Vào nội dung chính
LIBAN - PHÁP - NGOẠI GIAO

Khủng hoảng Liban-Ả Rập Xê Út: Ngoại giao Pháp trở lại Trung Đông

Thủ tướng Liban Saad Hariri từ Ả Rập Xê Út đã đến Paris sáng 18/11/2017 theo lời mời của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thứ Tư 22/11, sau khi trở về Liban, ông sẽ thông báo với tổng thống Aoun liệu ông có từ chức hay không. Liban nằm giữa hai gọng kìm trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông giữa Iran-Ả Rập Xê Út là chủ đề thời sự quốc tế chính trên tất cả các nhật báo Pháp ra ngày 20/11/2017.

Thủ tướng Liban Saad Hariri được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp tại điện Elysée, ngày 18/11/2017.
Thủ tướng Liban Saad Hariri được tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp tại điện Elysée, ngày 18/11/2017. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Trước hết, “bộ phim nhiều tập” được cho là mới tạm khép lại tập 1 với vai trò quan trọng của Pháp, đang từng bước trở lại Trung Đông, theo nhận định của nhật báo La Croix và Le Monde. “Tại sao Hariri trở về Liban lại phải qua Paris?” Câu trả lời được Le Monde phân tích trong chuyên mục “Quốc tế” : “Paris giúp Ả Rập Xê Út đỡ mất mặt khi đưa Hariri ra khỏi nước này”.

Theo Le Monde, đối với ngành ngoại giao Pháp, vắng mặt từ lâu tại Trung Đông, việc đưa ông Hariri ra khỏi Ả Rập Xê Út là một thành công. Ý tưởng của Paris đã giúp đưa thủ tướng Liban khỏi một tình huống tế nhị, mà vẫn mở một cánh cửa cho Riyad tự đưa mình vào tình huống khó xử. Một doanh nhân phương Tây làm việc tại Ả Rập Xê Út nhận xét : “Macron đã xử lý rất tốt, ông đã làm giảm căng thẳng tại Liban, đồng thời giúp Ả Rập Xê Út tránh khỏi sự chê trách của quốc tế”.

Từ khi được bầu, tổng thống Pháp không ngừng đề cao ý muốn “đối thoại với tất cả mọi người” và cố đóng vai trò trung gian quốc tế. Một vai trò mà Pháp đã từng đảm nhiệm tại thế giới Ả Rập Hồi Giáo, nơi, trái với Hoa Kỳ, Pháp duy trì quan hệ với tất cả các nhân tố có trọng lượng, kể cả với Iran và phong trào Hezbollah Liban theo hệ phái Shia và thân Teheran.

Với hai sáng kiến trong vùng về Libya và Syria, được người đứng đầu nhà nước Pháp từng đưa ra, nhưng không mang lại kết quả, “sự kiện Saad Hariri đến Paris đánh dấu sự quay trở lại của ngành ngoại giao Pháp tại Trung Đông”, theo đánh giá của giáo sư Luật công Ali Mourad tại đại học Ả Rập Beyrouth.

Sự đột phá này có được là nhờ quan hệ thân mật của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian với rất nhiều lãnh đạo trong vùng được ông xây dựng trong 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng dưới thời tổng thống François Hollande, trong đó có nhân vật quan trọng của Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed Ben Zeyed (biệt danh “MBZ”) và thái tử kế nghiệp Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman (biệt danh “MBS”).

Khi trở về Liban đúng ngày Quốc khánh, thủ tướng Hariri có hai khả năng. Ông có thể sẽ rút lại tuyên bố từ chức nhưng đổi lại sẽ yêu cầu một động thái từ phía Hezbollah, đối tác phiền hà của ông tại chính phủ. Khả năng thứ hai là ông sẽ khẳng định từ chức, đồng thời thêm các phát biểu bài Iran như từng làm tại Riyad, đồng thời có thể tạm rút khỏi chính trường Liban. Trong cả hai trường hợp, những vấn đề cơ bản, bị những âm mưu của Ả Rập Xê Út che giấu, có nguy cơ trở lại và sẽ khuấy động mối bất hòa giữa các đảng phái tại Liban, vốn im lặng từ hai tuần nay.

Liban, quốc gia nằm giữa hai gọng kìm

Cả Les Echos và La Croix đều cho rằng Liban trong thế “một cổ hai tròng”. Theo bài viết “Lời nguyền của Liban” trong mục “Ý kiến” của Les Echos, do cấu trúc thể chế không vững chắc, Liban bị kẹt giữa hai xu nhướng tham vọng trong vùng và đều tìm cách khẳng định vai trò “nước bảo vệ” cho chính quyền Beyrouth : một bên là Iran, đang không ngừng “ghi điểm” tại Irak và Syria ; bên kia là Ả Rập Xê Út, đang tiến hành cải tổ nội bộ sâu rộng và hoạt động mạnh trong chiến tranh và ngoại giao, từ Yemen đến Qatar.

