Vào nội dung chính
PHÁP - LIÊN HOAN CANNES

« Thầy W. », hay bộ mặt của sự hận thù

W. như Wirathu, tu sĩ Phật giáo Miến Điện, lãnh đạo phong trào 969 chủ trương diệt chủng người Hồi giáo trên đất nước ông. Đạo diễn Thụy Sĩ Barbet Schroeder đến tận Mandalay thực hiện bộ phim tài liệu « Le Vénérable W.- Thầy W. » bộ mặt của sự hận thù. Nạn nhân là người Rohingya.

Barbet Schroeder, đạo diễn người Thụy Sĩ với bộ phim "Thầy W.", tại Liên Hoan Phim Cannes 2017.
Barbet Schroeder, đạo diễn người Thụy Sĩ với bộ phim "Thầy W.", tại Liên Hoan Phim Cannes 2017. © REUTERS/Regis Duvignau
Quảng cáo

Phải chăng Miến Điện đang đối mặt với nạn diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 21 ? Chân lý bất bạo động trong Phật Pháp đang bị một nhà tu chà đạp không thương tiếc. « Thầy W. », không biết đến hai chữ « vị tha ». Mở đầu câu chuyện khi tiếp đạo diễn Schroeder, nhà tu này hỏi : « Ông có biết giống cá của châu Phi không ? Chúng ăn khỏe và mau lớn lắm. Có điều, để phát triển, chúng hủy diệt tất cả môi trường chung quanh. Bọn Hồi giáo cũng vậy ».

Cứ như thế trong đúng 100 phút đồng hồ, nhà tu này không chút ngại ngùng khẳng định : « Người Hồi giáo mắn đẻ như thỏ », « sự phát triển của họ đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc Miến Điện (…) Bọn họ làm ăn giàu có, mua đất, xây nhà, cướp hết của cải của chúng ta ».

Các bài thuyết pháp của « Thầy W. » sặc mùi kỳ thị. Là người của thời đại, tu sĩ này sử dụng mạng xã hội, video, khai thác chiến thuật phao tin thất thiệt để kích động quần chúng, khuyến khích các cuộc tàn sát người Hồi giáo để « giống nòi được tinh khiết ».

Ở gần cuối bộ phim là cảnh « Thầy W. » trong một bài thuyết pháp, thóa mạ đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện, với những lời lẽ tục tĩu nhất tưởng chừng không bao giờ được thốt ra từ cửa miệng của một người tu hành.

Với « Thầy W. », Barbet Schroeder vừa khép lại bộ ba phim tài liệu trải dài trong hơn 40 năm, mà ông dành để nói về cái « Ác » dưới muôn hình vạn trạng. Bởi theo ông, đây là một đề tài vô tận, gắn liền với nhân loại.

Hai tập phim trước, đạo diễn người Thụy Sĩ từng nói về tướng Idi Amin Dada, tên bạo chúa Ouganda, và luật sư Jacques Vergès, người luôn bào chữa cho những tên khủng bố hay kẻ đã nhúng tay vào tội ác thời Đức Quốc Xã, Barbie.

Tương tự như hai bộ phim trước, không bình luận hay thêm thắt, Schroeder chỉ mở camera và micro, để cho chính những nhân vật này tự giãi bày. Bộ phim của ông được bổ sung bằng những phóng sự truyền hình, hay bài báo nói về tình hình Miến Điện. Đó là hình ảnh đền thờ Hồi giáo bị đốt cháy, là cảnh người Hồi giáo bị đánh hội đồng, quân đội khoanh tay đứng nhìn.

Xem xong « Thầy W. », khán giả lạnh người, sực nhớ lại rằng, sự cuồng tín không có biên giới, không phân biệt màu da, không chừa bất kỳ một tôn giáo nào. « Thầy W. » sao mà gần gũi với phương pháp nhồi sọ và tuyên truyền ở nửa đầu thế kỷ 20 thời cộng sản hay Đức Quốc Xã.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.