Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Vắng Luân Đôn, Paris sẽ là thủ đô tài chính Châu Âu ?

Đăng ngày:

Trước viễn cảnh Brexit, Bruxelles lên kế hoạch di dời các cơ sở của Liên Hiệp Châu Âu khỏi Luân Đôn. Paris được chọn là trụ sở mới của Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu (EBA). Chức năng của cơ quan này là gì ? Pháp mong gặt hái được những gì và liệu rằng Paris có đủ sức soán ngôi Luân Đôn, trở thành trung tâm tài chính trên Lục Địa Già hay không ?

Adam Farkas, lãnh đạo Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu (EBA), ngày 23/03/2017.
Adam Farkas, lãnh đạo Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu (EBA), ngày 23/03/2017. Autorité bancaire européenne (EBA),
Quảng cáo

Với Pháp, đây là một thắng lợi về mặt chính trị, ngoại giao và nhất là một bước tiến quan trọng để Paris trở thành "kinh đô" của ngành tài chính ngân hàng tại Châu Âu.

Trả lời đài RFI Pháp ngữ, bộ trưởng đặc trách Châu Âu Nathalie Loiseau hài lòng về quyết định đã chọn Paris của Hội Đồng Châu Âu :

"Thắng lợi này là một tin vui, nhưng không phải là một điều bất ngờ, bởi hồ sơ của thành phố Paris có nhiều ưu điểm và chính quyền Pháp đã ủng hộ hết mình Paris trong cuộc chạy đua để được thay thế Luân Đôn, trở thành trụ sở của cơ quan EBA. Từ nhiều tháng qua, chúng tôi đã không ngừng vận động các đối tác châu Âu để thuyết phục các bên rằng Paris là điểm đến lý tưởng. Giờ đây chúng tôi tiếp tục thúc đẩy để Paris luôn có sức lôi cuốn mạnh hơn, luôn hấp dẫn hơn trong mắt các ngân hàng và các tập đoàn tài chính.

Điều đó có nghĩa là, một cách cụ thể chúng tôi, quan tâm đến giá địa ốc tại Paris, đến chất lượng cuộc sống đối với những người đến Paris sinh sống và làm việc. Chúng tôi cũng phải quan tâm đến thủ tục giấy tờ cho những người này, tạo điều kiện để họ dễ ghi danh cho con em đi học. Việc Paris được chọn để đón Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu là một tín hiệu mạnh, cho thấy vị trí của Paris trong thế giới tài chính ngân hàng trên toàn cầu hiện nay, và mối quan tâm của Pháp đối với lĩnh vực này, cũng như là quan tâm của nước Pháp với Liên Minh Ngân Hàng Châu Âu và Pháp sẽ tiếp tục quan tâm đến tất cả những lĩnh vực này".

Với ông Arnaud de Bresson, lãnh đạo tổ chức Paris Europlace, người đã vận động để ngành tài chính, ngân hàng trên thế giới chú ý tới Paris, nêu lên hai yếu tố chính đã giúp thủ đô Pháp loại nhiều đối thủ nặng ký như Dublin, vốn được ngành ngân hàng mệnh danh là "người em song sinh với Luân Đôn", hay Frankfurt, nơi đã có trụ sở của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu :

"Việc chọn lựa Paris phù hợp với hai nét đặc thù của thành phố này. Thứ nhất là uy tín của Paris trong lĩnh vực điều tiết các hoạt động trong ngành tài chính, hệ thống ngân hàng của Pháp đã đứng vững sau khủng hoảng hồi 2010/2011. Giờ đây có 4 cơ sở của Pháp có tên trong danh sách những ngân hàng lớn và vững nhất thế giới.

Ngoài ra, qua việc chọn Paris làm trụ sở Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu chứng tỏ quốc tế công nhận chất lượng công việc của các thanh tra viên tại Paris. Tôi xin nhấn mạnh là các giới chức thanh tra của Pháp, như AEMF hay Ngân Hàng Trung Ương Pháp làm việc rất tốt, phối hợp rất nhịp nhàng với các cơ quan trong ngành.

Yếu tố thứ hai giúp Paris được chọn là nhờ, kể từ khi đắc cử tổng thống, Emmanuel Macron thực sự quyết tâm áp dụng chương trình cải tổ đầy tham vọng, để Paris và qua Paris là cả nước Pháp có sức thu hút cao hơn. Đây là điều hết sức quan trọng trong quyết định của Bruxelles hồi tuần trước. Chúng tôi đã khuyến khích tổng thống Macron thúc đẩy Quốc Hội thông qua những đạo luật cải tổ cần thiết cho nước Pháp".

