Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Phim Nga ‘‘Ba giây để chiến thắng’’ : Vì sao hấp dẫn ?

Đăng ngày:

Nền điện ảnh Nga vừa có được một bộ phim sản xuất trong nước lập kỷ lục về số lượng người xem và doanh thu. Chỉ sau hai tuần ra rạp, « Dvizhenie vverkh » - tạm dịch là « Vươn cao hơn nữa » hay « Ba giây để chiến thắng » - đã thu hút hơn 7 triệu khán giả, mang về 1,8 tỉ rúp (tương đương 26 triệu euro). Điều gì khiến bộ phim này hấp dẫn khán giả Nga như vậy ?

Hình quảng cáo bộ phim Nga "Dvizhenie vverkh" (Vươn cao hơn nữa)
Hình quảng cáo bộ phim Nga "Dvizhenie vverkh" (Vươn cao hơn nữa) Wikipedia
Quảng cáo

« Ba giây để chiến thắng » nói về thắng lợi huyền thoại của đội tuyển bóng rổ Nga năm 1972 trước đội tuyển Mỹ, trong một tình huống gần như bất khả. Bộ phim được tung ra đúng vào lúc Matxcơva phải chấp nhận hình phạt nghiêm khắc của Ủy Ban Olympic Quốc Tế vì bê bối doping Sotchi, theo đó sẽ không có quốc kỳ Nga tại Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018, Hàn Quốc.

Phóng sự của đặc phái viên RFI Daniel Vallot từ Matxcơva,

« Với hơn 7 triệu khán giả kể từ khi ra mắt cuối tháng 12/2017, bộ phim ‘‘Vươn cao hơn nữa’’ đã trở thành bộ phim có lãi nhất trong lịch sử điện ảnh Nga. Bộ phim gặt hái thành công về thương mại, được giới phê bình hưởng ứng, cũng là một bộ phim về lòng yêu nước.

‘‘Vươn cao hơn nữa’’ thuật lại một trong những trang sử thần thoại của thể thao Xô Viết, với chiến thắng không thể tin nổi trước đội tuyển bóng rổ Mỹ. Chuyện xảy ra đúng vào thời kỳ bóng rổ Mỹ được coi là bách chiến bách thắng, với 7 lần liên tục vô địch Thế Vận Hội.

Phần kết của trận chung kết bóng rổ Thế Vận Hội Munich là không thể tin nổi. Ba giây trước khi trận đấu kết thúc, đội Mỹ dẫn một điểm, họ tin sẽ thắng. Nhưng đội Liên Xô đã khiếu nại và được phép chơi thêm 3 giây bổ sung. Trong lần đầu tiên này, họ đã không ghi được bàn. Lần thứ hai, đội Mỹ tin là thắng. Tuy nhiên, đội tuyển Xô Viết đòi thêm 3 giây bổ sung nữa, với lý do đồng hồ bấm giờ bị hỏng. Đề nghị của họ được chấp nhận. Và lần này, như quý vị đã thấy. Họ đã ghi bàn, giành chiến thắng, giành huy chương vàng Thế Vận.

Đội tuyển Mỹ không bao giờ thừa nhận thất bại này. Họ từ chối nhận huy chương bạc. Các huy chương này hiện vẫn nằm tại Thụy Sĩ.

Quý vị chắc hình dung dễ dàng về ý nghĩa của câu chuyện này đối với nước Nga hiện tại.

Trước hết, là vì người ta thấy các quan hệ tồi tệ giữa Hoa Kỳ và nước Nga hiện nay rất giống với không khí thời Chiến tranh Lạnh (1). Một lý do khác là thể thao Nga hiện nay đang trải qua giai đoạn xấu nhất trong lịch sử, với bê bối doping trong kỳ Thế Vận Sotchi 2014. Đối với nước Nga, nhắc lại thắng lợi thể thao lớn năm xưa cũng là một cách để rửa vết nhục Sotchi…

Đấy là các bối cảnh. Nhưng tôi cũng muốn đồng thời nói với quý vị, đây là một bộ phim có chất lượng, bởi phim không rơi vào cách nhìn méo mó, vốn là điều rất thường xảy ra trong thể loại phim này ».

Hoài niệm về thời Xô Viết hay cuộc chiến vì phẩm giá ?

