Vào nội dung chính
PHÁP-KINH TẾ

Kinh Tế : "Choose France" hay sức hấp dẫn của Pháp

Một bữa dạ tiệc tại lâu đài Versailles để thu về "hơn ba tỷ euro" qua một loạt các dự án đầu tư cho nước Pháp. Một ngày trước Diễn Đàn Thế Giới Kinh Tế tại Davos khai mạc, lâu đài Versailles là điểm hẹn của nhiều doanh nhân toàn cầu.

Tổng thống Macron (T) tiếp lãnh đạo Google (G) tại lâu đài Versailles trong khuôn khổ chiến dịch "Choose France" ngày 22/01/2018.
Tổng thống Macron (T) tiếp lãnh đạo Google (G) tại lâu đài Versailles trong khuôn khổ chiến dịch "Choose France" ngày 22/01/2018. Reuters
Quảng cáo

Trong số 140 thượng khách của tổng thống Pháp ngày 22/01/2018, gồm có chủ tịch tổng giám đốc của những cây đại thụ trong thế giới kinh tế tài chính toàn cầu như ngân hàng Mỹ Goldman Sachs, hãng nước ngọt Coca Cola, lãnh đạo của những Facebook, Google, Alibaba của Trung Quốc hay nhãn hiệu xe hơi Nhật Bản quá quen thuộc là Toyota.

Đây là lần thứ ba kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5/2017, tổng thống Macron bắt cộng đồng quốc tế phải chú ý đến nước Pháp. Cuộc hội ngộ đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và tân lãnh đạo Pháp nhân dịp lễ Quốc Khánh 14 tháng 7 được đánh giá là một đòn ngoại giao ngoạn mục của điện Elysée.

Đến tháng 12/2017 sau khi hội nghị khí hậu COP32 kết thúc, Paris với thượng đỉnh " One Planet Summit" mời hàng chục lãnh đạo trên thế giới và hàng trăm tổ chức hội đoàn, những gương mặt hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tập hợp về thủ đô nước Pháp.

Lần này Pháp trải thảm đỏ ngay tại lâu đài Versailles, ngoại ô Paris, nơi từng là cung điện của Ông Vua Mặt Trời – Louis XIV để mời các doanh nhân trên thế giới chọn quê hương Colbert là bãi đáp.

Đơn giản là vì Pháp cần đầu tư nước ngoài

Theo thống kê của bộ Kinh Tế và Tài Chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Pháp bảo đảm 21 % công việc làm của người lao động trong ngành công nghiệp. Gần 30 % các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) do các hãng ngoại quốc tài trợ.

Tối qua, tổng thống Macron và 16 bộ trưởng đã dành thời gian để có những cuộc trao đổi tay đôi với những doanh nhân năng động nhất. Emmanuel Macron đương nhiên là đã sử dụng ngôn ngữ của Shakespeare để trao đổi với 140 thượng khách của phủ tổng thống. Trong số này hơn phân nửa là các lãnh đạo tập đoàn châu Âu, 25 % từ Mỹ sang và 25 % còn lại đại diện cho các hãng của châu Á và Trung Đông.

Nỗ lực của tổng thống Pháp dường như đã được đền bù một cách xứng đáng : hãng xe Nhật Toyota thông báo đầu từ 300 triệu đô la vào nhà máy ở Onnaing, miền bắc nước Pháp, tuyển dụng 700 nhân viên với hợp đồng vô hạn định.

Đại diện cho mạng xã hội Facebook của Mark Zuckerberg, Sheryl Sandberg đến Paris với hai dự án quan trọng nhằm đào tạo cho 65.000 người trong lĩnh vực công nghệ số, đầu tư 410 triệu euro để phát triển thông minh nhân tạo. Công ty dược phẩm của Thụy Sĩ Novartis đến điện Versailles với món quà không kém phần hấp dẫn qua dự án đầu tư 900 triệu euro vào Pháp.

Sáng nay, phát ngôn viên của chính phủ thông báo "hơn 3 tỷ euro các dự án đầu tư đã được thông báo" nhân buổi dạ tiệc ở điện Versailles vừa qua.

Sáng kiến mời giới lãnh đạo các đại tập đoàn từ Âu sang Á và nhất là của Mỹ đến Pháp vào thời điểm này được coi là rất khôn ngoan. Theo thăm dò được Phòng Thương Mại Mỹ và cơ quan tư vấn Bain có trụ sở tại Boston thực hiện hồi tháng 11/2017, hình ảnh của nước Pháp trong mắt các doanh nhân Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể. Hơn 70 % những doanh nhân được hỏi có một cái nhìn "tốt" về nước Pháp.

Tỷ lệ này trong năm 2016 là 30 %. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Pháp năm 2017 tăng ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Thăm dò do viện Ipsos thực hiện vào cuối 2017 cũng cho thấy 60 % trong số 200 công ty ngoại quốc đang hoạt động tại Pháp đánh giá quốc gia này "có sức hấp dẫn cao". Một năm trước đó tỷ lệ này giao động ở mức từ 42 đến 46 %.

