Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp : Ngành du lịch sống chung với khủng bố

Đăng ngày:

Bến tầu điện ngầm Trocadéro vẫn tấp nập khách du lịch lên xuống, chỉ một ngày sau vụ tấn công khủng bố trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame, ngày 06/06/2017). Từ quảng trường Nhân Quyền đến chân tháp Eiffel, dòng người vẫn ngược xuôi chiêm ngưỡng Bà Đầm Thép gần 130 tuổi.

Bà Đầm Thép "Eiffel", Paris.
Bà Đầm Thép "Eiffel", Paris. RFI Tiếng Việt
Quảng cáo

Tiếng leng keng của những chiếc móc chìa khóa mà người bán dạo rung lên để thu hút sự chú ý của du khách, tiếng vẫy gọi của những chủ xe xích lô, tiếng chào mời mua nước lạnh 1 euro... vẫn diễn ra như thường ngày, không một chút lo âu về khủng bố. Họ có vẻ đông hơn và tỏ ra dạn dĩ hơn vì ngoài câu « Đi chỗ khác! », lực lượng cảnh sát tập trung chủ yếu vào việc đảm bảo an ninh cho du khách.

Khu quảng trường Champs-de-Mars, với những thảm cỏ dài phía sau tháp Eiffel, vẫn đông khách tham quan ngồi nghỉ dưới ánh nắng còn chút se lạnh. Một đôi uyên ương trẻ lịch lãm và yêu kiều trong bộ đồ cưới đến chụp ảnh dưới chân tháp, những du khách trẻ vẫn tạo dáng để có được những tấm ảnh đẹp nhất với công trình nổi tiếng thế giới, hay chỉ đơn giản là nhâm nhi miếng bánh « chống đói » lúc cuối ngày.

Sau vụ tấn công trước cửa Nhà thờ Đức Bà Paris, Lâm và Xuân, một cặp vợ chồng trẻ từ Việt Nam tham quan tháp Eiffel, giải thích với RFI tiếng Việt rằng họ còn có cảm giác an toàn hơn vì lực lượng an ninh được tăng cường tại các địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô :

« Hôm nay, bọn em đi chơi ở tháp Eiffel và một số khu vực xung quanh, thì thấy thực ra, rất an toàn vì biết rằng hôm nay cảnh sát thắt chặt hơn. Không có điều gì phải lo lắng lắm. Tất nhiên, không ở đâu mình có thể cảm thấy an toàn tuyệt đối được. Nhưng ngày mình có lịch đi chơi thì mình vẫn phải đi thôi. Chứ bây giờ cứ lo lắng là sợ cái này, sợ cái kia... Tất nhiên là bọn em cũng có những điều kiện nhất định, như tuyệt đối tránh nơi đông người. Thực ra, mình rất sợ những nơi tụ tập đông người, có dấu hiệu khả năng gây mất an toàn thì nên tránh xa ra thôi. Hôm qua bọn em đi métro rất nhiều, thì hôm nay bọn em đi quanh quanh trên này thì đi bus nhiều hơn ».

Còn Xuân tỏ ra hơi lo lắng, « hồi nãy, đi ở phía trước kia (tháp Eiffel), thì có nghe thấy một tiếng nổ rất to, em cũng thấy mọi người đang nằm ở cỏ hơi nhớn nhác. Hôm trước bọn em đi Anh, ba hôm sau khi bọn em rời Anh thì nghe thấy có vụ khủng bố ở Borough Market và London Bridge. Sang đây (Pháp), hôm qua, lúc đấy chỉ cách khu vực xảy ra khủng bố một đoạn ngắn thôi, thật ra là em hơi lo. Chỉ là hơi lo thế thôi, chứ mình đến các địa điểm thì mình cứ đi bình thường ».

83 triệu du khách nước ngoài đến Pháp năm 2016

Các vụ khủng bố xảy ra tại Paris và Nice trong năm 2016 đã khiến số lượng khách du lịch nước ngoài đến Pháp giảm nhẹ so với năm 2015. Tuy nhiên, với 83 triệu du khách nước ngoài vào năm 2016, Pháp vẫn là điểm du lịch hàng đầu thế giới. Với mục tiêu đạt đến 100 triệu khách nước ngoài vào năm 2020, không chỉ các ngành nghề liên quan phải cố gắng, mà người dân Pháp cũng thể hiện tinh thần không sợ hãi, như chia sẻ của Valentine và Cloé, hai sinh viên đại học Paris 3-Sorbonne La Nouvelle, đang tắm nắng ở Champs-de-Mars.

« Tôi nghĩ là các vụ khủng bố để lại hậu quả. Đây cũng những gì mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo muốn. Tại Paris, khách du lịch đóng vai trò rất quan trọng về mặt kinh tế. Thành phố đón rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là ở Champs de Mars. Với tư cách là người Paris, chúng tôi cũng muốn chứng tỏ không sợ ra ngoài vui chơi.

