Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Khải Hoàn Môn Paris và ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt

Đăng ngày:

L’Arc de Triomphe de Paris - Khải Hoàn Môn Paris là một trong những công trình nổi tiếng nhất của nước Pháp, không chỉ bởi Khải Hoàn Môn là công trình có kiến trúc vòng cung lớn nhất thế giới, vô cùng tráng lệ, mà còn vì đó là một biểu tượng lịch sử danh tiếng bậc nhất của Pháp, nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử đất nước.

Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs Eslysées, ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2017.
Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs Eslysées, ngày Quốc Khánh Pháp 14/07/2017. Reuters
Quảng cáo

Khải Hoàn Môn nằm ở quận 8 của Paris, chính giữa quảng trường Charles de Gaulle (trước đây là quảng trường Ngôi Sao), điểm giao nhau của 12 đại lộ, trong đó có Champs - Elysées - vốn được vinh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới. Cao 50m, rộng 45m và có bề dày 22m, tính cả phần móng sâu gần 9m dưới lòng đất, Khải Hoàn Môn Paris có trọng lượng 100.000 tấn. Muốn tới chân Khải Hoàn Môn, từ đại lộ Champs-Elysées và đại lộ Grande Armée, du khách phải đi theo một đường ngầm dưới lòng đất có tên Passage du Souvenir (Lối Đi Kỷ Niệm).

Công trình vinh danh đạo quân Napoléon

Ý tưởng xây Khải Hoàn Môn Paris là của Hoàng đế Napoléon Đệ Nhất. Phóng viên Stéphane Bern, chuyên gia về các công trình lịch sử cho biết : « Ngày nay, Khải Hoàn Môn là một biểu tượng quốc gia. Mỗi ngày, hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới tới chiêm ngưỡng Khải Hoàn Môn. Tuy nhiên, dự tính ban đầu của Napoléon là dựng một công trình có hình con voi khổng lồ để tôn vinh chiến thắng của đạo quân Napoléon.

Ngày 02/12/1805 là ngày kỷ niệm một năm Napoléon làm Hoàng Đế và cũng là ngày Napoléon thắng trận Austerlitz - trận đánh có thể coi là chiến thắng vang dội của triều đại Napoléon. Sau thắng lợi lẫy lừng Austerlitz, Hoàng đế Napoléon yêu cầu cho xây một khải hoàn môn để vinh danh chiến thắng của các đạo quân Pháp. Napoléon hứa với các binh lính là họ sẽ trở về dưới một cánh cổng khải hoàn.

Khi tham khảo các công trình của một kiến trúc sư Pháp ở thế kỷ 18, Napoléon đã tự đặt câu hỏi tại sao không cho dựng một khải hoàn môn hình con voi. Ở bên trong con voi sẽ đặt một viện bảo tàng - bảo tàng về lịch sử đế chế, lịch sử các đạo quân. Vòi voi sẽ là đài phun nước để lấy nước tưới cho khu vườn của điện Elysée.

Nhưng tất nhiên, điều khiến Napoléon quan tâm là tính biểu tượng của con voi. Nó khiến người ta liên tưởng tới các cuộc chinh phục ở thời cổ đại. Nhưng nhờ lời khuyên của các cố vấn, Napoléon đã quyết cho xây một khải hoàn môn theo kiểu truyền thống và rất hoành tráng theo phong cách La Mã cổ đại.

Viên đá đầu tiên được đặt vào đúng ngày sinh nhật của Napoléon, ngày 15/08/1806. Nhưng Hoàng Đế không có cơ hội nhìn thấy công trình hoàn tất. Việc thi công chậm trễ đã khiến phải đến 30 năm sau, Khải Hoàn Môn mới được khánh thành, dưới thời trị vì của vua Louis-Philippe. »

Truyền thống đoàn quân đi dưới Khải Hoàn Môn có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, theo đó các đạo quân La Mã trở về từ các cuộc chinh chiến sẽ phải đi qua một « cánh cổng thần kỳ » cho phép binh lính gột rửa hết những năng lượng hủy diệt bên trong mỗi người trước khi họ tiến vào bên trong thành phố yên bình.

Tại Pháp, trước Hoàng đế Napoléon, các vị vua Louis XIV, Louis XV cũng đã cho dựng Khải Hoàn Môn ở nhiều thành phố như Lille, Montpelier, Nancy … Và Hoàng Đế Napoléon đã tiếp nối truyền thống La Mã cổ đại và theo bước chân của vua Louis XIV, Louis XV trong việc dựng Khải Hoàn Môn Paris.

Ban đầu, Napoléon muốn đặt Khải Hoàn Môn tại một nơi mang tính biểu tượng cao là quảng trường Bastille - nơi từng diễn ra sự kiện chiếm ngục Bastille vào ngày 14/07/1789 trong Cách Mạng Tư Sản Pháp. Tuy nhiên, bộ trưởng Nội Vụ Champagny đã thuyết phục được Hoàng đế xây Khải Hoàn Môn ở quảng trường Ngôi Sao - nơi có tầm nhìn rất đẹp.

Còn lý do phải mất 30 năm mới hoàn thành Khải Hoàn Môn không chỉ là vì tiến độ thi công chậm chạp vì còn vì sự kiện Napoléon bại trận tại Nga năm 1812 và Hoàng Đế phải thoái vị năm 1814.

