Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Pháp : Tăng trưởng phục hồi nhưng vẫn "bó tay" với thất nghiệp

Đăng ngày:

Năm 2017 là một bước ngoặt quan trọng đối với kinh tế Pháp : GDP tăng cao nhất kể từ năm 2011. Viễn cảnh khá sáng sủa đang mở ra cho năm 2018. Tất cả các chỉ số đều được đánh giá là rất thuận lợi. Tì vết duy nhất trên bảng thành tích, đó là Pháp vẫn chưa hy vọng giải quyết được tình trạng thất nghiệp.

Chủ tịch tập đoàn Michelin, Jean-Dominique Senard (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Trung tâm Nghiên cứu Michelin, Ladoux, ngày 25/01/2018.
Chủ tịch tập đoàn Michelin, Jean-Dominique Senard (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Trung tâm Nghiên cứu Michelin, Ladoux, ngày 25/01/2018. REUTERS/Thierry Zoccolan
Quảng cáo

Những thành tích của kinh tế Pháp trong năm qua do đâu mà có ? Vì sao chính sách lao động của Paris không giúp hơn 3,5 triệu người thất nghiệp tìm lại được việc làm và nhìn xa hơn, đâu là những thách thức mà nền kinh tế thứ 5 trên thế giới này còn phải vượt qua ?

Nhận lời mời của RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Eric Heyer, thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp (OFCE) lần lượt trả lời các câu hỏi trên.

Thuận buồm xuôi gió

Sau nhiều năm phải chấp nhận một tỷ lệ tăng trưởng có khi không đạt nổi 1%, năm 2017, Paris phấn khởi khi Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE thông báo tổng sản phẩm nội địa tăng 1,9% và sẽ còn giữ mức này trong năm 2018. Đây là thành tích cao nhất từ 6 năm nay.

Lần đầu tiên kể từ năm 2011, tất cả các chỉ số kinh tế của Pháp đều tươi sáng, từ mức tin tưởng của các doanh nhân, đến đầu tư của doanh nghiệp và các hộ gia đình, kể hoạt động xuất khẩu của Pháp đều tăng cao hơn mong đợi.

Cùng lúc Pháp được nhiều lợi thế : giá dầu và nguyên, nhiên liệu trong năm 2017 có tăng, nhưng tăng chậm không tạo ra lạm phát, không đè nặng lên sức mua của người dân. Tại châu Âu, lãi xuất ngân hàng còn thấp ở mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2017 và chỉ tăng một cách rất từ tốn từ mùa hè vừa qua.

Về mặt chính trị, sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 05/2017, một vị lãnh đạo trẻ và năng động muốn đem lại một làn gió mới cho nước Pháp cũng như cho cả Liên Hiệp Châu Âu. Emmanuel Macron thu hút sự tò mò và nhiều thiện cảm của các doanh nhân trên thế giới. Pháp đang trở thành một bãi đáp an toàn sau Brexit và những giao động cả về chính trị lẫn ngoại giao ở Hoa Kỳ. Paris lại có ưu điểm hơn Berlin về mức độ ổn định chính trị, ít ra là trong ngắn hạn.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra với kinh tế gia Eric Heyer, thuộc Đài Quan Sát Về Tình Hình Kinh tế Pháp (OFCE), là những thành tích ngoạn mục vừa nêu do đâu mà có?

Eric Heyer : Thông thường thì trong lĩnh vực kinh tế, có nhiều yếu tố để giải thích cho một hiện tượng. Thứ nhất là những yếu tố không phụ thuộc vào nước Pháp. Phải nói là trong năm qua, toàn cảnh kinh tế của thế giới khá sáng sủa. Các hoạt động tăng trưởng tốt và năng động hơn so với 2016. Điều đó có được nhờ một loạt các yếu tố thuận lợi. Yếu tố đầu tiên là giá dầu có tăng, nhưng tăng một cách chừng mực. Thứ nhì là lãi suất ngân hàng thì còn rất thấp, khuyến khích tiêu thụ và đầu tư. Yếu tố thứ ba là các nền kinh tế, đặc biệt là tại châu Âu đã ngưng chính sách thắt lưng buộc bụng, tạo thuận lợi cho tiêu thụ.