Ngoài ra, còn có rất nhiều biện pháp an ninh được áp dụng và luôn có mặt tại hiện trường. Rất nhiều cảnh sát và quân nhân thường xuyên tuần tra. Tôi nghĩ là, mặc dù vẫn có các vụ khủng bố, dù vẫn lo sợ, nhưng không nên khép mình trong nhà ».

« Trong đầu chúng tôi luôn có chút sợ hãi, nhưng điều này không ngăn cản tôi ra ngoài đi chơi được. Hơn nữa, chúng ta đang ở Paris, không thể giam mình trong nhà mà chẳng làm gì cả ».

Dù nguy cơ khủng bố vẫn được đặt ở mức độ cao, dù hai năm nay nước Pháp vẫn trong tình trạng khẩn cấp, dường như Paris vẫn giữ nhịp sống bình thường, như thói quen của Valentine :

« Thực ra, các vụ tấn công khủng bố chưa bao giờ cản được tôi đi chơi, dù có thế nào. Đi chơi, đi ra ngoài vẫn tốt hơn là nhốt mình ở nhà, không làm gì cả. Nếu như cứ mỗi lần có khủng bố mà cứ nhốt mình ở nhà, không ra ngoài, đó chính là điều mà những kẻ khủng bố nhắm đến. Có nghĩa là, đẩy nước Pháp vào tình trạng khép mình. Vì vậy, cần phải thể hiện tự do, chứ không phải họ là người quyết định tự do của chúng ta ».

Nước Pháp, hai năm sống trong « tình trạng khẩn cấp »

Những địa điểm du lịch tại Pháp, đặc biệt là tại Paris, là nơi được ưu tiên bảo vệ. Ngoài hệ thống camera, lực lượng cảnh sát, quân đội và nhân viên giữ gìn an ninh được huy động tối đa và có mặt thường trực tại đây. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh cho toàn bộ các công trình quan trọng hay điểm du lịch là « nhiệm vụ bất khả thi », « nguy cơ rủi ro bằng không » không tồn tại, theo phó tổng thư ký nghiệp đoàn FO của cảnh sát Pháp, trả lời đài truyền hình BFM TV ngày 06/06/2017.

Riêng với Cloé, chừng nào còn thấy quân nhân tuần tra ở Paris, cô hiểu rằng sẽ không bao giờ được an toàn tuyệt đối trước nguy cơ khủng bố :

« Hồi đầu tôi hơi sốc khi thấy quân nhân tuần tra ở Paris, thành phố nổi tiếng thế giới. Nhưng sau đó, tôi nghĩ đó là điều cần thiết, trấn an chúng tôi được phần nào. Nhưng dù sao, tôi hy vọng là tình trạng này không kéo dài quá, vì nó phá vỡ không khí của thành phố và một chút cảm giác vô tư lự. Sự hiện diện của họ luôn gợi cho chúng tôi là đất nước vẫn trong tình trạng khẩn cấp và rằng chúng tôi không bao giờ được an toàn tuyệt đối ».

Còn Sempéré, một sinh viên khác từ thành phố Toulon lên theo học tại Paris, cũng ngạc nhiên khi thấy quân nhân ngoài phố. Tuy nhiên, cô thấy điều đó giúp trấn an phần nào người dân.

Được áp dụng sau loạt khủng bố tại Paris ngày 13/11/2015, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực đến cuối tháng 07/2017, và có thể được chính phủ kéo dài đến tháng 11 cùng năm. Tuy nhiên, về điểm này, Cloé và Valentine không có chung ý kiến :

Cloé cho biết : « Tôi nghĩ, một mặt, đây là điều cần thiết, nhưng tôi không biết là họ còn làm thêm được nữa không vì họ được điều động thường xuyên. Nếu tình trạng khẩn cấp được kéo dài, để giúp họ làm việc tốt hơn và để được an toàn hơn, bản thân tôi không thấy bất tiện lắm ».

Còn theo Valentine, sự hiện diện thường xuyên của cảnh sát và quân đội càng làm tăng thêm cảm giác sợ hãi :

« Về mặt cá nhân, tôi không ủng hộ, nhưng đây chỉ là ý kiến riêng của tôi. Đã có rất nhiều biện pháp an ninh được triển khai, nhưng nếu tăng cường quá cũng khiến người dân sợ bị bao quanh quá. Sự hiện diện của quá nhiều cảnh sát và quân nhân cũng gây cảm giác bị sức ép và càng làm tăng thêm nỗi sợ. Chưa hẳn đã là điều tốt đẹp, tôi nghĩ thế ».

Riêng với Xuân và Lâm, hai du khách Việt Nam, dù đi đâu cũng nghe thấy khủng bố trong chuyến du lịch châu Âu 2017, họ khẳng định sẽ « vẫn quay lại, thậm chí nhiều lần. Bao giờ để dành được tiền lại sang chơi ! »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.