Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

"Chợ trời", nét truyền thống trong xã hội hiện đại Pháp

Đăng ngày:

Từ năm giờ sáng, những chiếc xe tải nhỏ đầu tiên lần lượt đỗ trên khu vực Place du Marché (Quảng trường Chợ) ở Versailles. Các tiểu thương kinh doanh rau củ quả bắt đầu dựng kệ và giá đỡ dưới những khung bạt đã được nhân viên của thành phố dựng từ chiều tối hôm trước.

Một góc chợ trời ở Aix-en-Provence, miền nam Pháp.
Một góc chợ trời ở Aix-en-Provence, miền nam Pháp. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Sau khi dỡ những thùng gỗ chất đầy những cam và táo hay những loại rau xanh mướt mắt, theo bàn tay thoăn thoắt của họ, từng ngọn tháp cam, rồi táo, rồi lê… nhanh chóng thành hình. Tiểu thương hay chủ vườn luôn đến sớm hơn những người khác vì sản phẩm của họ cần được trưng bầy bắt mắt, với khối lượng lớn nên mất nhiều thời gian hơn.

Dù bị « lép vế » trước các tập đoàn phân phối lớn và hệ thống siêu thị tiện ích, chợ dân sinh (hay gọi nôm na là « chợ cóc ») vẫn thu hút được một bộ phận người dân. Có lẽ vì thế, khoảng 4.520 chợ vẫn hoạt động thường xuyên tại Pháp, theo thống kê của Liên đoàn Quốc gia Chợ Pháp (Fédération nationale des Marchés de France). Chợ dân sinh, từ rau củ quả đến quần áo hay tạp hóa, đã trở thành một truyền thống được chia sẻ tại Pháp.

Đi chợ trời để sống lại không khí chợ cóc quê nhà là khám phá thú vị của Thái Mai Anh và Lại Ngọc Bích, hai bà mẹ trẻ sống ở ngoại ô phía nam Paris.

« Cách đây mấy năm, lúc đầu biết, em cũng thấy giống như chợ ở Việt Nam, tự nhiên thấy thân quen, rồi tự nhủ ở Pháp cũng có những chợ cóc, chợ ngoài trời như này, thì thấy cũng hay. Chắc vì thế nên em thích đi mấy chợ ngoài trời hơn », Mai Anh giải thích với RFI tiếng Việt.

Chị Ngọc Bích cũng có cùng suy nghĩ : « Theo mình, không gian ở chợ trời luôn làm mình có liên tưởng đến một góc chợ quê ở Việt Nam. Mặc dù có nhiều khác biệt, nhưng mà sự gần gũi, sự giao lưu giữa người bán và người mua có nét thân thiện.

Đặc biệt đối với mình, ấn tượng ở chợ trời là rất nhiều cụ già cao tuổi hay nắm tay nhau, xách làn, xách giỏ hoặc kéo caddie (xe kéo) đi chợ, tạo nên một không gian rất ấm cúng, thân thiện, gần gũi ».

Ngoài kỉ niệm về chợ ở quê hương, chợ làm cầu nối giúp gắn kết sự tiếp xúc giữa người với người, ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội hiện đại, cũng là yếu tố thuyết phục các bà mẹ trẻ Việt. Ở chợ, họ được hỏi giá, thêm vài câu bông đùa giữa người bán và người mua, trái với bầu không khí khá lạnh lẽo giữa những gian hàng dài trong siêu thị, như giải thích của Ngọc Bích :

« Ở chợ trời có sự giao lưu trực tiếp giữa người bán và người mua. Những trường hợp mà mình mua nhiều đến khi quen mặt, trở thành người quen, người thân, thành ra nhiều khi không mua gì nhưng đi qua vẫn chào hỏi nhau giống như những người bạn. Mình thấy đó là cách thể hiện thân mật và giao lưu khi đi chợ trời, khác với trong siêu thị ».

« Đi chợ tiện hơn đi vào siêu thị, Mai Anh nhận xét. Phải đi vào sâu, mất thời gian hơn. Còn chợ thì ở ngoài trời, tiện và đông vui hơn. Những người đi mua bán cũng vui vẻ, chào mời hơn, rồi người ta cũng giới thiệu sản phẩm đến từ đâu, tươi ngon như thế nào. Người ta còn bầy cách cho mình lựa chọn các loại sản phẩm, hoa quả ».

