Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Lần đầu Pháp điều tra về cáo buộc doanh nghiệp « hạn chế tuổi thọ sản phẩm »

Đăng ngày:

Lần đầu tiên trong lịch sử, tư pháp Pháp cho điều tra về việc « nhà sản xuất cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm ».

Ngày 27/12/2017, hiệp hội HOP của Pháp kiện tập đoàn Mỹ Apple hạn chế tốc độ hoạt động của những chiếc iPhone đời cũ nhằm thúc đẩy việc bán iPhone đời mới.
Ngày 27/12/2017, hiệp hội HOP của Pháp kiện tập đoàn Mỹ Apple hạn chế tốc độ hoạt động của những chiếc iPhone đời cũ nhằm thúc đẩy việc bán iPhone đời mới. REUTERS/Beck Diefenbach
Quảng cáo

Viện Công tố Nanterre, Pháp hôm 28/12/2017 cho biết ngày 24/11 đã giao cho cơ quan quản lý cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận trực thuộc bộ Kinh Tế Pháp tiến hành điều tra sơ bộ nhắm vào hãng máy in Nhật Bản Epson, với cáo buộc Epson rút ngắn thời gian sử dụng của hộp mực máy in một cách có chủ ý và « lừa gạt » người tiêu dùng.

Cuộc điều tra của Viện Công tố Nanterre bắt nguồn từ đơn kiện hồi tháng 09/2017 của Hiệp hội HOP (Halte à l’Obsolescence Programmée), tạm dịch là « Hãy ngưng cố ý hạn chế tuổi thọ của sản phẩm ». HOP được thành lập năm 2015 với mục tiêu hướng pháp luật và giới công nghiệp tới chế tạo sản phẩm có thời gian sử dụng bền vững hơn và có thể sửa chữa được nếu một linh kiện nào đó bị hỏng.

HOP đã kiện nhiều nhà sản xuất máy in, trong đó có hãng HP của Mỹ, các tập đoàn Canon, Brother và đặc biệt là Epson của Nhật Bản về việc các tập đoàn này có chủ ý sử dụng « tiểu xảo » khiến người tiêu dùng phải mua hộp mực mới, nhất là « chiêu » ngăn máy in hoạt động, thông báo cho người dùng là hộp mực đã cạn, trong khi trên thực tế, mực vẫn còn.

Ngoài ra, người dùng cũng thường nhận được thông báo là bộ phận hút mực từ hộp mực « không còn dùng được nữa » trong khi thực tế hoàn toàn không như vậy. Vấn đề là chi phí để sửa hoặc thay thế linh kiện của Epson có khi cao gần bằng tiền mua máy in Epson mới. HOP cũng tố cáo doanh nghiệp không ngừng tăng giá hộp mực. Hiện nay, một lít mực in có thể có giá tới 2.620euro, đắt gấp đôi nước hoa nổi tiếng Chanel 5. Thậm chí, Epson còn bị cáo buộc dùng tiểu xảo để ngăn không cho người sử dụng máy in của hãng dùng các loại mực in thông thường rẻ hơn mực chính hãng.

Vụ điều tra đầu tiên trong lịch sử

Bà Emile Meunier, luật sư của hiệp hội HOP vui mừng phát biểu : « Đây là một tin vui, lần đầu tiên tại Pháp - và theo chúng tôi biết thì đây cũng là lần đầu tiên trên thế giới - cơ quan tư pháp tại một nước cho điều tra về vấn đề rút ngắn thời gian sử dụng sản phẩm ».

Còn ông Samuel Sauvage, chủ tịch hiệp hội HOP giải thích : « Đây là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử, có thể nói như vậy. Vì chúng ta là nước duy nhất có quy định về tội cố tình rút ngắn tuổi thọ của sản phẩm. Và đây cũng là lần đầu tiên một thẩm phán thụ lý vụ kiện về việc thời gian sử dụng của sản phẩm bị rút ngắn trong lĩnh vực máy in, đặc biệt là hãng Epson. Và mục đích của chúng tôi là để tư pháp điều tra, làm sáng tỏ các vấn đề trong hồ sơ mà chúng tôi đã trình thẩm phán, nhất là về hộp mực, bộ phận hút mực. Có rất nhiều vấn đề khiến thời gian sử dụng của của máy in và hộp mực bị hạn chế. Giờ đây, chúng tôi mong chờ là cuộc điều tra sẽ cho phép khẳng định những điều mà chúng tôi đã nêu ra trong đơn kiện cách đây 3 tháng. »

Đúng như chủ tịch hiệp hội HOP đã phát biểu, Pháp là quốc gia duy nhất có văn bản luật quy định việc « có chủ ý khiến sản phẩm trở nên lỗi thời », tức là « cố ý sử dụng tiểu xảo hạn chế tuổi thọ của sản phẩm » để thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm mới là tội hình sự. Theo bộ luật về quá trình chuyển tiếp năng lượng của Pháp, được thông qua ngày 17/08/2015, lãnh đạo các doanh nghiệp cố ý hạn chế thời gian sử dụng của sản phẩm sẽ bị phạt tù giam tối đa 2 năm, công ty phải nộp phạt 300.000 euro, thậm chí số tiền phạt có thể bằng 5% doanh thu cả năm của doanh nghiệp.

