Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

80 năm dàn giao hưởng « Philhar »

Đăng ngày:

Được hình thành để đưa nhạc cổ điển của Âu Tây đến với công chúng Pháp, trong 80 năm hoạt động và đã nhiều lần đổi tên, dàn giao hưởng của đài Phát Thanh Pháp Radio France, “Philhar”, đã chinh phục thế giới, trở thành sứ giả của dòng nhạc đương đại, là bệ phóng đối với một số các nhà soạn nhạc tuổi trẻ, tài cao.

Thính phòng Auditorium của Radio France, Paris quận 16 và dàn giao hưởng Philhar.
Thính phòng Auditorium của Radio France, Paris quận 16 và dàn giao hưởng Philhar. Nguồn : www.maisondelaradio.fr
Quảng cáo

Mỗi buổi hòa tấu của dàn giao hưởng Philhar là một sự kiện văn hóa, âm nhạc trong lòng người hâm mộ. Cùng với rất nhiều các tên tuổi sáng chói trên bầu trời âm nhạc quốc tế, như Boulez, Janowski hay Dudamel, ... nhạc trưởng gốc Hàn Quốc, Myung Whun Chung là một trong những người đã đóng góp nhiều nhất để dàn nhạc của Radio France từ Paris tỏa sáng ra thế giới.

Ngược dòng thời gian, năm 1937, chính phủ cho ra đời một dàn nhạc symphonique để phục vụ cho đài phát thanh Pháp. Ở vào thời điểm đó, chương trình của đài phát thanh không có nhiều tiết mục như bây giờ. Ngoài bản tin được phát vào những giờ cố định, phần còn lại, chủ yếu dành cho âm nhạc. Các buổi hòa tấu luôn được ghi âm trước trong các phòng thu.

Hồi sinh sau Thế Chiến Thứ Hai

Trong thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, dàn nhạc phải “tản cư”, rời xa thủ đô Paris về Rennes, ở miền tây bắc nước Pháp.

Chiến tranh kết thúc, dàn nhạc của Radio France hồi sinh nhưng phải mất đến 2 năm, dàn nhạc mới định hình, đặt trụ sở tại nhà hát Erard quận 2 Paris.  Đến giữa thập niên 1950, dàn giao hưởng này dọn hẳn về Théâtre des Champs Elysées, một địa chỉ không thể thiếu của làng nhạc cổ điển, trên con lộ rất sang trọng Avenue de Montaigne, quận 8, cách không xa phủ tổng thống số 55 Rue du Faubourg Saint Honoré và phủ thủ tướng điện Matignon.

Philhar, không gian sáng tác

Trong ngót hai thập niên, dàn giao hưởng của đài Phát Thanh Pháp luôn đi tìm cho mình một chỗ đứng trong khu vườn âm nhạc vốn đã có gần một chục dàn giao hưởng khác nhau trong phạm vi Paris và vùng phụ cận.

1976 là một cột mốc quan trọng : dàn nhạc của Radio France đổi tên thành Nouvel Orchestre Philharmonique. Nhạc trưởng Gilbert Amy được mời điều khiển dàn nhạc và ông đã cải tạo lại từ cách tổ chức nhân sự, cho đến chương trình biểu diễn.

Gilbert Amy quan niệm, Philhar như tên gọi thân mật giới mộ điệu Paris đã tặng cho dàn nhạc của đài Phát Thanh Pháp, không nên chỉ nhìn về quá khứ, không thể chỉ là tủ kính trưng bày những tác phẩm kinh điển của những nhạc sĩ bậc thầy châu Âu. Philhar phải là bệ phóng để đưa dòng nhạc đương đại đến gần với đại chúng. Đó là điều mà người tiền nhiệm của nhạc trưởng Amy đã bắt đầu thực hiện.

Chính trong bối cảnh đó, ngay tại phòng thu của Radio France ở quận 16 Paris, năm 1971, nhạc sĩ người Việt, Nguyễn Thiên Đạo đã ra mắt công chúng lần đầu, tác phẩm Koskom. Hơn một phần tư thế kỷ sau, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo lại dành cho khán giả của Radio France món quà thứ nhì với Giao-Hoa Sinfonia, ngay tại phòng thu mang tên người thầy của ông là nhà soạn nhạc Olivier Messiaen

Dàn nhạc giao hưởng của Radio France, dưới sự điều hành của nhạc trưởng Gilbert Amy, khoác lên mình một chiếc áo mới, dành một chỗ đứng quan trọng cho các nhạc sĩ còn vô danh, cho những sáng tác độc đáo.

Trả lời đài France Musique nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập dàn giao hưởng của Radio France, nhạc trưởng Gibert Amy nói về dàn nhạc mà ông đã cống hiến một phần lớn sự nghiệp để đưa Philhar lên tầm quốc tế :

"Dàn giao hưởng luôn có tinh thần bất khuất, để vượt qua tất cả mọi trở ngại. Philhar cũng rất thông thoáng và nhiệt tình mỗi khi chúng tôi làm việc chung với nhau. Đương nhiên là trong mỗi tập thể đều có những căng thẳng nhưng đấy chỉ là những chuyện nhất thời, thỉnh thoảng mới xảy ra.

Cá nhân tôi chưa bao giờ vấp phải một sự chống đối quá gay gắt khi đề nghị chương trình biểu diễn hay muốn đưa những sáng tác mới đến với dàn nhạc.

