Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Luật lao động : Pháp vẫn chờ đợi một cuộc « cách mạng »

Đăng ngày:

Nếu không gặp trở ngại, đến cuối tháng 9 này Pháp sẽ có một "bộ luật lao động mới" sau khi chính phủ trình làng 5 sắc lệnh của tổng thống Macron, gồm 36 biện pháp cải tổ. Các chuyên gia thất vọng vì luật mới không đem lại một bước đột phá để cởi trói thị trường, giải quyết thất nghiệp.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (trái) và bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud một ngày trước khi trình làng dự luật cải tổ.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (trái) và bộ trưởng Lao Động Muriel Pénicaud một ngày trước khi trình làng dự luật cải tổ. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Luật lao động mới gồm những gì ? Ảnh hưởng ra sao đến người làm công ăn lương và chính sách tuyển dụng nhân viên của các doanh nghiệp ? Câu hỏi quan trọng nhất : Với bộ luật mới, liệu chính phủ của tổng thống Macron và thủ tướng Philippe có phép lại tạo công việc làm cho hơn 3,5 triệu người đang bị gạt ra ngoài thị trường lao động hay không ?

Muriel Pénicaud :"Điều quan trọng ở đây là phải thay đổi tinh thần của bộ luật lao động đang hiện hành. Thành công hay không của công cuộc cải tổ này là vừa bảo vệ được quyền lợi cho những người làm công ăn lương vừa thích nghi được với môi trường lao động đang không ngừng thay đổi".

Bộ trưởng Lao Động pháp, Muriel Pénicaud tuyên bố như trên trong buổi họp báo hôm 31/08/2017 khi cùng với thủ tướng Edouard Philippe công bố các hướng chính trong công cuộc cải tổ.

Ưu tiên cho đối thoại giữa "chủ" và "thợ"

Ba tháng chạy đua việt dã để thương lượng với các tổ chức công đoàn và đại diện của giới chủ đã khép lại. Thủ tướng Pháp nói tới một công trình "cải tổ đầy tham vọng, cân đối và công bằng".  

Vậy những biện pháp chính được thông báo là gì ? Vì thời gian có hạn, xin miễn nêu toàn bộ 36 điều khoản đã được nêu lên trong 5 sắc lệnh còn phải đợi tổng thống Macron ban hành, để chỉ tập trung vào một số biện pháp được xem là quan trọng nhất.

Trước hết, dự luật cải tổ dựa trên một logic cơ bản : thất nghiệp cao ở Pháp do thị trường lao động quá sơ cứng, không thích nghi với những thực tế và môi trường chung quanh. Từ đó mọi nỗi lực của chính phủ cần tạo thuận lợi để phía "chủ" không ngần ngại khi cần tuyển dụng nhân sự.

Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Eduard Philippe đưa ra một số các biện pháp "sửa đổi" theo ba hướng chính :  một là mở rộng quyền hạn rộng của giới chủ khi cần thương lượng với nhân viên về các điều kiện lao động, về khối lượng giờ làm việc hay mức lương. Tuy nhiên, Pháp vẫn duy trì mức lương tối thiểu, hay số giờ làm việc 35 giờ một tuần.

Hướng thứ hai là ấn định một mức bồi thường tối đa trong trường hợp chủ và nhân viên kiện nhau trước tòa Prud'hommes khi một người lao động bị sa thải mà không có lý do chính đáng. Cùng lúc thủ tục sa thải nhân viên được "đơn giản hóa" hơn so với luật đang có.

Điểm thứ ba trong dự luật cải tổ được chú ý là trong doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ ít nhân viên, đối thoại giữa "chủ" và "thợ" không bắt buộc phải đi qua bộ phận đại diện của công đoàn bảo về quyền lợi cho người lao động như hiện tại.

Về đối thoại trực tiếp "chủ-thợ", trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đây của ban Việt ngữ RFI chuyên gia kinh tế Eric Heyer, giám đốc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp OFCE từng giải thích :

Hiện tại, Pháp có luật lao động chung, cho tất cả mọi ngành nghề, cho tất cả mọi người. Luật lao động chung này được xem là mức tối thiểu mà người chủ nào cũng phải tuân theo, và người lao động nào thì cũng được hưởng bấy nhiêu quyền lợi. Tuy vậy, mỗi ngành nghề, chẳng hạn như công nghiệp luyện kim, hay giáo dục lại có những đòi hỏi khác nhau. Do vậy bên cạnh luật lao động chung, còn có những thỏa thuận riêng cho từng ngành. Kế tới mới là thỏa thuận của từng công ty giữa chủ và nhân viên.

Trong thứ tự vốn có từ trước tới nay, thỏa thuận nội bộ của một doanh nghiệp phải có lợi cho nhân viên hơn là những quy định cơ bản của luật lao động được áp dụng trên toàn quốc.

