Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Khủng hoảng vùng Vịnh : Pháp kẹt giữa Qatar và Ả Rập Xê Út

Đăng ngày:

Paris đang lúng túng vì khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và nhiều nước trong vùng Vịnh. Cả Ả Rập Xê Út lẫn Qatar cùng là những đối tác kinh tế quan trọng của Pháp. Ngày 05/06/2017, Riyad và nhiều nước đồng minh trong khu vực cùng với Ai Cập quyết định cắt đứt bang giao với vương quốc nhỏ bé nhưng lại giàu khí đốt này. Lý do đưa ra : chính quyền Doha “dung túng quân khủng bố”.

Ahmed Al-Sayed, lãnh đạo Cơ quan quản lý đầu tư Qatar (Qatar Investment Authority) đến trụ sở chính phủ Pháp - điện Matignon, Paris, ngày 16/02/2014
Ahmed Al-Sayed, lãnh đạo Cơ quan quản lý đầu tư Qatar (Qatar Investment Authority) đến trụ sở chính phủ Pháp - điện Matignon, Paris, ngày 16/02/2014 MIGUEL MEDINA / AFP
Quảng cáo

Tạp chí kinh tế hôm nay xin điểm lại những mối liên hệ giữa Paris với một bên là ông khổng lồ Ả Rập Xê Út và bên kia là một đất nước tí hon với vỏn vẹn 2 triệu 400 ngàn dân, mà 90 % là người nhập cư nước ngoài, nhưng ở đó Pháp là đối tác thương mại lớn thứ nhì, chỉ sau có Mỹ.

Nhà đầu tư ngoại hạng

Theo nghiên cứu công bố vào tháng 3/2016 của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Chiến Lược –IRIS, trong thời gian ngắn kỷ lục, Qatar trở thành một đối tác “không thể thiếu” của các nhà sản xuất ở Pháp. Kim ngạch xuất khẩu của Pháp sang thị trường này tăng 31 % năm 2014 và 25 % trong tài khóa 2015. Các hãng lớn của Pháp từ ngành xây dựng đến dầu khí, từ công nghệ cao đến khu vực sản xuất trang thiết bị quân sự, đều đã nhắm tới thị trường Qatar.

Với thu nhập bình quân đầu người 138.500 đô la một năm, theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, Qatar được xếp vào một trong những quốc gia giàu nhất trên toàn cầu. Trong hơn chục năm trở lại đây, chính quyền Doha theo đuổi chiến lược đa dạng hóa guồng máy kinh tế, dùng các quỹ đầu tư như Qatar Investment Authority (QIA), Qatar International Bank hay những tập đoàn lớn (Qatar Aiwways, Katara Hospitality …) để "chen chân" vào các tập đoàn tên tuổi của phương Tây, từ hãng xe Đức Volkswagen đến dây chuyền phân phối cao cấp Harrods của Anh, và ngay cả việc bỏ vốn mua 10 % cổ phần của tòa nhà cao tầng Empire State Building, biểu tượng của thành phố New York.

Riêng với Pháp, quan hệ song phương đã được mở rộng từ 2008, dưới thời cựu tổng thống Sarkozy. Người kế nhiệm ông là François Hollande đã tiếp tục theo đuổi chính sách này. Từ 2011 câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Paris là PSG đã thuộc về Quỹ đầu tư Qatar QIA được đặt dưới quyền của nhà tỷ phú Nasser Ghanim Al-Khelaïfi. Kế tiếp là hãng truyền hình tư nhân chuyên phát các chương trình thể thao BeIn Sport đã ra đời và chinh phục khán giả Pháp.

Trong lĩnh vực hàng cao cấp de luxe, quốc gia tí hon vùng Vịnh này đã mua lại từ những khách sạn 5 sao ở Paris như Condorde Lafayette, khách sạn Louvre hay Peninsula đến những khách sạn đẹp nhất của thành phố Cannes như Majestic Barrière hay Gray Albion. Đó là chưa kể vô số những cơ ngơi riêng, thuộc về các lãnh đạo ở Doha.
Nhu cầu về cơ sở hạ tầng và quân sự.

