Vào nội dung chính
PHÁP - BẦU CỬ

Chính trị Pháp: Tổng thống Macron củng cố thế thượng phong

Với hai chiến thắng liên tục trong vòng một tháng, bầu tổng thống và lập pháp, chủ nhân điện Elysée củng cố được uy tín và từ nay có thể nhanh chóng tiến hành các biện pháp cải cách được mô tả là để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng trì trệ. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo : đối thủ nguy hiểm nhất của vị tổng thống trẻ tuổi nhất nước Pháp không phải là đối lập hay công đoàn mà là chính bản thân ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một điểm bỏ phiếu bầu Quốc Hội vòng hai ở Le Touquet, miền bắc Pháp, ngày 18/06/2017.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một điểm bỏ phiếu bầu Quốc Hội vòng hai ở Le Touquet, miền bắc Pháp, ngày 18/06/2017. REUTERS/Christophe Archambault
Quảng cáo

Trong vòng không đầy một năm, ông Emmanuel Macron, một trong số các cố vấn của tổng thống François Hollande cho đến năm 2014, đã vươn lên tột đỉnh quyền lực nhà nước ở tuổi 39. Chiến lược « không tả không hữu » tức là sử dụng cả « hai chân » đã giúp phong trào « Tiến Bước » đánh bại hai đảng tả hữu thay nhau cầm quyền suốt từ năm 1958.

Trên lý thuyết, tân tổng thống Pháp đang ở thế mạnh để thúc đẩy hoài bão cải cách sâu rộng đất nước với ba dự án từ luật lao động, luật chống khủng bố cho đến đạo đức hóa đời sống chính trị, cho dù gặp chỉ trích từ giới chính trị đối lập hay lo ngại từ một bộ phận công luận.

Đâu là thế mạnh của tổng thống Macron, Reuters đặt câu hỏi ? Theo nhà chính trị học Jérôme Sainte-Marie, sáng lập viên hiệp hội nghiên cứu xã hội Pollingvox, cho rằng « khó có một ai đủ sức cản đường Emmanuel Macron ». Từ sau cuộc tranh luận với đối thủ Marine Le Pen trước vòng chung kết bầu tổng thống, sinh hoạt chính trị Pháp bước vào « trận thế tuyệt vời và tất thắng » của nhân vật được cử tri lựa chọn đối đầu với đại diện của phe cực hữu.

Với kết quả bầu Quốc Hội ngày Chủ Nhật 18/06/2017 cũng như qua thăm dò công luận, người dân Pháp « không muốn thấy tổng thống bị cản trở ». Nói chung là « muốn thấy mọi việc được hanh thông » nhưng cũng không bao dung cho ông « một tuần trăng mật » đúng nghĩa.

Cản lực từ đường phố khó xảy ra

Cũng cùng nhận định này, giáo sư chính trị Thomas Guénolé nghĩ rằng những lời đe dọa của phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất, huy động « dân chúng bất mãn » xuống đường nói dễ, nhưng khó thực hiện. Bởi vì, khác với 20 năm trước, người Pháp hiện nay sẵn sàng ký kiến nghị chống hành pháp, nhưng bớt hăng hái xuống đường.

Hai công đoàn chống dự án cải cách lao động mạnh nhất là CGT và FO cũng tỏ ra thận trọng. Một mặt uy tín của đảng Cộng Sản Pháp suy yếu nhiều, mất tính đại diện cho tầng lớp công nhân. Mặt khác, rút kinh nghiệm thất bại khi chống cải cách luật El Khomri, tên của vị bộ trưởng Lao Động thời tổng thống Hollande, giới công đoàn biết rõ hạn chế của biện pháp xuống đường. Giải pháp duy nhất là đối thoại với chính phủ.

Hơn nữa, tương quan lực lượng giữa đa số ủng hộ tổng thống và thiểu số đối lập cũng nghiêng về phía tổng thống Macron. Theo chuyên gia Jérôme Sainte-Marie, thành phần dân chúng ủng hộ chính quyền mới, thượng lưu, trung lưu thành đạt, tương đối là một khối đồng nhất, không muốn nước Pháp bị nhỡ con tàu toàn cầu hóa. Nhưng liều thuốc nào cũng có hiệu ứng công phạt. Những tầng lớp yếu thế, thua thiệt đứng bên lề cải cách, sẽ nuôi mầm bất mãn đưa đến căng thẳng tiềm tàng.

Cái may và cũng là cái rủi cho tổng thống Macron là đối lập không đồng nhất vì không phải chỉ có một phe đối trọng mà có đến bốn, năm phe kình chống nhau.

Hiệu ứng tháp ngà

Tuần qua, trong một bài xã luận, nhật báo Mỹ New York Times cảnh báo nguy cơ tổng thống Pháp bị rơi vào chiếc bẫy lạm quyền, thừa thắng vượt lằn ranh đỏ. Cụ thể, trong dự luật chống khủng bố có một số điều khoản không tôn trọng tự do cá nhân.

Nhà phân tích Jérôme Fourquet của viện thăm dò Ifop lưu ý hai điểm : Thứ nhất, người dân Pháp rất tỉnh táo, không bị mê hoặc, tôn sùng thần tượng Macron, để tổng thống muốn làm gì thì làm. Đành rằng chủ nhân điện Elysée có nhiều tài năng, nhưng mọi người chờ xem diễn tiến cuộc đàm phán giữa chính phủ và công đoàn trong mùa hè này ra sao.

Thứ hai, điện Elysée nổi tiếng với « hiệu ứng quyền lực tháp ngà », là nơi chôn vùi uy tín của nhiều vị tổng thống Pháp, kể cả tướng De Gaulle, người hùng giải phóng đất nước. Giới thân cận của tổng thống Macron đã cảnh báo : chốt chận duy nhất chống lại tham vọng quyền lực chính là … bản thân tổng thống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.