Vào nội dung chính
NGA - PHÁP

Nước Pháp có tân tổng thống, Nga "chờ xem"

Ngay sau chiến thắng của Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng chiến thắng của người đứng đầu phong trào En Marche! (Tiến Bước!). Tuy nhiên, trong thời gian vận động tranh cử tại Pháp, tổng thống Putin được cho là ủng hộ ứng viên phong trào cực hữu Pháp Marine Le Pen, người mà ông đích thân đón tiếp tại điện Kremlin.

Bản đồ Nga và Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa.
Bản đồ Nga và Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa. CC/Glentamara
Quảng cáo

Ngoài ra, Nga cũng bị nghi ngờ đứng sau hàng loạt vụ tin tặc nhằm phá hoại cuộc vận động của ứng viên Macron, như đã từng làm với ứng viên Dân Chủ Mỹ Hilary Clinton vào năm 2016.

Ứng viên phong trào Tiến Bước ! đã đắc cử tổng thống Pháp cho nhiệm kỳ 2017-2022. Phản ứng của giới chính trị gia và truyền thông Nga ra sao đối với kỳ bầu cử tổng thống Pháp vừa qua ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với thông tin viên Hoàng Dung từ Matxcơva.

06:36

Thông tín viên Hoàng Dung_Matxcơva

RFI : Báo chí và công luận Nga quan tâm như thế nào đến đợt vận động tranh cử tổng thống Pháp vừa qua, đặc biệt là bà Marine Le Pen thuộc đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, được cho là thân Nga và còn được đích thân tổng thống Putin tiếp đón tại điện Kremlin ?

Hoàng Dung : Trong đợt vận động tranh cử tổng thống Pháp vừa qua, báo chí Nga đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử ở Pháp. Bởi vì Pháp vẫn luôn là một đồng minh quan trọng của Nga trong khối Liên Minh Âu Châu. Trong nhiều năm qua, Pháp có các chính sách khá ủng hộ và không chống đối lại chính sách của Nga. Cho nên, Nga rất quan tâm trong thời gian tới ai sẽ là người đứng đầu nước Pháp và như vậy, sẽ rất quan trong trong việc nhận được sự ủng hộ của nước Pháp trong tương lai hay là không. Vì vậy, báo chí và chính giới Nga đã dành cho cuộc bầu cử này sự quan tâm đặc biệt.

Và sự quan tâm này còn vì một nguyên do khác là do người ta không thể nào xác định được trước khi kết quả của cuộc bầu cử được công bố ai sẽ là tân tổng thống của nước Pháp. Vì thế, sự quan tâm lại càng được chính giới và báo chí bàn cãi và quan tâm trong suốt thời gian trước cuộc bầu cử. Ngoài ra, còn có nhiều quan điểm và sự ủng hộ cho những ứng cử viên khác nhau trong số những ứng viên tổng thống Pháp lần này.

RFI : Giống như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, tin tặc Nga, được cho là do Matxcơva giật dây, bị cáo buộc nhiều lần tấn công phong trào Tiến Bước! của tổng thống tân cử Pháp trong đợt vận động tranh cử. Phản ứng của Nga ra sao về những cáo buộc trên ? 

Cũng như trong lần bị cáo buộc tham gia gây ảnh hưởng đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Nga dường như không bận tâm lắm đến cáo buộc này vì họ luôn cho rằng Nga có rất nhiều kẻ thù, cũng như Mỹ và các nước Âu châu không muốn Nga có sự ảnh hưởng đối với chính trường trên thế giới.

Đối với dân chúng Nga và báo chí, họ thấy thú vị vì lần này bỗng dưng Nga lại có vai trò đặc biệt quan trọng như thế. Không phải tự nhiên và dễ dàng gì mà ảnh hưởng được đến đường hướng chính trị của một nước lớn như Mỹ và Pháp. Cho nên, dân chúng có vẻ rất thích thú khi bị cáo buộc như vậy. Mặt khác, báo chí cũng bình luận rằng, như vậy, Nga có ảnh hưởng không nhỏ đối với thế giới bằng cách này hay cách khác.

RFI : Xin chị cho biết phản ứng của chính phủ và báo chí Nga về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp vừa qua ? Ông Macron được đánh giá như thế nào ?

Ông Macron, trước cuộc bầu cử tổng thống, không được chính giới Nga ủng hộ lắm. Nói cách khác là họ rụt rè về thái độ của ông ở cương vị tổng thống. Trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp, báo chí và chính giới Nga dành sự ủng hộ nhiều hơn cho ông Fillon, cựu thủ tướng Pháp. Sau đó, vị trí thứ hai là dành cho bà Marine Le Pen, đã được đích thân tổng thống Nga tiếp đón tại điện Kremlin.

Ông Macron là một người hoàn toàn mới, như một nhân vật hoàn toàn mới trên chính trường nước Pháp. Nhất là những quan điểm của ông ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu đã làm cho nước Nga hoàn toàn dè dặt. Nhưng nước Nga cũng không e ngại ông Macron, vì họ cho rằng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này là dấu hiệu cho thấy nước Pháp muốn thay đổi và cần thay đổi giống như nước Mỹ đã bầu chọn cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vì vậy, họ đang chờ đợi xem nước Pháp sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới.

RFI : Ông Macron là người gắn bó và ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, trong khi đó Nga và khối này đang có quan hệ căng thẳng. Vậy Nga sẽ có chính sách quan hệ ra sao với Liên Hiệp và với Pháp khi ông Macron đắc cử tổng thống ?

Chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian qua đã cho thấy Nga vẫn cố gắng tìm vị trí riêng của mình, có một ảnh hưởng đối với đường lối của châu Âu nói riêng và của thế giới nói chung. Bên cạnh đó, Nga cũng không muốn đối đầu, mà muốn tìm sự hợp tác trong khía cạnh đôi bên cùng có lợi, nhưng phải là bình đẳng và không bị phụ thuộc vào Liên Minh Âu Châu.

Trong thời gian tới, Nga tiếp tục đường hướng như vậy trong vấn đề đối ngoại với Liên Minh Âu Châu. Vì thế, Nga cũng sẽ cố gắng để thiết lập một mối quan hệ ngoại giao bình đẳng với nước Pháp dù là với vị tổng thống nào giữ cương vị này trong thời gian tới.

Liên Minh Âu Châu đưa ra chính sách cấm vận đối với Nga tính đến nay đã được ba năm. Nhưng không vì thế mà người Nga đầu hàng. Ngoài ra, nước Nga là một nước rất đặc biệt, như nhận xét của một nhà ngoại giao nổi tiếng của Nga : « Không thể nào hiểu nước Nga bằng lý trí. Chỉ có thể yêu quý nước Nga bằng trái tim ».

Nước Nga càng bị khó khăn, càng bị dồn vào chân tường, tinh thần dân tộc của họ lại càng vừng mạnh và họ lại vượt lên. Cho nên, mặc dù bị cấm vận trong ba năm qua, nhưng người Nga không vì thế mà nản lòng, cũng không vì thế mà chê trách hay lên án tổng thống và chính phủ. Đây là một tính cách đặc biệt Nga. Vì thế, trong thời gian tới, chính sách của Liên Minh Âu Châu, dù cấm vận hay không cấm vận, trên thực tế không ảnh hưởng gì đối với chính sách của nước Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.