Bước đột phá của dự luật cải tổ là dành ưu tiên hàng đầu cho thỏa thuận nội bộ mà mỗi ông chủ đạt được với nhân viên, sao cho phù hợp với nhu cầu hoạt động của hãng.

Mở rộng quyền hạn cho giới chủ

Trên nguyên tắc điều khoản này trao cho phía "chủ" quyền hạn lớn hơn khi cần thương thuyết với "thợ". Giới làm công ăn lương thì sợ là với luật mới họ dễ bị chủ cho nghỉ việc hơn hay đòi hỏi phải làm việc nhiều hơn. Còn phía chủ nghĩ gì ? Liệu rằng đây có phải là một biện pháp kích thích các chủ doanh nghiệp tuyển dụng thêm nhân viên hay không ? Với Francis Dubrac, lãnh đạo một công ty xây dựng cầu đường với chưa đầy 300 nhân viên trong vùng Seine Saint Denis, ngoại ô phía Bắc Paris, câu trả lời là không :

"Đầu voi, đuôi chuột. Mọi người đã nói rất nhiều đến luật cải tổ lao động, thậm chí xem đây như một cuộc cách mạng trong lĩnh vực này, để rồi, luật mới của chính phủ chỉ đem lại một vài sửa đổi cho một số các điều khoản của bộ luật lao động Pháp. Trong trường hợp công ty của tôi, chúng tôi không thấy có lý do nào để tuyển dụng thêm. Luật mới không khuyến khích tôi mượn thêm nhân viên. Tôi chỉ cần thêm người làm việc nếu ký được thêm những hợp đồng mới. Trong hoàn cảnh đó, tôi không nghĩ là biện pháp cải tổ cho phép giải quyết thất nghiệp".

Trấn an doanh nghiệp về rủi ro bị nhân viên kiện tụng

Vế thứ hai trong dự luật sửa đổi là nhằm trấn an các doanh nghiệp trước rủi ro bị nhân viên kiện ra tòa Prud'hommes xử các vụ tranh chấp khi chủ bị kiện sa thải nhân viên một cách không chính đáng. Bởi có nhiều công ty nhỏ đã phải đóng cửa vì thua kiện trước tòa Prud'hommes. Luật mới quy định mức bồi thường tối đa tương đương với 20 tháng lương, ngay cả trong trường hợp người bị sa thải đã làm việc cho hãng trong 30 năm.

Haddi, một ông thợ mộc vừa là chủ vừa là thợ của một hãng nhỏ có vỏn vẹn 6 nhân viên trong vùng Seine Saint Denis cho biết ý kiến. Hãng của ông suýt bị phá sản sau một vụ kiện về bất đồng chủ- thợ :

"Tôi nghĩ luật mới đem lại một chút tiến bộ. Các hãng nhỏ không có nhiều phương tiện tài chính. Chỉ cần bị một nhân viên kiện ra tòa vì sa thải trái phép và phải nộp phạt vài chục ngàn. Điều đó cũng đủ để công ty sạt nghiệp.

Qua kinh nghiệm bản thân, tôi luôn luôn nghĩ giữa chủ và thợ, chúng ta nên tìm ra đồng thuận trước mang nhau ra tòa là giải pháp tốt nhất và trong đối thoại đó, không nhất thiết cần phải có một trung gian là đại diện của công đoàn.

Hãng của tôi quá nhỏ, khi có vấn đề, tại sao tôi không thể trực tiếp nói chuyện với 1 hay 2 người thợ mà lại phải cần tới một người trung gian" ?

Từ khi lập xưởng mộc, cách nay 17 năm, Haddi luôn thương lượng với nhân viên mà không cần đến công đoàn và cho biết thêm hãng của ông còn "sống được tới giờ là nhờ tính thực tiễn đó của cả hai phía" .

Lo ngại giới làm công ăn lương bị thiệt thòi

Dưới lăng kính của luật gia Roger Vignaud, các biện pháp sửa đổi luật lao động vừa được thông báo không là một cuộc "cách mạng" như Emmanuel Macron từng tuyên bố trong thời gian vận động tranh cử tổng thống.