Tới triều đại của vua Louis XVIII và vua Charles X, hai người anh em của vua Louis XVI, việc thi công Khải Hoàn Môn mới được tiếp tục. Nhưng vua Louis XVIII và Charles X không muốn vinh danh đạo quân của Napoélon, người họ coi là kẻ thù nên muốn Khải Hoàn Môn trở thành công trình vinh danh dòng họ vua Louis XVI. Nhưng đến đời vua Louis-Philippe, đã từng chiến đấu trong đạo quân của Napoléon và thời Cách Mạng nên đã quyết giữ nguyên mục đích ban đầu của công trình là nhằm vinh danh Đại Quân Napoléon. Vậy là sau 30 năm, trải qua triều đại của Hoàng đế Napoléon, 3 đời vua và 5 đời kiến trúc sư, cuối cùng thì Khải Hoàn Môn cũng được khánh thành vào ngày 29/07/1836.

Theo truyền thống La Mã cổ đại, các khải hoàn môn được trang trí bằng các công trình chạm khắc, phù điêu miêu tả các trận đánh nổi tiếng, mặt ngoài 4 trụ Khải Hoàn Môn Paris được trang trí bằng 4 công trình điêu khắc lớn với chủ đề Xuất Quân, Khải Hoàn, Kháng Chiến và Hòa Bình. Các tác phẩm chạm khắc ở mặt trong các trụ miêu tả các trận đánh nổi tiếng thời Cách Mạng Tư Sản Pháp và Đế chế Napoléon. Phía dưới có khắc tên các nhân vật quan trọng trong giai đoạn lịch sử đó. Ngoài ra, còn có nhiều tác phẩm mô tả các sự kiện lớn của Cách Mạng Tư Sản Pháp và Đế chế.

Một du khách đang chụp ảnh Khải Hoàn Môn Paris.
Một du khách đang chụp ảnh Khải Hoàn Môn Paris. Betsie Van Der Meer/Getty Images

Nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước Pháp

Từ một công trình mà khởi đầu là biểu tượng cho Đại Quân Napoléon, Khải Hoàn Môn Paris đã trở thành nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của nước Pháp. Năm 1840, 19 năm sau khi Napoléon từ trần trên đảo Saint-Hélène, nơi ông sống lưu đày suốt 6 năm cuối đời, vua Louis-Philippe đã cử hoàng tử Joinville tới đảo Saint-Hélène đưa linh cữu Napoléon về Pháp. Và linh cữu Napoléon đã được rước đi qua dưới mái vòm Khải Hoàn Môn để tới nhà thờ Saint-Jérôme. Sau này, lăng mộ Napoléon được đặt chính thức tại điện Invalides, nơi có bảo tàng Quân Sự Pháp.

Ngày 01/06/1845, nhà nước Pháp tổ chức lễ quốc tang cho đại thi hào Victor Hugo với 2 triệu người tham dự. Đêm trước đó, quan tài của Victor Hugo đã được đặt cả đêm dưới mái vòm Khải Hoàn Môn để dân chúng tới tỏ lòng tôn kính. Thi hài của ông hiện để tại điện Panthéon - đền thờ các vĩ nhân Pháp.

Mộ Chiến Sĩ Vô Danh và « ngọn lửa thiêng »

Sau hai cuộc Thế Chiến, quân đội Đồng Minh đều diễu hành qua Khải Hoàn Môn để ăn mừng chiến thắng.

Trong Thế Chiến Thứ Nhất, 1.400.000 lính Pháp đã ngã xuống, 3.6 triệu người bị thương và 500.000 bị cầm tù. Chính quyền dựng đài tưởng niệm liệt sĩ ở khắp các thành phố. Ngày 23/01/1921, mộ Chiến Sĩ Vô Danh được đặt dưới vòm Khải Hoàn Môn để tôn vinh tất cả những người lính đã hy sinh để bảo vệ nước Pháp trong Thế Chiến Thứ Nhất.

Năm 1923, vào lễ kỷ niệm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, ngày 11/11, để tôn vinh những người đã hy sinh để bảo vệ tự do cho nước Pháp, bộ trưởng Chiến Tranh André Maginot thắp « ngọn lửa thiêng » trên tượng đài Chiến Sĩ Vô Danh. Đó là lần đầu tiên ngọn lửa thiêng được thắp trên mộ Chiến Sĩ Vô Danh.

Kể từ đó cho tới nay, ngọn lửa thiêng dưới Khải Hoàn Môn chưa bao giờ tắt, kể cả trong giai đoạn 1940-1944, Paris bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Hàng ngày, nghi lễ tiếp lửa trên mộ Chiến Sĩ Vô Danh được tiến hành vào 18h30 với sự tham gia của đại diện các hiệp hội Cựu Chiến Binh Pháp, hội Chữ Thập Đỏ …

Ngày 14/05/2017, sau lễ nhậm chức ở điện Elysée, tân tổng thống Macron tới Khải Hoàn Môn đặt vòng hoa tưởng niệm trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh và thực hiện nghi lễ tiếp lửa thiêng liêng.
Ngày 14/05/2017, sau lễ nhậm chức ở điện Elysée, tân tổng thống Macron tới Khải Hoàn Môn đặt vòng hoa tưởng niệm trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh và thực hiện nghi lễ tiếp lửa thiêng liêng. REUTERS/Alain Jocard/Pool

Ngày 14/05/2017, sau lễ nhậm chức ở điện Elysée, cũng như theo truyền thống ngày Quốc khánh Pháp 14/07, tân tổng thống Emmanuel Macron đã tới Khải Hoàn Môn đặt vòng hoa tưởng niệm trước mộ Chiến Sĩ Vô Danh và thực hiện nghi lễ tiếp lửa thiêng liêng. Ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt đó tượng trưng cho niềm hy vọng vào tương lai và niềm tin vào vận mệnh của nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.