Thêm vào đó, tổng thống Emmanuel Macron được coi là một nhà lãnh đạo năng động, có tầm nhìn xa về một chiến lược chung cho châu Âu. Trong lúc Anh Quốc sau Brexit, chuẩn bị rời khỏi con tàu châu Âu. Nhìn sang Hoa Kỳ, chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp của chính quyền Trump có vẻ hấp dẫn nhưng chiến lược thương mại của Mỹ gây lo ngại.

Sức hấp dẫn của Paris qua nhiều kênh

Chiến dịch chiêu dụ các doanh nhân thế giới chọn Pháp làm địa bàn hoạt động của tổng thống Macron không dừng lại ở đây. Lợi dụng Brexit, Paris muốn phần nào thay thế Luân Đôn trở thành địa điểm tài chính hấp dẫn của châu Âu. Pháp đang chuẩn bị những điều kiện ưu đãi dành riêng cho các tay mối giới chứng khoán để "hút chất xám từ Luân Đôn" một khi Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ; tuyển dụng các chuyên gia về luật doanh nghiệp nước ngoài, mở thêm trường trung học đa sinh ngữ cấp 2 và 3 để có thể đón nhận thêm 1000 học sinh ngay từ mùa khai giảng tháng 9/2018.

Liệu đấy có phải do Hiệu ứng Macron?

Với các doanh nhân, ngoài môi trường sống, thì chìa khóa để đến hoạt động tại một quốc gia vẫn là khung pháp lý, luật lao động và chính sách thuế khóa. Trên tất cả các điểm này Paris nỗ lực cải tổ luật chơi chung.

Ngay từ tháng 12 năm ngoái, 70 lãnh đạo các chi nhánh của các công ty ngoại quốc làm ăn tại Pháp đánh giá cao các biện pháp cải tổ đầu tiên của cặp bài trùng Emmanuel Macron –Edouard Philippe. Quan trọng hơn cả là luật cải tổ lao động. Kế tới là hàng loạt các biện pháp giảm thuế doanh nghiệp. Pháp dự trù giảm thuế doanh nghiệp đang từ 33 % xuống còng 25 % trước khi ông Macron kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.

Cũng Paris đang bàn thảo về các biện pháp giảm thuế cho những thành phần có thu nhập cao.

Nói cách khác, thông điệp mà Paris gửi tới các nhà giàu có trên thế giới : Hãy chọn nước Pháp là cửa ngõ mở ra thị trường châu Âu rộng lớn.

Vườn ươm mầm cho công nghệ kỹ thuật số

Bên cạnh những lợi thế như là chất lượng cuộc sống, điều khoản thuận lợi về thuế khóa thì Paris còn tận dụng một lá chủ bài khác : Pháp chẳng những là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học của thế giới mà còn là "lò ươm giống" đầy hứa hẹn với các kỹ nghệ tương lai.

Nhà toán học từng đoạt giải thưởng Fields Cédric Villani tại điện Vesailles chủ trì một cuộc hội thảo về thông minh nhân tạo. Bộ trưởng đặc trách về công nghệ kỹ thuật số Mounir Mahjoubi tiếp chủ nhân nhiều tập đoàn high tech và đã không quên quảng báo "Trạm Không Gian Digital Station F". Tổng thống Macron không che giấu mục tiêu "thu hút các mầm non của ngành công nghệ kỹ thuật số", biến Paris thành một chiếc nôi của công nghệ Digital, ngang tầm với Luân Đôn hay và trong một chừng mực nào đó là "một góc thu nhỏ của vùng thung lũng Silicon Valley.

Trong mục tiêu này, mùa hè 2017, Pháp đã khánh thành "vườn ươm mầm" start –up lớn nhất thế giới Station F tại quận 13 Paris, mời 1.000 công ty khởi nghiệp đến đây làm việc, nhờ 100 công ty đã thành đạt đỡ đầu cho các "mầm non".

Báo chí ngoại quốc nghĩ gì trước các đòn ngoạn mục của Pháp để thu hút doanh nhân ?

Tờ báo tài chính Anh, Financial Times hài hước ví tổng thống Emmanuel Macron với "Ông Vua Mặt Trời", khi triệu tập các doanh nhân của thế giới tại tòa lâu đài từng thuộc về vị vua Louis thứ 14 và dường như sáng kiến "Choose France" khá thành công. Tờ báo bình luận : Emmanuel Macron xuất thân từ ngành ngân hàng, ông đã "nhanh chóng tranh thủ hình ảnh tốt đẹp có được trong lòng cộng đồng quốc tế, chóng làm chủ những ngõ ngách của ngành ngoại giao thêm vào đó là tài thuyết phục" để đặt những con cờ trên ván bài kinh tế và thương mại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.