể dùng làm bằng chứng để kết tội J. Casandri, nhưng hành động rửa tiền đánh cắp là một hành động phạm pháp kéo dài và tư pháp vẫn có thể đưa ra xét xử nếu như tội danh được nhìn nhận, cho dù nhiều thập niên đã trôi qua.

Đối với Jacques Cassandri, việc cho ra đời tập truyện còn là một « nghĩa cử hào hiệp » đối với một người bạn quá cố. Theo lời thuật của luật sư Monneret, « ông ấy viết sách chỉ vì muốn tiền tác quyền được đổ cho người vợ góa của một bằng hữu », bị bắn hạ vào năm 1987.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, sau 40 năm ung dung tự tại xây dựng đế chế của mình, Jacques Cassandri đã bị dính án chỉ vì « một phút nổi hứng kiêu ngạo » nhằm khẳng định rằng mình mới thật sự là người lên kế hoạch « vụ trộm siêu thế kỷ » chứ không phải như những gì « tên trộm lịch lãm » Albert Spaggiari đã cho thấy.

Anh Quốc : Quân đội làm phim hoạt hình để tuyển quân

Nước Anh thiếu quân nhân, chính xác là 3.500 quân. Các chiến dịch tuyển dụng trong năm 2017 chưa đủ cung cấp quân số lên đến 82.000 binh sĩ. Thế là bộ Quốc Phòng đã cho phát trên các trang mạng xã hội của mình 5 đoạn phim hoạt hình để thuyết phục những ai còn nghĩ rằng quân đội không phải là nơi để họ khoác bộ quân phục.

Thông tín viên Marie Billon tại Luân Đôn tường thuật :

« Những người thần kinh yếu, xin đừng sợ và bỏ qua. Đó là nội dung chính thông điệp của quân đội Anh. Bộ phim hoạt hình có tựa đề rất rõ : Liệu tôi có thể bày tỏ tình cảm trong quân đội hay không. Câu trả lời là có. Tình đồng đội sẽ giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn. Trong bộ phim này, không hề có những hình ảnh vốn dĩ quen thuộc như cảnh chiến trận, luyện tập… Chỉ có hình ảnh hai người lính, súng để bên cạnh, một người đặt tay lên vai người kia với vẻ an ủi, trấn an.

Một quảng cáo khác nêu ra câu hỏi : Liệu có cần phải là siêu anh hùng thì mới được gia nhập quân ngũ hay không. Một cựu « người nhện » trả lời rằng không có chuyện luyện tập chuẩn bị thể lực, chỉ có những luyện tập theo nhu cầu và phục hồi sức khỏe.

Đó là những bộ phim ngắn, trấn an giới trẻ. Nhưng các hiệp hội cựu chiến binh cho rằng quân đội đã đưa ra những thông điệp sai lệch, bỏ qua thực tế chiến trường. Một cựu chiến binh cho biết có rất nhiều người bị stress sau khi giải ngũ. Một người khác thì tố cáo quân đội tự hạ mình. Chính phủ và quân đội bác bỏ những chỉ trích nhắm vào chiến dịch quảng cáo và cho rằng đội ngũ binh sĩ phải phản ánh thực tế xã hội Anh.

Hiện nay, chỉ có 9% binh sĩ là phụ nữ. Qua các bộ phim này, quân đội được giới thiệu như là nơi không có phân biệt giới tính. Điều chủ chốt là mọi người phải làm tốt công việc của mình.

Từ năm 2000, các binh sĩ đồng tính không phải giấu giếm xu hướng tính dục của mình và trong gần 15 năm qua, các binh chủng và bộ Quốc Phòng được xếp trong nhóm 100 đơn vị dễ chịu nhất đối với giới LGBT ».

Pyeongchang : Cơ hội thử nghiệm 5G của Hàn Quốc

Các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực viễn thông tận dụng sự kiện Thế Vận Hội Mùa Đông đang diễn ra trong nước để thử nghiệm các loại công nghệ kết nối mới và nhất là để giới thiệu trước kỹ nghệ của mình. Sau đây là phần tường thuật của thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul.

Theo nhận định của thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul, Thế Vận Hội năm nay được dùng như là điểm thử nghiệm rộng rãi cho mạng 5G, thế hệ mạng Internet di động. Mạng 5G nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G hiện nay.

« Tập đoàn khai thác điện thoại Hàn Quốc KT là hãng đầu tiên thử nghiệm trên diện rộng tại Pyeongchang công nghệ 5G này, cho phép chuyển tải đến 10Gigabit/giây.

Ví dụ ứng dụng cụ thể : với mạng 5G người ta có thể theo dõi trực tiếp các cuộc thi đấu bobsleigh qua chiếc kính thực tế ảo. Người sử dụng có cảm giác như ở vị trí của người thi đấu. Một camera được gắn trên xe trượt, và việc kết nối mạng 5G cho phép chuyển tải trực tiếp các dữ liệu.