Có những khác biệt, những bất đồng, nhưng giữa các nhạc sĩ, luôn có một sự tôn trọng lẫn nhau rất là lớn.

Kỷ niệm đẹp nhất của tôi với dàn giao hưởng, là đầu năm 1976, dàn nhạc khi đó mới vừa được đổi mới, cả về nhân sự lẫn cách tổ chức, trong buổi biểu diễn đầu tiên, tôi đã đem lại được một làn gió mới cho Philhar, và chứng minh rằng, dàn nhạc có thể được chia ra từng nhóm, tùy theo thể loại nhạc chúng tôi biểu diễn, và chúng tôi có thể cống hiến cho công chúng những chương trình rất đa dạng và phong phú. Ở thời điểm 1976 ý tưởng đó là điều mới lạ và khi nó được chấp nhận thì đấy thực sự là một kỷ niệm rất đáng ghi nhớ, là một cuộc trắc nghiệm đầy hứa hẹn đối với cá nhân tôi".

Philhar vượt thời gian và không gian

50 năm, là thời gian cần thiết để dàn giao hưởng của Radio France khẳng định vị trí trên sân khấu quốc tế : năm 1987 lần đầu tiên Philhar được mời tham gia đại hội nhạc cổ điển lớn nhất thế giới, tổ chức tại Luân Đôn, Proms. Toàn bộ chương trình được phát trên đài phát thanh quốc tế Anh, BBC.

Dàn giao hưởng của Radio France mang chuông đi đánh xứ người và từ Luân Đôn đã chắp cánh bay xa : Phihar trở thành xứ giả của dòng nhạc đương đại, bắt đầu được mời biểu diễn ở những nhà hát nổi tiếng nhất thế giới. Uy tín của Philhar càng lớn, dàn nhạc của Radio France lại càng có sức thu hút những vị nhạc trưởng, nhạc sĩ bậc thầy, những diva của thế giới.

Sau hơn một chục năm điều khiển dàn nhạc của Radio France, đưa Philhar lên ngang tầm với những dàn giao hưởng của thành Vienna, hay Berlin ..., nhạc trưởng Marek Janowski trao lại 'chiếc đũa' thần của ông cho một nhạc sĩ tài hoa khác là maestro Myung Whun Chung.

Nhạc trưởng Myung Whun Chung tập dợt với dàn nhạc.
Nhạc trưởng Myung Whun Chung tập dợt với dàn nhạc. AFP

Trong 15 năm nhạc sĩ người Hàn Quốc này đứng đầu dàn giao hưởng của Radio France, lịch lưu diễn ở hải ngoại của Philhar ngày càng dày đặc. Từ Thượng Hải đến Matxcơva, từ Berlin đến New York, từ Los Angeles đến Sydney nhà hát danh tiếng nào cũng phải mời cho bằng được dàn giao hưởng của Myung Whun Chung.

Năm 2007 Orchestre Philharmonique de Radio France và cá nhân nhạc trưởng Myung Whun Chung được mời làm Đại Sứ của Quỹ Nhi Đồng UNICEF –France. Philhar đã có rất nhiều buổi hòa tấu gây quỹ cho UNICEF, đỡ đầu cho 60 triệu trẻ em trên thế giới.

Không còn là giám đốc nghệ thuật và nhạc trưởng của dàn nhạc này từ 2015, nhưng nhạc sĩ Myung Whun Chung vẫn nghĩ về mỗi nhạc công của Philhar với rất nhiều ưu ái, những người mà ông gọi là "thiên thần" của đời mình.

Nhân sinh nhật 80 tuổi của Philar, cách Paris đến nửa vòng trái đất, ông đã có đôi lời về dàn nhạc thân thương này như sau :

"Có một điều kỳ diệu với dàn nhạc này là các nhạc công rất thích được biểu diễn chung với nhau, điều ấy không phải là dễ. Chưa kể là nhạc trưởng lại thường thay đổi, khi thì người này nói thế này, lúc thì người khác lại bảo thế kia ... Nhưng trong mọi tình huống, họ vẫn bình tĩnh, kiên nhẫn để hoàn thành nhiệm vụ, để làm công việc của mình một cách tốt nhất. Đấy là điều tuyệt vời và rất hiếm thấy.

Về tinh thần của Philhar thể hiện qua chương trình của dàn giao hưởng, tôi nghĩ, cho đến giờ, Le Sacre du Printemps - Lễ Đăng Quang Mùa Xuân, của Stravinsky vẫn là tác phẩm tiêu biểu nhất, như thể đấy là dấu ấn, là ADN, của Philhar. Bởi đây là một tác phẩm đương đại tiêu biểu, nó thể hiện nhựa sống và sự trẻ trung, cũng như là dàn giao hưởng của Radio France, dù đã qua 80 mùa xuân".

Phihar giờ đây đang được đặt dưới sự điều khiển của nhạc trưởng trẻ tuổi người Phần Lan, Mikko Franck. Buổi hòa nhạc mừng Orchestre Philharmonique de Radio France tròn 80 tuổi, không thể thiếu Le Sacre du Printemps : nhịp điệu mạnh mẽ, dồn dập và sôi động của Lễ Đăng Quang Mùa Xuân tràn đầy nhựa sống. Philhar 80 xuân qua vẫn không già.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.