Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Khủng bố: Pháp phối hợp chặt chẽ hơn các cơ quan tình báo

Đăng ngày:

Từ tháng 11 năm 2015 cho đến nay, Pháp đã bị một loạt tấn công khủng bố, khiến 239 người chết, phần lớn là do tổ chức Nhà nước Hồi Giáo nhận trách nhiệm. Vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06/2017 một lần nữa cho thấy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan tình báo để ngăn chận tối đa những vụ khủng bố mới.

Cảnh sát Pháp gần nơi xảy ra vụ khủng bố tại nhà thờ Đức Bà, Paris, ngày 06/06/2017.
Cảnh sát Pháp gần nơi xảy ra vụ khủng bố tại nhà thờ Đức Bà, Paris, ngày 06/06/2017. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Chính là theo chiều hướng này mà ngày 07/06/2017, sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng, phủ tổng thống Pháp đã loan báo thành lập một “Trung tâm quốc gia chống khủng bố” ( Centre national du contre-terrorisme, CNCT ), một loại “task force” ( cơ quan chuyên trách ), đặt trực tiếp dưới quyền tổng thống Emmanuel Macron. Việc thành lập cơ quan này là một trong những lời hứa của ông Macron khi tranh cử tổng thống Pháp.

Theo điện Elysée, cơ quan mới này, mà ban đầu bao gồm khoảng 20 người, chủ yếu là các nhà phân tích, sẽ đặc trách việc “chỉ đạo chiến lược” cho các cơ quan tình báo, chủ yếu để bảo đảm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này, chứ không thay họ điều hành hoạt động. Trung tâm quốc gia chống khủng bố mỗi tuần sẽ báo cáo cho Hội đồng quốc phòng, cơ chế hoạch định chiến lược chống khủng bố và dựa trên báo cáo này, tổng thống sẽ ra các quyết định.

“ Task force” đó sẽ được lồng ghép vào trong trong cơ quan Điều phối tình báo quốc gia ( Coordination nationale du renseignement, CNR ), được thành lập từ thời tổng thống Nicolas Sarkozy. Cả hai cơ quan này kể từ nay sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của ông Pierre Bousquet de Florian, cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa ( DST ) của Pháp.

Hiện giờ, cộng đồng tình báo của Pháp bao gồm 4 cơ quan lớn, một trực thuộc bộ Nội Vụ và ba trực thuộc bộ Quốc Phòng, với gần 11 ngàn công chức dân sự và quân sự, đặc trách việc thu thập tin tình báo và việc phản gián.

Trả lời ban Pháp ngữ RFI ngày 07/06/2017, ông Olivier Chopin, nhà nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội EHESS, nhận định về vai trò của Trung tâm quốc gia chống khủng bố vừa được thành lập:

“ Mục đích là để tăng cường sự phối hợp trong lĩnh vực phân tích ở cấp cao giữa các cơ quan chủ chốt có liên hệ. Cơ quan này bao gồm khoảng 20 người, chắc toàn là những nhân vật rất quen với hoạt động liên bộ hoặc với trao đổi giữa cơ quan cấp quốc gia. Họ sẽ phối hợp hoạt động của những cơ quan tình báo để bảo đảm là không có sự dẫm chân lên nhau trong các cuộc điều tra và bảo đảm sự trao đổi tối đa các thông tin giữa các cơ quan.

Cho tới nay đó đã là nhiệm vụ của cơ quan Điều phối tình báo quốc gia, cụ thể là của điều phối viên và các cố vấn đặc biệt, nhưng đó không phải là một cơ quan có thẩm quyền buộc các cơ quan tình báo phải trao đổi với nhau một cách hiệu quả hơn. Đây đúng hơn là một sự quản lý về mặt chính trị. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về chống khủng bố và tình báo cho rằng cũng phải cải tiến việc hợp tác giữa các cơ quan về mặt phương tiện hành động về công nghệ và trên thực địa.”

Qua việc bổ nhiệm cựu giám đốc cơ quan tình báo nội địa Pierre Bousquet de Florian đứng đầu Trung tâm quốc gia chống khủng bố CNCT, ông Olivier Chopin cũng nhận thấy xu hướng “chuyên nghiệp hóa” chức vụ này:

“ Điều đáng chú ý đó là ông sẽ đứng đầu cả hai cơ quan CNCT và Cơ quan Điều phối tình báo quốc gia. Điều này xác nhận xu hướng đã được thể hiện qua việc bổ nhiệm điều phối viên tình báo quốc gia , đó là đưa vào cơ cấu này những người đã từng làm việc trong những cơ quan tình báo, có kinh nghiệm, có một cái nhìn xác đáng. Cho tới gần đây, điều phối viên tình báo quốc gia thường là những nhân vật xuất thân từ giới công chức hay từ quân đội.

Ý định của chính phủ là “chuyên nghiệp hóa” chức vụ này, nhưng thêm vào đó uy thế chính trị của Nhà nước. Đây không phải là một sáng kiến tồi, vì đứng đầu cơ quan mới là một nhân vật từng là giám đốc DST, nắm rất rõ về công việc tình báo trên thực địa.”

Tuy nhiên, trả lời ban Pháp ngữ RFI ngày 05/06/2017, nhà báo và cũng là chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Jean-Dominique Merchet cho biết việc thành lập Trung tâm quốc gia chống khủng bố đã không nhận được sự đồng tình của toàn bộ các cơ quan tình báo của Pháp :

« Ý định của họ là phối hợp tốt hơn công việc của các cơ quan khác nhau có liên hệ đến lĩnh vực này. Từ lâu đây vẫn là vấn đề nan giải. Đa số những người trong giới này không mấy tin tưởng vào hiệu quả dự án đó, sợ rằng nó sẽ làm rối loạn hoạt động hơn là tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cơ quan mà hiện cũng đã tham gia rất nhiều vào nhiệm vụ chống khủng bố.

