Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bảo tàng Orsay : từ nhà ga xe lửa tới « kho báu » nghệ thuật

Đăng ngày:

Paris nổi tiếng là xứ sở nghệ thuật, thiên đường của các bảo tàng, trong đó không thể không nhắc tới bảo tàng Orsay. Musée d’Orsay sở hữu “kho báu” các tác phẩm nghệ thuật nối tiếng của phương Tây giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biệt bảo tàng Orsay sở hữu bộ sưu tập danh tiếng nhất của các nghệ sĩ ấn tượng và hậu ấn tượng như Claude Monet, Van Gogh, Edouard Manet, Paul Cézanne, Pierre-Auguste Renoir, Gauguin … Kho báu nghệ thuật đó đã giúp musée d’Orsay trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất kinh đô Ánh Sáng. Nhưng bảo tàng không chỉ nổi tiếng về bộ sưu tập mà lịch sử hình thành, phát triển cũng như phong cách kiến trúc của Orsay cũng có nhiều điều đáng nói.

Bảo tàng Orsay, Paris.
Bảo tàng Orsay, Paris. Flickr/ Creative Commons
Quảng cáo

Lâu đài Orsay

Bảo tàng Orsay nằm ở một khu phố sang trọng quận 7, trung tâm Paris, bên bờ sông Seine, đối diện vườn hoa Tuileries. Ngược dòng lịch sử, ở vị trí của bảo tàng Orsay hiện nay, vào năm 1810, chính quyền bắt đầu cho xây dựng một tòa nhà gọi là Palais d’Orsay (điện Orsay) cho bộ Ngoại Giao Pháp, nhưng đến khi khánh thành vào năm 1838 thì điện Orsay lại thành trụ sở bộ Thương Mại. Vài năm sau, Palais d’Orsay lại thành trụ sở của Thẩm Kế Viện và Tham Chính Viện.

Tới thời Công Xã Paris, điện Palais bị thiêu rụi vào ngày 24/05/1871. Suốt nhiều năm sau đó, chính quyền đã tính tới chuyện xây lại Palais d’Orsay hoặc phá hẳn đống đổ nát đi để xây một trường học hay một bảo tàng nghệ thuật trang trí, nhưng tất cả các dự án đều thất bại. Đống đổ nát hoang tàn trên nền điện Orsay trở thành nơi là nơi sinh sôi phát triển của nhiều loại thực vật mới được các nhà sinh học rất quan tâm, các nhà thơ cũng thường lui tới tìm cảm hứng sáng tác.

27 năm trôi qua, vào năm 1897, khi chỉ còn 3 năm nữa là tới ngày Paris tổ chức Triển Lãm Hoàn cầu 1900, Công ty đường sắt Orléan được chính phủ cho phép xây một nhà ga và một khách sạn tại vị trí của Palais d’Orsay để các khách ngoại tỉnh được đi tàu vào đến tận trung tâm Paris thay vì chỉ dừng ở ga Austerlitz xa trung tâm như vào thời đó, đồng thời cũng để đón du khách và các phái đoàn quốc tế tới dự Triển Lãm Hoàn Cầu 1900. Nhiều người tỏ ra lo ngại nhà ga sẽ phá vỡ cảnh quan, làm hỏng diện mạo của khu phố sang trọng bên bờ sông Seine. Nhưng đa phần công chúng vẫn ủng hộ dự án.

Ga xe lửa Orsay

Ga Orsay được khởi công xây dựng vào năm 1898 theo bản thiết kế của kiến trúc sư danh tiếng Victor Laloux và được khánh thành đúng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/1900. Đội ngũ kỹ sư, công nhân xây dựng tự hào là trong thời gian kỷ lục hai năm đã hoàn thành nhà ga Orsay. Mang phong cách kiến trúc công nghiệp táo bạo với vật liệu xây dựng chính là sắt, với cấu trúc khổng lồ nặng gấp rưỡi tháp Eiffel, nhưng lại có vô vàn họa tiết trang trí trên mặt đá, ga Orsay là một ví dụ điển hình cho sự đối lập trong kiến trúc hồi đầu thế kỷ XX.

Mặt ngoài nhà ga được xây dựng bằng đá với nhiều họa tiết trang trí theo phong cách chiết trung. Còn nội thất nhà ga được thiết kế theo trường phái hiện đại, với mái vòm bằng kính khung sắt. Nhà ga có 16 đường tàu ở tầng hầm, nhiều dây chuyền vận chuyển, nâng hành lý, cầu thang máy cho hành khách … Sảnh chính ở tầng trệt cao 32m, rộng 40m và dài 138m. Ngoài ra, phải kể tới một khách sạn hiện đại hạng sang nằm ở cuối nhà ga, về phía tây, với 370 phòng, một nhà hàng hạng sang và một phòng đại tiệc vô cùng sang trọng.

Một điểm khác biệt là nhà ga Orsay đón cả các con tàu hiện đại chạy bằng điện chứ không chỉ tàu hơi nước như ở ga Austerlitz. Nhà ga tấp nập trong suốt 30 năm. Các chuyến tàu chở lãnh đạo nước ngoài đến thăm Paris đều dừng tại ga Orsay. Rồi kỹ thuật ngày càng tân tiến, đầu máy xe lửa ngày càng có tốc lực cao nên các đoàn tàu được kéo dài hơn, nhiều kè tàu ngày càng trở nên quá ngắn so với đoàn tàu, việc kéo dài kè tàu lại không đơn giản. Thêm vào đó, thói quen đi lại của người dân dần thay đổi, xe hơi phát triển, dân cư tập trung ngày càng đông ở khu phố có nhà ga Austerlitz. Chính vì thế, hoạt động của ga Orsay giảm dần.