Một lý do khác khiến chợ trời thu hút được nhiều khách hàng là chất lượng sản phẩm, dù đôi khi đắt hơn so với các siêu thị, như giải thích của chị Ngọc Bích :

« Mình thích đi chợ trời vì đồ ăn bao giờ cũng tươi ngon, nhất là đồ rau củ quả do những người nông dân ở những trang trại quanh Ile-de-France (vùng bao gồm cả thủ đô Paris) mang vào bán. Giá cả ở chợ trời còn tùy theo mùa. Có những lúc cảm giác cao hơn trong siêu thị, nhưng về chất lượng hàng hóa, mình nghĩ là tươi ngon hơn ».

Riêng với Phương Thanh Mai, một bà mẹ trẻ Việt khác sống ở quận 17 Paris, đi chợ trời để còn được thoải mái lựa chọn sản phẩm tươi sống :

« Cảm giác được nhặt từng quả cũng thích hơn là nhặt đồ trong siêu thị. Nhiều lúc đi siêu thị, mình nhặt quả táo, quả chuối mà họ để cả tuần rồi, mà giá vẫn để như lúc đầu khi còn tươi, nên mình vẫn thích đi chợ trời, chợ cóc hơn.

Còn về hải sản, trong siêu thị nhiều khi là đồ đóng hộp, cảm giác vẫn không được tươi bằng chợ cóc, mà nhà mình có trẻ con nên nhiều khi mình muốn mua đồ tươi về nấu, nên mua ở chợ trời vẫn hơn, mà nhiều sự lựa chọn hơn và tươi lắm. Cảm giác mua đồ tươi vẫn sướng hơn ! »

Giới thiệu với RFI tiếng Việt về khu chợ trời ở thành phố du lịch Deauville, một khách hàng người Pháp cho rằng ở chợ trời, người ta còn có thể tìm thấy đặc sản địa phương, thậm chí là « ngon nhất » :

« Đó là sản phẩm tốt nhất, đúng loại kem tươi (để nấu ăn) của trang trại. Chúng tôi biết chắc sản phẩm không có phụ gia hay hóa chất, mà hoàn toàn tự nhiên.

Giá rẻ hơn siêu thị thì không chắc, nhưng hợp lý ngay cả với thịt gia cầm, như thịt vịt và gà, hay thịt thỏ, khoai tây. Vào dịp Noel, họ có cả gà tây hoặc ngỗng nữa. Có thể giá đắt hơn so với siêu thị nhưng không thể nào so sánh được về chất lượng.

Đối với chủ trang trại, tôi nghĩ là họ có lợi hơn khi bán trực tiếp ở chợ, vì các siêu thị lớn thường lấy thêm hoa hồng. Trong khi ở chợ, chúng tôi chỉ phải trả trực tiếp giá trị sản phẩm của trang trại. Thường nhà nông kiếm lời nhờ bán hàng với số lượng lớn, như vậy, họ chắc chắn bán được hết số gia cầm của mình.

Họ cũng phải tôn trọng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ cũng bị kiểm tra, chứ người nông dân không được làm sai quy định ».

Một góc chợ trời Aix-en-Provence, miền nam nước Pháp.
Một góc chợ trời Aix-en-Provence, miền nam nước Pháp. RFI / Tiếng Việt

Chợ trời, điểm gặp gỡ giữa trung tâm thành phố

Theo Hội Thị trưởng Pháp (Association des Maires de France, AMF), quy định phân bổ chỗ ngoài chợ do thị chính quyết định. Địa điểm họp chợ thường là một quảng trường hay không gian lớn chung của địa phương.

Chị Trần Hồng Điệp, chủ quầy « Nem Điệp » ở chợ Versailles, cho biết thành phố lựa chọn mặt hàng tùy theo nhu cầu của thị trường và chọn người bán tùy theo sự « chăm chỉ » của người bán hàng hoặc theo thứ tự danh sách đăng ký, được thay đổi vào đầu năm.

« Không giống như ở Việt Nam, ở Pháp, nếu muốn làm bất kỳ một hình thức kinh doanh nào, đầu tiên bạn phải thành lập công ty. Còn muốn xin một chỗ ở chợ trời, bạn cũng phải có công ty và phải làm hồ sơ gửi lên tòa thị chính để họ xét hồ sơ, tùy thuộc vào từng đợt xét tuyển, 3 tháng một lần chẳng hạn.