« Vươn cao hơn nữa » của đạo diễn Anton Meguerditchev, bộ phim về chiến thắng không thể tin nổi của đội tuyển bóng rổ Nga năm 1972, « không rơi vào cách nhìn méo mó », sơ giản, cũng là cách nhìn của nhà phê bình Nga Anton Doline trên trang mạng độc lập tiếng Nga Meduza (2).

Thoạt nhìn, có thể thấy trong khi nhiều người Nga đã tìm thấy trong bộ phim này niềm tự hào về quá khứ anh hùng của một dân tộc vĩ đại, một số khác ngược lại coi đây là một bộ phim tuyên truyền sống sượng của chính quyền Nga, về chiến thắng vẻ vang trước đối thủ truyền kiếp Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo nhà phê bình Anton Doline, nếu xem kỹ, có thể thấy bộ phim nói trên phức tạp hơn. « Vươn cao hơn nữa » cho thấy một thực trạng của nước Nga thời Xô Viết, nơi các anh hùng thể thao bị chính quyền rẻ rúng, huấn luyện viên đội tuyển huyền thoại không được phép đưa người con tàn tật ra nước ngoài trị bệnh, người dân thường xuyên phải chịu đe dọa, áp lực.

Theo nhà phê bình, các vận động viên trong đội tuyển bóng rổ Liên Xô đã quyết đấu đến cùng, đã giành chiến thắng, không phải vì vinh quang của chế độ, mà vì phẩm giá của chính mình. Bộ phim cho thấy tình người mạnh hơn lợi ích Nhà nước và phe phái chính trị. Câu trả lời báo giới của huấn luyện viên đội tuyển Liên Xô Garanjine, vào đầu bộ phim : « Không có đế chế nào tồn tại vĩnh cửu », có thể ứng không chỉ với người hùng Hoa Kỳ, mà cả với Nhà nước Xô Viết.

Thành công thương mại của « Vươn cao hơn nữa » hay « Ba giây để chiến thắng » gợi nhớ đến bộ phim « Leviathan » (năm 2014), một thành công quốc tế lớn của điện ảnh Nga gần đây, phơi bày nhiều góc tối của xã hội Nga đương đại. Bộ phim bị phê phán mạnh, bị kiểm duyệt nghiêm ngặt, nhưng đồng thời cũng đã được bộ Văn Hóa Nga tài trợ một phần chi phí.

Ấn Độ : Tư pháp không cho cấm phim vì lý do an ninh

Vẫn về điện ảnh, nhưng tại Ấn Độ. Tự do biểu đạt không hẳn đã là điều dễ dàng tại quốc gia vốn được coi là nền dân chủ đông cư dân nhất trên địa cầu, một khi quyền tự do ấy gặp phải sự chống đối của các nhóm có thế lực. Tuy nhiên, Tòa Án Tối Cao Ấn Độ vừa ra một quyết định đi ngược lại áp lực công luận và tập quán chính trị lâu nay. Cuối năm 2017, căng thẳng gia tăng đến mức, một dân biểu địa phương của đảng cầm quyền BJP đã ra giá 130.000 euro cho ai hạ sát được nữ diễn viên chính và đạo diễn bộ phim.

Thông tín viên Sebastian Farcis tường trình từ New Delhi,

« Đây là một quyết định hiếm hoi. Các thẩm phán của Tòa Án Tối Cao khẳng định là chính quyền các bang không có quyền cấm đoán một bộ phim, với lý do phim có nguy cơ gây rối loạn trật tự công cộng, bởi họ có trách nhiệm bảo vệ an ninh.

Quyết định nói trên của tư pháp Ấn Độ có thể sẽ có một tác động quan trọng. Bởi vì, năm nào cũng vậy, chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ sử dụng cùng luận điểm về an ninh nói trên, để lấy cớ cấm cản các bộ phim, vốn bị một số nhóm xã hội lên án. Quyết định của chính quyền địa phương cũng giúp cho họ tranh thủ được các nhóm cử tri cuồng nhiệt này.

Trường hợp cụ thể ở đây là : Phim « Padmavati » thuật lại cuộc đời của một hoàng hậu huyền thoại của đẳng cấp Rajput, tức đẳng cấp chiến binh, quý tộc. Một tổ chức của đẳng cấp Rajput lên án phim báng bổ hồi ức thần tượng của họ, và đe dọa phóng hỏa các rạp nào chiếu phim này.