Hôm thứ Tư 27/12/2017, một ngày trước khi đệ đơn kiện Epson, hiệp hội HOP cũng đã đệ đơn kiện tập đoàn Mỹ Apple lên tòa án Paris về việc hãng này đã cố ý tung ra chiến dịch diện rộng hạn chế tốc độ hoạt động của những chiếc iPhone đời cũ nhằm thúc đẩy việc bán iPhone đời mới.

Chủ tịch hiệp hội HOP, ông Samuel Sauvage giải thích : « Trong trường hợp của Apple, cuộc điều tra đang được tiến hành, thực ra đã có hàng ngàn thử nghiệm trên các điện thoại mà sau khi được nâng cấp thì hoạt động chậm đi. Chúng tôi kiện vì một mặt thấy không thể chấp nhận được việc người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền có khi nhiều hơn cả một tháng lương tối thiểu để mua một sản phẩm mà sau đó không còn các tính năng tốt như ban đầu. Mặt khác, lượng rác thải ra trên khắp hành tinh không thể cứ tăng mãi. Và liệu việc lấy tài nguyên để sản xuất điện thoại có hợp lý không, trong khi tài nguyên không phải là vô tận và chúng ta lại biết cách chế tạo các loại điện thoại có độ bền cao. »

Apple đã bị nhắm tới trong 8 vụ kiện tương tự ở Mỹ và một vụ kiện ở Israel. Bà Laetitia Vasseur, đồng sáng lập hiệp hội HOP nhấn mạnh trong một thông cáo là tất cả đều được Apple sắp đặt để ép người tiêu dùng mua iPhone mới. Vì mỗi chiếc điện thoại có giá hơn 1.200 euro, tức là hơn khoản tiền 1 tháng lương tối thiểu, tiểu xảo của hãng Apple là không thể chấp nhận được và không thể không bị trừng phạt. Và nhiệm vụ vủa HOP là bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường trước sự lãng phí có chủ đích của Apple.

Hiệp hội HOP cho rằng Apple có thể sẽ bị khởi tố liên quan tới toàn bộ số iPhone đã bán trên thị trường Pháp kể từ khi chính quyền Pháp ban bố luật về chuyển tiếp năng lượng 2015. Luật sư Emile Meunier của HOP chờ đợi nhà điều tra hình sự sẽ tìm ra đáp án cho câu hỏi tại sao các iPhone đời cũ lại đột ngột bị chậm đi vào đúng thời gian Apple tung ra thị trường iPhone đời mới, tại sao hiện tượng này chỉ xảy ra đối với iPhone chứ không phải đối với điện thoại của các hãng khác như Samsung …

Ngày 08/01/2018, một nguồn tin tư pháp cho biết vào ngày 05/01, Viện công tố Paris đã mở điều tra nhắm vào Apple với cáo buộc tương tự như đối với hãng Epson : « cố ý hạn chế thời gian sử dụng của sản phẩm » « lừa gạt khách hàng ». Và cuộc điều tra cũng được giao cho cơ quan quản lý cạnh tranh, tiêu dùng và chống gian lận trực thuộc bộ Kinh Tế Pháp.

Luật sư Emile Meunier ca ngợi quyết định can đảm của chưởng lý khi đối đầu với « gã khổng lồ » Apple và coi « cuộc điều tra hình sự đầu tiên trên thế giới nhắm vào tập đoàn Apple » có sự góp công của người tiêu dùng trên toàn hành tinh. Luật sư của HOP cũng thông báo sẽ cung cấp cho Viện công tố Paris chứng cớ mà hơn 2.600 người dùng iPhone cung cấp cho hiệp hội.

Điện thoại thông minh và máy in là hai loại sản phẩm thường bị hạn chế thời gian sử dụng, nhưng đó không phải là các sản phẩm bị duy nhất bị như vậy. Chủ tịch hiệp hội HOP giải thích : « Chúng ta nói rất nhiều đến điện thoại, đương nhiên rồi, vì đó là một vật dụng rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng đó không phải sản phẩm duy nhất bị nhà sản xuất cố ý rút ngắn tuổi thọ. Chúng ta phải nói tới các sản phẩm điện gia dụng, chẳng hạn bình đun nước, máy nướng bánh mì, máy giặt, máy rửa bát … cũng thường có thời gian sử dụng ngắn hơn so với trước đây.