Và họ còn xét thêm liệu công ty đó có phù hợp để bán ở chợ trong khu vực thành phố của họ hay không. Ở đây họ tính đến mức độ cạnh tranh. Ví dụ, tại khu vực chợ của họ đã có một đến hai cửa hàng bán đồ ăn châu Á rồi, nếu bạn nộp hồ sơ để mở đồ ăn châu Á nữa thì họ sẽ không cho nữa, bởi họ muốn giảm thiểu cạnh tranh cho các cửa hàng đồ ăn châu Á khác.

Khi đã được bên tòa thị chính chấp nhận rồi, bạn phải tổ chức công việc, cửa hàng phù hợp với yêu cầu của họ. Ví dụ có những nơi, họ chấp nhận bạn bán trên xe ô tô, nhưng có những nơi, họ cấm. Bạn phải dỡ đồ xuống và lắp đặt gian hàng tại điểm ngoài trời mà thị chính đã lắp trước. Thực ra, đó chỉ đơn giản là những tấm bạt chống nắng, chống mưa.

Khi đến, bạn sẽ được người quản lý chợ chỉ cho biết chỗ ở đâu. Bạn cũng có thể đề nghị thay đổi vị trí nếu như công việc kinh doanh không phát đạt ở vị trí đấy. Trong trường hợp này, bạn có thể lại nộp hồ sơ lên tòa thị chính để yêu cầu đổi chỗ vì lý do kinh doanh không tốt ».

Tiểu thương sẽ trả cho thành phố một khoản phí theo ngày hoặc thuê bao theo tháng hoặc theo quý. Người thuê chỗ không được nhượng lại hay cho thuê lại một phần chỗ ở chợ.

« Mỗi thành phố quy định một mức giá riêng, có nơi đắt, có nơi rẻ, chị Trần Hồng Điệp giải thích tiếp. Ví dụ thành phố Versailles đưa mức quy định chung là một tháng phải nộp bao nhiêu tiền cho ba buổi chợ. Đi hay không đi, cũng phải nộp chừng đấy tiền.

Những thành phố khác mà mình đi thì lại có cách khác. Khi nào đi mới phải nộp tiền cho ngày đi chợ. Số tiền này được tính theo mét vuông. Nếu đến chợ đó thường xuyên thì họ tính rẻ hơn, nếu đi chợ ít thì bị tính nhiều hơn, bình thường giao động từ 3 đến 5 euro/mét vuông ».

Theo chị Trần Hồng Điệp, để thu hút và có được khách hàng thân quen, chất lượng và sự niềm nở tận tình của người bán hàng là những yếu tố hàng đầu :

« Việc đầu tiên, đó là chất lượng sản phẩm. Họ phải nhìn thấy là sản phẩm tươi ngon. Về cảm quan, họ phải thấy đó là đồ bạn làm, bởi vì bây giờ đồ công nghiệp quá nhiều và có quá nhiều tạp chất nên họ thích tìm về những đồ ăn được chế biến như ở trong gia đình.

Cái thứ hai, quan trọng không kém, chính là thái độ, chính là con người của người bán hàng. Họ phải cảm thấy được bạn là người thân thiện, thật thà. Bạn là người chu đáo và có thể hiểu được họ.

Người Pháp đi chợ, không chỉ đơn giản là họ đi mua mớ rau con cá đâu, mà họ đi chợ là để tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần. Và họ thích đi chợ để được nói chuyện, chia sẻ, kiểu như họ đi dạo ý. Nên khi tiếp họ, thường mình có nên có những câu chuyện tạo sự thân thiện.

Và nếu như bạn nắm được sở thích của họ, nhớ được họ, thì điều đó như sự quyết định để họ quay trở lại. Ví dụ, khi họ quay trở lại, bạn biết ngay họ muốn lấy cái gì. Điều đấy khiến họ thấy hạnh phúc vì họ cảm thấy « Trời ơi ! Giữa bao nhiêu người mà tự nhiên người bán hàng vẫn có thể nhớ đến mình ! » Và người ta cảm thấy trở nên quan trọng ».

Chợ hoa, chợ rau củ quả hay chợ tạp hóa thường được họp ở trung tâm thành phố, thậm chí trước tòa thị chính, lần lượt hai phiên mỗi tuần. Cũng không ngẫu nhiên mà tên gọi Quảng trường Chợ (Place du Marché) được nhiều thành phố của Pháp đặt cho điểm hẹn cộng đồng quan trọng này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.