Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Pháp : Gấu trúc sinh con, số độc đắc cho sở thú Beauval ?

Đăng ngày:

Gia đình Delors, quản lý sở thú Beauval, vùng Loir-et-Cher, miền Trung nước Pháp, vui mừng như « bắt được vàng ». Ngày 05/08/2017, vào lúc 23g30’, gấu trúc Hoan Hoan hạ sinh được hai tiểu gấu, nhưng một trong hai chú đã không trụ được. Đối với chủ doanh nghiệp gia đình Delors, việc có thêm một thành viên gấu trúc mới này, chẳng khác nào như lần thứ hai « trúng số độc đắc ».

Cặp gấu trúc bố mẹ Viên Tử (Yuan Zi) và Hoan Hoan (Huan Huan - Phải) tại sở thú Beauval, Saint-Aignan, miền trung nước Pháp, ngày 17/01/2012.
Cặp gấu trúc bố mẹ Viên Tử (Yuan Zi) và Hoan Hoan (Huan Huan - Phải) tại sở thú Beauval, Saint-Aignan, miền trung nước Pháp, ngày 17/01/2012. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

« Tiểu Viên Tử » (Mini Yuan Zi), tên của chú gấu con, nặng chỉ có 142,4 gram, đã được truyền thông Pháp hoan hỉ đưa thành tít lớn ngay ngày hôm sau. Sự kiện không chỉ dừng lại ở việc sau năm năm đón nhận gấu mẹ Huan Huan, mọi nỗ lực của cả ê-kip lãnh đạo và các chuyên gia thú y đã được đền đáp. Tiểu Viên Tử còn có vinh hạnh được phu nhân tổng thống Pháp, bà Brigitte Macron làm mẹ đỡ đầu.

« Tiểu Viên Tử » ra đời chẳng khác với việc Beauval lần thứ hai trúng số độc đắc. Bởi vì, chỉ riêng với việc cặp gấu trúc bố mẹ nhập gia « Beauval » vào tháng 2/2012, lượng du khách tham quan đã tăng gần gấp đôi trong vòng một năm từ 600 000 người (2011) lên hơn một triệu (2012).

Kết quả là doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng theo từ 22 triệu lên thành 31 triệu euro trong vòng một năm. Beauval, vốn được mệnh danh là sở thú đẹp nhất nước Pháp, đã trở thành địa điểm thu hút đông khách tham quan nhất, vượt qua cả lâu đài Chenonceau tráng lệ.

Tuy nhiên, « số độc đắc » này cũng có cái giá của nó. Để có thể rước được gấu trúc vào nhà mình trong vòng 10 năm, Beauval phải trả cho Trung Quốc mỗi năm một triệu đô la. Bởi vì, gấu trúc là tài sản quốc gia, nên không được « biếu » và cũng không được « bán ». Đó là chưa tính đến chi phí xây nơi ở cho gấu trúc, rộng 35 ha tốn đến 5 triệu euro. Và đương nhiên phải cộng thêm cả chi phí mua thức ăn khoảng 35 000 euro tiền mua trúc mỗi năm.

Không như với chúng ta, những ai sang Pháp để học hay làm việc, con cái sinh ra được quyền xin quốc tịch Pháp, nhưng với gấu trúc thì không. Dù được hạ sinh ở Pháp, « Tiểu Viên Tử » vẫn là của Trung Quốc. Sau ba năm, đến khi cai sữa mẹ, có thể tự lập tiểu gấu trúc sẽ được trả về Trung Quốc.

Nhưng có một điều chắc chắn là trong vòng ba năm đầu đời tại Pháp, Tiểu Viên Tử sẽ đem lại nguồn lợi không nhỏ cho Beauval. Dự kiến tiểu gấu trúc sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10 tới. Học sinh trên toàn nước Pháp vào mùa này được nghỉ hai tuần. Lãnh đạo khu giải trí dự trù sẽ có làn sóng người hâm mộ đổ về Beauval để xem gấu trúc.

Nếu quí vị muốn tìm việc làm tại nơi được cho là sở thú đẹp nhất nước Pháp, đây cũng là cơ hội cho các bạn. Các thông tin tuyển dụng nhân viên phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn tại khu giải trí Beauval đã bắt đầu xuất hiện !

Bắc Kinh : Rộng cửa với « Tiểu Viên Tử », cấm cửa « Winnie »

Nghe chuyện mới chợt nhớ chuyện xưa. Cách đây vài tháng báo chí Pháp bỗng xôn xao về một thông tin, chuyện thoảng nghe không khỏi nực cười. Số là hình ảnh của gấu Winnie, một nhân vật phim hoạt hình của Walt Disney, bỗng nhiên bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Nguyên nhân chỉ là vì chú gấu mũm mỉm này trong quá khứ đã bị so sánh là giống chủ tịch Tập Cận Bình.

