Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Grand Paris Express - dự án métro ngoại hạng của vùng Paris

Đăng ngày:

Một dự án lớn chưa từng có, một công trường khổng lồ, một công trình thế kỷ, một dự án ngoại hạng, cuộc cách mạng thứ ba ở Paris, cơ sở hạ tầng đặc biệt … đó là những gì người ta nói về dự án xây dựng hệ thống métro Grand Paris Express ở vùng Paris.

Biển báo một bến métro tại Paris.
Biển báo một bến métro tại Paris. AFP/Boyan Topaloff
Quảng cáo

Dự án Grand Paris Express - còn được gọi tắt là Grand Paris - do cựu tổng thống Nicolas Sarkozy khởi động vào năm 2007, có quy mô lớn hiếm có. Đó là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất châu Âu và đứng thứ tư toàn cầu, chỉ sau ba dự án của Trung Quốc. Nói như ông Xavier Huillard, tổng giám đốc Vinci - tập đoàn xây dựng hàng đầu của Pháp, « đối với một kỹ sư, đây là loại công trình mà người ta chỉ có thể gặp 1 lần duy nhất trong đời ».

Ông Philippe Yvin, chủ tịch công ty Grand Paris, một doanh nghiệp Nhà nước được chính phủ chỉ định để điều hành dự án giới thiệu : « Grand Paris Express là mạng lưới métro mới, tự động, hoàn toàn tự động, chạy quanh Paris. 200 km đường sắt và 68 bến métro mới sẽ được xây dựng cho đến năm 2030. Đây là một dự án thế kỷ tại vùng Paris, một dự án khổng lồ.

Hệ thống métro hiện tại dài 200 km. Như vậy là trong 15 năm tới, chúng ta sẽ nâng chiều dài mạng lưới métro Paris lên gấp đôi, và nhất là hành khách không nhất thiết phải đi qua Paris. Đây là một điểm đặc biệt. Người ta có thể đi từ thành phố ngoại ô này sang thành phố ngoại ô khác. Thời gian đi lại hàng ngày sẽ giảm đi rất nhiều. »

Vào tháng 09/2017, khoảng 40 công trường khởi công xây dựng, các đường hầm đầu tiên của Grand Paris được hình thành. Trong hai năm 2020-2021, công việc sẽ được triển khai tại 250 công trường và 24 đường hầm métro. Một quy mô xây dựng chưa từng có !

Tự động, nhanh chóng, an toàn và đúng giờ là những yêu cầu đặt ra cho métro Grand Paris. Khi mạng lưới mới với 4 tuyến métro tự động đi vào hoạt động, một số người dân ở Paris và vùng phụ cận sẽ giảm được một nửa thời gian đi lại hàng ngày, thậm chí nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, hiện nay, một sinh viên sống ở Clichy-Montfermeil muốn đến đại học Créteil phải mất 1 giờ 30 phút. Sau này, thời gian đi chỉ còn 30 phút. Như vậy là tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Hiện nay, các tuyến métro tại Paris và vùng phụ cận dài tổng cộng 220km, với 14 tuyến métro, trong đó có 2 tuyến métro tự động (métro 14 và 1), tuyến métro 4 đang được tự động hóa và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Dự án Grand Paris sẽ tạo ra một cuộc cách mạng đối với 8,5 triệu người dân sống ở vùng Paris và phải di chuyển hàng ngày.

Dòng người đông đúc ở bến métro Chatelet, Paris.
Dòng người đông đúc ở bến métro Chatelet, Paris. AFP/ BERTRAND GUAY

Lợi ích kinh tế

Tổng số tiền đầu tư cho dự án lên tới gần 28,3 tỉ euro và do công ty Grand Paris huy động trên thị trường với thời hạn 4 năm. Nhưng Phòng Thương Mại của vùng Paris đánh giá khi đi vào hoạt động, lợi nhuận mà hệ thống métro Grand Paris mang lại sẽ lên tới hàng trăm tỉ euro.

Paris và vùng phụ cận hay còn gọi là vùng Paris chỉ chiếm 2,8% diện tích quốc gia, nhưng có 11,8 triệu dân (11% dân số cả nước) và đặc biệt là đóng góp 700 tỉ euro/năm (31% thu nhập quốc nội của Pháp, 4% thu nhập châu Âu). Vùng Paris thu hút 40% giới nghiên cứu khoa học của Pháp, là trung tâm nghiên cứu - phát triển lớn nhất châu Âu và đứng thứ ba trên thế giới. Khoảng một phần tư số trường đại học, trường đào tạo kỹ sư và thương mại cũng tập trung ở vùng Paris. Đây cũng là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất châu Âu.

Chủ tịch công ty Grand Paris, ông Philippe Yvin cho biết : « Các chuyên gia kinh tế ước tính mạng lưới métro mới sẽ tạo thêm 10% thu nhập cho vùng Paris và mang lại ít nhất 100.000 việc làm mới. » Nhà quản lý dự án sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân công của vùng Paris trước, và nếu còn nhu cầu thì sẽ tuyển dụng nhân công ngoại tỉnh. Lao động tới từ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu chỉ được tuyển dụng cho một số vị trí đặc biệt.