Vai trò của EBA

Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu EBA mà một cơ quan độc lập với Liên Hiệp Châu Âu, được lập ra vào năm 2011 trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung châu Âu và cả Liên Hiệp phải đối mặt với khủng hoảng tài chính 2008.

Ngay từ 2008, Bruxelles ý thức được là cần củng cố hệ thống ngân hàng trong toàn khối, tức là phải phát hiện sớm nhất và đề phòng khả năng các tập đoàn ngân hàng của Liên Hiệp Châu Âu bị khủng hoảng tín dụng địa ốc từ Mỹ cuốn trôi.

Sau gần ba năm thảo luận đến 2011, Liên Hiệp Châu Âu thành lập Hệ Thống Giám Sát Tài Chính SESF gồm ba cơ quan, trong đó có EBA, để giám sát các ngân hàng.

Ngân sách hoạt động của Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu trong năm 2017 được ấn định ở mức 38,8 triệu euro. Một phần ba khoản tiền đó do Bruxelles đài thọ. Phần còn lại do các định chế giám sát ngân hàng của 27 nước thành viên đóng góp.

EBA độc lập với Liên Hiệp Châu Âu, nhưng thường xuyên báo cáo với Nghị Viện Châu Âu, Hội Đồng và Ủy Ban Châu Âu về mức ổn định của các ngân hàng trong toàn khối.

Vai trò của Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu gồm thứ nhất là đề xuất những chuẩn mực, những khuôn khổ pháp lý, để tất cả các ngân hàng trong Liên Hiệp Châu Âu cùng áp dụng, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên.

Nhiệm vụ thứ nhì là theo dõi tình trạng tài chính qua những đợt thử nghiệm "stress test" về khả năng kháng cự của các ngân hàng trong trường hợp nổ ra khủng hoảng. Sau cùng, EBA hỗ trợ các ngân hàng trong việc quản lý nợ xấu.

Paris chờ đợi gì với việc Liên Hiệp Châu Âu chọn thủ đô nước Pháp làm trụ sở mới cho Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng ?

Sớm nhất thì cũng phải đợi đến đầu năm 2019 EBA mới dọn về Paris, nhưng việc Bruxelles chọn kinh đô ánh sáng là một tín hiệu mạnh vào lúc nhiều tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế, đứng đầu là các ngân hàng Mỹ, đang đi tìm một bãi đáp mới trong Liên Hiệp Châu Âu thời hậu Brexit.

Với EBA, Paris càng được xem là điểm hẹn của ngành tài chính, ngân hàng, khi biết rằng , những ngân hàng Pháp như BNP Paribas, Société Générale hay Crédit Agricole là những tập đoàn lớn nhất trong khu vực đồng Euro, hơn hẳn những ngân hàng Đức hay Hà Lan và Ý.

Paris không dễ qua mặt Luân Đôn

Vào lúc các quan chức Pháp xem việc được đón Cơ Quan Giám Sát Ngân Hàng Châu Âu là một "bàn thắng quyết định" cho uy tín của thủ đô Paris trong mắt các nhà đầu tư và doanh nhân thế giới, thì Luân Đôn nghĩ gì ?

Nhiều nhà quan sát cho rằng, trong mắt các tập đoàn trên thế giới, Pháp vẫn là nơi có tỷ lệ thuế doanh nghiệp, chính sách thuế khóa bất lợi cho nhà giàu, thị trường lao động cứng nhắc, kém thuận lợi cho giới chủ hơn so với ở Anh Quốc.

Một dấu hiệu cho thấy trong ngành tài chính, ngân hàng Luân Đôn vẫn chiếm thế thượng phong, đó là, như ghi nhận của thông tín viên thường trực tuần báo Le Point, Marc Roch, thủ đô Anh Quốc vẫn là địa điểm thu hút các tay môi giới chứng khoán tài hoa nhất của Pháp, là thiên đường của những sinh viên thuộc các đại học nổi tiếng nhất Paris vừa tốt nghiệp. Và Luân Đôn biết chắc một điều, Brexit hay không Brexit, Anh Quốc vẫn là thành trì của chủ nghĩa kinh tế tự do.

Theo thẩm định của cơ quan tài chính CityUK, do tác động của Brexit, tối đa 70.000 trong số hơn hai triệu nhân viên của ngành tài chính, ngân hàng dời khỏi nước Anh. Nhưng họ thích được chuyển sang New York hay Singapore hơn là Paris, Franckfurt hoặc Dublin.

Một điều không thể chối cãi là tới nay, khu tài chính City Luân Đôn vẫn là nơi đang tập trung những nhà băng lớn nhất, những văn phòng kế toán, những tổ hợp luật sư quan trọng nhất. Đấy là chưa kể thế thượng phong của Anh ngữ, và những trường đại học uy tín nhất của Luân Đôn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.