Photo détournée de Xi Jinping et Barack Obama en Winnie et Tigrou.
Photo détournée de Xi Jinping et Barack Obama en Winnie et Tigrou. Weibo/Badtuzizi

Gấu Winnie giờ đây là nhân vật không được hoan nghênh tại Trung Quốc, nhất là vào thời điểm « dầu sôi lửa bỏng », Bắc Kinh đang chuẩn bị cho đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19. Từ ngày 15/07/2017, mọi so sánh, hàm ý, đối chiếu với chú gấu vàng đều bị kiểm duyệt trên mạng xã hội tại Trung Quốc.

Mọi bình luận bằng tiếng Hoa về chú gấu nhỏ bé Winnie bị ngăn chặn trên mạng Vi Bác (Weibo), một dạng Twitter Trung Quốc, với thông báo xuất hiện trên màn hình nhắc nhở cư dân mạng rằng « nội dung này là bất hợp pháp ». Trên WeChat, đối thủ cạnh tranh của WhatsApp, hiện có tới 938 triệu người sử dụng, hình Winnie bị xóa bỏ trong kho ảnh tự dính (sticker).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị so sánh với gấu Winnie.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị so sánh với gấu Winnie. Chụp từ màn hình Twitter

Những hình ảnh bị bóp méo đầu tiên xuất hiện từ năm 2013. Khi thì gấu Winnie-Tập Cận Bình với hổ Tigrou-Obama, lúc thì Winnie-Tập Cận Bình với lừa con Bourriquet-Shinzo Abe. Tuy nhiên, theo website phân tích chính trị Global Risk Insights, vào năm 2015, bức ảnh thứ ba bị bóp méo là « bức ảnh bị kiểm duyệt mạnh nhất trong năm tại Trung Quốc ». Đó là bức ảnh chủ tịch Trung Quốc trên xe hơi đi duyệt hàng quân được đăng cạnh bức ảnh chụp một đồ chơi của trẻ con : Gấu Winnie đứng trên chiếc xe hơi mui trần.

Trả lời báo Financial Times, ông Kiều Mộc (Qiao Mu), giáo sư phân tích truyền thông tại Đại học quan hệ quốc tế Bắc Kinh, giải thích như sau : « Về mặt lịch sử, có hai thứ đã bị cấm tại Trung Quốc : các tổ chức chính trị và hoạt động chính trị. Nhưng năm nay, một điều cấm thứ ba được thêm vào danh sách : đó là nói về chủ tịch. Tôi nghĩ là trường hợp Gấu Winnie nằm trong xu hướng mới này ».

Chủ quyền tin học, nạn nhân của Đại hội Đảng

« Chủ quyền tin học » là một khái niệm trung tâm trong lập luận của Tập Cận Bình từ 2014. Với sự hỗ trợ của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc, chính quyền Trung Quốc tiến hành kiểm soát chặt chẽ trên internet và nhất là các hệ thống mạng xã hội, mà đứng đầu là Vi Bác và WeChat.

Vạn lý trường thành trên mạng là một trong những hệ thống kiểm duyệt tân tiến nhất trên thế giới : từ tháng Giêng 2016, hệ thống kiểm duyệt này không chỉ phong tỏa các website khó chịu mà còn thực hiện các vụ tấn công tin học.

Không một sự nhạo báng nào có thể biện minh cho việc cấm Gấu Winnie. Nhưng tại Trung Quốc, càng gần đến mùa thu, thời điểm tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 19, hệ thống kiểm duyệt càng được tăng cường. Cứ năm năm một lần, Bộ Chính Trị và Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị được bầu lại và chủ tịch Tập Cận Bình chắc sẽ đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ mới lãnh đạo đất nước.

Điều này lý giải sự cảnh giác của các nhà kiểm duyệt đối với hình ảnh vị nguyên thủ quốc gia trong con mắt dân chúng. Trong kỳ đại hội trước, hồi tháng 11/2012, có một hình ảnh nhái khác đã bị kiểm duyệt : đó là bức ảnh ghép các lãnh đạo chủ chốt của đảng Cộng Sản Trung Quốc – Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình đang nhẩy theo phong cách Gangnam Hàn Quốc.

Hàn Quốc : Một chiếc hộp để bỏ rơi con

Bạn có bao giờ nghĩ đến hình ảnh đến bỏ con như đi bỏ thư hay không ? Tại Hàn Quốc, một chiếc hộp con được dựng lên cho phép các bà mẹ, đa số là đơn thân và nghèo khó đến bỏ con. Ý tưởng gây tranh cãi này do một nhà thờ ở Seoul thực hiện vào năm 2010, đã cứu sống được hơn một ngàn trẻ nhỏ.

