Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

ATD - Quart Monde trong nỗ lực giảm nghèo

Đăng ngày:

Trên 14 % dân Pháp sống trong cảnh bần cùng, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình trong Liên Hiệp Châu Âu. Một triệu người vô gia cư, và cứ một đứa trẻ trên 5 phải đối mặt với cảnh nghèo. 20 % sinh viên Pháp sống với thu nhập dưới ngưỡng nghèo khó.

Đại hội thường niên của tổ chức ATD Quart Monde, Paris, tháng 10/2017.
Đại hội thường niên của tổ chức ATD Quart Monde, Paris, tháng 10/2017. ATD Quart Monde/VS
Quảng cáo

ATD Quart Monde -có nghĩa là Agir Tous pour la Dignité – Hành động vì Phẩm Cách con người, còn Quart Monde – Thế giới thứ Tư bao gồm người nghèo và những thành phần liên đới với họ.

ATD Quart Monde được hình thành năm 1957 nhờ những nỗ lực của cha Joseph Wresinski. Trong 60 năm qua, tổ chức này liên tục đóng góp để xã hội thay đổi quan điểm về những người bất đắc dĩ phải chịu cảnh bần cùng.

Ngoài công tác hỗ trợ người nghèo, ATD Quart Monde còn đấu tranh để nước Pháp cho ra đời nhiều bộ luật công nhận những quyền cơ bản của người nghèo. Trong số đó phải kể đến RMI (Thu Nhập Tối Thiểu để Hội Nhập), Luật chống mọi hình thức loại trừ người nghèo (Loi contre les Exclusions, năm 1998), Bảo hiểm y tế phổ quát (CMU năm 2000) hay luật DALO bảo đảm cho những người khốn khổ nhất cũng được quyền có một mái ấm ...

Theo viện thống kế quốc gia Pháp INSEE năm 2014 có 8 triệu nghèo, trên toàn quốc, tức là những người sống với thu nhập bình quân dưới 1.000 euro một tháng. Theo dự phóng cũng của INSEE trong 4 năm qua đã có thêm 1 triệu người bị đẩy vào cảnh bần cùng. Trên toàn quốc có hơn 2 triệu người sống với chưa đầy 640 euro một tháng

Đáng quan ngại hơn cả theo Cơ quan Quan sát tình trạng Bất bình đẳng (Observatoire des Inégalités) số người sống dưới ngưỡng nghèo khó ở Pháp có khynh hướng gia tăng : 6,9 % năm 2004 ; 8,1 % năm 2014

Giới trẻ bất đắc dĩ tham gia hàng ngũ này ngày càng đông. Theo INSEE năm 2013, tại pháp có 2,7 triệu trẻ vị thành niên sống trong cảnh bần cùng, tính trung bình là hơn 20 % trẻ em tại Pháp phải đối mặt với hiện tượng xã hội này ngay khi tuổi còn thơ.

Cùng thời kỳ, bất bình đẳng trong xã hội tăng thêm : Thống kê của Tổ Chức Hợp Tác và Phát triển cho thấy trên quê hương của Jean Jaures, bất bình đẳng xuất phát từ trường học, kế tới là môi trường và vị trí xã hội của gia đình : một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bố mẹ có địa vị tốt trong xã hội có cơ hội thăng tiến cao gấp 10 lần so với con của một gia đình công nhân.

Xóa bỏ định kiến của xã hội về người nghèo

Trả lời RFI Việt ngữ, ông Michel Besse, một thiện nguyện viên của tổ chức hỗ trợ người nghèo, ATD Quart Monde nêu bật một ý chính : qua kinh nghiệm bản thân và của đồng nghiệp, giải pháp chống nghèo khó, nảy sinh từ chính những con người khốn khổ.

Michel Besse : "ATD Quart Monde là một phong trào được hình thành cách nay đúng 60 năm. Năm 1957 là thời kỳ nước Pháp đang trong tiến trình tái thiết sau Thế Chiến Thứ Hai, và từng bước giàu mạnh trở lại, chủ yếu nhờ vào nền công nghiệp. Tuy nhiên, có một phần dân số bị gạt ra ngoài con tàu tăng trưởng đó. Số này đã tập hợp về khu trại thạm thời ở ngoại ô Paris – Noisy le Grand, phía đông thủ đô. Đây chính là nơi, nhờ những nỗ lực của sáng lập viên -là cha Joseph Wrewinski, mà phong trào ADT Quart Monde ra đời"

RFI : Vậy trong 60 năm qua, ATD Quart Monde đã thực hiện những gì ?

Michel Besse : "Trong 30 năm đầu, tức là giai đoạn 1957-1987, công việc của hội là cùng với cha Joseph Wrewinski, đi tìm những gia đình trong cảnh khốn cùng mà cả xã hội đang quay lưng lại với họ. Đó là những thành phần bị xã hội bỏ rơi, họ bị coi là những con người lười biếng, là những kẻ ăn bám xã hội hay ít ra là những người không có khả năng để thích nghi với thế giới đang không ngừng tiến triển.