Người ta cũng có thể xem trực tiếp các chương trình thi trượt băng nghệ thuật và đua trượt băng tốc độ nhờ vào một công nghệ giúp chọn góc nhìn một cách rất rõ và thoải mái. 100 camera đã được đặt xung quanh sân trượt băng, và như vậy, bằng cách trượt tay trên một chiếc máy tính bảng, người xem có cảm giác đi vòng tròn « 360 độ » xung quanh vận động viên. »

5G : Công cụ chống « lợn rừng »

Vẫn theo Frédéric Ojardias, công nghệ 5G còn có một ứng dụng tuyệt vời hơn nữa đó là dùng để xua đuổi lợn rừng.

« Bởi vì ngày càng có nhiều lợn rừng sống lảng vảng trên dãy núi Pyeongchang, đe dọa mùa màng, gây nguy hiểm cho cư dân, và người trượt tuyết.

Nhiều camera có kết nối đã được lắp đặt xung quanh những khu vực nhậy cảm : chất lượng hình ảnh có được nhờ 5G cho phép nhận dạng tự động một con lợn rừng đang đến gần… và có thể làm cho chúng sợ bằng cách phát ra những tia sáng và một đoạn ghi âm tiếng gầm của cọp.

Theo doanh nghiệp KT, các hệ thống sử dụng mạng 4G (thế hệ Internet di động hiện nay) chưa đủ nhanh và mạnh để tạo ra một sự khác biệt giữa một con lợn rừng và một động vật khác. »

Ngoài ra, còn có những ứng dụng nào khác nhờ vào mạng di động cực kỳ nhanh này :

« Trong tương lai, mạng 5G sẽ rất hữu ích cho các tất cả các vật dụng có kết nối nào cần chuyển tải những khối lượng lượng dữ liệu lớn. Công nghệ này sẽ giúp phát triển mạng Internet của các vật dụng, người máy, các loại phương tiện tự vận hành.

Tại Pyeongchang, xe buýt không người lái, được kết nối qua mạng 5G, đã hoạt động xung quanh các cơ sở thi đấu Olympic.

Một khi thế vận kết thúc, các kỹ sư sẽ phân tích tỉ mỉ tất cả các dữ liệu thu thập được để cải thiện hệ thống… và công nghệ Internet cực nhanh này chắc sẽ được tung ra thị trường điện thoại thông minh của Hàn Quốc ngay từ năm tới »

Chữ cái tiếng Việt bị sử dụng để lừa đảo tặng vé máy bay AirFrance

Trang mạng France24.com vừa mang đến một thông tin khá kỳ lạ liên quan đến font chữ tiếng Việt. Từ nhiều ngày qua, trên ứng dụng WhatsApp và mạng xã hội Facebook có lưu hành một đường kết nối (link), quảng cáo là cư dân mạng có thể được biếu tặng hai vé máy bay. Quảng cáo tiếp thị này xuất phát từ trang web của Air France, nhưng trên thực tế, đây là một trò lừa đảo, cần phải cẩn thận, tinh mắt để phát hiện.

Trên WhatsApp, từ đầu tháng 02/2018, đã có tin nhắn : Air France tặng hai vé để kỷ niệm 85 năm ngày thành lập. Để có được vé miễn phí, bấm vào địa chỉ sau : www://airfrạnce.com.

Lời chào mời này có vẻ đến từ website của Air France và đưa ra một bản câu hỏi để bạn có thể có được hai vé máy bay, trị giá 500 euro nhân dịp 85 năm ngày thành lập hãng hàng không này. Tất cả dường như đều « chuẩn » : địa chỉ URL dường như đúng và năm nay, Air France kỷ niệm 85 năm ngày thành lập (1933-2018).

Thế nhưng, một khi vào được website nói trên, bạn nhận được thông tin là vé được tặng thông qua công ty hàng không Ryan Air, và điều này gây nghi ngờ. Và khi « soi » kỹ địa chỉ website, thì người ta nhận thấy là chữ A thứ hai trong AirFrance, có dấu nặng. (ạ) Dân tin học gọi đây là kiểu « chữ UTF8 ».

Ở đây, chữ (ạ) này có trong tiếng Việt hoặc tiếng Malta. Kiểu lừa đảo này được còn được gọi là « nhái chữ », có nghĩa là sử dụng một chữ có những nét gần giống với một chữ khác để làm cho người ta tin rằng đó là địa chỉ thật và truy cập vào website thật.

Website này đã bị đóng cửa sau khi có nhiều đơn kiện. Theo trang web Zataz, chuyên về an ninh mạng, cư dân mạng truy cập vào một trang web tìm cách thu thập thông tin cá nhân, thông qua bản câu hỏi. Trên Twitter chính thức của Air France, hãng hàng không này, ngày 13/02, cho biết không đưa ra quảng cáo này và kêu gọi mọi người cảnh giác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.