Ngoài ra, từ nhiều năm nay, phong trào Hezbollah thân Teheran không ngừng phát triển tại Liban, được coi là một “Nhà nước trong Nhà nước”, với ít nhất hai bộ trưởng Hezbollah trong nội các chính phủ từ tháng 12/2016, mà theo nhận định trong bài phân tích “Liban, đất nước giữa vòng can thiệp” của La Croix, đã khiến Riyad tức giận vì cho rằng chính phủ Liban bị Teheran điều khiển từ xa.

Trước khi trở về Beyrouth vào đúng ngày Quốc Khánh, thủ tướng Hariri sẽ đến Ai Cập vào thứ Ba 21/11 để tìm sự ủng hộ của Cairo. Nhật báo Le Figaro trích một nguồn tin nắm rõ hồ sơ cho biết, thủ tướng Liban có thể sẽ bảo lưu quyết định từ chức. Nhật báo Libération đánh giá : “Một tuần quyết định tại Beyrouth với Hariri và nước ông”, trong khi Liban đang “sống trong một bầu không khí nội chiến”.

Thái tử Ả Rập Xê Út và chính sách ngoại giao “gậy ông đập lưng ông”

Khi buộc thủ tướng Saad Hariri từ chức, thái tử kế nghiệp Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman cho rằng sẽ kích động được một bộ phận tầng lớp chính trị Liban nổi dậy chống phe Hezbollah thân Iran, đối thủ cạnh tranh chính trong cuộc đua giành sức ảnh hưởng trong vùng.

Trả lời Le Monde, giáo sư Ali Mourad phân tích : “Phía Ả Rập Xê Út muốn quyết định từ chức của thủ tướng Hariri nhanh chóng kết thúc để chuyển sang giai đoạn 2 trong kế hoạch phản công : đàm phán một thỏa thuận chính phủ mới. Tuy nhiên, sự phản kháng của đường phố và thái độ của tổng thống Liban Michel Aoun, từ chối lời từ chức của thủ tướng, đã khiến họ bị kẹt trong giai đoạn 1”.

Chính quyền Riyad từng hy vọng là quyết định từ chức, gây ấn tượng mạnh, của Hariri sẽ thiết lập lại sự cân đối chính trị tại Liban theo hướng có lợi hơn cho Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, “kết quả lại thảm hại. Chính quyền Ả Rập Xê Út không dự đoán được phản ứng của xã hội Liban”, vẫn theo nhận định của giáo sư Ali Mourad. Từ một chính trị gia không có sức lôi cuốn, Hariri bỗng trở thành người hùng của đường phố. Riyad đã đánh giá thấp tinh thần dân tộc của người dân Liban. Họ muốn đoàn kết với vị lãnh đạo bị làm nhục hơn là trút giận lên Haret Hreik, trụ sở của phe Hezbollah ở ngoại ô Beyrouth.

Với sự kiện này, nhật báo Le Monde đánh giá : “Mohammed Ben Salman bị mắc bẫy bằng chính đường lối ngoại giao của ông”. Thay vì hướng mọi tập trung vào phong trào Hezbollah, Riyad lại cho thấy sự can thiệp vào nội tình Liban. Đây là lần thứ ba, chính sách ngoại giao của Mohammed Ben Salman bị “gậy ông đập lưng ông”. Lầu đầu, vào tháng 03/2015, thái tử kế nghiệp điều không quân Ả Rập Xê Út tấn công phe nổi dậy Houthi tại Yemen, bị Riyad coi là “con ngựa thành Troie” của Iran, và vẫn bị kẹt trong cuộc chiến chưa dứt này.

Tiếp theo là cuộc khủng hoảng ngoại giao với Qatar kể từ tháng 06/2017, sau khi ban sắc lệnh cấm vận ngoại giao-chính trị với tiểu quốc bị Riyad cáo buộc có quan hệ với Iran, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, phe Shia Ả Rập Xê Út và Hamas. Mohammed Ben Salman nghĩ rằng sẽ nhanh chóng “thần phục” được Qatar nhưng lại không tính đến mạng lưới đồng minh và khách hàng rộng lớn mà Doha đã gây dựng từ 20 năm nay trong mọi lĩnh vực từ ngoại giao đến quân sự, từ văn hóa đến thể thao.

Zimbabwe : Bất chấp phản đối của dân, tổng thống Mugabe không từ chức

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe tiếp tục được các nhất báo Pháp đề cập. Bất chấp áp lực từ quân đội, từ chính nội bộ đảng Zanu PF và từ cuộc biểu tình ngày 19/11 lớn chưa từng có kể từ khi Zimbabwe độc lập, tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, kiên quyết không từ chức.