Một nhân viên tình báo gần đây có nói với tôi rằng làm như thế chẳng khác gì thay đổi các bộ phận của động cơ một chiếc xe đang chạy hết tốc lực trên xa lộ. Phải rất cẩn thận về việc này. Chính phủ và tổng thống có quyết tâm tiến về phía trước, nhưng hiện chưa biết cụ thể kế hoạch đó như thế nào.

Không phải cứ mỗi lần xảy ra khủng bố ở Pháp hoặc ở nước ngoài là vội vã yêu cầu phải thay đổi thế này, thay đổi thế kia. Đúng là phải thay đổi liên tục, nhưng phải làm thật kín đáo, chứ không phải bằng những thông báo ầm ĩ, mà thường chỉ khiến cho tình hình phức tạp thêm, thay vì làm cho nó dễ dàng hơn. »

Tranh cãi về chuyện này chắc sẽ còn tiếp diễn, nhưng trước mắt, cái khó nhất của lãnh đạo cơ quan CNCT là phải thu phục sự tin tưởng của lãnh đạo các cơ quan tình báo, trong một giới mà ít ai chịu chia sẻ những bí mật, nhất là về những cuộc điều tra đang diễn ra.

Mặt khác, như ta đã thấy trong vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06 vừa qua, kẻ khủng bố không nhất thiết sử dụng những phương tiện tinh vi, mà sẳn sàng ra tay hành động một mình, với bất cứ thứ gì có trong tay. Làm cách nào ngăn chận được những con “ sói đơn độc” ( loup solitaire) này, đó là thách đố lớn đối với cơ quan chuyên trách chống khủng bố vừa được Pháp thành lập. Nhưng đối với nhà nghiên cứu Olivier Chopin, những kẻ khủng bố đó không hẳn là hành động một mình:

“ Khái niệm về cái gọi là “sói đơn độc” theo tôi là hơi kỳ quặc, vì thực tế không hẳn là như thế. Khi điều tra về các vụ khủng bố đã xảy ra, người ta rất thường thấy có nhiều mối liên hệ đã có trước đó với các đại diện của tổ chức Nhà nước Hồi Giáo. Thỉnh thoảng có những cá nhân tự cực đoan hóa và ra tay hành động một mình, nhưng thường là họ trở nên cực đoan hóa trong một thời gian ngắn.

Việc thành lập cơ quan chuyên trách chống khủng bố sẽ không trực tiếp làm thay đổi việc theo dõi những tay khủng bố tiềm tàng, vì đó là công việc của các cơ quan tình báo, nhưng có thể cơ cấu mới sẽ có thẩm quyền chính trị buộc các cơ quan đó chia sẽ các thông tin với nhau nhiều hơn.”

Trung tâm quốc gia chống khủng bố được thành lập trong bối cảnh nước Pháp vẫn còn được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Trên nguyên tắc, tình trạng khẩn cấp này sẽ hết hạn vào ngày 15/07 tới, nhưng Quốc Hội sẽ biểu quyết một dự luật triển hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 01/11. Từ đây đến ngày đó, theo lời những người thân cận với tổng thống Macron, một dự luật khác sẽ được đưa ra thảo luận ở Quốc Hội để tăng cường hệ thống luật về chống khủng bố, hay đúng hơn là gián tiếp đưa tình trạng khẩn cấp vào luật hình sự. Cụ thể đó là đưa vào luật hình sự một số điều khoản về quản thúc tại gia hay khám xét hành chính, mà khi cần nhà chức trách có thể sử dụng để đối phó với mối đe dọa khủng bố, mà không cần phải ban hành tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, tổng thống Macron đang muốn làm sao cho việc triển khai các lực lượng an ninh trên lãnh thổ nước Pháp trong khuôn khổ kế hoạch Vigipirate thích ứng hơn với mối đe dọa khủng bố hiện nay. Hiện giờ, chiến dịch mang tên Sentinelle huy động đến 7000 quân nhân tham gia bảo vệ an ninh cho nước Pháp, và như vậy quân đội phải chi tiêu thêm 200 triệu euro mỗi năm. Thật ra lương của quân nhân thấp hơn lương cảnh sát, huy động họ thì tiết kiệm được tiền cho ngân sách Nhà nuớc. Nhưng quân nhân lẽ ra phải được sử dụng vào những nhiệm vụ phù hợp với khả năng của họ hơn.

Vấn đề là ngay chính cảnh sát và binh lính nay cũng ngày càng trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố. Ngoài vụ tấn công cảnh sát trước nhà thờ Đức Bà Paris ngày 06/06, trước đó đã xảy ra nhiều vụ khác, như vụ bắn chết một cảnh sát và bắn bị thương hai cảnh sát khác trên đại lộ Champs-Elysée, Paris, ngày 20/04/2017, vụ tấn công một toán quân nhân tuần tiễu ở sân bay Orly, Paris, ngày 18/03/2017, vụ tấn công 4 quân nhân đi tuần trước viện bảo tàng Louvre ngày 03/02/2017 hay vụ giết chết một cảnh sát trước nhà riêng ở Magnanville, ngoại ô Paris ngày 13/06 năm ngoái. Đó là chưa kể những vụ khác đã xảy ra ngay từ năm 2012.

Đối với cảnh sát và quân nhân, tự bảo vệ trước nguy cơ khủng bố là rất khó, vì kẻ tấn công chỉ là những người rất bình thường, nhưng ra tay bất ngờ mà không ai dự báo được.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.