Còn có nhiều sản phẩm khác cũng gặp vấn đề tương tự, chẳng hạn quần tất mà chị em phụ nữ hay mặc thường bị rút sợi chỉ sau 2,3 hay 4 lần sử dụng. Điều này thật khó bỏ qua : Trong khi công nghệ sản xuất ngày càng tiến bộ để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, thì chúng ta lại thấy là công nghệ không được phát huy để đảm bảo độ bền của sản phẩm. »

Vòng luẩn quẩn « sản xuất, mua sắm, vứt bỏ »

Theo một báo cáo năm 2017 của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2016, 44,7 triệu tấn rác điện tử được thải ra trên toàn hành tinh, gấp 4.500 lần trọng lượng của tháp Eiffel, tăng 8 % so với năm 2014. Tại Mỹ, mỗi năm có 1.8 triệu tấn đồ điện tử bị vứt vào thùng rác. Tại Pháp, trung bình mỗi người dân thải 20kg rác điện tử/năm. Trong vòng 30 năm, thời gian sử dụng của một chiếc máy tính đã giảm 50%. Từ đầu những năm 2000 tới nay, tỉ lệ thiết bị điện gia dụng bị hỏng và được thay mới trong 5 năm đầu sử dụng gần như đã tăng gấp đôi, chiếm 13% tổng sản phẩm điện gia dụng đang được sử dụng. Riêng điện thoại di động, người dùng thường phải mua máy mới sau 20 tháng sử dụng. Nhiều người tiêu dùng cho biết có cảm giác bị nhà sản xuất lừa.

Mặc dù « có chủ ý khiến sản phẩm trở nên lỗi thời » đã được nhà chức trách coi là « tội » từ năm 2015, nhưng trước HOP, chẳng có ai kiện nên « chủ định hạn chế tuổi thọ của sản phẩm » vẫn chỉ là một « tội » trên lý thuyết. Chẳng hạn, một người bị hỏng cái bình đun nước chỉ một thời gian ngắn sau khi mua thì cũng chẳng muốn kiện ra tòa vì chi phí tốn kém mà thủ tục lại phức tạp. Theo chủ tịch hiệp hội HOP, giải pháp là các cá nhân tập hợp thành nhóm đông người thì vụ kiện thì sẽ thuận lợi hơn.

Thực ra, « lên kế hoạch để làm hỏng một sản phẩm » không phải là một điều mới mẻ. Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1932, trong bối cảnh thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế. Khi đó, ông Bernard London, một chuyên gia bất động sản đã nói tới việc « áp đặt tính lỗi thời » cho một sản phẩm để kích thích sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Sau này, một nhà thiết kế công nghiệp người Mỹ, ông Brooks Stevens, đưa ra quan điểm : « Toàn bộ nền kinh tế của chúng ta dựa vào việc hoạch định cho sản phẩm trở nên lỗi thời. (…) Chúng tôi sản xuất các sản phẩm có chất lượng, chúng tôi thúc đẩy mọi người mua, rồi năm sau đó, chúng tôi cân nhắc để tạo ra một điều gì đó khiến các sản phẩm trên trở nên lạc hậu, lỗi thời, lỗi mốt. Chúng tôi làm điều đó vì một lý do hiển nhiên : kiếm tiền ».

Ý thức được rằng ngày nay, trong xã hội tiêu dùng, cái vòng luẩn quẩn « sản xuất, mua sắm, vứt đi » không ngừng gia tăng, gây ra sự lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên, môi trường, nhiều ý tưởng đã được đề xuất để khắc phục tình trạng trên. Nhiều công ty khởi nghiệp chuyên về sửa chữa, thay thế linh kiện và bán lại smartphone hay đồ điện tử gia dụng cũ cũng được thành lập tại nhiều nước như Đức, Pháp, Hà Lan …

Hiệp hội HOP đã kiến nghị lên Thượng Viện Pháp yêu cầu các công ty điện thoại di động chế tạo pin rời có thể tháo lắp dễ dàng, thay thế được khi pin bị hỏng, buộc các nhà sản xuất phải thông tin rõ ràng hơn cho khách hàng về tuổi thọ của sản phẩm … Giải pháp trên cũng được đưa ra trong một báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 09/2017. Nghị Viện Châu Âu cũng đã đề nghị Ủy Ban Châu Âu sớm ban hành các quy định chống « việc cố ý hạn chế thời gian sử dụng của sản phẩm ». Chúng ta hãy cùng chờ xem mọi chuyện sẽ thay đổi thế nào !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.