Hoàng hậu huyền thoại Padmavati trong bộ phim bị đe dọa.
Hoàng hậu huyền thoại Padmavati trong bộ phim bị đe dọa. Wikipedia

Trước áp lực nói trên, đạo diễn đã phải năm lần điều chỉnh phim, theo yêu cầu của Ủy ban xét duyệt. Tuy nhiên, nhóm này vẫn không thôi đe dọa. Bốn bang miền bắc Ấn Độ, nơi có nhiều cư dân đẳng cấp Rajput sinh sống, đã ra lệnh cấm phim ra rạp.

Tòa Án Tối Cao Ấn Độ đã ra phán quyết cuối cùng. Đó là quyền tự do ngôn luận không nhường bước trước đe dọa của các nhóm cực đoan ».

Miền Nam Triều Tiên dè chừng « pom pom girls » miền Bắc

Không khí căng thẳng thường trực trên bán đảo Triều Tiên tạm lắng dịu với việc Bình Nhưỡng và Seoul chấp nhận đàm phán để đoàn thể thao miền Bắc tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc vào đầu tháng Hai. Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự tham gia của các vận động viên miền Bắc lần này không đáng chú ý bằng « đội quân các mỹ nhân », được cử đi để cổ vũ đội nhà, nhưng mục tiêu chính là để chinh phục trái tim dân Hàn. Hôm 17/01, sau các thảo luận với Bình Nhưỡng, bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết sẽ có 230 pom pom girls miền Bắc đến Thế Vận Hội.

Thông tín viên Fréderic Ojardias tường trình từ Seoul,

« Các pom pom girls hay cổ động viên này được tuyển chọn theo các tiêu chí về sắc đẹp, về chiều cao, về tài năng múa hát… và đồng thời cả về sự trung thành của họ đối với chế độ. Có mặt trong nhóm là điều mang lại danh giá tại Bắc Triều Tiên, vì vậy một số người thậm chí đã phải hối lộ để được tuyển chọn.

Trong lần đầu tiên tới xứ Hàn cách nay hơn 10 năm, các nữ cổ động viên Bắc Triều Tiên đã gây ấn tượng mạnh trong công luận miền Nam. Một cổ động viên thậm chí còn tham gia quảng cáo cho hãng Samsung, bên cạnh một ca sĩ nhạc Pop Hàn Quốc. Ban tổ chức Thế Vận Pyeongchang hoan nghênh các pom pom girls, vì sẽ bán được nhiều vé hơn…

Về phần mình, qua các nữ cổ động viên, chính quyền Bình Nhưỡng muốn thi hành ‘‘một chiến dịch quyến rũ’’ công chúng Hàn Quốc và quốc tế. Các hình ảnh đón tiếp tại Hàn Quốc cũng sẽ được sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền tại miền Bắc.

Theo trang mạng Hàn Quốc Daily NK, một cơ sở truyền thông có nhiều nguồn tin tại miền Bắc, thì chính quyền Bắc Triều Tiên đã bắt đầu chuẩn bị đoàn pom pom girls ngay từ năm ngoái…, tức là trước khi chính thức đề nghị tham gia Thế Vận Hội tại Hàn Quốc. Trang mạng này lo ngại các thiếu nữ miền Bắc có thể bị Bình Nhưỡng sử dụng, để tuyên truyền cho chế độ và các tham vọng hạt nhân.

Trong bối cảnh chương trình phát triển vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên mối đe dọa, giới bảo thủ Hàn Quốc không thiện cảm với sáng kiến cho phép các hoạt động tuyên truyền của Bắc Triều Tiên tại nước mình. Họ yêu cầu chính quyền bảo đảm là các cuộc trình diễn pom pom girls phải trung lập về chính trị ».

Pháp : Phối hợp kỷ niệm 50 năm phong trào tháng 5/1968

Cách đây đúng nửa thế kỷ, đã diễn ra một phong trào xã hội chính trị lớn, làm thay đổi sâu xa nước Pháp. Đây là một phong trào mà nhiều người sau này đánh giá là quan trọng hàng đầu trong lịch sử nước Pháp thế kỷ XX.

Trong chính giới Pháp, có nhiều đánh giá khác nhau về biến cố này. Ngày 18/01/2018, 9 viện bảo tàng, thư viện, đại học lớn của Pháp ra một kế hoạch chung, để phối hợp các hoạt động kỷ niệm phong trào tháng Năm 1968 trong suốt năm 2018. 1968 cũng là năm mà làn sóng đòi tự do tràn khắp thế giới, từ Đông Âu, đến Tây Âu, từ Hoa Kỳ sang Nhật Bản... (xem thêm hồ sơ RFI về tháng Năm 1968 ở Pháp và trên thế giới).

