Vào nội dung chính
PHÁP - KHỦNG BỐ

Quốc Hội Pháp biểu quyết luật chống khủng bố

Hai ngày sau vụ thảm sát tại nhà ga xe lửa Marseille, chiều 03/10/2017, các dân biểu Pháp biểu quyết dự luật chống khủng bố để « đáp ứng về lâu dài mối đe dọa » nhưng luật này bị phe tả công kích « vi phạm các quyền tự do ».

Lính Pháp tuần tra tại khu vực nhà ga Montparnasse-Paris. Ảnh ngày 02/10/2017.
Lính Pháp tuần tra tại khu vực nhà ga Montparnasse-Paris. Ảnh ngày 02/10/2017. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Theo chương trình, vào lúc 15 giờ 15, giờ Paris, văn bản dự luật chống khủng bố được biểu quyết với một nghi thức long trọng. Theo AFP, với đa số dân biểu cánh trung của tổng thống Emmanuel Macron cộng với một số dân biểu cánh hữu và cánh tả ôn hoà, dự luật chống khủng bố không gặp một cản trở nào.

Biểu quyết diễn ra sau một tuần lễ tranh luận sóng gió và hai ngày sau vụ một thanh niên người Tunisia vô gia cư cầm dao giết chết hai phụ nữ trước khi bị lính tuần tra bắn chết.

Tính từ năm 2015, tổng số nạn nhân bị khủng bố Hồi giáo sát hại tại Pháp lên đến 241 người.

Theo bộ trưởng Nội Vụ Gérard Collomb, nước Pháp cần một đạo luật « cực kỳ hữu ích » để đối phó với « mối đe dọa cực kỳ nghiêm trọng ».

Một trong những điều khoản bị chỉ trích là « phản tự do » trong dự luật chống khủng bố là cho phép « quản thúc tại gia một nghi can » mà không cần đèn xanh của thẩm phán.

Trước làn sóng phản đối của phe cực tả và báo chí, tổng thống Pháp cam kết sẽ « thẩm định lại » luật này vào năm 2020.

Phát hiện bom tự chế tại Paris, năm nghi can bị bắt

Toà án Paris mở cuộc điều tra chống khủng bố sau vụ cảnh sát tịch thu được bốn bình ga, một trong số đó đã có thuốc nổ để chế tạo thành bom, ở quận 16 hôm 30/09/2017. Sáng nay 03/10/2017, bộ trưởng Nội Vụ Pháp cho biết trong số năm nghi can bị bắt, một người có tên trong sổ đen « đề phòng đối tượng có xu hướng cực đoan hóa và khủng bố ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.