Trong ba thập niên đầu kể từ khi được thành lập, phong trào ATD Quart Monde không ngừng đấu tranh để xóa bỏ định kiến khắt khe đó của xã hội. Đến năm 1987 thì công luận mới bắt đầu nhìn nhận những thành phần bị bỏ rơi này là sản phẩm do xã hội tạo ra, và chính những người trong hoản cảnh bần cùng đó, vẫn có thể cùng nhau tìm ra những ngõ thoát, đó là điều mà chúng tôi gọi là ‘trí tuệ thông minh tập thể’.

Cho tới bây giờ, tức là 60 sau kể từ khi đi vào hoạt động ATD Quart Monde hài lòng khi thấy mọi người đã thay đổi quan điểm về cảnh bần cùng, khốn khó. Công luận ý thức được rằng trong xã hội có những người bị bỏ rơi, chứ không ai muốn như thế. Năm 1987 là một cột mốc quan trọng đối với hội : chúng tôi đa gây áp lực để Quốc Hội Pháp thông qua một bộ luật chống tình trạng gạt bỏ con người ra bên lề xã hội.

Từ năm 1987 tới nay, phong trào ATD Quart Monde mở rộng hoạt động ra ngoài khuôn khổ của nước Pháp và các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Điều bất ngờ nhất là ATD Quart Monde hoạt động rất mạnh ở Hoa Kỳ. Mọi người cứ nghĩ rằng ở Mỹ không có người nghèo, điều đó hoàn toàn sai. Chúng tôi hiện diện ở châu Phi như là tại Senegal, và Trung Phi. Tại Châu Á, thì phải kể đến Philippines. Ở tất cả những nơi này, ATD Quart Monde hoạt động theo hướng là giải pháp chống nghèo khó xuất phát từ những con người phải đối mặt với cảnh bần cùng".

Qua kinh nghiệm của Philippines và Trung Phi

Không chỉ chú trọng vào nhiệm vụ hỗ trợ cho người nghèo, đấu tranh để họ được xã hội nhìn nhận, ATD Quart Monde không hoạt động theo kiểu áp đặt, mà ngược lại cố gắng khơi dậy những sáng kiến của chính người trong cuộc, để từ đó tìm ra một giải pháp tốt đẹp hơn, như là hai thí dụ, một ở Manila, Philippines và một ở Bangui Trung Phi.

Michel Besse : "Tôi xin nêu lên kinh nghiệm của trẻ em Philippines : tại thủ đô Manila, có những gia đình bần cùng, phải sống trong nghĩa trang phía bắc thành phố. Đây là nơi chôn những người nghèo. Họ chết đi để lại con cái. Những đứa trẻ mồ côi khổn khổ đó không chỗ nương thân, chúng vẫn sống quanh quẩn cạnh bố hoặc mẹ cho dù họ đã nằm sâu dưới ba thước đất.

Các thiện nguyện viên của phong trào ATD Quart Monde qua những đầu mối Philippines, đã tìm đến với chúng, để dậy cho chúng biết đọc, biết viết, gieo vào óc trẻ thơ đó ý chí phải vươn lên, mở mang kiến thức cho những đứa bé đáng thương ấy. Chúng tôi có một hoạt động gọi là "thư viện đường phố" tức là đem sách về cho chúng, đọc cùng với các em, chia sẻ những cảm xúc của các em ...

Điều bất ngờ nhất là một hôm chính những đứa trẻ đó đã tự chúng lập ra một lớp học, một ngôn ngữ riêng, để đứa lớn kèm cho đứa bé. Chúng tôi nhận thấy rằng, khi con người ta được động viên tinh thần thì ai cũng có thể làm nên những điều kỳ diệu, cống hiến những gì tốt đẹp nhất cho chính họ, cho những người chung quanh.

Cùng lúc mà bạn tôi công tác ở Manila chăm sóc cho trẻ em mồ côi ở nghĩa địa nghèo thành phố, thì đó cũng là thời kỳ tôi làm việc tại Bangui, thủ đô Trung Phi. Và tôi cũng đã có kinh nghiệm gần giống như vậy : tức là thời kỳ Trung Phi lâm vào nội chiến, hàng trăm ngàn người phải bỏ xứ ra đi, nhưng không phải ai cũng đi thoát.

Hơn 100.000 người kẹt tại phi trường gần thủ đô Bangui, họ sống vất vưởng tại đấy trong nhiều tháng, thậm chí là cả năm. Khi đó đã có những bạn trẻ tìm cách ngăn chận nạn chảy máu chất xám, vì họ biết rằng những ai ra được nước ngoài sẽ không trở về, không đóng góp gì nữa cho đất nước. Thế là trong ba năm liền (2013-2016), họ đã huy động nhiều nỗ lực để có được một ngôi trường tạm thời cho những người sống vất vưởng gần sân bay.