Nhật báo Le Figaro đưa tin “Bị đẩy đến lối ra, Mugabe kháng cự”. Trong bài diễn văn được truyền hình tối Chủ Nhật 19/11, ngược với mọi phán đoán, tổng thống Zimbabwe từ chối nhượng bộ áp lực từ đường phố, dù trước đó ông đã bị đảng Zanu PF, do ông thành lập, tước chức chủ tịch đảng. 170 thành viên của Ủy ban trung ương đảng Zanu PF còn đưa ra tối hậu thư : Đến trưa thứ Hai 20/11, nếu tổng thống Mugabe không từ chức, Nghị Viện sẽ tước chức vụ của ông vào ngày 21/11. Nhật báo công giáo La Croix nhận định, “Robert Mugabe, Zimbabwe sang trang mới” với quyết định tước quyền chủ tịch đảng Zanu đối với “người cha của quốc gia”.

Với Libération, quyết định bám trụ đến cùng của tổng thống 93 tuổi là “Lời nhạo báng của Mugabe”. Trên truyền hình, ông tuyên bố sẽ tổ chức hội nghị đảng Zanu PF trong vài tuần nữa để “cho phép giải quyết các mâu thuẫn” trong nước. Trong bài diễn văn dài 20 phút, ông nói nhiều đến các thách thức kinh tế, ca ngợi thành công của nhà nước, của đảng và nêu lên “một cuộc xung đột thế hệ” mà không hề nhắc đến trường hợp cá nhân ông.

Kết thúc bài diễn văn bằng tiếng Anh, tổng thống 93 tuổi khẳng định : “Các bạn và tôi, chúng ta có một việc quan trọng phải làm”, bất chấp những lời kêu gọi “ra đi” của người biểu tình. Họ “đã mệt mỏi về ông ấy. Ông ấy phải ra đi, và ngừng tìm cách xin lỗi. Đất nước bị tàn phá về mặt kinh tế. Tất cả là do lỗi của ông già này”, như phát biểu của một người biểu tình 57 tuổi.

Đức : Thủ tướng Merkel vẫn chưa thành lập được chính phủ

Tại Đức, hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc Hội, và được bầu thêm nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, bà Angela Merkel vẫn chưa thành lập được chính phủ.

Nhật báo Libération nhận định “Hai tháng sau bầu cử, Angela Merkel vẫn đang tìm liên minh”. Liên minh cầm quyền CDU-CSU của thủ tướng Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với các đảng Xanh và đảng tự do FDP. Thời hạn 18 giờ Chủ Nhật 19/11 lại được đẩy lùi và sau 4 tuần đàm phán, vẫn còn nhiều bất đồng quan trọng giữa 4 đảng chính, đặc biệt trong vấn đề nhập cư (áp dụng quota nhập cư), khí hậu và năng lượng (rút khỏi năng lượng than và động cơ diesel) hay ngân sách giành cho nông nghiệp…

Ngoài những thông tin như trên, trong bài viết “Thất bại của các cuộc thương lượng cuối cùng ở Berlin”, nhật báo Le Figaro đánh giá “tương lai chính trị của Angela Merkel, bị suy yếu sau chiến thắng quá ngắn ngủi trong cuộc bầu cử liên bang ngày 24/09, trở nên đen tối”.

Pháp : Căng thẳng giữa Nhà nước và các thị trưởng

Thời sự Pháp nổi bật với hội nghị lần thứ 100 của Hiệp hội Thị trưởng Pháp, diễn ra ngày 20/11/2017, trong bầu không khí rất căng thẳng giữa Nhà nước và chính quyền địa phương.

Nhật báo Le Figaro nhận định : “Tiếng phàn nàn gia tăng ở các địa phương” vì các thị trưởng lo ngại vấn đề ngân sách của địa phương mình và thắc mắc về mục tiêu của hành pháp. Phác họa chân dung hai thị trưởng Lyon và Bordeaux, La Croix nhận định “Các thị trưởng phải hành động tốt hơn với ngân sách ít đi”.

Riêng nhật báo kinh tế Les Echos đưa tin trên trang nhất “Nhà nước muốn đi xa hơn trong việc giảm các khoản đóng góp”, áp dụng đối với mức lương cao từ 2,5 lần so với lương tối thiểu (SMIC) và sẽ tiêu tốn của nhà nước khoảng 2,9 tỉ euro. Đây là một khoản ngân sách lớn, chính vì vậy, một số người trong cơ quan hành pháp nhấn mạnh, trước hết phải khắc phục tình trạng tài chính công. Thông tin có thể được thủ tướng Edouard Philippe công bố ngày 20/11 trước Hội đồng Công nghiệp Quốc gia tổ chức tại thành phố Bobigny, ngoại ô Paris.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.