Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp phát hành Loto và vé cào Di sản để cứu công trình bị xuống cấp

Đăng ngày:

Pháp nổi tiếng với di sản vật thể phong phú mà người dân rất gắn bó và tự hào. Cùng với thời gian, số lượng công trình xuống cấp cũng tăng dần lên. Nếu như năm 2002, có khoảng 32% công trình trong tình trạng xấu, thì đến năm 2007, con số này đã tăng thành 41%.

Điện Panthéon, Paris.
Điện Panthéon, Paris. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Trong vòng 10 năm, tính đến năm 2017, đã có thêm 2.000 công trình được xếp vào hạng “công trình lịch sử”, nâng tổng số lên thành 44.000, trong đó có 100 công trình quốc gia do Trung tâm Công trình Quốc gia (Centre des Monuments Nationaux, CMN) quản lý, 15.000 công trình tôn giáo được bảo vệ, 1.100 khu khảo cổ, 1.000 công trình công chính được bảo vệ (cầu cạn, công trình đường sắt)…

Theo số liệu công bố ngày 17/11/2017 của bộ Văn Hóa Pháp, hai phần ba các “công trình được bảo vệ” nằm trong tình trạng “tốt” hoặc “trung bình”, một phần tư bị đánh giá là “xuống cấp” hoặc trong “tình trạng xấu” và 5% bị xếp vào danh sách “lâm nguy”, tương đương với khoảng 2.000 công trình. Và một nửa trong số các công trình được bảo vệ thuộc hạng “tình trạng xấu” hoặc “lâm nguy” nằm ở các xã chưa đến 10.000 dân và không có đủ ngân sách để tự trùng tu. Điều này được giải thích trong việc ngân sách nhà nước dành cho công tác trùng tu và bảo tồn không tăng trong vòng 10 năm qua, và không vượt quá 300 triệu euro/năm, trong khi phải cần thêm 100 triệu euro.

Đại học Sorbonne, công trình nằm trong quận 5, Paris.
Đại học Sorbonne, công trình nằm trong quận 5, Paris. RFI / Tiếng Việt

Tăng ngân sách bảo tồn, trùng tu di sản

“di sản là người bảo vệ ký ức”, tháng 11/2017, chính phủ Pháp cam kết hoàn thiện, cho đến cuối năm 2018, một chiến lược lâu dài bảo vệ di sản, gồm 15 biện pháp tập trung vào bốn mục tiêu : bảo tồn và trùng tu, nâng cao giá trị, lưu truyền, thúc đẩy châu Âu.

Để thực hiện mục tiêu bảo tồn và trùng tu, ngân sách Di sản được tăng thêm 5%, thành 326 triệu euro và được cố định trong suốt nhiệm kỳ 5 năm (2017-2022), dù chỉ bằng 1/4 của số tiền 100 triệu euro cần thêm. Trong ngân sách này có một quỹ đặc biệt 15 triệu euro dành riêng cho việc trùng tu và bảo tồn các công trình được bảo vệ “đang lâm nguy” ở các xã dưới 10.000 dân ngay từ năm 2018.

Ngoài ra, bộ trưởng Văn Hóa Pháp đề cao việc thiết lập các cơ chế tài chính tham gia trùng tu những công trình xuống cấp. Một trong những biện pháp độc đáo được bà Françoise Nyssen nhắc đến là phát hành một loại vé cào và một giải Loto Di sản được quay thưởng mỗi năm một lần, lần đầu tiên có thể vào tháng 09/2018 :

“Giải Xổ số Di sản (Loto du Patrimoine) sẽ được đề xuất với công ty Françaises des Jeux (FDJ) trong khuôn khổ luật tài chính sửa đổi cho năm 2017 và sẽ gồm một giải Loto đặc biệt và một loại vé cào. Nhà nước hy vọng có thể thu về được 20 triệu euro. Khoản tiền này sẽ được chuyển vào quỹ “Di sản lâm nguy” nằm trong Tổ chức Di sản (Fondation du Patrimoine).

Chúng ta có thể hình dung là giải Xổ số Di sản đặc biệt này có thể diễn ra hàng năm, ví dụ nhân Ngày Di sản châu Âu. Quỹ này sẽ dành cho việc phục hồi các di sản “được bảo vệ” và kể cả “không được bảo vệ”, đặc biệt là những công trình sẽ được thống kê trong chuyến khảo sát của Stéphane Bern, hoặc những công trình được giao cho Trung tâm Công trình Quốc gia (Centre des Monuments nationaux).

Tổ chức giải Xổ số Di sản nằm trong chương trình của tổng thống Pháp. Vấn đề này đã được đề cập từ lâu, giờ chúng tôi thực hiện”.