Những hình ảnh camera giám sát cho thấy hình ảnh một người mẹ leo từng bậc thang bước chân do dự. Rồi người đó mở nắp một chiếc hộp trên tường, mầu sắc trang trí rực rỡ như là trong nhà trẻ. Cô ấy từ từ đặt đứa bé vào hộp rồi bỏ đi.

Cũng như người phụ nữ này, mỗi tháng có khoảng 20 bà mẹ đến bỏ con vào trong những chiếc hộp con này. Mục sư Lee Jong-rak, thuộc nhà thờ Jusarang, khu phố bình dân phía nam thủ đô, khi hay tin là có những đứa trẻ sơ sinh kết thúc cuộc đời bên hè phố đã nảy sinh ý tưởng mở những chiếc hộp con năm 2010.

Ông thổ lộ nỗi niềm cùng AFP : « Người ta bỏ rơi con trẻ trước thềm cửa hay bên vệ đường. Tôi tự nhủ nhỡ một ngày nào đó có chuyện tồi tệ xảy ra thì sao. Chính lúc ấy tôi chợt nghĩ ra chuyện tạo ra những hộp con cho họ để trẻ nhỏ vào đấy ».

Cũng theo vị mục sư này, các bà mẹ có thể điền vào mẫu giấy, ghi rõ tên và ngày sinh của trẻ. Những đứa bé này ngay sau đó được nhà thờ tiếp nhận, trông coi vài ngày, trước khi gởi đến các trại mồ côi.

Từ khi hình thành đến nay, chiếc hộp con này đã tiếp đón hơn 1. 000 trẻ sơ sinh. Những người bỏ rơi con phần đông là những bà mẹ đơn thân và nghèo khổ. Đương nhiên, chính quyền Hàn Quốc không mấy đồng tình với giải pháp này, nhưng nhìn nhận rằng chiếc hộp con đó đã cứu sống nhiều trẻ nhỏ.

Serbia: Cần nhân viên canh gác thùng rác

Tiền thuế bạn nộp cho nhà nước có được sử dụng đúng mục đích hay không ? Muốn biết thực hư, mời các bạn hãy đến Serbia. Tòa thị chính thành phố Novi Sad, Voivodine, đã chứng minh điều này qua việc tuyển dụng các nhân viên bảo vệ để ngăn chặn các hành động xé rách, bôi bẩn các tấm áp phích vận động tranh cử. Hợp đồng này còn được triển hạn, nhưng lần này, các nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ theo dõi giám sát các thùng rác.

Từ Belgrad, thông tín viên Simon Rico tường thuật :

« Từ vài tuần qua, các nhân viên bảo vệ kiểu mới đi tuần tra trên đường phố ở Novi Sad, thủ phủ của Voivodine, Serbia. Nhiệm vụ của họ là canh giữ 442 thùng rác của thành phố.

Giá trị hợp đồng được ký kết giữa bộ phận phụ trách vệ sinh thành phố và hai công ty bảo vệ lên tới 50 ngàn đô la. Thành phố Novi Sad giải thích sự tốn kém này là do nhân viên thu gom rác không đủ khả năng đảm trách toàn khu vực và các vụ đánh cắp thùng rác tăng nhanh.

Nếu các nhân viên bảo vệ này bắt được quả tang các vụ vi phạm, họ có thể giữ người vi phạm, kể cả dùng vũ lực nếu cần, trong khi chờ cảnh sát tới. Đã có nhiều tiếng nói phản đối, coi đó là biện pháp phân biệt đối xử nhắm vào người Rom, (cộng đồng người Tsigane)

Thực vậy, việc thu nhặt rác là một trong những hoạt động hiếm hoi của cộng đồng người Rom giúp họ sinh sống. Họ bán lại rác để tái chế. Hiện nay, người Rom gần như là cộng đồng duy nhất đi bới rác kiếm đồ, trong lúc Serbia rất thiếu lò đốt rác.

Bộ phận phụ trách vệ sinh thành phố Novi Sad bác bỏ những cáo buộc này và lập luận rằng họ phải chống lại những việc phá hoại, làm hư hỏng thùng rác bằng sắt và những hành động này làm cho thành phố tốn kém mỗi năm đến 10 ngàn euro.

Ngoài ra, thành phố giải thích là các nhân viên bảo vệ canh gác thùng rác còn có nhiệm vụ trấn an người dân khi họ đi tuần tra. Mùa xuân vừa qua, thành phố đã phải thuê cả nhân viên bảo vệ của các công ty tư nhân.

Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, các nhân viên này còn bảo vệ cả các tấm áp phích vận động tranh cử để không bị bôi nhọ, nhất là các áp phích của Aleksandar Vučić, người hùng của Serbia ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.