Để chuẩn bị đội ngũ nhân công cho hệ thống Grand Paris, Trường Đào Tạo Grand Paris chính thức đi vào hoạt động từ tháng 09/2017 với hai cơ sơ ở thành phố ngoại ô Vitry-sur-Seine và Aultnay-sous-Bois. Trường đào tạo nhân lực cho 23 ngành nghề quan trọng trong lĩnh vực métro : lái tàu, thợ cơ khí, thợ đặt đường ống, thợ lắp đường ray …

Rất nhiều sáng chế trong lĩnh vực xây dựng và đường sắt, nhiều công nghệ mũi nhọn sẽ được đưa vào dự án, nhiều phương tiện đặc biệt cũng được triển khai để theo dõi tiến độ thi công, thảo luận và cung cấp thông tin cho người dân trong khu vực có liên quan.

Đây cũng là một dự án có nhiều đóng góp về phát triển năng lượng. Chủ tịch Philippe Yvin khẳng định: « Có rất nhiều sáng kiến cho hệ thống métro này. Chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng vì các vật liệu chế tạo tàu cho phép tiết kiệm tới 20-30% năng lượng. Chúng tôi cũng tạo ra năng lượng trong các nhà ga nhờ nguồn địa nhiệt vì các con tàu chạy sâu trong lòng đất, trung bình là 20m dưới mặt đất. Chúng tôi tạo ra được năng lượng địa nhiệt để cung cấp cho các nhà ga và cả dân cư trong khu vực xung quanh.

Chúng tôi cũng có tham vọng xây dựng một hệ thống métro kỹ thuật số tốt nhất thế giới để hành khách có một lộ trình đi có ích : tức là có mạng internet và sóng điện thoại di động ở cả các ga và trong tàu. Hệ thống hiện tại vẫn chưa được như vậy. »

Như vậy, xét về nhiều khía cạnh, hệ thống métro tự động, hiện đại Grand Paris sẽ góp phần nâng vùng Paris lên một tầm vóc mới. Những người được hưởng lợi nhiều nhất từ métro Grand Paris chắc chắn là người dân vùng Paris. Nhưng điều này không có nghĩa là dân chúng ở các tỉnh thành khác không được hưởng lợi gì.

Theo chuyên gia kinh tế Laurent Davezies, giáo sư Học viện quốc gia CNAM, những tuyến métro mới tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ vùng Centre hoặc từ thành phố Beauvais thuộc vùng Picardie đi làm tại La Défense, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn hay ngay tại trung tâm Paris. Điều này cho phép cải thiện thị trường lao động, có nghĩa là cả các doanh nghiệp và người lao động đều hưởng lợi từ Grand Paris, không chỉ ở Paris mà ở cả các vùng khác nữa.

Còn theo ông Etienne Guyot, giám đốc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp của Paris và vùng phụ cận, Grand Paris sẽ mang lại việc làm cho ngành công nghiệp đường sắt của nhiều tỉnh thành, chẳng hạn, các tỉnh miền nam Marseille, Toulouse …

Ngoài ra, du khách từ các tỉnh của nước Pháp hoặc du khách quốc tế khi tới Paris đều có thể tận dụng 2 tuyến métro Paris-Orly và Paris-Roissy để đi tới 2 sân bay quốc tế Roissy và Orly chỉ trong vòng 30 phút, thay vì hơn 1 giờ như hiện nay. 20% việc làm ở vùng Paris có liên quan tới lĩnh vực đầu tư quốc tế. Vì thế, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng Paris phát triển cũng có nghĩa là cải thiện nền kinh tế của cả nước Pháp.

Bến métro Belleville tại Paris.
Bến métro Belleville tại Paris. CC/Wikimedia

Quản lý hệ thống và khai thác hoạt động

Với quy mô khổng lồ, Grand Paris thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm, chẳng hạn các tập đoàn xây dựng, công nghệ … hàng đầu của Pháp như Vinci, BTP, Bouygues, Eiffage …

Hệ thống métro hiện tại ở Paris là do RATP - cơ quan quản lý mạng lưới giao thông công cộng Paris độc quyền quản lý. Nhưng đối với Grand Paris, RATP chỉ độc quyền quản lý về cơ sở hạ tầng và kỹ thuật. Liên quan tới quản lý và khai thác, RATP sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ khác, nhất là Keolis - một công ty thành viên của tập đoàn đường sắt Pháp SNCF.

Keolis có kinh nghiệm quốc tế về métro tự động. Keolis khai thác từ năm 1983 tuyến métro tự động đầu tiên trên thế giới - tuyến métro của thành phố Lille nằm ở miền Bắc nước Pháp. Keolis cũng quản lý métro của thành phố Lyon và mạng lưới métro Docklands ở Luân Đôn. Từ nay đến cuối năm, Keolis được giao quyền quản lý métro tự động Hyderabad của Ấn Độ và một tuyến métro ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Ông Youenn Dupuis, phó giám đốc Keolis lấy làm tiếc vì sự phân chia quyền quản lý cơ sở hạ tầng và quyền khai thác Grand Paris. Theo ông, các chuyên gia quốc tế đều khuyên nên giao cho một công ty duy nhất quản lý cả hai mảng trên để bảo đảm được cả hai yếu tố hiệu quả và an toàn.

Các đối thủ của cơ quan quản lý mạng lưới giao thông công cộng Paris RATP hiện đang rất hy vọng là Nhà nước sẽ đưa ra các quy định rõ ràng, cụ thể về quản lý hạ tầng và khai thác hoạt động của mạng lưới Grand Paris.

(Tạp chí phát lần đầu ngày 28/06/2017)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.