Điểm thứ hai cần chú ý là động lực bên trong cỗ máy kinh tế của Pháp. Ở đây, chúng ta phải nhìn nhận những biện pháp được chính quyền trước dưới thời tổng thống Hollande ban hành bắt đầu đem lại hiệu quả mong đợi. Chính sách giảm các khoản đóng góp xã hội cho doanh nghiệp, chẳng hạn giảm gánh nặng tài chính cho các công ty. Nhờ đó mà số này đầu tư nhiều hơn và bắt đầu tuyển dụng thêm nhân viên.

Tóm lại kinh tế Pháp trong năm 2017 gặp nhiều thuận lợi, và chúng ta đang trông thấy hai chỉ số quan trọng là đầu tư và tình trạng lao động được cải thiện rõ rệt. Thêm một tin vui thứ ba nữa là xuất khẩu của Pháp - nhất là trong quý tư - đã rất vững, cho phép thu hẹp thâm hụt mậu dịch. Đó là một tín hiệu tốt đã loé lên vào cuối năm 2017.

Tiêu thụ tư nhân có là động cơ tăng trưởng ?

Eric Heyer : Có thể nói 2017 là năm mà nhiều động cơ kinh tế của Pháp đã được khởi động trở lại hay là vẫn giữ được mức độ hoạt động khá tốt. Trong số này, phải kể đến tiêu thụ nội địa của các hộ gia đình. Chính nhờ tiêu thụ nội địa, mà Pháp đã đối phó được với khủng hoảng kinh tế từ 2011 tới nay.

Dù vậy, tôi xin lưu ý một điểm là trong năm vừa qua, đà tăng trưởng của chỉ số tiêu thụ lại không mạnh bằng những năm trước. Tức là dân Pháp vẫn tiếp tục mua sắm, nhưng đồng thời họ cũng đã đầu tư nhiều vào địa ốc. Các dịch vụ mua bán nhà cửa trong năm 2017 tăng mạnh hơn hẳn so với những năm trước.

Đà tăng trưởng này liệu có bền được hay không ?

Eric Heyer : Có rất nhiều khả năng là trong năm nay, tỷ lệ tăng trưởng của Pháp cũng sẽ tương tự như năm 2017. Có nghĩa là tổng sản phẩm nội địa sẽ tăng khoảng dưới 2% một chút. Những yếu tố giúp cho cỗ máy kinh tế của Pháp được vững chắc vẫn tồn tại. Chính phủ không điều chỉnh ngân sách của Nhà nước là bao, tức là không cắt giảm mạnh các khoản chi tiêu, nhưng cũng không nới lỏng ngân sách. Nếu có tăng chi ở khoản này thì chính phủ sẽ giảm chi ở chỗ khác.

Vậy tăng trưởng có giúp thị trường lao động khởi sắc trở lại và là bước đầu để Pháp giải quyết thất nghiệp hay không ?

Eric Heyer : Chúng ta cần phân biệt rõ hai vấn đề : một bên là tình trạng lao động và bên kia là nạn thất nghiệp. Nhìn chung, với gần 2% tăng trưởng, kinh tế Pháp tạo ra 260.000 việc làm trong năm vừa qua. Đây là một thành quả đáng khích lệ, và vượt ngoài mong đợi. Nhưng 260.000 việc làm là một giọt nước rất nhỏ trong lúc nước Pháp có tới hơn ba triệu rưỡi người thất nghiệp. Tôi hiểu là công luận thất vọng vì kinh tế Pháp có tươi sáng hơn, nhưng tình trạng thất nghiệp thì không được cải thiện. Rõ ràng thất nghiệp tại Pháp giảm quá chậm hay nói đúng hơn là đại đa số những người đang bị gạt ra ngoài thị trường lao động vẫn không tìm ra việc.

Làm thế nào để giải thích nghịch lý đó ?

Eric Heyer : Câu trả lời nằm trong nét đặc thù của nền kinh tế Pháp. Thứ nhất là để giảm được tỷ lệ thất nghiệp, Pháp phải tạo ra rất nhiều công việc làm, và con số 260.000 mà tôi vừa nêu, chỉ là một giọt nước đổ bể. Thứ hai là dân số trong tuổi lao động ở Pháp rất năng động và làm việc với năng suất cao. Thành thử là kinh tế Pháp phải tăng trưởng rất mạnh lắm mới đủ sức tạo ra thêm công việc làm. Hiện tại thì khoảng 2% như hiện nay là chưa đủ.

