Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp : Điện Invalides, nơi yên nghỉ của hoàng đế Napoléon Đệ Nhất

Đăng ngày:

Hoàng đế Pháp Napoléon I trút hơi thở cuối cùng ngày 05/05/1821 ở Longwood House, trên đảo Sainte-Hélène (ngoài khơi Đại Tây Dương, châu Phi) nơi ông bị lưu đày từ năm 1815. Dưới sự giám sát của người Anh, ngay hôm sau, thi hài hoàng đế Pháp được khám nghiệm và an táng bên một dòng sông, dưới bóng dương liễu, trong Thung lũng Géranium.

Mộ của hoàng đế Pháp Napoléon Đệ Nhất, điện Invalides, Paris.
Mộ của hoàng đế Pháp Napoléon Đệ Nhất, điện Invalides, Paris. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Napoléon Bonaparte yên nghỉ tại đó cho đến năm 1840 khi vua Louis-Philippe, với sự chấp thuận của nữ hoàng Anh Victoria, quyết định đưa di hài ông về Pháp trên con tầu Belle Poule do hoàng tử Joinville chỉ huy. Sau lễ an táng theo nghi thức quốc gia, di hài của hoàng đế Napoléon I được đặt tạm trong nhà nguyện Saint-Jérôme của điện Invalides ngày 15/12/1840 trong khi chờ xây xong mộ.

Cho đến nay, hoàng đế Napoléon I vẫn được nhiều người quan tâm, như cảm nhận của một du khách Bỉ khi trả lời RFI tiếng Việt :

“Trước hết đó là một nhà tổ chức tuyệt vời, một lãnh đạo quân sự lớn nhưng lại không đoán được thực tế về mùa đông nghiệt ngã tại Nga. Dân Pháp yêu quý ông. Thế nhưng, tôi nghĩ là nhiều dân tộc châu Âu khác vào thời kỳ đó không thích việc tất cả mọi người bị đăng lính để rồi bị đưa ra chiến trường dưới quân lệnh của Napoléon. Vào cuối đời ở Sainte-Hélène, tôi nghĩ là chính quyền Anh Quốc không “nâng niu” Napoléon cho lắm”.

Nhà Vòm điện Invalides, Paris.
Nhà Vòm điện Invalides, Paris. RFI / Tiếng Việt

Nhà Vòm Invalides : Từ lăng danh nhân đến nơi an nghỉ của Napoléon I

Được xây từ năm 1677 đến 1706 do Jules Hardouin Mansart chỉ đạo, Nhà Vòm Điện Quốc Gia Phế Binh (Le Dôme des Invalides), còn gọi là Nhà thờ Nhà Vòm (Eglise du Dôme), vẫn giữ những họa tiết nội thất được thực hiện vào thời kỳ đó để ca ngợi vinh quang của vua Louis XIV, nền quân chủ và quân đội.

Dưới thời Napoléon I, Nhà Vòm trở thành lăng danh nhân quân sự, trong đó có di hài của Turenne (được đưa vào năm 1800) và mộ chứa trái tim của Vauban (26/05/1808). Ngoài ra còn có mộ phần của Aiglon, con trai của hoàng đế Pháp, hai người anh em Joseph và Jérôme Bonaparte, các tướng Bertrand và Duroc, sau này có thêm mộ của các thống chế lừng danh nửa đầu thế kỷ XX Foch và Lyautey.

Theo yêu cầu của vua Louis-Philippe, kiến trúc sư Louis Visconti (1791-1853) bắt đầu công trình trùng tu Nhà Vòm Điện Quốc Gia Phế Binh từ năm 1842 với nhiều thay đổi quan trọng như xây một hố lớn ở giữa vào năm 1847, ngay dưới mái vòm, để đặt quan tài hoàng đế Napoléon I. Đến ngày 02/04/1861, di hài của hoàng đế Pháp được an nghỉ vĩnh hằng tại đây, dưới sự chứng kiến của Napoléon III, cháu của Napoléon I.

Lối xuống hầm mộ Napoléon được đặt gần dưới chân điện thờ cao trên có cây thánh giá lớn ở phía cuối Nhà Vòm. Phía trên hai cánh cửa bằng đồng sừng sững và oai nghiêm là những lời trăn trối bất hủ của Napoléon, được khắc trên đá cẩm thạch đen : “Tôi muốn tro của mình được đặt bên bờ sông Seine, giữa lòng dân tộc Pháp mà tôi vô cùng yêu mến”. Mỗi bên cửa là một bức tượng kiểu Ba Tư bằng đồng do Francisque Duret chạm khắc, một bên cầm quả địa cầu đại diện cho “Sức mạnh quân sự” (la Force militaire), bên kia cầm cây vương trượng đại diện cho “Sức mạnh dân sự” (la Force civile).

Quan tài của hoàng đế Pháp được đặt chính giữa hầm mộ hình tròn, thẳng đứng với mái vòm. Trên tường của hành lanh chạy xung quanh quan tài là mười bức tranh khắc nổi được thực hiện dưới bàn tay tài hoa và sự chỉ đạo của Pierre-Charles Simart, thuật lại những chiến tích của hoàng đế Pháp, người luôn đứng ở vị trí trung tâm : Bình định các cuộc bạo loạn, Thỏa ước, Hành chính, Tham chính viện, Luật lệ, Đại học, Thẩm kế viện, Thương mại và công nghiệp, Công chính và Bắc đẩu bội tinh.