Quả thực, ngay năm 2011, ý tưởng quay giải xổ số đặc biệt đã được thị trưởng-nghị sĩ Versailles, ông François de Mazières, ủng hộ khi ông là giám đốc Quỹ Di sản. Còn vé cào di sản từng được ông Jean-Jacques Aillagon, lúc đó là chủ tịch Cơ quan quản lý lâu đài Versailles, lên ý tưởng với tổng giám đốc công ty Françaises des Jeux, Christophe Blanchard-Dignac. Được phát hành năm 2012, trò chơi vé cào nhanh chóng bị từ bỏ vì bộ Kinh Tế Pháp không ủng hộ. Chiến lược tăng ngân sách di sản qua loại hình trò chơi may rủi này chỉ xuất hiện trở lại trong chương trình vận động tranh cử tổng thống của Emmanuel Macron. Bộ trưởng Văn Hóa Pháp hy vọng hai loại hình xổ số mới có thể kích thích lòng nhiệt tình của công chúng vì “Di sản là niềm tự hào”“người dân Pháp gắn bó với Di sản”.

Điện Panthéon, Paris.
Điện Panthéon, Paris. RFI / Tiếng Việt

Kế hoạch Di sản được trao cho "đúng người" có tâm huyết

Ngoài tăng ngân sách và mở Loto Di sản, tổng thống Pháp còn giao sứ mệnh đặc biệt cho ông Stéphane Bern, một người dẫn chương trình “Bí mật Lịch sử” (Secrets d’Histoire) nổi tiếng ở Pháp, đồng thời là chủ tịch Quỹ vì Lịch sử và Di sản mang tên ông (Fondation Stéphane Bern pour l’Histoire et le Patrimoine). Là người đam mê lịch sử, “Ngài Di sản” Stéphane Bern có hai nhiệm vụ : thống kê các công trình địa phương đang xuống cấp và tìm ra các nguồn tài chính mới để trùng tu những công trình này - một nhiệm vụ mà ông rất tâm huyết vì theo ý kiến của ông, “di sản, đó là bản ngã, ký ức, lịch sử và cũng là một nguồn tạo việc làm…”

Trả lời đài Europe 1 ngày 20/09/2017, “Ngài Di sản” Stéphane Bern giải thích thêm về sứ mệnh của mình :

“Tôi sẽ thống kê tất cả những công trình trong tình trạng nguy kịch cần cứu trợ, như Bảo tàng Vải sợi ở Lyon đang bị đe dọa, bảo tàng Montreuil…

Công việc tiếp theo là tìm mọi nguồn tài chính mới mà tôi sẽ đề cập trong bản báo cáo gửi lên tổng thống. Đó sẽ là những giải pháp kết hợp lĩnh vực công và tư, các tổ chức, các hiệp hội, các hội Americans Friends… Hàng năm, chúng ta có 86 triệu khách nước ngoài đến tham quan các công trình. Chúng ta không thể nào để cho họ thấy những đống đổ nát. Hơn nữa, những công trình này chẳng thể nào chuyển đi nơi khác được. Vì vậy, phải để du khách ngắm di sản trong điều kiện tốt. Họ cũng có thể giúp chúng ta “tài trợ” công việc trùng tu.

Tôi nghĩ là trước hết, từ 15 năm nay, chúng ta đã không tập hợp được các hiệp hội, các nhân tố liên quan đến Di sản. Đã đến lúc tất cả ngồi lại với nhau, dĩ nhiên là cần có sự hỗ trợ của bộ Văn Hóa, để cùng xem xét và lập danh sách tất cả những công trình cần cứu trợ. Tôi biết có nhiều hiệp hội, nhiều người Pháp, cứ vào cuối tuần, tình nguyện đi cứu những công trình cổ bằng chính đôi tay của mình. Di sản là tài sản quốc gia và phải được bảo vệ”.

Không cho mình là một sử gia, mà chỉ là “người kể chuyện”, “người truyền đạt”, từ năm 2007, Stéphane Bern đưa người xem truyền hình đến những công trình cổ, những bí mật ẩn sau mỗi bức tường trong chương trình “Bí mật Lịch sử” (Secrets d’Histoire) và “Ngôi làng được người Pháp yêu mến nhất” (Le Village préféré des Français) trên kênh truyền hình France 2. Theo ông, nếu phải cứu những công trình cổ, đó là vì “chúng tiếp tục cất lên tiếng nói một khi con người đã im lặng”. Trả lời Libération (04/10/2017), Stéphane Bern còn cho biết thêm : “Mỗi lần tôi thực hiện một chương trình “Bí mật Lịch sử”, số khách đến thăm công trình đó tăng khoảng 30% trong vòng 5 năm sau”.

Song song với thống kê của Stéphane Bern, bộ Văn Hóa Pháp vừa thành lập một website (www.patrimoine-immobilier-en-peril.fr) cho phép mọi công dân, mọi tổ chức nhà nước hay tư nhân, báo hiệu bất kỳ công trình nào có giá trị di sản và cần được bảo tồn. Bản khai trực tuyến gồm ba phần : danh tính của người yêu cầu, danh tính của chủ sở hữu và thông tin liên quan đến công trình, có thể đi kèm hình ảnh cho phép đánh giá lợi ích cũng như tình trạng nghiêm trọng của công trình. Ngoài ra, thủ tục xin trùng tu của chủ sở hữu “di sản được bảo vệ” cũng sẽ được đơn giản hóa. Nhãn hiệu “Di sản Pháp” cũng được hình thành để nâng giá trị của công trình.

Phòng lễ tiệc trong Hạ Viện Pháp, Paris.
Phòng lễ tiệc trong Hạ Viện Pháp, Paris. RFI / Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.