    Đại học Paris - Nanterre, nơi khởi đầu phong trào phản kháng sinh viên năm xưa, khởi đầu đợt kỷ niệm ngay từ ngày 18/01. Cơ sở đào tạo này đã dành nhiều không gian cho 8 nghệ sĩ trẻ môn street art (nghệ thuật đường phố) chuyển tải các tác phẩm nổi tiếng của bảo tàng Louvre, trong đó có « La Liberté guidant le peuple/Tự do dẫn đường dân chúng » của danh họa Eugène Delacroix. Hiệu trưởng Đại học Paris - Nanterre cũng lưu ý dịp 50 năm nay không nên là là để ca tụng hay tưởng niệm, mà một phần quan trọng của chương trình cần được dành cho « tinh thần phê phán », chính là điều đã làm nên linh hồn của phong trào. Nhiều hoạt động dự kiến khởi sự từ ngày 22/03 - ngày ra đời phong trào « những người phẫn nộ » - cho đến tháng 10/2018.

    Nhà hát kịch quốc gia Nanterre (Les Amandiers), trong hai tháng 4 và 5, sẽ tổ chức một chương trình mang tên « Những thế giới có thể », với « các sáng tạo nghệ thuật có điểm xuất phát chung là cuộc truy tầm các chân trời viễn tưởng ». Ngày 26/05, đạo diễn Gwenael Morin cho ra mắt một sáng tác mới lấy cảm hứng từ vở « Paradise Now » của nhóm Living Theater, từng châm ngòi phản kháng tại Liên hoan sân khấu nổi tiếng Avignon hồi năm 1968.

    Ngôi đền của nghệ thuật đương đại Paris - Palais de Tokyo - mời họa sĩ tranh tường Escif thể hiện một bức họa khổng lồ, tái tạo lại những dòng chữ đi kèm với các cuộc nổi dậy sinh viên. « Văn hóa thị giác của phong trào cực tả » là chủ đề chính của Đại học Mỹ Thuật Paris (Beaux-Arts de Paris), « Các thế giới của năm 68 », chủ đề của Centre Pompidou, « Những biểu tượng tháng 5/1968 », chủ đề của Thư Viện Quốc Gia François Mitterand (BnF)…

    Viện Điện Ảnh Pháp (Cinémathèque française) giới thiệu với công chúng nhiều bộ phim tài liệu của chương trình nổi tiếng Quinzaine des Réalisateurs (15 ngày cho các đạo diễn) năm đầu tiên (1969). Chương trình được lập ra bên lề Liên hoan phim Cannes này, ra đời sau biến cố tháng 5/1968, từng là bà đỡ cho nhiều tài năng điện ảnh xuất chúng.

    Phim  về Jean-Luc Godard, nhà điện ảnh nổi tiếng thế hệ 1968.  "Redoutable" của đạo diễn Pháp Michel Hzanavicius ra mắt năm 2017.
    Phim về Jean-Luc Godard, nhà điện ảnh nổi tiếng thế hệ 1968. "Redoutable" của đạo diễn Pháp Michel Hzanavicius ra mắt năm 2017. Philippe Aubry – Les Compagnons du cinéma

    Hãng tin AFP đặc biệt tán thưởng triển lãm của Lưu Trữ Quốc Gia (Archives Nationales) tại Paris, mở cửa từ tháng 5 đến tháng 9, mời công chúng khám phá các diễn biến 1968 từ phía bên kia « chiến lũy ». Nhiều tài liệu của cảnh sát, chính quyền, lần đầu tiên được công bố.

    ----

    (1) Tom McMillen, một cầu thủ bóng rổ Mỹ từng tham gia trận đấu hiện còn sống, mô tả lại không khí hỗn loạn của trận bóng năm xưa do các sai lầm liên tiếp của trọng tài. Ông kể lại cách nay vài năm, các cựu cầu thủ hai bên từng tìm cách gặp nhau để hòa giải, thế nhưng kế hoạch không thành do các căng thẳng "địa chính trị". Báo Les Echos, 18/01/2018.

    (2) Báo Pháp Le Courrier de Russie, ngày 18/01/2018, trích dịch.

    Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

    Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

    Xem các tập khác
    Không tìm thấy trang

    Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.