Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH - KIẾN TRÚC

Eden, rạp xinê xưa nhất thế giới

Theo thông lệ, Ngày hội Điện ảnh tại Pháp diễn ra trong vòng 4 ngày liên tục. Năm nay, ‘‘La Fête du Cinéma’’ diễn ra từ ngày 25/06 cho tới tối 28/06/2017. Nhân Ngày hội Điện ảnh lần thứ 33, RFI nói về Eden, rạp xinê xưa nhất thế giới. Rạp hát này nằm gần thành phố Marseille, sau hàng chục năm bị bỏ hoang, gần như chìm vào quên lãng nay hoạt động trở lại nhờ một hiệp hội của những người yêu nghệ thuật thứ bảy và đam mê bảo tồn di sản kiến trúc.

Nhà hát Eden chiếu lại bộ phim đầu tiên của lịch sử "La sortie des usines Lumière"
Nhà hát Eden chiếu lại bộ phim đầu tiên của lịch sử "La sortie des usines Lumière" Jean Paul Pelissier / Reuters
Quảng cáo

Trong lịch sử điện ảnh, hai anh em kỹ sư Auguste và Louis Lumière nổi tiếng là những nhà làm phim đầu tiên. Bộ phim ngắn của họ mang tựa đề ‘‘La sortie des usines Lumière’’ được xem như là bộ phim đầu tiên của nền điện ảnh. Hầu hết các nguồn đều ghi chép là bộ phim này được công chiếu lần đầu tiên vào ngày 28/12/1895 tại Paris, tức cách đây hơn một thế kỷ.

Buổi công chiếu đã diễn ra tại quán ‘‘Salon Indien du Grand Café’’ ở số 14 đại lộ Capucines, Paris quận 9 và đã có 33 khán giả mua vé vào xem. Quán này giờ đây mang tên quán Café Lumière, trực thuộc khách sạn Scribe. Thế nhưng, theo lời ông Gilles Trarieux-Lumière, thuộc thế hệ thứ năm nhà họ Lumière, thật ra buổi chiếu phim ‘‘ra mắt’’ đầu tiên đã diễn ra ở nhà riêng của ông Antoine Lumière (thân phụ của Auguste và Louis Lumière) vào ngày 21/09/1895 tức là ba tháng trước buổi công chiếu ở Paris. Buổi chiếu hôm đó đã quy tụ hơn 150 khán giả, đa số là khách mời.

Cho tới hôm 14/10/1895, để ra mắt các bộ phim ngắn mà họ đã thục hiện, gia đình Lumière mướn nguyên nhà hát Eden ở số 25 đại lộ Clémenceau, phố Ciotat cách thành phố Marseille khoảng 30 cây số về phía đông. Nhà hát Eden bỗng nhiên trở thành ‘‘rạp xinê đầu tiên’’ trên thế giới.

Theo lời kể của Michel Cornille chủ tịch hiệp hội bảo tồn di sản Eden, gia đình nhà Lumière đã tổ chức nhiều buổi chiếu phim như vậy và mỗi lần họ phải dựng màn ảnh bằng vải trắng khoảng 4 thước vuông (2m x 2m). Kỹ thuật thô sơ thời bấy giờ bắt buộc máy ‘‘chiếu bóng’’ phải được đặt cách màn ảnh trắng có vài thước mà thôi.

Nhà hát Eden là một nhà hát xây theo kiểu Ý vào năm 1889 là nơi ban đầu dành cho các vở nhạc kịch opera, các tuồng opérette, các buổi hoà tấu, trình diễn các tiết mục ảo thuật và ca nhạc. Với sự phát triển của nghệ thuật thứ 7, nhà hát Eden cũng từng được khai thác như một rạp xinê hẳn hoi. Tuy nhiên thời đại công nghệ số cũng như các kỹ thuật chiếu phim tân kỳ khiến cho nhà hát này trở nên lỗi thời. Théâtre Eden xuống cấp, buộc phải đóng cửa trong vòng 20 năm.

Mãi tới những năm gần đây, nhà hát Eden mới được trùng tu và khánh thành trở lại vào năm 2013 nhờ vào sự quyên góp của hiệp hội bảo vệ di sản do ông Gilles Trarieux-Lumière sáng lập. Hiệo hội này nhận được sự hỗ trợ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng điện ảnh, trong đó có đạo diễn Olivier Dahan (nguyên quán ở Marseille), tác giả của bộ phim kể lại cuộc đời của Édith Piaf.

Hiện giờ, nhà hát Eden đã thật sự khởi sắc trở lại : một bức màn nhung lộng lẫy cũng như hàng ghế màu đỏ san hô, y hệt như bản gốc của nhà hát xây vào cuối thế kỷ XIX. Nhà hát này hoạt động như một rạp xinê nhưng không phải là để chiếu phim đơn thuần với mục đích kinh doanh thương mại, mà chủ yếu chiếu mỗi ngày xen kẻ các suất phim ăn khách với những tác phẩm điện ảnh có giá trị, tổ chức các liên hoan hầy quảng bá những thước phim xưa, nay đã được ‘‘làm mới’’ : hình ảnh được định sáng trở lại nhờ vào công nghệ tin học. Đâu đó, nhà hát Eden hồi sinh từ đống tro tàn, nhờ nỗ lực bảo tồn mà duy trì được danh hiệu ‘‘rạp xinê xưa nhất thế giới’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.