Vào nội dung chính
PHÁP - KHÍ HẬU

Khí hậu: Chống ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe

Bảo vệ trái đất chống hiệu ứng nhà kính cũng là cuộc chiến của hơn 90 thành phố lớn trên thế giới đứng chung trong tổ chức mang tên C40, mà chủ tịch là đô trưởng Paris, Anne Hidalgo. Tác động nhân quả của ô nhiễm, khí hậu biến đổi và tử vong được khẳng định trong nhiều báo cáo gần đây.

Không khí ô nhiễm tại New Delhi. Ấn Độ đứng đầu thế giới về số ca tử vong do ô nhiễm. Ảnh ngày 20/10/2017.
Không khí ô nhiễm tại New Delhi. Ấn Độ đứng đầu thế giới về số ca tử vong do ô nhiễm. Ảnh ngày 20/10/2017. REUTERS/Saumya Khandelwal
Quảng cáo

Theo phúc trình của tổ chức C40, chỉ cần các thành phố lớn cấm xe động cơ xăng dầu lưu thông để làm giảm lượng hạt bụi nhỏ trong không khí, là có thể cứu mạng cho khoảng 50.000 người mỗi năm trên khắp thế giới.

Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là bốn nước bị tác hại nhiều nhất. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) dự báo từ nay đến năm 2050, mỗi năm sẽ có thêm 52.000 người già chết vì nhiệt độ nóng bất thường ở bốn nước châu Á này. Không khí trong lành còn làm giảm các bệnh về tim mạch, vì cư dân có thể đi bộ, đi xe đạp, tập thể thao ngoài trời.

Tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo công bố tuần qua đặc biệt bi quan về sức khỏe của trẻ em châu Á, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có hiện tượng khói mù thường xuyên bao phủ bầu trời.

Chỉ riêng hai thành phố New Delhi và Bắc Kinh, tổng cộng từ 16 đến 17 triệu trẻ sơ sinh dưới một tuổi đang chịu đựng mức độ ô nhiễm gấp 6 lần mức giới hạn cao nhất được giới khoa học chấp nhận. Theo các kết quả khảo sát, ô nhiễm làm não bộ phát triển không bình thường tác động đến trí thông minh. Kết quả học hành, thi cử của các học sinh bị ảnh hưởng.

"Đài thiên văn không gian về khí hậu"

Thượng đỉnh Khí hậu Paris ngày hôm nay cũng là cơ hội để các nhà khoa học trình bày sáng kiến chống ô nhiễm .

Cơ quan không gian của khoảng 20 quốc gia đã đề xuất thành lập « Đài thiên văn không gian về khí hậu », nhằm khai thác chung các dữ liệu khí hậu thu thập được từ không gian.

« Bản tuyên bố Paris » đã được 15 nước thông qua tại Paris tối 11/12/2017 dưới sự bảo trợ của Pháp (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Anh Quốc, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Rumani, Israel, Ukraina và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Cơ quan không gian của Mỹ và Nga vắng mặt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.