Từ năm 1939, tại nhà ga Orsay, chỉ có các tuyến tàu nối Paris với vùng phụ cận, còn các tàu liên tỉnh thì chuyển về ga Austerlitz. Năm 1945, vào cuối Thế Chiến Đệ Nhị, nhà ga trở thành trung tâm chuyển phát bưu phẩm cho tù nhân chiến tranh, rồi thành trung tâm đón tiếp tù nhân chiến tranh và những người còn sống sót và trở về từ các trại tập trung ở Đức. Từ năm 1950, chỉ còn một vài đường tàu hoạt động. Và hoạt động đường sắt của nhà ga chính thức chấm dứt vào năm 1958.

Trong những năm 1960, nhà ga thành phim trường của nhiều bộ phim, một nhà hát cũng được đưa vào hoạt động … Khách sạn trong nhà ga cũng dừng hoạt động. Lãnh đạo ngành du lịch Paris muốn xin phép chính phủ phá dỡ nhà ga để xây một khách sạn quốc tế sang trọng, quy mô lớn. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng thời đó đã gửi bản thiết kế dự thi. Cuối cùng, thiết kế của hai kiến trúc sư René Coulon và Gillet được lựa chọn. Theo thiết kế đó, khách sạn gồm 800 phòng, cao 8 tầng, với các phòng hội nghị chứa được 1.250 người, hai nhà hàng, nhiều cửa hiệu và một bãi đậu xe 700 chỗ.

Năm 1970, giấy phép phá dỡ nhà ga Orsay đã được cấp nhưng ông Jacques Duhamel, bộ trưởng Văn Hóa dưới thời tổng thống Georges Pompidou, có ý kiến phản đối dự án xây dựng khách sạn của hai kiến trúc sư Coulon và Gillet. Năm 1973, nhà ga Orsay được ghi vào danh sách bổ sung các công trình lịch sử, và chính thức được xếp hạng công trình lịch sử của Pháp vào năm 1978.

Bảo tàng Orsay

Ban giám đốc cơ quan phụ trách bảo tàng của Pháp đề xuất cải tạo nhà ga thành một bảo tàng nhằm giới thiệu toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, với mong muốn bảo tàng mới sẽ làm « cầu nối » cho bộ sưu tập của bảo tàng Louvre với các tác phẩm trưng bày trong bảo tàng quốc gia về nghệ thuật hiện đại (Centre Georges Pompidou). Dự án trên đã được tổng thống đương nhiệm Georges Pompidou chấp thuận. Sau này, các tổng thống kế tiếp là Valéry Giscard d’Estaing và François Mitterand cũng ủng hộ dự án cải tạo nhà ga Orsay thành bảo tàng nghệ thuật.

Năm 1978, Nhà nước Pháp tổ chức một cuộc thi thiết kế và nhóm Kiến Trúc ACT gồm 3 kiến trúc sư trẻ đã thắng cuộc. Theo ý tưởng của ba kiến trúc sư Pierre Colboc, Renaud Bardon và Jean-Paul Philippon, cửa vào ở phố Bellchasse được giữ nguyên, các phòng mái vòm của nhà ga Orsay cũ được cải tạo thành lối đi chính còn sảnh chính dài, rộng và thông thoáng của nhà ga trở thành phòng trưng bày chính. Sườn mái trên nóc cao của nhà ga cũng được cải tạo thành phòng trưng bày trải dài. Còn các cột trụ, thanh xà bằng kim loại (tổng trọng lượng 12.000 tấn) và kiểu trang trí bằng đá giả hoa vẫn được giữ nguyên. Nhìn một cách tổng thể, cấu trúc của công trình cũ vẫn được bảo toàn với mái vòm kính, khung sắt, cao, dài, rộng.

Nghe thì đơn giản vậy nhưng cải tạo một nhà ga, một công trình chuyên phục vụ việc đi lại với nhiều tiếng ồn ào, chuyển động thành một bảo tàng, một nơi cần sự yên tĩnh, kín đáo để các du khách thả hồn chiêm ngưỡng nghệ thuật lại không hề đơn giản chút nào. Nếu chỉ cần có hai năm để xây dựng nhà ga thì các kỹ sư phải mất tới gần 10 năm mới hoàn thành công tác cải tạo nhà ga thành bảo tàng.

« Điện Panthéon » của ngành nghệ thuật

Tháng 06/1986, khi nhà ga Orsay đã được cải tạo xong, các tác phẩm nghệ thuật bắt đầu được vận chuyển đến. Phải cần 6 tháng mới có thể xắp xếp, treo 2.000 bức tranh, trưng bày 600 tác phẩm điêu khắc, các maquette kiến trúc, tranh vẽ chì, ảnh …

Ngày 01/12/1986, tổng thống François Mitterand khai trương bảo tàng Orsay. Cũng giống như nhiều công trình khác như tháp Eiffel, bảo tàng Pompidou …, khi mới đi vào hoạt động, musée d’Orsay đã chịu nhiều chỉ trích dữ dội từ giới chuyên môn và công chúng, không chỉ về kiến trúc mà còn về việc lựa chọn các tác phẩm nghệ thuật để trưng bày. Nhưng bảo tàng Orsay đã nhanh chóng vươn lên thành « điện Panthéon của nghệ thuật » giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sau 30 năm hoạt động, với hơn 6.000 tác phẩm nghệ thuật, Orsay hiện là một trong những bảo tàng có giá trị nhất, nổi tiếng nhất Paris và là một trong những bảo tàng thu hút đông khách tham quan nhất thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.