Đang chuẩn bị ráo riết cho Cúp bóng đá 2022, Qatar rót vào đến 220 tỷ đô la cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Hướng về tương lai, để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, chủ yếu trông chờ vào công nghiệp khai thác khí đốt, Doha mới vừa chi ra bạc tỷ để nâng cấp và mở rộng các hải cảng … Trong tất cả các lĩnh vực này, Pháp là một đối tác đáng tin cậy của Qatar.

Cuối tháng 4/2015 phủ tổng thống Pháp thông báo bán 24 chiến đấu cơ Rafale cho Qatar trị giá hợp đồng lên tới hơn 6 tỷ euro. Paris nhân cơ hội này ký thêm hợp đồng đào tạo cho 36 phi công và khoảng 100 thợ máy Qatar … Theo bà Agnès Levallois, phó chủ tịch Viện Nghiên Cứu Vùng Địa Duyên Hải và Trung Đông IREMMO, trên thực tế Paris và Doha là một mối thâm giao. Thỏa quốc phòng sự đầu tiên giữa hai nước được ký kết từ những năm 1980 khi Pháp cung cấp chiến đấu cơ Mirage cho Qatar, bảo đảm đến 80 % trang thiết bị quân sự cho vùng lãnh thổ này. Văn bản hợp tác về an ninh và phòng thủ được đôi bên ký kết năm 1994 đến nay vẫn là trụ cột trong liên hệ song phương.

Pháp và ông "khổng lồ" Ả Rập Xê Út

Thế nhưng Riyad mới là đối tác thương mại quan trọng nhất của Pháp trong vùng Vịnh. Trong cán cân thương mại của Pháp, Ả Rập Xê Út nặng gấp 100 lần so với Qatar, như nhận định của phó giám đốc viện nghiên cứu IREMMO, Agnès Levallois.

Cuối 2013, quốc vương Ả Rập Xê Út hứa đầu tư 15 tỷ đô la vào Pháp, tài trợ cho Liban đến 3 tỷ đề mua vũ khí của các nhà sản xuất trên xứ gà trống Gaulois. Một năm sau, Ai Cập ký hợp đồng mua 24 chiến đấu cơ Rafale của tập đoàn Dassault nhờ có được tín dụng của Ả Rập Xê Út. Cùng năm tổng thống Hollande công du vương quốc dầu hỏa này và chứng kiến hàng loạt lễ ký kết các hợp đồng trị giá hàng chục tỷ đô la, trong đủ mọi lĩnh vực từ vũ khí đến y tế, cơ sở hạ tầng, và giao thông. Năm 2015 thủ tướng Valls dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu đến Riyad trong khuôn khổ thượng đỉnh song phương.

Có điều, như ghi nhận của Sliman Zeghidour – phóng viên đài truyền hình Pháp TV5 Monde đặc trách về khu vực vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út đang trải qua một cuộc "khủng hoảng" kinh tế vô tiền khoán hậu vì dầu hỏa mất giá. Hậu quả trực tiếp là Riyad sẽ trở nên kém hất dẫn trong mắt các tập đoàn Pháp :

" Đành là không có người ngủ dưới gầm cầu, Nhà nước còn đóng một vai trò rất lớn về mặt xã hội. Giá xăng dầu còn rất rẻ : đổ đầy bình xăng xe hơi mà giá chưa tới 5 euro. Nhưng với một phần lớn dân chúng tại Ả Rập Xê Út, thời kỳ vàng son này đang sắp đi qua. Vật giá bắt đầu leo thang. Chính phủ phải cắt bớt trợ cấp xã hội, giảm trợ giá điện, nước. Riyad phải hoãn nhiều dự án đầu tư, sa thải một phần lực lượng lao động nước ngoài. Nhân viên bị trả lương trễ. Tình hình chưa đến nỗi nguy ngập, nhưng thực sự là kinh tế Ả Rập Xê Út đang trong giai đoạn đình đốn".

