Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Mảnh ghép cổ điển trong chân dung Gainsbourg

Đăng ngày:

Tự cảm thấy bất tài trong hội họa, trong nỗi thất vọng, Serge Gainsbourg đã vẽ say sưa hàng trăm bản nhạc mà ông gọi là nghệ thuật « thứ yếu » để thay thế cho những bức tranh do tự tay mình phá hủy.

Serge Gainsbourg, ngày 18/04/1980 tại Paris.
Serge Gainsbourg, ngày 18/04/1980 tại Paris. Getty images/Ulf Andersen
Quảng cáo

Âm nhạc Gainsbourg ôm đồm nhiều góc cạnh hay có thể nói đó là sự biểu hiện cùng một lúc nhiều mảng khối giống như trường phái tranh lập thể mà ông từng theo đuổi.

Chính những mảng ghép đó khiến người nghe đều tự tìm thấy ít hay nhiều con người mình trong tổng thể mang tên Gainsbourg : là thi ca phiêu lãng hay đùa cợt khiêu khích đôi khi quá trớn, là tình yêu lãng mạn, lả lơi, thậm chí nóng bỏng và những cuộc say triền miên…, là những điệu jazz, rock đầy tràn nhựa sống hay những bản pop đam mê từ chất liệu cổ điển tưởng chừng như quá quen thuộc.

Tuổi thơ của cậu bé Lucien (tức tên khai sinh của Gainsbourg) đắm chìm trong khu vườn thánh thót tiếng dương cầm của cha, vốn dĩ là nghệ sĩ và thầy giáo dạy piano cổ điển. Ngày lại ngày, từng giọt âm thanh được chắt chiu từ thứ âm nhạc bác học ấy cứ thấm dần vào da thịt cậu. Lucien như chú sâu nhỏ cuộn mình trong tổ kén, uống từng giọt sương của buổi sớm mai, để rồi một ngày lột xác thành Serge Gainsbourg, người nhạc sĩ đã đem lại cuộc đời khác cho những bản nhạc hàn lâm bất hủ.

Khi được hỏi về sự giao tiếp đầu tiên của Serge với âm nhạc, ông nói : « Đó là piano, đó là âm nhạc cổ điển. Khi tôi mới vài tháng tuổi, tôi đã nghe thấy âm nhạc của Scartlatti, của Chopin. Rachmaninov là nghệ sĩ dương cầm yêu thích của tôi (…) Tôi được nghe mỗi ngày, cả Rhapsody In Blue, một vài Nocturne Chopin và một chút Bach. Đó là những quan niệm thẩm mĩ tuyệt đẹp đối với cuộc đời một con người, sự khai nạp mỗi ngày về cái đẹp thông qua âm nhạc. Điều này có ảnh hưởng đến số phận của tôi »

Thật là khó nếu không nhắc đến Fédéric Chopin, người có ảnh hưởng đặc biệt đến nhiều sáng tác của Gainsbourg. Bởi mỗi buổi sáng ông thường được cha đánh thức bằng những đường gam kiểu Chopin. Trên chiếc đàn piano Steinway, Gainsbourg luôn đặt trang trọng bức chân dung của nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan này. Có lẽ nhờ « ánh nhìn » thường nhật của Chopin, Serge đã cho ra đời nhiều kiệt tác mang thần thái quá khứ.

Đầu tiên là ca khúc tựa đề Jane B., xuất hiện trong album đầu tay của ca sĩ Jane Birkin phát hành năm 1969. Bài hát đã sử dụng lại âm điệu nghẹn ngào sầu thương từ bản Prélude số 4 giọng mi thứ của Chopin và được phối khí theo lối pop nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sự hóa thân của bản Prélude nổi danh này trong ca khúc Jane B. dù vẫn giữ nét trầm buồn nhưng không quá tuyệt vọng.

