Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Louvre Abu Dhabi : Hợp đồng “vàng” quảng bá di sản nghệ thuật Pháp

Đăng ngày:

Được kiến trúc sư nổi tiếng Jean Nouvel thiết kế, bảo tàng Louvre Abu Dhabi chính thức mở cửa đón khoảng 5.000 khách tham quan ngày 11/11/2017. Trước 400 khách mời tham dự lễ khánh thành ngày 08/11, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi “bảo tàng của các hoang mạc và ánh sáng này là điểm cân bằng giữa các lục địa Âu, Á, Phi” và các tác phẩm trưng bày ở đây chứng minh rằng “các tôn giáo của chúng ta, các nền văn minh của chúng ta đều liên kết với nhau”.

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi.
Bảo tàng Louvre Abu Dhabi. louvreabudhabi.ae
Quảng cáo

Công trình kiến trúc thể hiện sức mạnh và tín ngưỡng Ả Rập

Thỏa thuận giữa Abu Dhabi và Paris được ký ngày 06/03/2007 dưới thời tổng thống Jacques Chirac, một người đam mê nghệ thuật nguyên thủy. Mười năm sau, Louvre Abu Dhabi trở thành bảo tàng hoàn cầu đầu tiên của thế giới Ả Rập và là một tác phẩm kiến trúc độc đáo.

Toàn bộ “thành phố-bảo tàng” rộng 97.000 m2. Tổng diện tích các khu trưng bày bên trong là 8.600 m2, được chia thành ba khu vực : 6.400 m2 được dành cho các phòng trưng bày thường xuyên với khoảng 600 tác phẩm nghệ thuật, trong đó 300 tác phẩm được 13 bảo tàng của Pháp cho mượn nhân dịp khánh thành ; các khu vực triển lãm tạm thời rộng 2.000 m2 và một bảo tàng dành cho trẻ em rộng khoảng 200 m2.

Trả lời đặc phái viên RFI Muriel Maalouf, kiến trúc sư Jean Nouvel giải thích ý tưởng thiết kế :

“Tôi là kiến trúc sư bối cảnh, vì vậy mong muốn đầu tiên của tôi là bảo tàng phải thuộc về văn hóa địa phương. Tôi biết công trình này sẽ là bằng chứng cho sức mạnh và thời hoàng kim của vùng. Cũng chính theo cách đó mà các công trình lớn lần lượt được xây dựng trong suốt chiều dài lịch sử.

Nhưng tôi cũng muốn là những đặc điểm đó phải được thể hiện bên trong. Vì vậy, tôi muốn tạo ra điều gì đó, giống như một khu phố, gồm 55 tòa nhà. Và tôi cũng muốn gợi một điều gì đó liên quan đến hình ảnh đô thị, như những khu phố nhỏ Ả Rập (medina), dĩ nhiên là không có cùng quy mô, mà lớn hơn nhiều với mái vòm trắng được thực hiện nhờ công nghệ cao, bằng bê tông siêu cường độ, chứ không phải là những bức tường xây bằng vôi.

Dấu hiệu thứ hai mà tôi muốn thể hiện chính là biểu tượng tín ngưỡng. Vì vậy, tôi thiết kế mái vòm mầu trắng, có nhiều lỗ hổng, và dĩ nhiên là với tỉ lệ lớn hơn nhiều”.

“Xuất khẩu” nghệ thuật : Hợp đồng 1 tỉ euro

Theo thỏa thuận trị giá 1 tỉ euro được ký năm 2007 và có hiệu lực trong vòng 30 năm, phía Pháp, thông qua cơ quan Agence France-Muséums truyền tải cho Abu Dhabi chuyên ngành bảo tàng, cho mượn các tác phẩm nghệ thuật, tổ chức các triển lãm tạm thời.

Riêng bảo tàng Louvre Paris nhận được 400 triệu euro vì cho “mượn” tên “Louvre” trong vòng 30 năm. Một phần số tiền đã được sử dụng để đầu tư bảo tàng Louvre ở Paris, như giải thích với đài truyền hình France 2 của ông Jean-Luc Martinez, giám đốc bảo tàng : “Cụ thể ở bảo tàng Louvre chẳng hạn, ngay từ năm ngoái (2016), chúng tôi đã có thể sử dụng một phần số tiền này để nâng cấp hệ thống đón tiếp, làm mới khu vực bán vé, khu vực giữ đồ cho khách và khu tiếp đón các nhóm tham quan”.

Ngoài ra, 13 đơn vị khác, gồm các bảo tàng Orsay, Branly, Pompidou, Guimet, Rodin, Cluny, Sèvres, Nghệ thuật Trang trí, Thư viện Quốc gia Pháp BNF, Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Saint-Germain-en-Laye, hai lâu đài Versailles và Fontainebleau, sẽ chịu trách nhiệm cho Louvre Abu Dhabi mượn các kiệt tác của mình, theo thoả thuận có giá trị 15 năm. Đổi lại, 13 đơn vị này nhận được 265 triệu euro phí “mượn” tác phẩm, thêm vào đó là 120 triệu euro chi phí tổ chức 4 cuộc triển lãm tạm thời mỗi năm.

