Vào nội dung chính
PHÁP - THỂ THAO

JO-2024 Paris : Từ niềm vui chiến thắng đến nỗi lo chi tiêu

Ngày 13/09/2017, tại Lima-Peru, Paris sẽ chính thức được Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) chỉ định là thành phố chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 2024. Không có hồi hộp chờ đón chiến thắng, Paris giờ chỉ còn lo duy nhất một chuyện là làm sao quản lý được ngân sách dự trù tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất thế giới.

Sân vận động Stade de France, tại Saint Denis ngoại ô Paris, công trình sẵn có phục vụ cho Olympic 2024.
Sân vận động Stade de France, tại Saint Denis ngoại ô Paris, công trình sẵn có phục vụ cho Olympic 2024. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Sau 3 thất bại trong chạy đua đăng cai các kỳ Thế vận hội 1992, 2008 và 2012, cuối cùng thì giấc mơ Olympic đã trở thành hiện thực đối với thành phố, nơi khai sinh ra phong trào Olympic hiện đại. Lần ra ứng cử đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024 của Paris từ đầu đã thuận buồm xuôi gió.

Sau khi các thành phố cạnh tranh như Hambour, Budapest, Roma hay Boston lần lượt bỏ cuộc, Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO) đã dàn xếp và quyết định trao cho Los Angeles quyền tổ chức Thế vận hội 2028 để Paris rộng đường về đích.

Chiến thắng dễ dàng, nhưng trước mặt Paris lúc này có không ít thách thức. Một trong những thách thức chủ yếu 7 năm tới là duy trì ngân sách, rất khiêm tốn, 6,6 tỷ euro không để bị đội lên, chi tiêu lãng phí mà hầu như tất cả các thành phố tổ chức sự kiện thể thao thế giới này đều đã vấp phải.

Nhìn lại những kỳ Thế vận hội gần đây, từ Luân Đôn 2012, Bắc Kinh 2008, Athens năm 2004 rồi đến Sydney 2000, ngân sách dự trù của tất cả các thành phố trên đều đã tăng vọt, thường là gấp đôi.

Về hiện tượng trượt ngân sách gần như phổ biến này, ông Vladimir Andreff, nhà kinh tế học thể thao thuộc Đại học Sorbonne Pháp được AFP trích dẫn, nhận định đó là hệ quả tất yếu của cách bình chọn thành phố chủ nhà Thế vận hội của CIO làm theo kiểu đấu giá.

Để thuyết phục CIO, các ứng viên vẫn có xu hướng hạ thấp giá thành tổ chức và tăng mức đánh giá về hiệu quả kinh tế. Đến khi bắt tay vào thực hiện thì họ mới bắt đầu điều chỉnh. Đó là trường hợp của Luân Đôn 2012, ngân sách của kỳ Thế vận hội này đã bị đội lên nhiều do hạ thấp ước tính ngân sách cho an ninh.

Với thành phố Paris lần này, hoàn cảnh có khác một chút. Thủ đô Pháp, đến chặng cuối cuộc đua không còn đối thủ nên hầu như không phải đấu giá với ai. Tuy nhiên trong lần thị sát thực địa hồ sơ dự tuyển của Paris hồi tháng 7 vừa qua, Ủy ban thẩm định của CIO vẫn cảnh báo « chi phí liên quan đến an ninh, quy hoạch (các địa điểm Olympic) và hạ tầng cơ sở phục vụ cho sự kiện có thể vẫn bị đánh giá thấp ».

Paris 2024 : Nguy cơ đội ngân sách

Các chuyên gia kinh tế Pháp vẫn tỏ hoài nghi việc Paris có thể giữ được ngân sách không bị đội lên. Jean Pascal Gayant, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Le Mans nhận thấy, « rất khó để Paris 2024 giữ được ngân sách dưới mức của Athenss 2004 hay Luân Đôn 2012 », tức là ở vào khoảng 11 tỷ euro.

Về phía các quan chức phụ trách hồ sơ dự tuyển Paris - 2024, họ vẫn lạc quan ngân sách dự chi hoàn toàn có thể kiểm soát được. Ông Bernard Lapasset, đồng chủ tịch Ủy ban dự tuyển cho rằng hồ sơ Paris có thể tránh được tình trạng trượt kinh phí, bởi vì 95% các cơ sở phục vụ sự kiện đã có sẵn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi giữa tháng 7 vừa qua trước Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã khẳng định dự chi ngân sách của Paris đã được tính toán kỹ và được giới hạn khắt khe.