François Heisbourg, giám đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS – trụ sở tại Luân Đôn gắn liền khó khăn tài chính với hiểm họa bạo động xã hội tại vương quốc rộng lớn gấp 4 lần nước Pháp này :

"Với đà này, chỉ trong từ bốn đến năm năm nữa, Ả Rập Xê Út sẽ không còn dự trữ ngoại tệ. Chiến tranh tại Yemen gây nhiều tốn kém, chính sách hỗ trợ Ai Cập cũng vậy. Về mặt đối nội, chính quyền lại không có những biện pháp hỗ trợ cho thanh niên bước vào thị trường lao động. Tôi nghĩ đây là mầm mống gây ra bạo động trong xã hội- điều này không liên quan gì tới yếu tố tôn giáo cả. Tình thế sẽ rất khó kiểm soát trong tương lai".

Ả Rập Xê Út, tường thành kiên cố đối với công nghệ vũ khí Pháp ?

Dù vậy trước mắt, khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và Ả Rập Xê Út đặt Pháp trong thế khó xử, khi biết rằng Riyad là khách hàng lớn vào bậc nhất của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí "made in France". Vincent Jauvert, chuyên gia về Vùng Vịnh của tuần báo L'Obs nhắc lại không có Ả Rập Xê Út thì Liban và Ai Cập không thể ký hợp đồng hàng tỷ đô la mua vũ khí của Pháp.

"Ả Rập Xê Út không thanh toán trực tiếp, nhưng đã cấp tín dụng, một khoản tiền rất lớn cho chính quyền của tướng al Sissi ở Cairo để Ai Cập mua chiến đấu cơ Rafale và tàu đa năng Mistral của Pháp. Ai Cập là quốc gia đầu tiên, nhờ có vốn của Riyad, đã mua chiến đấu cơ Rafale và mua luôn hai chiếc Mistral vào lúc mà Paris không biết xử lý thế nào sau khi đã không bán được cho Nga. Đâu đó Ả Rập Xê Út đã cứu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Pháp".

Tuy nhiên theo Nhà báo Jean Guisnel, chuyên theo dõi hồ sơ quốc phòng trên nhật báo Le Point, trên thị trường vũ khí, Pháp không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ để tranh thủ hợp đồng của Ả Rập Xê Út :

"Bán chiến đấu cơ Pháp cho Ả Rập Xê Út là điều không tưởng. Phía Pháp tới nay vẫn áp dụng chính sách đà điểu, phủ nhận thực tế đó. Nhưng theo tôi, chúng ta cần nhìn vào sự thật : từ sau Thế Chiến Thứ Hai, Ả Rập Xê Út chỉ độc quyền mua chiến đấu cơ của Mỹ. Họa hoằn lắm thì mới đoái hoài đến trang thiết bị quân sự của Anh. Pháp không có chỗ đứng trên thị trường này. Thế nhưng trong một thời gian gần đây Riyad chiếu cố đến các loại trang thiết bị quân sự của Pháp cho bộ binh, hải quân. Mới đây Pháp đang mở rộng địa bàn đến lĩnh vực trang thiết bị theo dõi không gian".

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Agnès Levallois, viện IREMMO, trong cuộc đọ sức về phương diện ngoại giao giữa Ả Rập Xê Út và Qatar, tốt hơn hết là Paris nên giữ thế trung lập vì nhiều lẽ : trong ngắn hạn, khủng hoảng nói trên ít ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của Pháp với Qatar và kể cả với Ả Rập Xê Út. Hơn nữa, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược, ảnh hưởng của Paris với Riyad không thể sánh bằng so với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều nếu như Ả Rập Xê Út dùng lá bài hợp tác và thương mại để gây sức ép với các đối tác kinh tế hòng "siết chặt vòng vây chung quanh Qatar". 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.