Yếu tố thứ ba là chúng ta có tỷ lệ sinh đẻ cao bậc nhất châu Âu. Điều đó có nghĩa là hàng năm, số người mới gia nhập thị trường lao động cao hơn so với lớp đến tuổi về hưu. Cụ thể hơn, theo thẩm định của OFCE, để tỷ lệ thất nghiệp không tăng thêm, mỗi năm Pháp phải tạo thêm 140.000 việc làm. Với đà này, cho dù GDP có tăng 2% một năm, thì tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ giảm đi được độ từ 0,3 đến 0,4% một năm là cùng.

Với đà này, thì phải mất khoảng 10 năm, chúng ta mới thực sự có thể nói là "đã giải quyết được nạn thất nghiệp". Tôi nghĩ là cho năm nay, thất nghiệp của Pháp vẫn cao, và nghịch lý ở đây là Pháp vẫn tạo được thêm công việc làm.

Tuy vậy, tôi xin lưu ý rằng số lượng việc làm tạo được thêm trong năm 2018 sẽ thấp hơn đôi chút vì nhiều lẽ : một là khu vực kinh tế tư nhân sẽ tuyển dụng ít nhân viên hơn so với 2017 vì chính phủ ngưng một số các khoản trợ giúp để khuyến khích giới chủ mượn thêm người. Hai là chính phủ đang tính tới chuyện giảm bớt nhân viên Nhà nước. OFCE dự phóng Pháp sẽ tạo ra khoảng 190.000 chỗ làm trong năm 2018 thay vì 260.000 như trong năm vừa qua.

Sức thu hút của nước Pháp ?

Eric Heyer : Thực ra từ 15 năm nay, Pháp luôn khá hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài. Pháp đứng hạng thứ ba hay thứ tư trên thế giới trong số những địa điểm được giới chủ chọn đến làm ăn.

Nhưng phải công nhận là hình ảnh của Pháp đã được cải thiện đáng kể trong mắt các doanh nhân ngoại quốc. Một phần là nhờ hình ảnh của một vị tổng thống trẻ và năng động. Vả lại, ở thời điểm này, Pháp được coi là một vùng đất ổn định so với nước Mỹ của Donald Trump, so với nước Anh đang khốn khổ vì Brexit, so với Đức đang đau đầu vì bất ổn chính trị nội bộ hay so với Tây Ban Nha vẫn chưa tìm ra ngõ thoát cho khủng hoảng Catalunya.

Sau cùng hàng loạt các biện pháp cải tổ đang được Paris xúc tiến thuận với nguyện vọng của giới chủ. Các doanh nghiệp hài lòng với kế hoạch giảm thuế cho các công ty, giảm các khoản đóng góp xã hội của giới chủ, giảm thuế cho nhà giàu, và cởi trói thị trường lao động.

Và những thách thức còn lại ?

Eric Heyer : Từ khi lên cầm quyền tháng 5/2017, tổng thống Macron liên tục mở ra nhiều "công trường cải tổ" từ luật lao động đến chính sách đào tạo nhân tài, từ các điều khoản thuế khóa đến quỹ hưu bổng…

Ở mỗi chặng đều đầy rẫy những chông gai. Nhưng trong mắt một số các chuyên gia, ngoài vế thuần túy kinh tế, để phát triển mạnh trong tương lai, nước Pháp còn phải chú ý đến cả một mảng xã hội với nhiều thách thức không kém : 70 năm sau Chiến Tranh Thứ Hai, thế hệ Baby Boom nay tuổi đã thất thập. Ở đây đặt ra vấn đề y tế, chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó là những cải tổ cần thiết về chế độ hưu bổng. Quỹ này luôn trong tình trạng bội chi triền miên và đang trở thành một gánh nặng chung của xã hội. Trong khi đó thì lớp trẻ vẫn khó chen chân vào thị trường lao động và nếu có may mắn tìm được việc làm thì một phần trong số họ lại vấp phải vấn đề nan giải không kém khi đi thuê hoặc mua nhà.

Nói tóm lại, thời điểm kinh tế khởi sắc trở lại, có lẽ cũng là lúc để một nước già như Pháp điều chỉnh lại từ chính sách y tế, đến hưu bổng, từ hệ thống an sinh xã hội đến chính sách nhà ở... Tất cả những yếu tố đó là nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.