Cụ thể phân bổ chi tiêu của hồ sơ Paris gồm : Chi phí riêng cho các hoạt động tổ chức vận hành Thế vận hội khoảng 3,3 tỷ euro. Trong đó CIO hỗ trợ 1,41 tỷ. Phần còn lại được bù đắp bằng các nguồn thu từ các nhà tài trợ và bán vé. Ủy ban thẩm định, mục tiêu giữ được ngân sách có thể đạt được ở hạng mục này.

Khi đi vào chi tiết có nhiều hạng mục sẽ không thể tính trước được chi phí, chẳng hạn như về vấn đề an ninh. Trước mối đe dọa khủng bố, Luân Đôn 2012 đã phải chi gấp 4 lần ngân sách dự trù. Tokyo mới đây cũng phải rà soát lại ngân sách chi cho an ninh được dự trù năm 2013 là 405 triệu euro, nay có thể lên tới 3 tỷ euro.

Đối với Paris, ngân sách dành cho bảo đảm an ninh các địa điểm Thế vận hội đã được ấn định là 186 triệu euros, chắc chắn sẽ còn phải đội lên nhiều, theo các chuyên gia.

Ưu thế đầu tư ít

Phần các hạng mục đầu tư, hồ sơ của Paris 2024 có lợi thế là chỉ còn phải xây mới 3 địa điểm : Làng Thế vận hội, đây có thể sẽ là khoản chi phí lớn nhất, ước tính 1,3 tỷ euro, một khu trung tâm truyền thông và một khu thể thao dưới nước.

Tổng số, chi phí cho nâng cấp, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng thể thao đã có ước tính khoảng trên 3 tỷ. Trong ngân sách này, Nhà nước sẽ thanh toán 1 tỷ, số vốn còn lại sẽ được huy động từ nguồn ngân sách địa phương, tư nhân, các đối tác ….

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thể thao thì nguy cơ đội giá lại nằm ở các công trình không dính gì tới thi đấu thể thao. Đó là trường hợp đã thấy rõ ở Olympic Athens hay Barcelona trước đây.

Theo chuyên gia Jean-Loup Chappelet, giám đốc Viện Nghiên cứu quản trị công thuộc Đại học Lausanne, thì chi phí cho hạ tầng cơ sở và giao thông không bao giờ nên đưa vào trong ngân sách chung cho Thế vận hội, ngay cả làng Olympic cũng vậy .

Đối với trường hợp Paris, kế hoạch mở rộng mạng lưới giao thông trong quy hoạch phát triển dự án Grand Paris đã được thông qua ngân sách trước khi được trao quyền tổ chức Thế vận hội.

Đối với tất cả các thành phố khác từng tổ chức Thế vận hội gần đây, giao thông vẫn là hạng mục làm tăng giá thành cuối cùng lớn nhất, kể cả trường hợp của Luân Đôn, thành phố đã có hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông được cho là hiện đại.

Hệ quả kinh tế ?

Chi phí tốn kém để có tiếng thơm được đón ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh, vậy tổ chức Thế vận hội có mang lại lợi ích kinh tế gì cho thủ đô Paris ?

Trung tâm luật và kinh tế thể thao Limoges (CDES) đã đánh giá được một số tác động kinh tế, theo đó, cứ 1 euro được đầu tư, thì có thể tạo ra được từ 1,10 đến 1,80 euro doanh thu cho nền kinh tế.

Cái lợi đầu tiên có thể thấy ngay là công ăn việc làm, việc tổ chức Thế vận hội có thể là cái đà để mỗi năm tạo thêm được từ 6500 đến 13500 việc làm mới, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, du lịch hay cung cấp dịch vụ.

Các chuyên gia cho rằng tổ chức thành công một sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội còn mang lại được những giá trị phi vật chất rất to lớn, đó là tinh thần, là niềm tự hào, lạc quan của người dân.

Nếu cứ tính theo bài toán kinh tế thu và chi thì từ vài chục năm nay, ngoại trừ Los Angeles 1984, không có một thành phố nào tổ chức Thế vận hội có lời ngay. Vì thế mà ngày càng có nhiều thành phố không muốn tham gia chạy đua tổ chức Olympic. Tiết kiệm ngân sách đang trở thành một trong những tiêu chí ưu tiên của CIO khi lựa chọn chủ nhà Thế vận hội.

(Theo AFP)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.