Chuyên gia về luật lao động này trên đài phát thanh RFI Pháp ngữ lo ngại, các tập tập đoàn đa quốc gia rồi đây sẽ tận dụng những kẽ hở của văn bản đó để làm giàu. Luật sư Roger Vignaud giải thích :

"Thật ra các biện pháp cải cách không làm thay đổi về mặt cơ bản luật lao động của Pháp. Về mặt cơ bản, tinh thần của bộ luật được soạn thảo từ năm 1910 và đã nhiều lần được sửa đổi, vẫn được tôn trọng. Có chăng, là một sự chuyển biến trong cách áp dụng luật. Xin đơn cử trường hợp cụ thể khi một nhân viên kiện chủ với lý do bị sa thải không chính đáng. Sắc lệnh mới vừa ban hành cho phép bên nguyên đơn, có thời hạn từ 15 đến 90 ngày để đâm đơn kiện. Văn bản này ngoài ra còn quy định về một mức phạt tối đa tùy theo thâm niên của người bị sa thải. Thí dụ như đã làm việc ở một hãng 30 năm, mức bồi thường thiệt hại cao nhất là tương đương với 20 tháng lương.

Điều khoản này cho phép phía chủ biết trước là trong trường hợp sa thải nhân viên mà không có lý do chính đáng, thì mức phạt tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo tôi, đối với người bị sa thải, mà đã liên tục làm việc cho một hãng trong vòng 30 năm, tức là đương sự đã cao tuổi và khả năng tìm được việc làm mới và thích nghi với một môi trường mới là khó - bồi thường tương đương với 20 tháng lương là khá thấp.

Một điểm thứ nhì trong luật mới cho phép chủ và nhân viên đàm phán mà không cần có sự can thiệp của công đoàn. Tôi nghĩ điều này có lợi cho giới chủ, và đôi khi nhân viên bị gò ép- chẳng hạn như khi cần đàm phán về số ngày nghỉ, về múc tiền thưởng cuối năm ... Tuy vậy, tất cả còn tùy thuộc vào thiện trí của mỗi bên. Nếu như một hãng rất nhỏ chỉ một chủ, một thợ, thì không có lý do gì để chủ "bắt nạt" ông thợ duy nhất của mình.

Nhưng đáng quan ngại hơn hết là điều khoản cho phép các công ty nước ngoài dễ dàng sa thải nhân viên nếu làm ăn thua lỗ trên đất Pháp. Trước đây, để sa thải phải chứng minh là công ty mẹ bị thua lỗ.

Với luật mới, có thể bị lỗ ở Pháp nhưng vẫn có lời trên các thị trường khác, một công ty ngoại quốc có thể cho nhân viên nghỉ việc. Thực chất thì điều này cũng hợp lý thôi, nhưng cần tránh để một số ông chủ bất lương lạm dụng điều khoản này. Đó là một rủi ro chúng ta cần quan tâm".

Tính hiệu quả so với mục đích giảm thất nghiệp ?

Hiện tại hai trong số ba công đoàn lớn nhất ở Pháp bảo vệ người lao động là CFDT và FO nhìn nhận tuy không hoàn hảo nhưng cũng có những điểm tích cực trong số các biện pháp sắp được ban hành. Do vậy hai tổ chức này không kêu gọi biểu tình chống cải tổ luật lao động. Trái lại công đoàn CGT có lập trường cứng rắn hơn kêu gọi biểu tình vào ngày 12/09/2017 chống lại một dự luật mà theo CGT sẽ cho phép giới chủ sa thải nhân viên như "sử dụng khăn tay giấy".

Kẻ bênh, người chống. Duy có một điều tất cả đều đồng ý đó là luật lao động một khi được cải tổ không giúp nước Pháp giải quyết thất nghiệp.

Giáo sư Pierre Cahuc, trường Bách Khoa Polytechnique của Pháp và cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về luật lao động quan niệm, luật lao động mới không "đem lại phép lạ" cho hàng triệu người thất nghiệp.

Theo ông cho dù chính phủ tạo điều kiện để chủ và thợ dễ dàng đối thoại với nhau, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn bị trói buộc vì rất nhiều các quy định tập thể- conventions collectives. Phạm trù để chủ và thợ có thể đàm phán với nhau khá hạn hẹp.

Còn trong nhãn quan của chuyên gia Eric Heyer thuộc Đài Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp, thất nghiệp cao trên 10 % ở Pháp không do thị trường lao động kém linh hoạt, hay do luật lao động của Pháp đặt quá nhiều điều kiện với phía chủ.

Chưa chắc là các biện pháp như giảm thuế doanh nghiệp hay cho phép giới chủ tự do hơn trong các quyết định điều chỉnh khối lượng nhân sự sẽ là những biện pháp hiệu quả.

Sau cùng với những người trong tuổi lao động, điều chắc chắn là những hợp đồng làm việc mang tính vô hạn định - Contrat à Durée Indéterminée- sẽ không còn tồn tại. 

Dù không là một "cuộc cách mạng" nhưng ít ra 5 sắc lệnh cải tổ luật lao động Pháp sắp có hiệu lực cũng đem lại một làn gió mới cho một bộ luật đã được ban hành từ hơn 100 năm qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.