Trong cái túi nhạc « ba gang » Chopin, Serge Gainsbourg cứ mê mải dạo chơi, nhấm nháp từng nốt nhạc vừa thanh vừa dịu để thỏa thê cơn khát. Rồi từ đó ông dệt thêu nên những tấm áo mới cho những giai điệu tuyệt đẹp ấy. Gainsbourg đặc biệt không thích valse mà chỉ hứng thú với những bản nocturne, prélude và étude của Chopin mà thôi.

Trong bản Lemon Incest, bài hát song đôi của Serge Gainsbourg và con gái Charlotte, ông đã sử dụng nguyên bản Etude n°3 op.10 mệnh danh “Nỗi Buồn” của Chopin. Giai điệu được giữ lại, nhạc đệm theo tiết tấu thời thượng.

Đoạn clip kéo dài khoảng 5 phút, đã thực sự “gây bão” vào năm 1984. Có lẽ do cách hát gợi tình thì thầm bên tai, phối cảnh và kiểu ăn mặc sexy của họ, hơn nữa Charlotte lại vừa mới 13 tuổi, đoạn phim đã làm cho người ta liên tưởng đến một điều gì khác ngoài tình cha con. Vụ xì căng đan này đã giúp hãng sản xuất âm nhạc của ông bội thu. 

Âm nhạc của Chopin không hẳn là suối nguồn duy nhất để Gainsbourg kể về đời mình. Năm 1968 sau khi chấm dứt cuộc tình với người phụ nữ được coi là đẹp nhất hành tinh, Brigitte Bardot, ông đã viết Initials B.B thay cho lời chia tay.

Ca khúc có sử dụng nét nhạc chủ đề trong bản giao hưởng số 9 Thế Giới Mới của Antonin Dvorak, nhà soạn nhạc Tiệp Khắc thuộc thời kì âm nhạc lãng mạn. Để lời nhắn gửi tha thiết hơn, ở đoạn điệp khúc, Gainsbourg dành phần nhạc đệm cho dàn nhạc giao hưởng, nơi mà giai điệu của Dvorak vang lên và người ta chỉ nghe thấy mỗi một từ “Initials B.B” (B.B là biệt danh của Brigitte Bardot).

Đó là tiếng gọi vang lên từ trái tim đang rạn vỡ về tình yêu đã mất. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Bardot tâm sự “Sau cuộc chia tay của chúng tôi, anh ấy đã viết trong tuyệt vọng những lời thật sự rung động: Initials B.B., là lời tỏ tình tuyệt vời nhất mà chưa có người đàn ông nào đã từng làm cho tôi “.

Ngoài ra, những tác phẩm của Luwig Van Beethoven là kho báu thứ hai (sau Chopin) mà “người đàn ông đầu hình bắp cải” này có nhiều hứng thú. Cụ thể là bản Sonate cho piano n°23 giọng fa thứ "Appassionata"- (1er mvt) trong bài hát mang tên Malou Marilou và Sonate cho piano nº1 giọng fa thứ “Prestissimo” trong ca khúc trứ danh Poupée de cire, Poupée de son.

Ông nói “Đối với cha tôi, không có lý do gì mà cho những đứa trẻ nghe các thể loại khác ngoài nhạc cổ điển”. Để đến khi trưởng thành, Serge Gainsbourg đã có chúng ở trong máu thịt. Vì vậy, nó nghiễm nhiên tạo nên một trong những phong cách âm nhạc nổi bật của Serg Gainsbourg. Đó là Baby Alone in Babylone với Symphonie n° 3 (Johannes Brahms), là Lost song ra đời từ Bài ca nàng Solveig (Grieg) hay My Lady heroine với Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketélbey).

Không phải vì thế mà Serge Gainsbourg trở thành kẻ đạo nhạc như nhiều người đã từng chỉ trích. Đơn giản ông chỉ là người nghệ sỹ, biết cách chọn ra một vài hợp âm, đường nét giai điệu trong quá khứ để đặt vào bản nhạc của thời đại mình. Bằng thẩm mỹ và cảm xúc cá nhân, Serge đã mua vui cho chính ông và cuộc đời qua những mảng ghép, hình khối âm thanh rất đa dạng, cũng gần giống như cách mà Picasso đã làm trong hội họa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.