Từ cả hai kinh nghiệm kể trên, tôi muốn nhấn mạnh đến một điều : những người thực sự biết thế nào là cảnh cùng quẫn, khốn khổ thực thực ra đều có thể đem lại những phép lạ, họ có những giải pháp rất tốt mà chúng ta không thể ngờ".

RFI : Trở lại với cảnh khốn cùng tại Pháp ATD Quart Monde đã đấu tranh để cho ra đời nhiều bộ luật, để xã hội phải nhìn nhận những thành phần bị bỏ rơi :

Michel Besse : "Tại Pháp có nhiều nguyên nhân gạt người ta ra bên lề xã hội, nhưng tôi muốn nói tới tác hại của hiện tượng đó đối với đời sống của những con người. Một trong những hệ quả thường gặp nhất là trở ngại khi đi thuê nhà. Nếu như một gia đình sống trong cảnh nghèo khó, không có việc làm thì họ không tài nào đủ điều kiện để đi thuê nhà, cho dù là nhà xã hội. Trong cái vòng luẩn quẩn đó họ phải sống trong những khu ổ chuột tồi tàn, hay cắm trại bừa trên một bãi đất trống.

Không có nhà ở, không có địa chỉ, hay hóa đơn điện nước, họ không thể làm đơn xin trợ cấp xã hội ... Chính vì thế ATD Quart Monde đã liên tục đấu tranh trong 10 năm liền, để những gia đình trong hoàn cảnh đó được công nhận là thuộc diện ưu tiên để xin nhà xã hội.

Chúng tôi đã gây áp lực để cho ra đời luật DALO (Droit Au Logement Opposable, năm 2008) với luật này, các cơ quan xã hội liên quan, không thể từ chối quyền của nghững người không có điều kiện, để có được một mái nhà.

Tôi xin đơn cử một lĩnh vực khác là khó khăn khi đi tìm việc : Ở Pháp đi xin việc đã khó, với những người nghèo, sứ mạng đó lại càng khó hơn gấp bội.

Phải mất đến 9 năm chúng tôi mới thyết phục được các giới chức chính quyền địa phương lập ra những doanh nghiệp nhỏ,  với mục đích tạo điều kiện cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và thị trường lao động có cơ hội để có được một phiếu lương, một chỗ làm

Nhờ vậy mà đã có rất nhiều người từ từ rồi cũng có được hợp đồng vô hạn định, có thu nhập thay vì phải sống nhờ trợ cấp xã hội hay các quỹ từ thiện. Thế rồi trường học cũng là nơi mà một số trường hợp có thể bị bỏ rơi, hay bị gạt sang một bên".

RFI : Trong sáu thập niên qua, bộ mặt của cảnh bần cùng có thay đổi gì hay không ?

Michel Besse : "Về mặt cơ bản hiện tượng này tại Pháp trong 60 năm qua không mấy thay đổi. Chúng ta vừa nói tới trường học, đây là nơi mà thường những đứa trẻ gặp khó khăn bị « buông trôi » có thể là do thầy cô giáo không có đủ  thì giờ dành riêng cho chúng. Nhưng bên cạnh đó thì xã hội Pháp trong 6 thập niên qua đã đẩy mọi thành phần vào thế cạnh tranh với nhau và sự tranh đua đó càng càng khốc liệt.

Trong môi trường giáo dục, các nước Bắc Âu đã chứng minh rằng, mô hình giáo dục càng khuyến khích học sinh cộng tác với nhau chừng nào, càng đem lại những kết quả tốt đẹp chừng nấy. Còn trong thế cạnh tranh, thì chỉ có những người có cá tính mạnh mới thành công. Ở vào thời điểm 2017 ATD Quart Monde chủ trương là để có một hệ thống giáo dục hiệu quả, thì cần bắc những nhịp cầu giữa con em chúng ta với các nhà giáo và phụ huynh và chúng tôi cố gắng tạo ra những không gian đối thoại đó.

Để kết luận thì xin thưa với chị là qua kinh nghiệm của tất cả chúng tôi, dù là ở Pháp hay hải ngoại, chúng tôi nhận thấy rằng, cái nghèo, cái khổ luôn là một sự xúc phạm đối với mỗi con người, luôn là một sự vi phạm đối với nhân quyền. Có điều trong thời gian gần đây vế hợp tác đã bị đẩy vào hàng thứ yếu để mặc cho người ta cạnh tranh với nhau. Cuộc đấu tranh tới đây của ATD Quart Monde phải bài trừ cảnh khốn khổ bần cùng tận gốc rễ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.