Cuối cùng, cơ quan Agence France-Muséums nhận được 164 triệu euro trong vòng 20 năm để điều phối dự án. Hiện cơ quan này có khoảng 40 nhân viên phối hợp với khoảng 60 người phía Abu Dhabi. Nhiệm vụ của Agence France-Muséums là thiết lập các bộ sưu tập cho bảo tàng Louvre Abu Dhabi nhờ khoản ngân sách 40 triệu euro do vương quốc cấp mỗi năm để thu mua tác phẩm.

Trong số 300 tác phẩm đầu tiên được Pháp cho “mượn”, phải kể đến tác phẩm hội họa La Belle Ferronnière của Vinci, một bức chân dung tự họa của Van Gogh, một quả địa cầu Coronelli của BNF, một cặp bình quý châu Á, một chiếc đĩa bằng sứ nhà Médicis, một tác phẩm của Rodin, thậm chí bức họa khổ lớn Bonaparte cưỡi ngựa vượt dãy Alps được mượn từ lâu đài Versailles… Những tác phẩm này sẽ được trưng bày trong vòng bốn năm, sau đó sẽ trở về Pháp và có 250 tác phẩm khác sang thay thế, tiếp theo là 200 tác phẩm khác. Trong thời gian này, bảo tàng Louvre Abu Dhabi cũng sẽ làm giầu kho báu của mình và “đến năm 2027, Louvre Abu Dhabi có thể hoạt động một cách độc lập”, theo ông Manuel Rabaté, giám đốc bảo tàng.

Dự án đôi bên cùng có lợi…

Trả lời trang Challenge (08/11), ông Manuel Rabaté khẳng định, dù mang tên Louvre Abu Dhabi, bảo tàng lớn nhất thế giới Ả Rập hoàn toàn “trực thuộc bộ Văn Hóa và Du Lịch Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Với Abu Dhabi, đây là sự đánh cược táo bạo về sức mạnh nhà nước, văn hóa và kinh tế để thực hiện dự án. Vì vậy, vương quốc Hồi Giáo này đã tìm kiếm một trong những đối tác lớn nhất thế giới ; đó chính là hệ thống bảo tàng Pháp”.

Vẫn theo ông Rabaté, bảo tàng Louvre Abu Dhabi giúp bảo tàng Louvre Paris thêm nổi tiếng trên quy mô thế giới và cũng góp phần làm nước Pháp tỏa sáng khi tham gia dự án đồ sộ này. Vì bảo tàng Louvre Abu Dhabi nhắm đến hai mục tiêu ưu tiên để thu hút khách tham quan.

Thứ nhất là ghi dấu ấn của Louvre Abu Dhabi tại khu vực, có nghĩa là thu hút khách tham quan trong vùng, từ công dân của vương quốc đến những người thường trú, bằng cách tổ chức sự kiện và biến bảo tàng thành một nơi sống. Ngoài ra, bảo tàng còn phối hợp với các trường học và trường đại học để thu hút học sinh cùng với gia đình.

Thứ hai chính là thách thức kinh tế phát triển du lịch. Khả năng đón tiếp du khách của Abu Dhabi đã có quy mô lớn, từ các hoạt động giải trí trên đảo Yas đến giá trị di sản với các khám phá khảo cổ, hoặc các hoạt động ngoài trời ở hoang mạc hay trên biển. Bảo tàng Louvre Abu Dhabi còn cho phép du khách có những khoảnh khắc trải nghiệm văn hóa thật sự.

Bảo tàng Louvre Abu Dhabi đề ra mục tiêu thu hút từ 800.000 đến 1 triệu lượt khách mỗi năm. Điều này có vẻ không khó vì cách đó khoảng hơn 1 giờ đi xe hơi là Dubai với cảng hàng không lớn nhất khu vực với khoảng 84 triệu lượt khách và đến năm 2020, Dubai sẽ tổ chức Triển lãm Hoàn Cầu.

Tuy nhiên, trả lời RFI, ông Jean-Luc Martinez, giám đốc bảo tàng Louvre Paris, cho biết mục đích đầu tiên khi Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đưa ra dự án này là xây dựng một bảo tàng “dành cho thế hệ tương lai và để giáo dục thế hệ trẻ nước họ” :

“Bảo tàng Louvre Abu Dhabi được hình thành nhằm phục vụ mục đích giáo dục : Làm thế nào để giải thích nền văn hóa của chúng ta? Các bộ sưu tập đã được hình thành như thế nào?...

Hãy đến tham quan bảo tàng và bạn sẽ thấy mọi nền văn hóa trên thế giới, mà không có bất kỳ ý định kiểm duyệt nào. Trong bảo tàng, có những bức tượng đàn ông khỏa thân, có mọi loại hình tôn giáo được trưng bày tại đây, vì như tôi vừa nói, bảo tàng cố gắng giải thích thế giới trong thế kỷ 21”.

Bên cạnh những kiệt tác từ xa xưa, nghệ thuật đương đại cũng không bị lãng quên. Phòng trưng bày dành cho loại hình này là một tuyển tập các nền văn hóa với các tác phẩm của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei), của nghệ sĩ người Senegal Omar Ba hay của Maha Mallula, người Ả Rập Xê Út…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.