Dài 4 mét, rộng 2 mét và cao 4,50 mét, quan tài của hoàng đế được làm từ bốn khối đá sa thạch đỏ (quaczit), đặt trên bệ làm từ đá granit xanh ngọc vùng Vosges. Trên nền đá cẩm thạch nhiều mầu là hình vòng nguyệt quế bao quanh quan tài với những hàng chữ ghi lại tám chiến thắng vẻ vang nhất gắn liền với tên tuổi của Napoléon I : Rivoli, Pyramides, Marengo, Austerlitz, Iéna, Friedland, Wagram, Moskova. Xung quanh mộ là tượng 12 nữ thần “Chiến Thắng”, biểu tượng cho những trận chiến của Napoléon, do Pradier tạc trên cột trụ của hành lang.

Ở cuối hầm mộ, là bức tượng hoàng đế Napoléon II, trong trang phục hoàng gia. Bức tượng là một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời của Simart, được làm từ đá cẩm thạch trắng và cao 2,66 mét. Bên tay phải, hoàng đế Pháp cầm vương trượng với một con đại bàng đậu ở phía trên và bên tay trái là quả địa cầu với vương miện được đặt ở trên, như muốn thâu tóm thế giới bằng sức mạnh và quyền lực.

Bên trong Nhà Vòm điện Invalides, Paris.
Bên trong Nhà Vòm điện Invalides, Paris. RFI / Tiếng Việt

Đúng di hài hoàng đế Napoléon I nằm trong quan tài ?

Trong mộ của hoàng đế Napoléon I có gì không? Và nếu có, liệu có phải là di hài thật của hoàng đế Pháp? Những thắc mắc này được đưa ra từ lâu, thậm chí có ý kiến đòi khai quật mộ của hoàng đế Napoléon để kiểm chứng.

Thức vậy, khi đón phái đoàn Pháp đến đảo Sainte-Hélène vào năm 1840 để đưa di hài hoàng đế Napoléon I về nước, chính quyền Anh đã đưa ra những quân lệnh kỳ lạ : Tự tay người Anh khai quật mộ, trong đêm tối, dưới những ngọn đuốc le lói ; Số người tham dự bị hạn chế, phải đứng cách quan tài 6 bước và chỉ có hai phút để quan sát thi thể. Ngay năm 1840, nhiều người có mặt trong buổi khai quật mộ hoàng đế Napoléon I đã thấy một số khác biệt với những gì họ đã chứng kiến trong lễ an táng năm 1821.

Tham gia thảo luận quanh câu hỏi : Phải chăng mộ của Napoléon trống rỗng? trong chương trình “Au coeur de l’histoire” (tạm dịch : Giữa dòng lịch sử, ngày 17/01/2012), nhà sử học Bruno Roy-Henry, tác giả cuốn Napoléon, l’énigme de l’exhumé de 1840 (tạm dịch : Napoléon, bí ẩn của người bị khai quật năm 1840, NXB L’Archipel), nhận xét :

“Đúng vậy, người ta đã nhận ra khoảng 30 điểm bất thường, chủ yếu là vẻ bề ngoài của di cốt và trang phục vì có một vài chi tiết khác nhau về số lượng huân huy chương, vào năm 1840, họ thấy thiếu một chiếc. Hay bình đựng nội tạng của hoàng đế Napoléon không nằm cùng vị trí trong quan tài.

Ngoài ra, còn có điều gì đó bí hiểm với bình đựng trái tim của hoàng đế mà phái đoàn Pháp có mặt lúc đó phải mang về. Đúng ra phải kiểm tra trái tim nằm trong một trong những chiếc bình để trong quan tài nhưng họ lại không động đến và để nguyên. Về những chi tiết khác, phải kể đến đôi hài bị há mõm với những ngón chân lòi ra ngoài, chứ không phải nằm trong đôi tất bằng lụa lúc hoàng đế được khâm liệm…

Tóm lại, một số nhân chứng khác cũng có cùng nhận định, gần như đa số những người có mặt đều nhận thấy có nhiều điểm khác biệt lớn so với năm 1821. Chính vì thế mà nảy sinh hàng loạt thắc mắc”.

Georges Rétif de la Bretonne là người đầu tiên nêu lên những điểm khác biệt lớn này nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của hoàng đế Napoléon vào năm 1969 trong cuốn sách rất nổi tiếng Anglais rendez-nous Napoléon… Napoléon n’est pas aux Invalides (tạm dịch : Người Anh, trả lại Napoléon cho chúng tôi… Napoléon không nằm trong điện Invalides).

Trong cuốn sách, nhà văn, nhà báo kiêm nhà sử học giải thích những điểm khác biệt đó dựa trên những yếu tố có thật và rõ ràng. Ông còn đi xa hơn khi đưa ra giả thuyết xác của hoàng đế Napoléon đã bị đánh tráo và thay vào đó là thi thể của Cipriani, chủ nhà nơi Napoléon sống trên đảo Sainte-Hélène, vì mộ của Cipriani, chết tại Sainte-Hélène vào tháng 02/1818, đã biến mất và vẫn chưa được tìm thấy.

Những bí mật, những khúc mắc sẽ còn ngủ yên trong lớp quan tài vững chắc dưới lớp bụi trắng mà du khách người Bỉ cho là sẽ tác động đến hình ảnh của điện Invalides và ngành du lịch Pháp.

Bên trong Nhà Vòm điện Invalides, Paris.
Bên trong Nhà Vòm điện Invalides, Paris. RFI / Tiếng Việt

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.